Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện chính sách ngoại giao mạnh mẽ với các nước châu Phi

0
67
Lễ khánh thành Đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ tại Senegal với sự hiện diện của Tổng thống Recep Tayyip Erdoğan, ngày 22/2/2022. (Nguồn: Â)

Với mối quan hệ lịch sử với châu Phi, Thổ Nhĩ Kỳ duy trì quan hệ ngoại giao, văn hóa, kinh tế và an ninh với các nước lục địa dựa trên lòng tin, tình hữu nghị và đôi bên cùng có lợi ở cấp độ cao nhất vào năm 2022.

Lễ khánh thành Đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ tại Senegal với sự hiện diện của Tổng thống Recep Tayyip Erdoğan, ngày 22/2/2022. (Nguồn: AA)

Trong năm 2022, quan hệ ngoại giao giữa Thổ Nhĩ Kỳ và châu Phi tiếp tục phát triển mạnh mẽ với các chuyến thăm cấp tổng thống và cấp bộ trưởng, nhiều thỏa thuận về hợp tác kinh tế, thương mại và văn hóa đã được ký kết.

Từ 12 phái đoàn ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ tại lục địa này vào năm 2002, đến nay con số đã tăng lên 44 với việc mở văn phòng đại diện mới tại Bissau vào năm 2022. Thổ Nhĩ Kỳ đặt mục tiêu tăng số lượng đại sứ quán ở lục địa này lên 50 trong những năm tới.

Các hoạt động của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm cải thiện quan hệ và hợp tác với lục địa châu Phi trong những năm gần đây trở thành một nguyên tắc cơ bản quan trọng trong chính sách đối ngoại đa chiều của nước này.

Lục địa châu Phi, vốn có vai trò tích cực trong ngoại giao quốc tế, ngày càng trở thành một nhân tố quan trọng trên trường quốc tế. Các giá trị kinh tế, thương mại và địa chính trị của châu lục này thu hút các nhà đầu tư từ nhiều nước như Trung Quốc, Mỹ, Nga, Ấn Độ và Hàn Quốc.

Hiện diện ở lục địa này với nguyên tắc “Giải pháp châu Phi cho các vấn đề của châu Phi”, Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục các hoạt động phù hợp với bối cảnh lịch sử, xã hội, chính trị và văn hóa của châu lục. Thổ Nhĩ Kỳ cam kết trở thành một chủ thể đáng tin cậy trên lục địa và tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế và an ninh, thực hiện chính sách đối ngoại trên các lĩnh vực chính trị, nhân đạo, kinh tế và văn hóa với các nước châu Phi.

Nếu như đầu năm 2008 mới chỉ có 10 phái đoàn ngoại giao châu Phi tại Ankara, thì đến nay, con số này đã tăng lên 38, gần đây nhất là việc khánh thành Đại sứ quán Senegal với sự tham dự của Bộ trưởng Ngoại giao Mevlüt Çavuşoğlu vào tháng 12 năm nay.

Các chuyến thăm cấp cao lẫn nhau đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì chính sách đối tác châu Phi. Tổng thống Recep Tayyip Erdoğan đã đến thăm nhiều quốc gia châu Phi trong các nhiệm kỳ thủ tướng và tổng thống của mình, đồng thời ký kết nhiều dự án chung nhằm tăng cường quan hệ giữa hai bên. Ông Erdoğan đứng đầu trong số các nhà lãnh đạo đã đến thăm châu Phi với 53 chuyến công du trong các nhiệm kỳ lãnh đạo của mình.

Năm nay, Tổng thống Erdoğan thăm chính thức CHDC Congo vào ngày 20/2 theo lời mời của người đồng cấp Felix Tshisekedi. Trong chuyến thăm Senegal từ ngày 21-22/2 theo lời mời của Tổng thống Macky Sall, ông Erdoğan đã tham dự lễ khai trương Sân vận động Senegal có sức chứa 50.000 chỗ do một công ty Thổ Nhĩ Kỳ xây dựng và tòa nhà Đại sứ quán ở Dakar.

Chuyến thăm Guinea-Bissau, điểm dừng chân thứ ba trong chuyến công du Tây Phi, đã bị hủy do ông tham gia Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo NATO. Ông Erdoğan đã gặp người đồng cấp Guinea-Bissau Umaro Sissoco Embalo tại Senegal.

