Thị trường Chứng khoán Mỹ tăng điểm nhẹ sau khi Tổng thống Trump tổ chức cuộc họp báo được trông đợi, trong đó ông tuyên bố chấm dứt quy chế đối xử đặc biệt đối với Hồng Công.
Chỉ số Down Jones tăng 50 điểm tương đương 0,2%, chỉ số S&P 500 tăng 0,3% và chỉ số Nasdaq tăng 0,9%.
Các chỉ số chính của Mỹ đã kết thúc tuần và tháng giao dịch một cách thắng lợi. Chỉ số Dow Jones và S&P 500 tăng 2,8% trong tuần và trên 4% trong tháng 5; Nasdaq tăng 1,3% trong tuần và 6,2% trong tháng 5.
Chuyên gia của Seven Points Capital nhận định: “Thị trường đã nhanh chóng quên coronavirus và đã tính đúng đỉnh dịch”, nhưng ông cũng cảnh báo “nếu có làn sóng dịch thứ hai xảy ra thì những tổn thất sẽ lớn hơn điều mọi người nghĩ rất nhiều”. Các nhà phân tích cũng cho rằng lý do nữa khiến cho các nhà đầu tư tạm yên tâm là Tổng thống không đả động gì đến thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 với Trung Quốc.
Căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc tiếp tục leo thang mạnh với việc Tổng thống Trump chỉ trích Trung Quốc về cách thức xử lý dịch bệnh và việc áp đặt quy chế kiểm soát đối với Hồng Công. Sáng 29/5, Cố vấn Kinh tế Larry Kudlow nói chính quyền Mỹ “tức giận” với những gì Trung Quốc đã làm trong những ngày, những tuần và những tháng gần đây”; và họ đã đánh mất lòng tin “của cả thế giới phương Tây”.
Julian Emanuel, chiến lược gia về cổ phiếu và chứng khoán phái sinh tại BTIC nói “Tổng thống đã chọn không đề cập đến, nhưng đây chưa phải là điểm kết thúc. Con đường dẫn đến căng thẳng vẫn còn tiếp tục”.
Đánh giá lý do khiến cổ phiếu tăng trong bối cảnh căng thẳng Mỹ – Trung leo thang, Jaroen Blokland, quản lý danh mục tài sản cho rằng “hầu hết tài sản rủi ro đều được hỗ trợ bởi các gói kích thích kinh tế”. Ông đề cập đến việc EU mới đây đề xuất gói kích thích 750 tỷ Euro sau gói 3 nghìn tỷ USD của Mỹ và cho rằng có những dấu hiệu cho thấy vẫn còn các gói kích thích tiếp theo. “Chừng nào việc này còn tiếp diễn, có vẻ ít lý do để thị trường ngừng đi lên”. Một lý do nữa, theo Michael Arone, chiến lược gia trưởng phụ trách đầu tư của State Street Global Advisors, “cho tới nay, những căng thẳng giữa Mỹ và TQ chủ yếu mang tính địa chính trị, ít liên quan đến kinh tế hay thương mại”.
Tuy nhiên, thị trường ngoại hối bắt đầu cho thấy tác động của căng thẳng. Đồng NDT của Trung Quốc đã giảm xuống mức thấp nhất so với USD kể từ thời điểm căng thẳng thương mại lên đỉnh điểm vào tháng 9/2019. Robin Brooks, Kinh tế gia trưởng của Viện Tài chính quốc tế cho rằng Trung Quốc kiểm soát đồng tiền dựa trên tín hiệu thị trường và một phần là “tín hiệu mà họ muốn phát đi”, và động thái hiện nay “có vẻ như một tín hiệu rằng những căng thẳng leo thang với Mỹ là những thông tin xấu đối với kinh tế và đồng NDT yếu đi như một hình thức đối phó”. Điều nguy hiểm là đồng NDT yếu đi có thể sẽ phủ bóng đen lên kinh tế thế giới và sự ổn định của thị trường tài chính toàn cầu. Boris Shlossberg, Giám đốc chiến lược tại K Asser Management cho rằng, sẽ chỉ là vấn đề thời gian để các nhà đầu tư tỉnh ngộ và nhận ra tín hiệu trên thị trường ngoại hối nói lên điều gì và khi những khoản kích thích kinh tế không còn nữa, thị trường sẽ chú trọng tới những yếu tố thực chất hơn và khi đó “căng thẳng Mỹ – Trung sẽ cho thấy ảnh hưởng”.
Các chuyên gia cho rằng, thị trường sẽ theo dõi sát sao căng thẳng Mỹ – Trung, đặc biệt là khi Chính quyền của Tổng thống Trump làm rõ những đòn trừng phạt dành cho quan chức và công ty Trung Quốc và thay đổi quan hệ với Hồng Công. Chiến lược gia của JPMorgan nhận định “sự cắt đứt hoàn toàn chuỗi cung ứng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ khiến thị trường chứng khoán sụt giảm mạnh”. Trưởng bộ phận chiến lược thị trường toàn cầu của Wells Fargo cũng cho rằng, những căng thẳng này sẽ là “cơn gió chướng” đối với thị trường./.
(Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ)