The Straits Times: Rủi ro khi kinh tế dựa vào Trung Quốc

0
138
(ảnh minh hoạ)
(ảnh minh hoạ)

Những điểm yếu trong nền kinh tế và ở những vùng biển địa chính trị bất ổn của Trung Quốc sẽ khiến những người đang hy vọng về một sự hồi phục toàn cầu do nước này dẫn dắt phải suy xét lại.

Một trong những thông tin hữu ích được rút ra từ câu chuyện đang được tiết lộ về những tai họa của gã khổng lồ trong ngành buôn bán dầu mỏ Hin Leong là việc nhà sáng lập Lim Oon Kuin đã tin vào khả năng của Trung Quốc trong việc kiểm soát sự bùng phát của dịch COVID-19, khiến ông đưa ra tính toán rằng nhu cầu dầu mỏ sẽ hồi phục sau sự sụt giảm do các biện pháp phong tỏa ở Đại lục gây ra. Điều này rõ ràng đã dẫn tới đánh giá sai lầm tai hại của ông rằng giá cả sau đó sẽ tăng. Tuy nhiên, trên thực tế, tình hình đã diễn biến theo chiều hướng ngược lại.

Theo một bài viết của Bloomberg News về công ty này, đó là canh bạc đi ngược lại mọi kỳ vọng và ông trùm này quả thực đã đúng ở một mức độ nhất định. Tuy nhiên, ông đã không nhận ra được COVID-19 sẽ bùng phát thành một đại dịch toàn cầu và làm tê liệt thế giới ra sao.

Từ đây có thể rút ra một bài học lớn về việc đặt cược hết tiền vào một cửa, bỏ hết trứng vào một giỏ và không có cái nhìn bao quát toàn cục. Đây cũng không phải là lần đầu tiên xảy ra điều này ở quốc đảo Singapore.

Mặc dù vậy, nếu xét tới vị thế lớn của Trung Quốc trong khu vực, vai trò hỗ trợ vững chắc của nước này trong các cuộc khủng hoảng kinh tế trước đây và một nền kinh tế đã tăng trưởng từ mức khoảng 5.000 tỷ USD cách đây một thập kỷ lên mức hơn 14.000 tỷ USD như hiện nay, người ta có thể hiểu được suy nghĩ của Lim.

Tuy nhiên, điều gì sẽ xảy ra nếu Lim sai lầm ngay từ chính tiền đề thiết yếu của mình và tình hình kinh tế Trung Quốc xấu đến mức nước này không bao giờ đạt đến vị thế có thể can thiệp ở mức độ như kỳ vọng của khu vực?

Cách đây không lâu, hầu hết các nhà phân tích – kể các tác giả bài viết – vẫn tự tin cho rằng một khi Bắc Kinh đã tinh chỉnh các chi tiết dựa trên các bài học tiếp thu được từ cách đây một thập kỷ, khi Trung Quốc khiến cả thế giới bất ngờ với gói kích thích trị giá 4.000 tỷ nhân dân tệ, họ sẽ quay trở lại với sách lược quen thuộc và tuyên bố một gói kích thích khác làm nức lòng khu vực. Sao có thể không như vậy, khi xét tới cơ hội địa chính trị mà đại dịch đã mang lại nhằm khiến cho châu Á phụ thuộc nhiều hơn nữa vào Trung Quốc?

Tuy nhiên, điều đó đã không xảy ra. Trong khi Mỹ – nền kinh tế lớn nhất thế giới – hay thậm chí là những nước có nền kinh tế nhỏ nhưng đáng kể như Singapore đã tung ra các gói kích thích trị giá lên tới hơn 10% GDP, thì nỗ lực của Trung Quốc vẫn ở mức khiêm tốn. Nước này đã cắt giảm lãi suất và ra lệnh cấm các công ty nhà nước lớn trì hoãn việc chi trả các khoản thanh toán cho các công ty vừa và nhỏ – một động thái sáng suốt, khi xét tới việc các công ty này là những động cơ nhỏ thúc đẩy một bộ máy lớn và đóng vai trò trọng yếu trong việc duy trì việc làm, nhất là ở các khu vực thành thị.

Tuy nhiên, khi gộp tất cả các gói kích thích của Trung Quốc lại với nhau, tổng giá trị cũng chỉ đạt khoảng 4% GDP. Còn về ảnh hưởng khu vực, Trung Quốc dường như đã lựa chọn cách tiếp cận dựa trên sức mạnh thay vì sự hào phóng về tài chính.

