Thu hút vốn FDI cao nhất trong 5 năm qua

0
58
Toàn cảnh họp báo Chính phủ cung cấp thông tin về tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2024. (Ảnh: Gia Thành)

Chiều 5/8, tại Hà Nội, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Người phát ngôn của Chính phủ chủ trì họp báo Chính phủ cung cấp thông tin về tình hình kinh tế – xã hội tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2024. Họp báo diễn ra ngay sau phiên họp thường kỳ của Chính phủ.

Toàn cảnh họp báo Chính phủ cung cấp thông tin về tình hình kinh tế – xã hội tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2024. (Ảnh: Gia Thành)

Bộ trưởng Trần Văn Sơn thông tin, trong tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2024, tình hình kinh tế – xã hội tiếp tục xu hướng tích cực, nhìn chung kết quả tháng 7 cao hơn tháng 6 và tính chung 7 tháng tốt hơn so với cùng kỳ năm 2023 trên hầu hết các lĩnh vực.

Cụ thể, theo Bộ trưởng, kinh tế tiếp tục đà tăng trưởng ở cả 3 khu vực công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ và có thặng dư; 63/63 tỉnh, thành chỉ số phát triển công nghiệp tăng. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng Bảy tăng 11,2% so với cùng kỳ, tính chung 7 tháng tăng 8,5%. Lĩnh vực nông nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm an ninh lương thực. Khu vực dịch vụ duy trì đà tăng khá; khách quốc tế đến 7 tháng đạt gần 10 triệu lượt người, tăng 51% so với cùng kỳ.

Song song với đó, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn được bảo đảm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 7 tháng trong mức kiểm soát theo mục tiêu của Quốc hội. Thị trường tiền tệ cơ bản ổn định; điều hành tỷ giá, tín dụng chủ động, linh hoạt, phù hợp, bảo đảm an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Thu ngân sách nhà nước 7 tháng ước đạt 69,8% dự toán, tăng 14,6% so với cùng kỳ; nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia, bội chi ngân sách nhà nước được kiểm soát hiệu quả. Xuất nhập khẩu tiếp tục đà tăng, tính chung 7 tháng tăng 17,1%, ước xuất siêu 14,08 tỷ USD.

Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ thông tin, tính chung 7 tháng, có 139,5 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động, cao hơn số rút lui khỏi thị trường. Giải ngân vốn đầu tư công 7 tháng đạt 34,68% kế hoạch.

“Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 18 tỷ USD, tăng 10,9%; vốn FDI thực hiện đạt 12,55 tỷ USD, tăng 8,4%, cao nhất trong 5 năm qua”, Bộ trưởng nói.

Nhiều tổ chức, chuyên gia quốc tế tiếp tục đánh giá cao kết quả và triển vọng của kinh tế Việt Nam. Trong đó, Ngân hang Phát triển châu Á (ADB) nâng dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm 2024 lên 6%; Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế vĩ mô ASEAN+3 dự báo tăng 6,3%; Ngân hang HSBC dự báo tăng 6,5%…

Bên cạnh kết quả đạt được là cơ bản, vẫn còn những hạn chế, bất cập và khó khăn, thách thức. Đơn cử như sức ép chỉ đạo điều hành còn cao, nhất là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tỷ giá. Tình hình sản xuất, kinh doanh một số lĩnh vực gặp nhiều khó khăn, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường còn cao…

Trên cơ sở quan điểm chỉ đạo điều hành “Tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau tốt hơn quý trước, năm sau tốt hơn năm trước”, theo Bộ trưởng Trần Văn Sơn, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành tập trung vào các mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, phấn đấu có thặng dư cao hơn.

Bên cạnh đó, kiểm soát tốt nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài; điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách vĩ mô khác; giữ ổn định tỷ giá, thị trường ngoại hối.

Đồng thời, tăng tiếp cận vốn tín dụng, tập trung cho lĩnh vực ưu tiên, phấn đấu tăng trưởng tín dụng cả năm khoảng 15%; tiếp tục giảm lãi suất cho vay; có giải pháp đẩy nhanh thực hiện gói tín dụng nhà ở xã hội 120 nghìn tỷ đồng…

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phấn đấu tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách Nhà nước; quyết liệt triển khai chuyển đổi số, áp dụng hóa đơn điện tử trong quản lý thu; triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, với nguyên tắc vốn tiết kiệm tập trung đầu tư cho một dự án cụ thể; triển khai hiệu quả các chính sách gia hạn, miễn, giảm thuế, phí, lệ phí.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra; bảo đảm ổn định thị trường, giá cả các hàng hóa thiết yếu, xăng, dầu, lương thực, thực phẩm, nhà ở, điện; chuẩn bị kỹ, đánh giá tác động, có lộ trình điều chỉnh giá phù hợp các dịch vụ do Nhà nước quản lý như giáo dục, y tế; kiên quyết không để thiếu, bảo đảm cung ứng đủ điện, xăng dầu, đáp ứng yêu cầu sản xuất và tiêu dùng trong mọi tình huống…

Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ rõ, các bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền xử lý dứt điểm các vấn đề tồn đọng, kéo dài, đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, dự án hạ tầng quan trọng, trọng điểm quốc gia; khẩn trương phân bổ 26,5 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư công còn lại, trong đó lưu ý theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai, kịp thời có giải pháp ứng phó và hỗ trợ người dân vùng bị ảnh hưởng của thiên tai.

Gia Thành

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here