Ngành công nghiệp may mặc của Bangladesh không thể chiếm được thị phần trong thương mại hàng dệt kỹ thuật toàn cầu tương xứng với tiềm năng vì thiếu nhận thức về các yêu cầu của thị trường và chuyên môn kỹ thuật phù hợp.
Theo một nghiên cứu của cơ quan phát triển Đức GIZ, Bangladesh đã bỏ lỡ cơ hội trong việc khai thác triển vọng của hàng dệt kỹ thuật, trong đó có đồ bảo hộ cá nhân, mặc dù các sản phẩm may mặc y tế này đứng đầu trong chuỗi cung ứng toàn cầu trong đại dịch Covid-19. Khó khăn trong việc tìm nguồn cung ứng nguyên liệu thô chất lượng cao, các yêu cầu về tuân thủ và chứng nhận, thiếu vốn đầu tư là những rào cản đối với Bangladesh.
Theo dữ liệu của Cục Xúc tiến Xuất khẩu, Bangladesh đã xuất khẩu PPE trị giá 618,25 triệu USD trong năm tài chính 2020-2021, so với 501 triệu USD trong năm tài chính trước.
Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất và xuất khẩu hàng may mặc Bangladesh Faruque Hassan đã chỉ ra sự thiếu kinh nghiệm trong ngành này do các nhà sản xuất Bangladesh chưa từng sản xuất hàng dệt kỹ thuật và đồ bảo hộ cá nhân trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Hiện ngành này đang tái định hướng và bắt đầu sản xuất. Ông Hassan cho biết nghiên cứu của GIZ về vấn đề này, hiện đang ở giai đoạn cuối, sẽ đưa ra thực trạng về vị trí của Bangladesh trong sản xuất hàng dệt kỹ thuật và đồ bảo hộ cá nhân, từ kết quả nghiên cứu, Hiệp hội các nhà sản xuất và xuất khẩu hàng may mặc Bangladesh sẽ cung cấp hỗ trợ cần thiết cho các thành viên.
Theo ông, Trung Quốc là nhà cung cấp chính các mặt hàng này trước khi đại dịch xảy ra trên toàn cầu. Bên cạnh đó, Việt Nam và Thái Lan cũng đang sản xuất những sản phẩm này.
Hàng dệt kỹ thuật chỉ là một phần trong những mặt hàng không làm từ bông hoặc hàng sợi nhân tạo mà ngành công nghiệp may mặc của Bangladesh còn tụt hậu. Ông cho biết: “Chúng tôi đang cố gắng tăng thị phần của sợi nhân tạo, và có thể chiếm được thị trường hàng dệt kỹ thuật và đồ bảo hộ cá nhân”.
Nghiên cứu cho rằng Bangladesh ban đầu có thể tận dụng ‘danh tiếng’ của mình là một nhà cung cấp hàng may mặc đáng tin cậy để mở rộng thị trường các sản phẩm hàng dệt kỹ thuật/đồ bảo hộ cá nhân sang Liên minh Châu Âu và Hoa Kỳ. Nghiên cứu dự báo thị trường dệt may kỹ thuật toàn cầu sẽ tăng từ 179,2 tỷ USD vào năm 2020 lên 224,4 tỷ USD vào năm 2025, với tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm là 4,2%, trong khi thị trường đồ bảo hộ cá nhân toàn cầu có thể vượt 93 tỷ USD vào cuối năm 2025. Châu Âu hiện dẫn đầu về nhập khẩu hàng dệt may y tế, nhưng nhu cầu từ Bắc Mỹ đang tăng và dự kiến sẽ tiếp tục tăng. Bangladesh là một nước được hưởng lợi từ chương trình Mọi thứ trừ vũ khí của EU nên có thể tận dụng lợi thế để giành thị trường những sản phẩm mới này.
(Đại sứ quán Việt Nam tại Bangladesh)