Tại sao Bắc Kinh lại ngần ngại trong việc huy động các nguồn lực kinh tế của mình? Có một vài manh mối giúp giải đáp câu hỏi này.

Chẳng hạn, cơ quan điều tiết tài chính Trung Quốc gần đây đã công bố những biện pháp mạnh mẽ nhằm tái cấu trúc ngành ngân hàng của đất nước, trong đó có việc loại bỏ các bên tham gia không phù hợp. Trung Quốc cần nhanh chóng hành động vì cuộc khủng hoảng y tế đã và đang tác động mạnh mẽ tới nền kinh tế vốn đã giảm tốc, đe dọa khả năng thanh toán của hàng chục ngân hàng nhỏ. Tập đoàn Evergrande, công ty bất động sản lớn nhất Trung Quốc, đang phải gánh khoản nợ lên tới 100 tỷ USD. Theo tờ Wall Street Journal, tháng 6/2019, công ty này nợ các nhà cung cấp 93 tỷ USD, gấp khoảng 2 lần khoản nợ phải trả của năm 2018.

Tháng 11/2019, khi chưa một ai nghĩ tới việc một đại dịch sẽ bùng phát trên toàn cầu, Ngân hàng nhân dân Trung Quốc đã cảnh báo rằng lĩnh vực ngân hàng đang cho thấy những dấu hiệu của sự căng thẳng, với hơn 13% trong tổng số 4.379 bên cho vay được xếp vào nhóm rủi ro cao. Theo Báo cáo ổn định tài chính Trung Quốc năm 2019 của Ngân hàng nhân dân Trung Quốc, danh mục này bao gồm 586 ngân hàng và công ty tài chính. Bên cạnh nhiều ngân hàng, một số công ty tài chính tiêu dùng cũng tập trung phục vụ khu vực nông thôn.

Tình hình rõ ràng đã trở nên tồi tệ hơn kể từ đó đến nay và sự suy giảm nghiêm trọng trong quý 1/2020 chỉ gây bất ngờ vì quy mô của nó.

Hơn nữa, một số chỉ số đơn giản là rất đáng lo ngại, trong đó có tỷ lệ nợ so với thu nhập của hộ gia đình. Nghiên cứu của Công ty tư vấn Rhodium cho thấy hiện nay, chỉ số này đang ở mức 140% – chính là con số ở Mỹ cách đây 10 năm. Khi đó, tỷ lệ nợ so với thu nhập của hộ gia đình Trung Quốc chỉ là 40%.

Nói cách khác, tình thế giờ đây đã đảo ngược. Trong khi chỉ số của Mỹ hiện đã giảm so với năm 2009, thì chỉ số của Trung Quốc lại tăng theo cấp số nhân, hạn chế khả năng vay nợ thêm của các hộ gia đình Trung Quốc. Điều này chí ít cũng ảnh hưởng đến các cơ hội tăng trưởng dựa vào nhu cầu trong nước.

Nhu cầu bên ngoài đã sụp đổ. Mặc dù Trung Quốc đã rất nỗ lực thay đổi mô hình tăng trưởng dựa vào xuất khẩu, nhưng thương mại vẫn chiếm khoảng 40% GDP của nước này. Môi trường bên ngoài đang xấu đi không chỉ gây tổn hại đến xuất khẩu của nước này mà còn ảnh hưởng đến việc tìm kiếm nguồn cung ứng hàng hóa, nguyên liệu thô và các bộ phận cho ngành chế tạo. Và khả năng là tình hình sẽ trở nên tồi tệ hơn trước khi được cải thiện.

Mới đây, trong một bức thư gửi tới khách hàng, Brian Coulton, nhà kinh tế trưởng thuộc cơ quan xếp hạng tín dụng Fitch nhận định: “Hiện tại, GDP thế giới dự kiến sẽ giảm 3,9% trong năm 2020, một sự suy thoái chưa từng thấy trong thời kỳ hậu chiến. Con số này lớn gấp đôi so với dự đoán của chúng tôi hồi đầu tháng 4 và tình hình sẽ nghiêm trọng gấp đôi so với cuộc suy thoái năm 2009”.

Việt Hà

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here