THU HÚT NGUỒN VỐN TỪ CÁC QUỸ ĐẦU TƯ QUỐC GIA CÁC NƯỚC VÙNG VỊNH

0
85
Thủ đô Abu Dhabi - Ả rập Xê Út (Ảnh: Internet)
Quỹ đầu tư quốc gia (Sovereign Wealth Fund – SWF) là những quỹ đầu tư thuộc quyền sở hữu và quản lý của Nhà nước, đầu tư vào tài sản tài chính và có chính sách đầu tư chủ đạo hướng đến những mục tiêu kinh tế vĩ mô.
Hơn 20 năm trước, SWF chưa được coi là thực thể tài chính quan trọng. Tuy nhiên, trong suốt cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2010, SWF bắt đầu thu hút sự chú ý bằng cách nắm giữ cổ phần lớn của các ngân hàng và dần nổi lên trong các lĩnh vực đầu tư toàn cầu. Trong những năm gần đây, các Quỹ SWF trên thế giới được hình thành và phát triển nhanh chóng cả về số lượng, quy mô và mức độ chuyên sâu trong các hoạt động đầu tư tại ngay chính các quốc gia sở tại cũng như các quốc gia nhận đầu tư. Quan điểm và cách thức đầu tư của SWF đã trở nên tinh vi hơn, chọn lọc hơn, chiếm giữ cổ phần lớn trong các công ty nước ngoài và tăng tính đa dạng trong các khoản đầu tư. Tính đến hết tháng 02/2023, các SWF có hơn 11.000 tỷ USD. Đặc biệt nổi lên là các SWF tại khu vực vùng Vịnh (GCC) với mức tăng trưởng mạnh mẽ về tài sản sở hữu do được hưởng lợi từ nguồn thu dầu mỏ. Sức ảnh hưởng của các SWF vùng Vịnh đang ngày một lớn và giữ vai trò quan trọng đối với hệ thống tài chính thế giới. Đối với các nước GCC giàu tài nguyên, các quỹ SWF đã trở thành công cụ quan trọng trong việc phát triển và đa dạng hóa nền kinh tế của các nước khu vực này. Theo thống kê của Swfinstitude, hiện nay tại khu vực Trung Đông có hơn 20 quỹ đầu tư SWF.
Tiềm năng của SWF các nước Vùng Vịnh
– Về quy mô, tiềm năng của các Quỹ đầu tư Vùng Vịnh
Các SWF Vùng Vịnh quản lý khoảng 40% tài sản toàn cầu của các SWF. Các quỹ này đang tập trung vào việc tạo ra lợi nhuận lớn hơn thông qua đa dạng hóa danh mục đầu tư của mình. Các mục tiêu đầu tư chiến lược của các quỹ thường tập trung vào ưu đãi để thâm nhập lĩnh vực mới trên quy mô lớn; ưu đãi tăng cường quan hệ với đối tác; ưu đãi đầu tư vào nền kinh tế hoặc lĩnh vực của tương lai; thỏa thuận để tăng sức mạnh mềm và sự hiện diện cũng như hình ảnh của quốc gia đối với thế giới; thỏa thuận nhằm xây dựng vị trí đứng đầu khu vực thông qua các công ty thuộc SWF.
– Phân bổ vốn đầu tư của các Quỹ Vùng Vịnh
Lợi nhuận và ngân sách của các quỹ đầu tư thuộc các nước Trung Đông được chú trọng nhiều cho đầu tư phát triển đa dạng các ngành, lĩnh vực trong nước. Điều này nằm trong mục tiêu dần tránh phụ thuộc kinh tế vào nguồn tài nguyên dầu khí sẽ giảm dần trong tương lai và đảm bảo cho lợi ích của người dân. Xu hướng cụ thể dễ dàng nhận thấy như việc UAE đã thành lập Công ty Phát triển Mubadala vào năm 2002 để đa dạng hóa nền kinh tế và thúc đẩy phát triển, trong đó du lịch đã tăng trưởng theo cấp số nhân. Ả-rập Xê-út sử dụng lợi nhuận từ Quỹ đầu tư công (PIF) để tài trợ cho nhiều dự án trong nước, một trong đó là việc tài trợ cho siêu dự án cơ sở hạ tầng NEOM – một thành phố thông minh và trung tâm công nghệ, đổi mới, sáng tạo. Các Quỹ của Ả-rập Xê-út chủ yếu phân bổ đầu tư trong nước phục vụ cho Chiến lược Tầm nhìn Saudi 2030, chỉ một phần không lớn trong số vốn của họ được đầu tư ra nước ngoài (như PIF chỉ khoảng 10-15%). Quỹ đầu tư của các nước trong khu vực Trung Đông cũng được sử dụng để bù đắp thâm hụt ngân sách của chính phủ, phát triển ngành dịch vụ (đặc biệt là dịch vụ du lịch), phát triển ứng dụng công nghệ cao, tham gia đầu tư – tài trợ cho các hoạt động thể thao, văn hóa quốc tế, đầu tư cho nền nông nghiệp nội địa.
Một số quỹ đầu tư lớn nổi bật tại Vùng Vịnh như: (i) Cơ quan đầu tư Abu Dhabi (ADIA) của UAE hiện có tổng giá trị 993 tỷ USD với danh mục đầu tư đáng kể vào các thị trường trên thế giới bao gồm 45%- 60% tại khu vực Bắc Mỹ, 15%-30% tại khu vực Châu Âu và đang tăng mạnh tại các thị trường đang phát triển mới nổi. Gần đây, quỹ này đã tăng cường đầu tư vào Châu Á như Singapore, Ấn Độ; (ii) Cơ quan đầu tư Kuwait (KIA) được thành lập năm 1953, hiện có tổng giá trị 969 tỷ USD tập trung đa số tại các thị trường Châu Mỹ, Châu Âu, Châu Á và các thị trường mới nổi.
Xu hướng đầu tư của các SWF Vùng Vịnh
Thứ nhất, các quỹ SWF Vùng Vịnh có xu hướng tìm kiếm các khoản đầu tư có quy mô lớn. Với nguồn tiền khổng lồ từ xuất khẩu dầu, các quỹ SWF vùng Vịnh có xu hướng tham gia vào các dự án có quy mô rất lớn, từ đó có nhiều tác động đối với nền kinh tế trong nước và quốc tế. Những dự án quy mô lớn không chỉ mang lại lợi nhuận hấp dẫn mà còn góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế dài hạn và nâng cao vị thế của các quốc gia vùng Vịnh trên bản đồ kinh tế toàn cầu. Tại Ả-rập Xê-út, quỹ PIF đóng vai trò trung tâm trong việc tài trợ cho các siêu dự án như NEOM, một thành phố thông minh với tổng vốn đầu tư hàng trăm tỷ USD.
Thứ hai, các SWF cũng rất chú trọng đến mức độ rủi ro của các khoản đầu tư. Họ thường lựa chọn các khoản đầu tư ít rủi ro và có mức độ an toàn cao. Quỹ ADIA của UAE dành 32% – 42% vốn để đầu tư vào cổ phiếu của các thị trường phát triển, dành thêm 7% – 15% vốn đầu tư vào trái phiếu chính phủ, trong khi chỉ dành 7% – 15% vốn để đầu tư vào cổ phiếu của các thị trường mới nổi do lo ngại độ rủi ro của các thị trường này (ADIA 2024). Ngoài ra, các SWF của GCC cũng tập trung đầu tư vào các bất động sản lớn do tính ổn định, khả năng sinh lời và khả năng tăng giá trị trong dài hạn của các tài sản này. Theo The Guardian, công ty Qatari Diar thuộc quỹ QIA đã mua và nắm giữ 4.000 bất động sản ở Anh bao gồm toà nhà The Shard cao nhất nước Anh và tòa nhà One Canada Square cao thứ 3 nước Anh. Các quỹ SWF khác cũng đầu tư mạnh vào bất động sản ở các trung tâm tài chính lớn như London và New York, những khu vực có thị trường bất động sản ổn định và ít biến động hơn. Việc đầu tư vào các tài sản này mang lại sự ổn định về dòng tiền và giảm thiểu rủi ro liên quan đến biến động thị trường toàn cầu.
