Thị trường chứng khoán Việt Nam – những cơ hội đầu tư mới năm 2024 và xa hơn nữa

0
145

Tại Diễn đàn đầu tư Việt Nam 2024 với chủ đề “Theo dấu dòng tiền” do VietnamBiz cùng Câu lạc bộ Giám đốc tài chính Việt Nam (CFO Việt Nam) tổ chức ở Tp. Hồ Chí Minh chiều 9/11, giới phân tích tiếp tục dự báo tích cực về triển vọng dòng tiền trong thời gian tới khi hệ thống KRX đi vào vận hành vào cuối năm. Đặc biệt là quyết tâm nâng hạng thị trường chứng khoán từ cận biên lên mới nổi trước năm 2025.

Các diễn giả tại phiên thảo luận của Diện đàn đầu tư Việt Nam 2023 với chủ đề “Theo dấu dòng tiền”.

Diễn đàn đầu tư Việt Nam 2024 tập trung thảo luận chi tiết về các vấn đề mà nhà đầu tư đang quan tâm bao gồm: định hướng phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam giai đoạn 2023-2025; kinh tế vĩ mô trong nước và quốc tế tác động đến dòng vốn vào thị trường chứng khoán quý IV-2023 và năm 2024; nâng cao hiệu quả đầu tư nhờ ứng dụng công nghệ mới và cơ hội đầu tư năm 2024.

Bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, từ đầu năm 2023, thị trường chứng khoán Việt Nam đã trải qua nhiều biến động trong bối cảnh kinh tế – chính trị thế giới có nhiều bất ổn, tăng giảm đan xen. Mặc dù thị trường trong xu hướng giảm điểm kể từ tháng 9, song thanh khoản đang dần cải thiện hơn.

Nguyên nhân giảm điểm là do sự suy giảm tăng trưởng của các nền kinh tế lớn, lo ngại về tác động của căng thẳng địa chính trị tại Trung Đông cũng như áp lực tỷ giá cùng các động thái rút tiền của Ngân hàng Nhà nước thông qua hoạt động bán tín phiếu.

Tuy vậy, đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng chỉ ra một số tín hiệu tích cực của thị trường chứng khoán trong thời gian tới như lạm phát nằm trong tầm kiểm soát, mặt bằng lãi suất cho vay có xu hướng giảm, điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, tăng giải ngân vốn đầu tư công, các chương trình hỗ trợ của Chính phủ…

Đặc biệt, với nền tảng công nghệ thông tin cho thị trường – dự án KRX sắp kết thúc giai đoạn kiểm thử và dự kiến vận hành vào cuối năm nay được cho sẽ mở ra nhiều triển vọng mới cho thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian tới, bao gồm việc đa dạng các sản phẩm dịch vụ cũng như cơ hội nâng hạng thị trường.

“Các công nghệ, tính năng đi kèm theo dự án KRX có thể là tiền đề, đưa vào vận hành sản phẩm giao dịch mới mà hiện giới hạn của công nghệ hiện nay không cho phép chúng tôi vận hành. Dù về cơ sở pháp lý, khá nhiều sản phẩm đã có trong văn bản quy phạm pháp luật. Sắp tới, chúng tôi sẽ đa dạng thêm các sản phẩm mới”, đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết.

Đáng chú ý, bà Tạ Thanh Bình cho biết, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa họp và thống nhất triển khai hợp đồng tương lai đối với chỉ số VN100 áp dụng cho thị trường chứng khoán phái sinh. Đây là một trong những giải pháp nhằm giảm bớt tác động mạnh của rổ VN30 bằng cách đa dạng hóa các sản phẩm trên thị trường.

“Sau khi chúng tôi chấp thuận hợp đồng mẫu cho hợp đồng VN100, các Sở Giao dịch Chứng khoán sẽ tiến hành kiểm tra thử nghiệm với các thành viên thị trường. Dự kiến hợp đồng tương lai đối với chỉ số VN100 sẽ được triển khai trong quý I/2024”, bà Tạ Thanh Bình chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Duy Linh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán VPBank, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang tích cực thực hiện cải tổ thị trường thông qua việc đưa hệ thống KRX vào vận hành cuối tháng 12/2023 và đang lên kế hoạch nới lỏng các thủ tục thanh toán trên thị trường chứng khoán cho các nhà đầu tư nước ngoài. Theo đó, sẽ cho phép các công ty chứng khoán bảo lãnh cho nhà đầu tư nước ngoài khi thực hiện mua cổ phiếu – động thái được FTSE Russell đánh giá là một bước tiến và có thể giúp loại bỏ rào cản pháp lý đã cản trở quá trình nâng hạng thị trường trong nhiều năm.

Tuy nhiên, việc nâng hạng lên thị trường mới nổi của Việt Nam của MSCI sẽ khó khăn hơn do tổ chức này có những yêu cầu khắt khe hơn so với FTSE, trong đó nổi bật liên quan đến tự do trên thị trường ngoại hối.

