Thoả thuận Xanh – Một động lực mới: Không thể có chính sách môi trường châu Âu mà không tính đến yếu tố Trung Quốc

0
122
(REUTERS)
(REUTERS)

Khí hậu nóng lên là một thách thức toàn cầu. Thực tế là khí gây hiệu ứng nhà kính không dừng lại ở các đường biên giới. Việc bảo vệ khí hậu do đó là lợi ích chung của toàn thế giới. Hợp tác quốc tế là không thể thiếu để ngăn ngừa biến đổi khí hậu. Chính vì lý do đó mà người ta thường cho rằng có thể tách bạch giữa hợp tác quốc tế về khí hậu với các xung đột về chính trị khác. Tuy nhiên, điều đó là không chính xác, bởi một trật tự địa chính trị mới đang trong quá trình hình thành với Mỹ và Trung Quốc đang cạnh tranh cho vị trí lãnh đạo toàn cầu, và ảnh hưởng của nó thực tế đã có thể cảm nhận được ở khắp mọi nơi. EU nói chung, Pháp và Đức nói riêng, do đó cần tính đến các yếu tố địa chính trị trong triển khai một chính sách khí hậu với Trung Quốc. Trung Quốc đã làm điều này từ lâu và đại dịch còn làm tình hình trở nền phức tạp hơn. Kinh tế châu Âu trì trệ trong khi Bắc Kinh vẫn đạt tăng trưởng dương. Trong khi một nền kinh tế mạnh là điều kiện tiên quyết để thúc đẩy chuyển đổi xanh và bảo vệ khí hậu.

Sự áp đảo của Trung Quốc trong các chuỗi giá trị về công nghiệp môi trường

Đối với Bắc Kinh, bảo vệ khí hậu có nghĩa là xác lập vị trí thống trị đối với các công nghệ xanh của tương lai. Đây là một phần quan trọng của chiến lược «Made in China 2025» nhằm mục tiêu biến Trung Quốc thành quốc gia lãnh đạo toàn cầu về công nghệ, với những kết quả không thể phủ nhận : Trung Quốc là nước sản xuất ¾ số lượng tấm quang năng trên thế giới, kiểm soát hơn 1/3 thị trường điện gió và thống trị trong lĩnh vực sản xuất pin cho ô tô điện. Cùng với việc gia tăng các nỗ lực về bảo vệ khí hậu, các thị trường trên đang ngày càng trở nên quan trọng hơn và sẽ trở thành động lực cho sự thịnh vượng trong tương lai. Châu Âu sẽ ở vị thế bất lợi về kinh tế và để mất thị trường vào tay Trung Quốc nếu không khẳng định được mình trong các lĩnh vực nói trên. Đây là điều dễ nhận thấy khi nhìn vào một lĩnh vực năng lượng mặt trời của châu Âu đang «rơi tự do», lĩnh vực điện gió của Đức cũng có nguy cơ tương tự sau khi vừa trải qua năm tồi tệ thứ hai trong lịch sử. Về mặt kinh tế, Trung Quốc do đó có thể sẽ trở thành nước được hưởng lợi nhiều nhất từ quá trình chuyển đổi sinh thái. Câu hỏi cuối cùng vẫn là : ai sẽ là lãnh đạo trong kỷ nguyên mới của công nghiệp sinh thái ? Rõ ràng Trung Quốc đã quyết định giành lấy vị trí này.

Tuy nhiên, những sự phụ thuộc mới về kinh tế sẽ xuất hiện nếu như Trung Quốc trở thành nước dẫn đầu về công nghệ khí hậu. Ví dụ như lõi pin điện hiện đang là «gót chân Achille» của nền công nghiệp ô tô Đức. Và Trung Quốc cũng đang có ý đồ xác lập các tiêu chuẩn quốc tế mới trong các linh vực liên quan đến bảo vệ khí hậu. Nếu họ thống trị được các tiêu chuẩn, các doanh nghiệp châu Âu sẽ khó tiếp cận thị trường hơn. Werner von Siemens (nhà phát minh, doanh nhân lớn của Đức trong thế kỷ XIX) đã từng cảnh báo : «người xác định tiêu chuẩn sẽ nắm thị trường».

Và cuối cùng, chúng ta đang chứng kiến một cuộc cạnh tranh giữa các hệ thống kinh tế. Cuộc chiến chống lại sự nóng lên của khí hậu cũng là cuộc cạnh tranh giữa nền «kinh tế xã hội thị trường» với «chủ nghĩa tư bản nhà nước» cùng các chế độ chính trị gắn liền với nó, vốn đang được thể hiện trong một cuộc đua xem chế độ nào sẽ xác định và định hướng quá trình chuyển đổi một cách nhanh và hiệu quả hơn.

