Thêm lựa chọn, thêm cơ hội cho doanh nghiệp Việt tại thị trường CPTPP

0
8
Gia nhập chuỗi cung ứng của doanh nghiệp FDI giúp doanh nghiệp Việt tăng hiệu quả tận dụng CPTPP. (Nguồn: Bộ Công Thương)

Bà Nguyễn Thị Lan Phương, Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho biết, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mang lại những lợi ích rất tích cực đối với hoạt động xuất nhập khẩu và đầu tư của Việt Nam. 

Thông tin này được các đại biểu đưa ra tại Tọa đàm với chủ đề “Gia nhập chuỗi cung ứng của doanh nghiệp FDI – Tăng hiệu quả tận dụng CPTPP” diễn ra gần đây.

Bà Lan bày tỏ ấn tượng về mức tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với các nước CPTPP, nhất là những thị trường chưa từng có Hiệp định thương mại tự do (FTA) trước đó. Các nhà đầu tư nước ngoài từ các thành viên CPTPP như Singapore, Nhật Bản đã tiếp cận thị trường Việt Nam một cách rất tích cực để tận dụng cơ hội, lợi thế từ CPTPP.

Không chỉ thế, mức độ tận dụng các FTA và tỷ trọng hàng hóa Việt Nam tại các thị trường này còn tương đối hạn chế. Dư địa và cơ hội để doanh nghiệp tận dụng tại các thị trường FTA này còn rất lớn, nhất là những thị trường chưa có FTA trước đó.

Dù vậy, vẫn có những yếu kém trong năng lực nội tại, cả về mặt kinh nghiệm, nguồn vốn. “Năng lực khoa học công nghệ đã hạn chế khả năng của doanh nghiệp Việt Nam trong việc tận dụng những FTA”, bà Lan nhấn mạnh.

Về phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Thành Trung, CNCTech Thăng Long, Tập đoàn CNCTech cho rằng, tham gia chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giúp xây dựng mối quan hệ hợp tác chiến lược với các doanh nghiệp nước ngoài; nâng cao về chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, phát triển được nguồn nhân lực, nâng cao trình độ khoa học kỹ thuật, có thể cạnh tranh được một cách sòng phẳng với các công ty nước ngoài.

Ông Nguyễn Trung Hiếu tại Công ty Ô tô Toyota Việt Nam thì chia sẻ, đối với Toyota, việc gia tăng nhà cung cấp nội địa vào chuỗi cung ứng của Toyota sẽ tăng cường tỷ lệ nội địa hóa, tìm kiếm nhà cung ứng trong nước. Nhờ đó, giảm bớt phụ thuộc vào nước ngoài, nhà sản xuất có sự chủ động hơn rất nhiều với nguồn cung trong nước.

“Khi áp dụng Hiệp định CPTPP, doanh nghiệp có thêm một lựa chọn, thêm cơ hội để cân nhắc những nguồn linh kiện từ Nhật Bản hoặc từ các thành viên khác trong hiệp định. Hơn nữa, lộ trình áp dụng của Hiệp định CPTPP đối với ngành ô tô về 0% vào khoảng năm 2030 – 2031 sẽ giúp doanh nghiệp có sự cạnh tranh tốt hơn trên thị trường Việt Nam”, ông Nguyễn Trung Hiếu nói.

Trong tương lai, để thúc đẩy khả năng tận dụng CPTPP của doanh nghiệp nói chung, đặc biệt gia tăng sự tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất của các doanh nghiệp trong CPTPP nói riêng, bà Nguyễn Thị Lan Phương khẳng định, tới đây Bộ Công Thương sẽ tập trung giải pháp xây dựng hệ sinh thái hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng FTA.

Bộ cũng cường kết nối để tận dụng FTA tốt hơn và cũng xây dựng văn hóa đạo đức kinh doanh tốt hơn cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Các chuyên gia thì cho rằng, để khai thác triệt để cơ hội thu hút FDI, hoạt động xúc tiến đầu tư cần chuyển trọng tâm sang tiếp cận nhà đầu tư tiềm năng, nhất là các tập đoàn FDI lớn.

Điều đó góp phần tận dụng các hiệp định tự do thế hệ mới và cơ hội tham gia chuỗi cung ứng của các tập đoàn đa quốc gia, tận dụng cơ hội từ thị trường còn nhiều tiềm năng CPTPP.

Khánh Ly

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here