Thứ trưởng Trần Quốc Khánh: 20 năm qua, công tác phòng vệ thương mại là một điểm sáng

0
50
(Toàn cảnh Hội nghị)
(Toàn cảnh Hội nghị)

Ngày 27/12/2022, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị tổng kết 20 năm công tác phòng vệ thương mại của Việt Nam nhằm đánh giá tình hình thực hiện pháp luật về phòng vệ thương mại trong thời gian qua; chia sẻ thông tin về kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế và thảo luận các giải pháp, định hướng chính sách phòng vệ thương mại để góp phần bảo vệ tốt hơn lợi ích chính đáng của nền kinh tế.

Khẳng định vai trò chiến lược

Báo cáo tại hội nghị, ông Lê Triệu Dũng – Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương biết, giai đoạn 2002 – 2022 chứng kiến sự đa dạng trong quan hệ thương mại song phương, quan hệ thương mại đa phương trên thế giới.

Nếu trong giai đoạn 2002 – 2011, tự do hóa diễn ra theo xu hướng toàn cầu hóa thì trong thập kỷ sau đó (tức là giai đoạn 2011 – 2022), tự do hóa được các quốc gia định hình theo hướng khu vực. Trong vòng 20 năm qua, trên thế giới đã có rất nhiều FTA song phương, đa phương được ký kết, tạo ra những kết nối mạnh mẽ giữa từng đối tác và từng nhóm đối tác riêng.

Trước sự đa dạng trong quan hệ thương mại của các nước, các khu vực trên thế giới, bên cạnh những thuận lợi về giảm thuế nhập khẩu, thực tiễn cho thấy xu thế bảo hộ của nhiều đối tác lớn của chúng ta đang gia tăng.

Theo ông Lê Triệu Dũng, việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại được xem là một phần quan trọng trong chính sách thương mại quốc tế của mỗi quốc gia bởi mục đích là bảo vệ hoặc hỗ trợ ngành sản xuất trong nước trong quá trình hội nhập, tự do hóa.

Số liệu thống kê của WTO, tính từ khi WTO thành lập đến hết tháng 11/2022, các nước đã điều tra tổng cộng hơn 6.400 vụ chống bán phá giá, hơn 640 vụ việc chống trợ cấp, hơn 400 vụ việc tự vệ.

Trong bối cảnh đó, do năng lực xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam tăng nhanh, nên hàng hóa xuất khẩu Việt Nam trở thành đối tượng của các biện pháp phòng vệ thương mại của các đối tác thương mại. Tính đến hết tháng 11/2022, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã bị 22 quốc gia/vùng lãnh thổ điều tra áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại với tổng cộng 225 vụ việc phòng vệ thương mại.

Không chỉ những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn như sản phẩm gỗ, cá tra, cá basa, tôm, da giày, dệt may, thép… mà các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu nhỏ hơn như mật ong, gạch men, giấy bọc thuốc lá… cũng đã bị điều tra phòng vệ thương mại.

Cùng với hoạt động ứng phó các vụ việc phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương đã xử lý 5 vụ việc giải quyết tranh chấp tại WTO. Trong đó, 3 vụ việc đã kết thúc và mang lại kết quả tích cực cho Việt Nam bao gồm Việt Nam khởi kiện biện pháp chống bán phá giá tôm của Hoa Kỳ; Việt Nam khởi kiện biện pháp tự vệ với sản phẩm tôn lạnh của Indonesia. Về cơ bản, các kết luận của Cơ quan giải quyết tranh chấp của WTO theo hướng có lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Ở chiều ngược lại, ngành sản xuất trong nước cũng đối mặt với sức cạnh tranh gay gắt đến từ hàng hóa nhập khẩu, đặc biệt từ các nền kinh tế có quy mô sản xuất lớn, giá cả cạnh tranh. “Chính vì vậy, bên cạnh nguy cơ bị nước ngoài điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu, việc mở cửa mạnh mẽ cũng đòi hỏi việc điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại để đảm bảo môi trường cạnh tranh bình đẳng cho sản xuất trong nước”- ông Dũng cho hay.

Bộ Công Thương đã khởi xướng điều tra áp dụng tổng cộng 25 vụ việc phòng vệ thương mại. Nhờ việc áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại hợp lý, phù hợp với cam kết quốc tế, các ngành sản xuất trong nước được bảo vệ trước những hành vi cạnh tranh không bình đẳng, từ đó tạo điều kiện để các ngành sản xuất trong nước phát triển, tạo thêm việc làm và giá trị gia tăng cho nền kinh tế.

Thực hiện các chủ trương của Đảng và Nhà nước, công tác phòng vệ thương mại của Việt Nam diễn ra trong quá trình gia nhập WTO, một trong những yêu cầu được đặt ra với Việt Nam là hoàn thiện về pháp luật và thể chế nhằm thực thi các cam kết của WTO. Theo đó, các pháp lệnh và nghị định quy định và hướng dẫn áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đã được ban hành, xây dựng nên cơ sở pháp lý, thể chế và chính sách về lĩnh vực phòng vệ thương mại.

