“Thời cơ vàng” cho xuất khẩu gạo của Việt Nam

0
112
Việt Nam vẫn đang đứng trước “thời cơ vàng” để xuất khẩu gạo. (Nguồn: VnEconomy)

Trong bối cảnh khi Ấn Độ chưa mở cửa xuất khẩu gạo trở lại, Philippines đã hết tồn kho, Indonesia, các nước châu Phi cũng tăng nhập hàng…Việt Nam vẫn đang đứng trước “thời cơ vàng” để xuất khẩu gạo.

Việt Nam vẫn đang đứng trước “thời cơ vàng” để xuất khẩu gạo. (Nguồn: VnEconomy)

Nhiều doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo cho biết do đang vào cuối vụ thu hoạch, lượng lúa gạo dành cho xuất khẩu không còn nhiều, trong khi Indonesia và một số nước liên tục đặt hàng mua gạo Việt Nam cũng tăng liên tục với mức cao nhất trong vài năm qua.

Ông Phạm Thái Bình – chủ tịch HĐQT Công ty CP công nghệ cao Trung An (TP Cần Thơ) – cho hay gạo 5% tấm được doanh nghiệp này bán với giá 670 – 680 USD/tấn, gạo 25% tấm khoảng 655 USD/tấn, mức giá gạo cao nhất từ trước đến nay.

Là doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực xuất khẩu gạo của Việt Nam, ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời cho rằng, giá gạo xuất khẩu tăng mạnh như hiện nay được xem là “thời cơ vàng” cho xuất khẩu gạo của Việt Nam, đặc biệt là vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Kết quả 9 tháng năm 2023, doanh thu thuần của Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời đạt hơn gần 7.000 tỷ đồng, tăng 4% so cùng kỳ năm 2022; trong đó, mảng lương thực (lúa, gạo) tiếp tục là “đầu tàu”, mang về gần 5.000 tỷ đồng doanh thu, tăng 25% so với cùng kỳ.

“Những lệnh cấm xuất khẩu của một số nước trên thế giới hiện nay không ảnh hưởng đến tình hình lúa gạo của Việt Nam; ngược lại, chúng ta đang có khả năng bán được nhiều hơn, dựa trên diện tích lúa có thể tăng được. Đặc biệt, vụ Thu Đông 2023, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long dự kiến tăng thêm 50.000 – 60.000 ha lúa, tương đương với 100.000 – 150.000 tấn gạo ra thị trường quốc tế. Đây là dịp để Việt Nam tiếp tục khẳng định vị thế của một cường quốc xuất khẩu gạo của thế giới”, ông Nguyễn Duy Thuận chia sẻ.

Theo ông Thuận, để đón đầu cơ hội, hiện nay Lộc Trời đang dự trữ 200.000 tấn gạo và có những hợp đồng mới, sẵn sàng xuất khẩu từ nay đến giữa tháng 11/2023. Mỗi ngày, tập đoàn chi từ 50 – 70 tỷ đồng mua lúa ở các vùng liên kết. Lượng lúa vẫn tiếp tục về đều đặn trong suốt vụ Hè Thu, Thu Đông 2023, đảm bảo sản lượng và giá hợp đồng đã cam kết với đối tác nhập khẩu nước ngoài.

Ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời nhận định, về lâu dài, để tận dụng tốt thời cơ xuất khẩu gạo hiện nay, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam cần tiếp tục mở rộng vùng trồng để tăng sản lượng lúa cho xuất khẩu; tổ chức sản xuất lớn bắt đầu từ đơn hàng; xây dựng vùng nguyên liệu đảm bảo cung ứng đầy đủ, theo tiến độ mùa vụ nguồn giống, thuốc, phân bón, dịch vụ nông nghiệp và bao tiêu đầu ra cho nông dân. Đồng thời, đa dạng chủng loại gạo phù hợp thị trường quốc tế, đáp ứng tiêu chuẩn xuất gạo vào các thị trường cao cấp, như: EU, Hoa Kỳ, Canada, Australia…

Cùng quan điểm, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex) Huỳnh Thanh Tùng nhận định, tình hình giá lúa gạo hiện nay là cơ hội lớn cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam.

“Angimex đang tiếp tục thực hiện chuỗi liên kết bền vững với nông dân, bạn hàng, đối tác, khách hàng để ổn định về mặt nguyên liệu, vật tư đầu vào và tiêu thụ sản phẩm đầu ra; đảm bảo duy trì tính ổn định cho hoạt động thu mua, sản xuất và tiêu thụ cả khi thị trường biến động”, ông Huỳnh Thanh Tùng khẳng định.

Vân Chi

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here