Thứ ba, các quỹ SWF vùng Vịnh tập trung vào tầm nhìn dài hạn, tạo ra giá trị bền vững lợi nhuận dài hạn, ổn định. Với nguồn gốc tài chính hầu hết từ dầu mỏ, các quỹ này không chỉ tìm cách tối đa hóa lợi nhuận ngắn hạn mà còn phải đảm bảo rằng các khoản đầu tư của họ tạo ra giá trị bền vững trong nhiều thập kỷ tới. Điều này rất quan trọng bởi vì các quỹ này được thành lập để bảo vệ tài sản quốc gia, đảm bảo an ninh tài chính cho tương lai và duy trì sự phát triển bền vững của nền kinh tế.
Thứ tư, đa dạng hoá địa bàn đầu tư. Các khoản đầu tư của các quỹ SWF vùng Vịnh thường trải rộng trên hàng chục quốc gia trên thế giới nhằm giảm thiểu rủi ro địa chính trị và kinh tế từ một quốc gia hoặc một khu vực cụ thể, đồng thời tận dụng các cơ hội tăng trưởng ở những thị trường mới nổi. ADIA đã đầu tư vào hơn 50 quốc gia và tập trung vào các thị trường phát triển như Mỹ và châu Âu, nhưng cũng không bỏ qua các thị trường mới nổi như châu Á và châu Phi. PIF tuyên bố dành khoảng 21% vốn đầu tư để đầu tư vào 12 công ty quốc tế có trụ sở tại nhiều nước như Mỹ, Pháp, Nga, Brazil, Thụy Sĩ… . ICD cho biết đang đầu tư vào 6 châu lục, 86 quốc gia. KIA có hoạt động đầu tư tại châu Mỹ, châu Âu, châu Á – Thái Bình Dương và nhiều thị trường mới nổi. QIA công bố quỹ này đang đầu tư vào hơn 50 quốc gia trên toàn thế giới.
Thứ năm, đa dạng hoá danh mục đầu tư nhằm giảm thiểu rủi ro. Một trong các ngành được tất cả các quỹ SWF của vùng Vịnh lựa chọn đầu tư vào là năng lượng tái tạo, trong đó quỹ ADIA có danh mục đầu tư đáng kể vào năng lượng tái tạo với 15 GW sản lượng năng lượng tái tạo từ khắp các tài sản đặt tại Ấn Độ, Mỹ và Vương quốc Anh. Quỹ đầu tư Qatar (QIA) đã đầu tư mạnh vào các dự án hạ tầng toàn cầu như sân bay Heathrow ở Anh và các dự án năng lượng tại Mỹ. Sự ổn định của những tài sản này giúp QIA không chỉ bảo toàn giá trị vốn mà còn đảm bảo dòng thu nhập liên tục. Mubadala, một quỹ khác của UAE, đã đầu tư vào các ngành công nghiệp công nghệ cao và chăm sóc sức khỏe với các khoản đầu tư chiến lược vào công nghệ bán dẫn và năng lượng sạch.