Đến nay, ông Lê Triệu Dũng đánh giá, hệ thống pháp luật phòng vệ thương mại của Việt Nam đã tương đối hoàn thiện, các nội dung quy định của pháp luật phòng vệ thương mại của Việt Nam đều tuân thủ các quy định của hệ thống Hiệp định WTO về các biện pháp phòng vệ thương mại cũng như các cam kết quốc tế mà chúng ta đã ký kết.

Trong đó, về công tác xây dựng thể chế về phòng vệ thương mại, năm 2017, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Phòng vệ thương mại gồm 4 phòng chuyên môn, 1 văn phòng và 1 trung tâm. Đối với công tác xây dựng chính sách thực thi phòng vệ thương mại, Chính phủ đã ban hành một số nghị quyết, đề án và chương trình hành động trong lĩnh vực phòng vệ thương mại gắn với các mục tiêu và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội nói chung và của ngành Công Thương nói riêng.

Tiếp tục phải chủ động hoàn thiện hệ thống về phòng vệ

Phát biểu hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, kể từ khi thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về đa dạng hoá các quan hệ quốc tế, chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam đã từng bước hội nhập vào kinh tế toàn cầu, chính thức trở thành thành viên WTO vào năm 2007, ký kết và tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có nhiều FTA thế hệ mới.

Cùng với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhấn mạnh, xuất nhập khẩu của Việt Nam đã thay đổi cơ bản, đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng. Điều này được thể hiện rõ nhất qua hoạt động ngoại thương.

Cụ thể, nếu như kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam năm 2001 mới đạt hơn 30 tỷ USD thì 6 năm sau (năm 2007) con số này đã là 100 tỷ USD; và năm 2022 dự kiến con số này là khoảng 732 tỷ USD, tăng hơn 24 lần so với năm 2001, đưa Việt Nam vào Top 20 nền kinh tế có quy mô ngoại thương lớn nhất trên thế giới. Trong cùng giai đoạn, xuất khẩu đã tăng từ mức 15 tỷ USD vào năm 2001 lên gần 50 tỷ USD năm 2007 và đạt gần 371,5 tỷ USD vào năm 2022 (tăng gần 25 lần).

Song song với quá trình mở cửa, nhu cầu bảo vệ hàng hoá xuất nhập trước xu thế bảo hộ gia tăng; cũng như gia tăng nhu cầu sử dụng công cụ phòng vệ thương mại để đảm bảo cạnh tranh công bằng cho hàng hoá trong nước trước bối cảnh hàng hoá nước ngoài xâm nhập vào thị trường Việt Nam.

Vì vậy, 20 năm qua, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh khẳng định, công tác phòng vệ thương mại là một điểm sáng, khẳng định vai trò chiến lược, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, giúp các ngành sản xuất trong nước phát triển. Các hoạt động hỗ trợ các ngành xuất khẩu trong quá trình xử lý các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài đã giúp cho các doanh nghiệp xuất khẩu hưởng lợi, góp phần giữ vững và mở rộng thị trường sang các thị trường quan trọng. “Tác động của công tác phòng vệ thương mại thể hiện rõ nét qua sự ổn định, phát triển của các ngành quan trọng đối với nền kinh tế như sắt thép, nhôm, thuỷ sản, đường mía”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Theo Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, từ một lĩnh vực có thể nói là hoàn toàn mới mẻ, trong những năm gần đây, công tác phòng vệ thương mại đã đạt được bước phát triển vượt bậc cả về hệ thống chính sách, pháp luật, bộ máy tổ chức và kết quả đạt được trên thực tế. Trong đó, kết quả hoạt động phòng vệ thương mại luôn nằm trong Top 10 sự kiện nổi bật của ngành Công Thương trong các năm từ 2019 tới 2022.

Hiện nay và trong giai đoạn tới, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho hay, tình hình trong nước, khu vực và thế giới được dự báo sẽ có nhiều thay đổi với những diễn biến phức tạp, khó lường. Tuy nhiên, hợp tác và phát triển vẫn tiếp tục là xu thế lớn của thời đại. Việt Nam đang đứng trước cơ hội từ việc thực thi các cam kết hội nhập với mức độ mở cửa ngày càng cao.

Để khai thác tốt cơ hội này, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nêu rõ, Việt Nam cần tiếp tục phải chủ động hoàn thiện hệ thống về phòng vệ để bảo vệ nền kinh tế, doanh nghiệp, thị trường trong nước phù hợp với các cam kết quốc tế. “Nhiệm vụ đặt ra với các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp đối với công tác phòng vệ thương mại sẽ nặng nề hơn, đặc biệt là cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, nâng cao nhận thức về phòng vệ thương mại và tăng cường cơ chế phối hợp giữa các Bộ, ngành, hiệp hội, doanh nghiệp”– Thứ trưởng nhấn mạnh.

(Hoa Quỳnh – Cấn Dũng)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here