“Với việc tích cực triển khai các hoạt động liên quan đến cải tổ thị trường, chúng tôi cho rằng Việt Nam có thể được thông báo nâng hạng sớm nhất vào tháng 9/2024 theo các tiêu chí của FTSE, trước khi chính thức nâng hạng vào tháng 9/2025. Đối với MSCI, chúng tôi hy vọng Việt Nam có thể được đưa vào danh sách theo dõi nâng hạng trong kỳ đánh giá thường niên vào tháng 6/2025 khi những yếu tố liên quan đến nhà đầu tư nước ngoài dần được giải quyết và có thể được nâng hạng vào kỳ đánh giá tháng 6/2026”, ông Linh dự báo.

Rõ ràng thị trường sẽ được hưởng lợi từ dòng vốn mới khi Việt Nam được nâng hạng lên thị trường mới nổi. Chứng khoán VPBank ước tính có khoảng 600 triệu USD có thể chảy vào từ các quỹ thụ động, với giả định tỷ trọng của Việt Nam trong chỉ số thị trường mới nổi khoảng 0,7%. Đồng thời, ước tính các quỹ cũng sẽ đầu tư gấp 5 lần khi Việt Nam được nâng hạng lên thị trường mới nổi của FTSE, mang lại cơ hội sinh lời cho các doanh nghiệp niêm yết trên sàn HOSE.

Tại tọa đàm, các chuyên gia dự báo, dù năm 2024 nền kinh tế Việt Nam vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, song triển vọng tăng trưởng sẽ tích cực hơn so với năm nay. Tăng trưởng GDP trong năm 2024 có thể phục hồi quanh mức 6%. Chủ đề đầu tư cho năm 2024 theo đó cũng được xoay quanh vấn đề phục hồi của nền kinh tế.

Theo bà Hoàng Việt Phương, Giám đốc Trung tâm phân tích Công ty cổ phần Chứng khoán SSI, dù khó dự báo chính xác cho năm 2024, nhưng các yếu tố tích cực có thể lấn át yếu tố tiêu cực. Có thể nói đến những điểm tích cực là FDI và xuất khẩu sẽ tốt hơn; đầu tư công tiếp tục duy trì và kỳ vọng thị trường bất động sản sẽ khởi sắc hơn. Về yếu tố tiêu cực chỉ là tình hình nợ xấu hệ thống ngân hàng có thể sẽ đạt đỉnh vào năm sau.

“Hồi phục là chủ đề, nhưng hồi phục đến mức độ nào, liệu có sự bùng nổ không thì chắc là không. Chúng ta có thể lựa chọn ngành đã rất yếu vào năm nay và năm sau có thể vượt qua khó khăn này. Trong đó có những ngành bám theo các chủ đề như xuất khẩu, đầu tư công, khu công nghiệp, FDI cũng như các ngành năm nay bị ảnh hưởng rất mạnh là vật liệu cơ bản và bán lẻ”, bà Hoàng Việt Phương chia sẻ.

Dựa trên triển vọng phục hồi của nền kinh tế, bà Nguyễn Hoài Phương, Giám đốc đầu tư và Điều hành Quỹ VinaCapital-VESAF cho biết, VinaCapital dự báo triển vọng tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp năm 2024 đạt trung bình 19%. Đây sẽ là yếu tố hỗ trợ thị trường chứng khoán trong thời gian tới.

Giới phân tích tiếp tục dự báo tích cực về triển vọng dòng tiền trong thời gian tới khi hệ thống KRX đi vào vận hành vào cuối năm. Đặc biệt là quyết tâm nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ cận biên lên mới nổi trước năm 2025.

Nếu đạt được mục tiêu này, ước tính chứng khoán Việt Nam sẽ đón nhận dòng vốn 5-8 tỷ USD sau khi nâng hạng. Bắt đầu từ cuối tháng 9, dưới tác động của nhịp điều chỉnh chứng khoán toàn cầu và những lo ngại như vừa nêu trên, thị trường Việt Nam đảo chiều giảm.

Tuy nhiên, các chuyên gia tại Diễn đàn đầu tư Việt Nam 2024 đánh giá nhịp điều chỉnh của thị trường cũng sẽ mở ra cơ hội khi định giá doanh nghiệp ở mức phù hợp hơn. Nền kinh tế Việt Nam dù còn nhiều khó khăn trước mắt nhưng vẫn được các tổ chức đánh giá có triển vọng tăng trưởng tươi sáng trong vòng 3-5 năm tới nhờ nền tảng vĩ mô ổn định, dư địa kích thích tăng trưởng từ đầu tư công và dòng vốn FDI mạnh mẽ.

Với vai trò là cơ quan trực tiếp quản lý, giám sát thị trường, bà Tạ Thanh Bình cho biết UBCK đang và sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy thị trường phát triển theo hướng bền vững, an toàn, minh bạch, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư.

Cụ thể, UBCK sẽ đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về chính sách kinh tế vĩ mô, công tác điều hành kinh tế; phối hợp với các tổ chức liên quan quyết liệt triển khai các giải pháp để sớm nâng hạng TTCK Việt Nam theo lộ trình đã đặt ra.

Hứa Chung

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here