Cách thức quản lý đầu tư
Các SWF có các cách thức quản lý đầu tư khác nhau, có thể đầu tư trực tiếp vào các dự án hoặc thông qua các công ty quản lý quỹ uy tín. Tùy theo chiến lược, triết lý và mục tiêu của mình mà các quỹ đưa ra phương án đầu tư khác nhau. PIF vừa thông qua chuyên gia nội bộ để đầu tư vào các dự án nội địa như NEOM nhưng đồng thời cũng hợp tác với hợp tác với các công ty tài chính và quỹ đầu tư lớn như Bain & Company, Ngân hàng hợp tác quốc tế Nhật Bản, tổng công ty đầu tư Chính phủ Singapore để đầu tư trong một số dự án quốc tế. ADIA trao quyền cho các chuyên gia đầu tư nội bộ của ADIA để có cái nhìn toàn cầu về các cơ hội, cả trong và giữa các loại tài sản của họ. ADIA cũng khuyến khích các chuyên gia của họ có chiến thuật trong việc ứng phó với các cơ hội hoặc xu hướng mới hấp dẫn. QIA có xu hướng tự quản lý các khoản đầu tư lớn vào các công ty quốc tế, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng, công nghệ và bất động sản. Trong khi đó, KIA thường xuyên sử dụng các công ty quản lý quỹ bên ngoài để điều hành một phần danh mục đầu tư quốc tế của mình.
Xu hướng đầu tư của các SWF Vùng Vịnh trong thời gian tới
Dự báo, xu hướng đầu tư của các SWF tại vùng Vịnh sẽ có những sự thay đổi, điều chỉnh để phù hợp với tình hình mới.
– Về chiến lược: các nước vùng Vịnh sẽ điều chỉnh kế hoạch đầu tư của mình để không chỉ đáp ứng, phục vụ nhu cầu phát triển mà còn để thích ứng với tình hình mới. Do đó, các quỹ đầu tư sẽ có hai lựa chọn, gồm (i) tiếp tục với các đối tác, thị trường hiện nay và/hoặc (ii) mở rộng khu vực đầu tư của mình tới những địa bàn mới, mà cụ thể là các quốc gia về phía Đông. Năm 2023 cũng ghi nhận việc các quỹ đầu tư hàng đầu từ các nước như Ả-rập Xê-út, UAE, Qatar cân bằng giữa những thị trường truyền thống và các thị trường tiềm năng từ các quốc gia đang phát triển, trong đó bao gồm Ấn Độ, Brasil, Indonesia,…; tỉ lệ đầu tư vào thị trường này từ các quỹ đầu tư hàng đầu của vùng Vịnh tăng gấp 2,6 lần so với năm 2022.
– Về địa lý: Trong thời gian tới, việc đầu tư của các SWF Vùng Vịnh được nhận định sẽ còn tiếp tục vận động theo hướng đảm bảo sự đa dạng trong danh mục đầu tư, qua đó hạn chế rủi ro cũng như tối đa hoá lợi nhuận có thể thu về. Ngoài các thị trường truyền thống, hoạt động đầu tư của vùng Vịnh đang có xu hướng mở rộng, trong đó đặc biệt là xu hướng dịch chuyển sang Trung Quốc – kết quả của các hoạt động trao đổi, xúc tiến của Trung Quốc đối với một số quốc gia trọng điểm trong khu vực nói riêng và Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC) nói chung.
Về lĩnh vực đầu tư: Các quỹ đầu tư vùng Vịnh tiếp tục chú trọng vào các tài sản ít biến động, có khả năng sinh lời cao như bất động sản, chứng khoán, dầu mỏ,.. Tuy vậy, khi các thị trường bị ảnh hưởng bởi những cú sốc kinh tế dồn dập, danh mục đầu tư được trải rộng ra trên nhiều lĩnh vực phù hợp với xu hướng hiện nay, từ kinh tế phi dầu mỏ, dịch vụ tới ngành công nghiệp văn hoá, công nghiệp giải trí,… Một xu hướng có thể thấy rõ là dòng chảy đầu tư ngày càng tăng của các quốc gia vùng Vịnh vào một số ngành lĩnh vực ưu tiên, được quan tâm và mới nổi như phát triển bền vững, sản xuất năng lượng tái tạo, công nghệ trí tuệ nhân tạo…
Cho tới nay, việc thu hút đầu tư từ các nước vùng Vịnh của Việt Nam còn gặp nhiều hạn chế. Theo thống kê chính thức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư năm 2021, các quốc gia Trung Đông có 135 dự án FDI tại Việt Nam với tổng số vốn trên 900 triệu USD. Đây là con số còn khiêm tốn so với tổng vốn đầu tư vào Việt Nam (36,6 tỷ USD năm 2023). Lĩnh vực đầu tư nhận được sự quan tâm, tham gia tích cực nhất từ các nhà đầu tư, đối tác vùng Vịnh vào Việt Nam là năng lượng và cơ sở hạ tầng. Riêng các dự án phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng xanh được các quốc gia như UAE và Qatar rất coi trọng.
