Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tính đến hết tháng 11/2022, xuất khẩu cá tra sang Thái Lan đạt gần 83 triệu USD, tăng 67% so với cùng kỳ năm 2021. Thị trường này đã thu hút được gần 80 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra của Việt Nam.
Trong đó, riêng Công ty Cổ phần Nam Việt chiếm hơn 1/4 thị phần tại Thái Lan. Tiếp sau là Công ty CP Thực phẩm Hưng Phúc Thịnh, Công ty CP Chăn nuôi CP Việt Nam, Công ty TNHH Một thành viên SeafoodDirect2012 và Công ty CP XNK Thủy sản Cửu Long An Giang. Sau Nam Việt, nhóm 4 công ty này chiếm từ 7% – 10% xuất khẩu cá tra Việt Nam sang Thái Lan.
Sản phẩm được nhập khẩu nhiều vào Thái Lan là cá tra phile cắt miếng đông lạnh, cắt khúc, cắt cube. Ngoài sản phẩm đông lạnh, các doanh nghiệp Việt còn xuất khẩu sang Thái Lan các sản phẩm cá tra cắt miếng, cắt thỏi tẩm gia vị, bong bóng cá tra sấy, khô…
Sau Covid-19, Thái Lan đã mở cửa hoàn toàn và ngành du lịch đang phục hồi mạnh mẽ. Các phân khúc nhà hang, khách sạn lại tạo ra dư địa lớn cho các doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm.
Trong năm 2023, các yếu tố nội địa đặc biệt của Thái Lan có thể tạo ra niềm tin lạc quan cho các doanh nghiệp trong nước cũng như các nhà xuất khẩu nước ngoài như Việt Nam. Hai yếu tố thúc đẩy tăng trưởng chính là phục hồi du lịch và kích thích kinh tế sau bầu cử, dự kiến sẽ thúc đẩy tiêu dùng trong nước.
VASEP cho biết, năm 2022, bên cạnh thị trường Trung Quốc, các nước ASEAN đang dần chứng tỏ sức hút lớn đối với các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam. Theo đó, tính đến hết tháng 11/2022, xuất khẩu cá tra sang khối thị trường này đạt 183 triệu USD, tăng 87% so với cùng kỳ năm ngoái. ASEAN chiếm 8% tổng xuất khẩu cá tra gần 2,3 tỷ USD trong 11 tháng đầu năm nay. Trong đó, nổi trội nhất là thị trường Thái Lan, chiếm trên 45% giá trị nhập khẩu cá tra của toàn khối.
Trong năm 2022, các nước ASEAN cũng chịu tác động của “3 cơn lốc” là việc hạn chế tại thị trường Trung Quốc do Covid, xung đột Nga – Ukraine và tăng trưởng toàn cầu chậm lại. Tuy nhiên, so với các khu vực kinh tế khác, ASEAN vẫn tăng trưởng tốt hơn và chịu tác động lạm phát ít hơn.
Cùng với lợi thế về địa lý, ít rủi ro và ảnh hưởng bởi vấn đề logistic, lợi thế về thuế quan ưu đãi nhờ các hiệp định FTA khu vực và song phương với Việt Nam, ASEAN trở thành điểm đến hấp dẫn với nhiều doanh nghiệp cá tra.
Theo Tổng cục Thủy sản, hiện giá trị xuất khẩu cá tra đã đạt 2,23 tỷ USD; tăng 70% so với cùng kỳ năm trước. Nhu cầu nhập khẩu của hầu hết thị trường tăng 40% – 200%. Hai thị trường nhập khẩu cá tra lớn nhất là Trung Quốc (chiếm 30%), Mỹ (chiếm 23%). Ngoài ra, các thị trường khác có sự tăng trưởng tốt so với cùng kỳ như châu Âu (EU), Mexico…
Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam Dương Nghĩa Quốc nhận định, những năm gần đây ngành đã hoạt động bài bản và quản lý chặt chẽ hơn. Khoảng 90% sản lượng cá nguyên liệu được các doanh nghiệp xuất khẩu nuôi theo hình thức doanh nghiệp tự nuôi, hoặc liên kết với các hợp tác xã, tổ hợp tác, nông dân… Phía cơ quan quản lý cũng có những hướng dẫn các vùng nuôi theo đúng quy hoạch.
Để phát triển ngành cá tra hiệu quả, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu trong năm 2023 và những năm tiếp theo, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, ngành nông nghiệp sẽ cùng các địa phương tập trung nâng cao chất lượng con giống, ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất để nâng cao hiệu quả, chất lượng và an toàn thực phẩm của các sản phẩm.
Đặc biệt, khẩn trương xây dựng đàn cá bố mẹ theo hướng tăng trưởng và kháng bệnh cho các trại sản xuất giống. Để giảm áp lực cho xuất khẩu cũng sẽ tập trung cho thị trường nội địa, kết nối doanh nghiệp sản xuất, chế biến cá tra với bếp ăn tập thể trong khu công nghiệp, trường học…
Quỳnh Như