Bảo vệ khí hậu : các xung đột tiềm ẩn

Cạnh tranh với Trung Quốc xung quanh các công nghệ khí hậu cũng sẽ thúc đẩy cạnh tranh trong tiếp cận nguyên liệu đầu vào thiết yếu. Nhu cầu Coban, lithium và đất hiếm sẽ tăng chóng mặt. Trung Quốc đang theo đuổi chính sách kinh tế đối ngoại chủ động và mở rộng việc nắm giữ nhiều mỏ ở nước ngoài, bên cạnh đó họ cũng sở hữu nghiều nguyên liệu thô thiết yếu trên lãnh thổ của mình như đất hiếm. Nhiều nước hiện phụ thuộc vào tài nguyên của Trung Quốc và nước này không ngần ngại sử dụng nó như một «đòn bẩy» đại chính trị: năm 2010, trong bối cảnh khủng hoảng ngoại giao với Nhật Bản liên quan đến quần đảo Điếu Ngư – Senkaku, Bắc Kinh đã sử dụng công cụ này thông qua việc ngừng xuất khẩu cho Nhật Bản. Chính sách khí hậu sẽ có tác động đến các xung đột thương mại, Cơ chế điều chỉnh biên giới các bon (CBAM) mà châu Âu đang muốn triển khai sẽ buộc các doanh nghiệp xuất khẩu vào EU phải trả thuế cho hàm lượng các bon trong sản phẩm. Và Bắc Kinh đã thể hiện sẽ chống lại biện pháp này.

Hai mặt trong chính sách khí hậu Trung Quốc

Trên bình diện địa chính trị, Trung Quốc cũng sử dụng các biện pháp về khí hậu nhằm tăng tính hấp dẫn và thu hút sự thừa nhận quốc tế. Năm 2020, tại Đại hội đồng Liên hợp quốc, tuyên bố của Tập Cận Bình về việc Trung Quốc muốn đạt mục tiêu «trung hòa các bon» vào năm 2060 đã gây được tiếng vang. EU đặc biệt tự hào vì trước đó đã khuyên Bắc Kinh đặt ra mục tiêu này. Nhưng tuyên bố này không chỉ là một điểm sáng trên diễn đàn về chính sách khí hậu, nó còn là một động thái địa chính trị khéo léo cho phép Trung Quốc dập tắt những chỉ trích về tình hình Hồng Kông. Thêm vào đó, nó cũng là tín hiệu cho cộng đồng quốc tế thấy rằng Trung Quốc muốn đóng vai trò lãnh đạo quốc tế dù chính quyền Biden có lựa chọn quay lại cam kết với chính sách khí hậu hay không.

Tuy nhiên, giữa lời nói và thực tế luôn có một khoảng cách rất lớn. Việc Trung Quốc sẵn sàng đi đầu trong công cuộc bảo vệ khí hậu là rất rõ ràng, tuy nhiên, hơn một nửa các nhà máy điện than trên thế giới đang nằm trên lãnh thổ của họ. Chương trình phục hồi hậu Covid-19 mà Trung Quốc đang triển khai cũng rất rụt rè trên khía cạnh phát triển bền vững. Trung Quốc cũng đang triển khai chính sách năng lượng hóa thạch, đặc biệt bên ngoài biên giới của họ. Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), với việc thiết lập cơ sở hạ tầng kết nối hơn 60 nước (chủ yếu tại châu Phi) đang phớt lời các ràng buộc về khí hậu. Bên ngoài Trung Quốc, 70% số nhà máy điện than được cấp vốn bởi các ngân hàng Trung Quốc. Và hơn một nửa đầu tư của Ngân hàng châu Á về đầu tư cho cơ sở hạ tầng (AIIB) do Trung Quốc hướng vào lĩnh vực năng lượng là dành cho năng lượng hóa thạch.

Với Trung Quốc, cần có một chính sách khí hậu «thực dụng»

Điều hiển nhiên là Trung Quốc đang và vẫn sẽ là một nhân tố chủ đạo trong cuộc chiến chống lại sự nóng lên của khí hậu. Tuy nhiên sự cạnh tranh mang tính hệ thống, đặc trưng cho trật tự thế giới hiện nay, cũng là một thực tế không thể chối cãi. Thực sự, Trung Quốc đang dùng các nỗ lực về khí hậu của mình cho mục đích «bá quyền», nhằm đạt được vị trí lãnh đạo về kinh tế và công nghệ, để tạo ra các sự phụ thuộc hay duy trì ảnh hưởng quốc tế.

Pháp và Đức cần nhìn nhận thách thức này trong khuôn khổ EU. Ủy ban châu Âu tự cho mình là một «Ủy ban địa chiến lược», họ cần nhìn nhận một cách nghiêm túc tham vọng của Trung Quốc, cân nhắc chính sách khí hậu và dự án trọng điểm của mình, Thỏa thuận xanh của châu Âu (Green Deal), dưới lăng kính địa chính trị. Đáng buồn thay, sự phân vùng cách tiếp cận vẫn là quy luật: địa chính trị và «Green Deal» được xử lý một cách tách biệt. Trong một thế giới mà địa chính trị đang chi phối, Green Deal cũng cần được «địa chính trị hóa». EC cần ý thức được các rủi ro và cơ hội địa chính trị của Green Deal.

Nhằm đặt được điều này, EU cần có một chương trình rõ ràng với Trung Quốc, xác định các «lĩnh vực hợp tác» và các «lĩnh vực cạnh tranh» liên quan đến khí hậu. Hiệp định đầu tư EU – Trung Quốc (CAI) cũng cần phải được phân tích dưới góc nhìn này. Ví dụ CAI cho phép mở cửa thị trường năng lượng tái tạo của châu Âu, trong khi đó các doanh nghiệp EU đang gặp khó khăn khi tiếp cận thị trường năng lượng của Trung Quốc, vốn đang do các doanh nghiệp nhà nước chiếm lĩnh.

Trong hạng mục «cạnh tranh», rõ ràng cần phải bao gồm cuộc đua về công nghệ. Pháp và Đức cần rất nỗ lực trong công nghệ «xanh», đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng hydro (hydrogen), tái chế và các giải pháp thay thế nguyên liệu thiết yếu.

Trong khuôn khổ một «chính sách khí hậu địa chính trị», Pháp và Đức có thể đóng vai trò bổ sung cho nhau. Pháp vốn từ lâu đã có «văn hóa» chiến lược, với mạng lưới lợi ích tại châu Phi và châu Á, trong khí Đức lại có thể phát huy vai trò về công nghệ cao với mạng lưới công nghiệp dày và vị thế tài chính tốt nhất trong EU.

Với các nền tảng trên, cặp đôi Pháp-Đức cần triển khai trong ba lĩnh vực

Thứ nhất, Paris và Berlin có thể xây dựng các khuôn khổ hợp tác về nguyên liệu thô – môi trường với các nước có nhiều tài nguyên. Đức và EU đã ký các thỏa thuận hợp tác về nguyên liệu thô với một số nước. Pháp có thể tận dụng mạng lưới của mình tại châu Phi và dựa vào hệ thống ngân hàng vốn rất quen thuộc với phân khúc thị trường này. Hai nước có thể xem xét mở rộng công cụ này bằng cách chào mời các nước xuất khẩu nguyên liệu thô công nghệ về khí hậu, vốn và hỗ trợ để đổi lấy tài nguyên.

Thứ hai, lĩnh vực «tài chính bền vững» có thể sẽ là một mảng hợp tác tiềm năng với Trung Quốc. Đức là nước có vị thế tài chính tốt nhất châu Âu, trong khi Pháp là nước đi đầu trong lĩnh vực tài chính bền vững (trong Luật chuyển đổi sinh thái của mình, Pháp là nước đầu tiên trên thế giới ràng buộc các công ty niêm yết và các thể chế đầu tư công phải công bố rủi ro về môi trường trong hoạt động của họ).

Trung Quốc rất quan tâm đến lĩnh vực này. Trái với các tiêu chuẩn công nghiệp mà Trung Quốc đang phát triển nhằm cạnh tranh với phương Tây để chiễm lĩnh thị trường toàn cầu, trong lĩnh vực tài chính, Trung Quốc mong muốn kết nối với các trung tâm tài chính toàn cầu nhằm thu hút thanh khoản. Do đó, theo lôgíc họ sẽ tìm cách thúc đẩy hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tài chính bền vững. Cách đây vài năm, Trung Quốc đã đề xuất G20 xem xét chủ để này trong một nhóm làm việc. Tuy nhiên sáng kiến này đã thất bại chủ yếu do sự phản đối của chính phủ Đức. Thời thế nay đã thay đổi, hiện Đức cũng nhận thức được tầm quan trọng thiết yếu của chủ đề này. EU và Trung Quốc do đó có thể cùng nhau phát triển các tiêu chuẩn cho các sản phẩm tài chính bền vững và khuyến khích tính bền vững của thị trường tài chính.

Thứ ba, Pháp và Đức, thông qua tư cách là thành viên của AIIB, cần hạn chế việc cấp vốn cho các dự án sử dụng năng lượng hóa thạch. Bên cạnh đó, sáng kiến của châu Âu về phát triển cơ sở hạ tầng tại châu Á (Chiến lược kết nối Á – Âu) cần bổ sung nội hàm về khí hậu thông qua việc đề xuất một giải pháp thay thế cho các nước liên quan đến BRI của Trung Quốc.

Chính sách khí hậu hoàn toàn không phải là một sân chơi «cùng thắng»: sẽ có người thắng và kẻ thua. EU cần đấu tranh để khẳng định vị thế của mình trong trật tự toàn cầu mới về sinh thái. Để làm được điều này EU cần lồng ghép yếu tố địa chính trị vào chính sách khí hậu của mình cũng như Green Deal. Theo cách nhìn này, Đức và Pháp có những lợi thế bổ sung và có thể góp phần đưa EU đi đúng hướng cũng như giúp các nước thứ được ba hưởng lợi từ chính sách khí hậu của châu Âu. Trên hết, cần phải hướng đến một Green Deal «toàn diện», bởi nếu không tính đến các lợi ích địa chính trị khác nhau của các nước (từ các nước sản xuất dầu mỏ đến các quốc đảo đang bị đe dọa bởi nước biển dâng) thì cũng sẽ không thể giành chiến thắng trong cuộc chiến khí hậu, cuộc chiến lớn nhất của thế kỷ hiện nay.

(Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here