Sau đó, ông Erdoğan đã gặp Tổng thống Guinea-Bissau Embalo, Tổng thống Sierra Leone Julius Maada Bio và Tổng thống Liberia George Weah khi đến Thổ Nhĩ Kỳ tham dự Diễn đàn Ngoại giao Antalya diễn ra ngày 11-13/3. Tổng cộng có 27 bộ trưởng từ lục địa châu Phi tham gia diễn đàn này.

Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã đón tiếp một số nhà lãnh đạo châu Phi trong năm nay, trong đó có Tổng thống Somalia Hassan Sheikh Mohamud (ngày 3-5/7), Tổng thống CH Congo Denis Sassou N’Guesso (ngày 2/9), Tổng thống Senegal Sall (ngày 21/12).

“Hội nghị thượng đỉnh truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ-châu Phi” được tổ chức nhân dịp Ngày châu Phi vào ngày 25/5, với sự tham dự của khoảng 80 thành viên báo chí từ 45 quốc gia châu Phi nhằm hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm giữa truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ và các nước thành viên châu Phi.

Các nhà ngoại giao châu Phi, các nhà quản lý của các tổ chức công, các học giả, đại diện của khu vực tư nhân và các tổ chức phi chính phủ cũng tham gia Hội nghị thượng đỉnh. Nhân Ngày châu Phi, Đại sứ quán các nước châu Phi đã tổ chức tiệc chiêu đãi tại Ankara vào ngày 27/5.

Ngoại trưởng Çavuşoğlu cũng đã có các chuyến công du Benin, Senegal, Ghana và CHDC Congo vào năm 2022.

Ngoại trưởng Çavuşoğlu tham dự Diễn đàn Dakar quốc tế về Hòa bình và An ninh ở châu Phi lần thứ 8 được tổ chức tại Senegal vào ngày 25/10. Ông đã phát biểu tại phiên họp với chủ đề “Khủng hoảng toàn cầu và chủ quyền ở châu Phi”, ký biên bản ghi nhớ với người đồng cấp Senegal Aissata Tall Sall thiết lập quan hệ đối tác giữa Diễn đàn Ngoại giao Antalya và Diễn đàn Dakar.

Ngoài ra, Đệ nhất phu nhân Emine Erdoğan đã gặp Đại sứ các nước châu Phi tại Ankara, phu quân/ phu nhân và các thành viên của Nhà Văn hóa châu Phi tại chương trình Ngôi nhà châu Phi được tổ chức tại Phủ Tổng thống vào ngày 6/12 trong khuôn khổ của Ngày tình nguyện thế giới.

Việc Thổ Nhĩ Kỳ mở cửa với châu Phi, bắt nguồn từ kế hoạch hành động được thông qua năm 1998, hình thành vào năm 2005 khi Ankara tuyên bố đây là “Năm châu Phi” và Thổ Nhĩ Kỳ được Liên minh châu Phi trao tư cách quan sát viên trong cùng năm đó.

Trong một động thái có đi có lại, Liên minh châu Phi đã tuyên bố Thổ Nhĩ Kỳ là đối tác chiến lược của mình vào năm 2008. Cũng trong năm đó, Hội nghị thượng đỉnh hợp tác Thổ Nhĩ Kỳ-châu Phi đầu tiên được tổ chức tại thành phố Istanbul với sự tham gia của đại diện từ 50 quốc gia châu Phi.

Sự gắn kết của Thổ Nhĩ Kỳ với lục địa châu Phi đã tăng tốc trong những năm qua. Kể từ khi nhậm chức cách đây gần hai thập kỷ, trong lần đầu tiên nắm quyền Thủ tướng, ông Erdoğan đã thúc đẩy quan hệ với châu Phi, thể hiện Ankara là một người chơi công bằng hơn so với các cường quốc thuộc địa cũ của lục địa.

Thổ Nhĩ Kỳ đã nêu bật mong muốn thúc đẩy quan hệ với lục địa này dựa trên mối quan hệ đôi bên cùng có lợi và quan hệ đối tác bình đẳng trong khi tôn trọng lẫn nhau. Cả hai bên đã cam kết khai thác tiềm năng để mở rộng và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ song phương. Ankara thường xuyên tái khẳng định rằng cách tiếp cận trong mối quan hệ ngày càng phát triển với các nước châu Phi dựa trên quan hệ đối tác bình đẳng và nguyên tắc đôi bên cùng có lợi, nhấn mạnh quyết tâm mạnh mẽ để phát triển quan hệ thương mại hơn nữa.

Hồng Phúc (theo Daily Sabah)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here