Thực trạng này là do về mặt khách quan, các quốc gia vùng Vịnh hiện vẫn xem trọng các thị trường phát triển và tiềm năng hơn như các nước phương Tây hoặc một số quốc gia ở Đông Á. Việc giữ vốn đầu tư ở đây giúp đảm bảo các mục tiêu phát triển và nguồn thu hàng năm cũng như dài hạn. Về mặt chủ quan, Việt Nam chưa xây dựng tốt các chính sách thu hút đầu tư cũng như tạo môi trường thực sự thông thoáng cho các nhà đầu tư vùng Vịnh, đồng thời thiếu các hoạt động xúc tiến đầu tư cả về song phương lẫn đa phương.
Một số kiến nghị nhằm thu hút dòng vốn của các SWF trên thế giới nói chung và Vùng Vịnh nói riêng vào thị trường Việt Nam:
– Thứ nhất, mặc dù các bộ phận của thị trường tài chính Việt Nam cơ bản được hình thành, các sản phẩm, công cụ tài chính từng bước được đa dạng hóa và chất lượng dịch vụ tài chính không ngừng được nâng cao, công tác quản lý nhà nước đối với thị trường tài chính được thể chế hóa từng bước và ngày càng được hoàn thiện. Tuy nhiên, sự phát triển của thị trường tài chính Việt Nam cũng còn một số hạn chế. Do đó, việc đầu tư nguồn lực phát triển thị trường tài chính và môi trường đầu tư Việt Nam cần được đẩy mạnh trong thời gian tới.
Thứ hai, ban hành cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư như chính sách ưu đãi về thuế (mức thuế thấp, kéo dài thời gian miễn giảm thuế…), các ưu đãi tín dụng, thủ tục hành chính…
– Thứ ba, hoàn thiện khung pháp lý đối với các quy định về đầu tư chứng khoán, thị trường bất động sản, quy định thuận lợi về ngoại hối.
– Thứ tư, quản lý và cung cấp các thông tin, chính sách rõ ràng cho nhà đầu tư. Những biện pháp can thiệp kịp thời vào các vấn đề đang tồn tại trên thị trường chứng khoán cần được tiến hành như: điều tra, tìm hiểu nguyên nhân, đưa ra những hình thức xử lý đối với các trường hợp sai phạm trong công bố thông tin, xây dựng các trung tâm cơ sở dữ liệu chuyên nghiệp cung cấp số liệu về tình hình tài chính, hiệu quả hoạt động của các công ty, các ngành kinh tế… tạo điều kiện cho thị trường chứng khoán phát triển vững chắc. Đây là yếu tố quan trọng để hưởng tới việc nâng hạng thị trường. Mặt khác, các Quỹ Vùng Vịnh thường có xu hướng ủy thác cho các quỹ, công ty quốc tế để điều hành một phần danh mục đầu tư quốc tế của mình, do đó nếu có một nguồn thông tin minh bạch, đáng tin cậy để các quỹ này khảo sát, tìm kiếm về thị trường Việt Nam sẽ tăng khả năng thu hút nguồn vốn từ các Quỹ Vùng Vịnh.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here