Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Quy hoạch Khu du lịch Thác bản Giốc

0
159
Thác Bản Giốc
Thác Bản Giốc

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch thác Bản Giốc và Quy hoạch chi tiết Khu trung tâm du lịch thác Bản Giốc. Theo đó, quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch thác Bản Giốc (tỷ lệ 1/5.000 và Quy hoạch chi tiết Khu trung tâm du lịch thác Bản Giốc (tỷ lệ 1/500). Phạm vi lập Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch thác Bản Giốc có quy mô 1.000 ha; phạm vi lập quy hoạch chi tiết Khu trung tâm du lịch thác Bản Giốc có quy mô 156,7 ha.

Phát triển Khu du lịch thác Bản Giốc trở thành trọng điểm du lịch của tỉnh Cao Bằng và của Quốc gia, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh và khu vực gắn với bảo vệ an ninh quốc phòng. Theo quy hoạch, đến năm 2020, khách du lịch khoảng 750.000 lượt khách; tổng số buồng phòng phục vụ nhu cầu lưu trú khoảng 1.010 phòng; đến năm 2030, khách du lịch khoảng 1.200.000 lượt khách; tổng số buồng phòng phục vụ nhu cầu lưu trú khoảng 1.750 phòng.

Theo Quy hoạch chi tiết Khu trung tâm du lịch Thác Bản Giốc, cảnh quan Khu trung tâm du lịch thác Bản Giốc được tổ chức thành 4 khu vực: Khu vực cảnh quan thác Bản Giốc; khu vực cảnh quan dọc theo sông Quây Sơn; khu vực cảnh quan sinh thái lâm nghiệp đồi núi và Khu vực cảnh quan sinh thái nông nghiệp.

Trong đó, khu vực cảnh quan thác Bản Giốc có tổng diện tích khoảng 20 ha, gìn giữ, bảo tồn và phát huy các khu vực cảnh quan đặc trưng hiện hữu gồm: Khu vực thác nước chính, thác nước phụ; cánh đồng lúa; đồi thông; lạch suối; hệ thống cây xanh lâu năm. Cải tạo hệ thống cây bụi, cây tạp bằng cây xanh cảnh quan phù hợp với đặc điểm điều kiện tự nhiên tại khu vực và không che chắn tầm nhìn đến khu vực thác nước.

Bên cạnh đó, cải tạo chỉnh trang các công trình xây dựng và xen một số công trình dịch vụ du lịch thiết yếu phục vụ du lịch. Khu vực cảnh quan mặt nước sông Quây Sơn có tổng diện tích khoảng 22 ha, phạm vi xác định trong hành lang thoát lũ của sông Quây Sơn. Gìn giữ, bảo tồn, chỉnh trang cảnh quan hiện hữu. Tổ chức các loại hình du lịch đặc trưng gắn với dòng sông. Bổ sung hệ thống cầu gỗ cảnh quan liên kết các cồn trên sông để phục vụ đi bộ, khai thác du lịch. Tổ chức bến thuyền du lịch kết hợp công trình dịch vụ tiếp giáp với bờ sông với quy mô xây dựng khoảng 1000 m2. Quá trình bảo tồn, cải tạo chỉnh trang và xây dựng không được ảnh hưởng tới chất lượng môi trường nước và cảnh quan tự nhiên của dòng sông.

Quy hoạch Khu vực cảnh quan sinh thái nông nghiệp có tổng diện tích 31 ha, phạm vi là toàn bộ không gian sinh thái nông nghiệp trồng lúa, hoa màu gồm các cánh đồng: Toỏng Đưa, Nà Gạo, Tô Ma và Nà Giao. Bảo tồn, gìn giữ, đảm bảo vùng đệm với cảnh quan tự nhiên. Trong đó, khu vực Đồng Nà Gạo định hướng trở thành công viên cảnh quan chuyên đề, kết hợp một số công trình dịch vụ du lịch.

Là khu du lịch có cảnh quan hấp dẫn nhưng cơ sở hạ tầng, dịch vụ du lịch còn thiếu và yếu nên chưa khai thác hết hiệu quả tiềm năng của khu du lịch này. Việc Chính phủ chính thức phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch thác Bản Giốc và Quy hoạch chi tiết Khu trung tâm du lịch thác Bản Giốc được đánh giá là rất cần thiết để đáp ứng các yêu cầu phát triển, quản lý, nâng cao hiệu quả kinh tế, phát triển du lịch gắn với an ninh quốc phòng vùng biên giới.

PV.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here