- Các hệ thống dựa trên Thông luật (Common Law) và Luật Dân sự (Civil (Code) Law)
Có hai hệ thống Luật chính tại châu Âu là hệ thống Thông luật và Luật Dân sự. Thông luật là hệ thống luật của người Anh, hiện được sử dụng tại các quốc gia thuộc địa trước đây của Anh, bao gồm cả Mỹ. Hệ thống này đôi lúc còn được gọi là “Quan tòa làm ra luật” kể từ khi luật không được viết thành văn nhưng là sản phẩm của các quyết định tại tòa và đặc biệt là các quyết định của tòa phúc thẩm trong giải quyết các tranh chấp thực tế giữa các cá nhân hoặc giữa các cá nhân và chính phủ. Scully (Ì992) xác định trên thế giới có 54 quốc gia đang sử dụng Thông luật, 94 quốc gia sử dụng Luật Dân sự. Ở chiều ngược lại, trong hệ thống Luật Dân sự, các đạo luật được thông qua bởi các cơ quan pháp lý và được diễn giải tại tòa bởi các quan tòa. Chính vì vậy, tại các quốc gia này, các quan tòa có trách nhiệm diễn giải luật tại tòa chứ không phải là người làm ra luật. Trong thực tế, sự phân biệt giữa vai trò của quan tòa trong hai hệ thống này không phải là điểm khác biệt lớn giữa Thông luật và Luật Dân sự. Thay vào đó, sự khác biệt lớn nhất nằm ở quyền lực trao cho nhà nước.
Một câu hỏi quan trọng cho kinh tế học và luật là sự hiệu quả của luật. Friedrick Hayek (1960, 1973), đã cho rằng hệ thống Thông luật ưu việt hơn hệ thống Luật Dân sự. Ông cho rằng Thông luật là luật làm “từ dưới lên” bởi vì nó bắt nguồn từ các quan tòa và các cá nhân, trong khi hệ thống Luật Dân sự là luật áp “từ trên xuống” và do đó tập trung vào nhà nước và đã chuyển giao quá nhiều quyền lực cho nhà nước. Hệ thống Thông luật tồn tại độc lập với các cơ quan lập pháp hoặc có chủ quyền. Trong quan điểm của Hayek, trao quyền cho nhà nước là một hệ quả ngoài ước muốn. Hayek cũng cho rằng hệ thống Thông luật bảo vệ tổt hơn sự tước đoạt từ nhà nước và dẫn đến tự do hơn hệ thống Luật Dân sự. Các nhà nghiên cứu khác đồng ý với Hayek về quan điểm này. La Porta và cộng sự (1999) chỉ ra rằng một trong những mục tiêu của hệ thống Luật Dân sự của người Pháp là nhằm củng cố quyền lực của nhà nước. Họ chỉ ra rằng có hai đạo luật chính tại châu Âu được ban hành bởi Napoleon và Bismarck, hai người ủng hộ quyền lực nhà nước tập trung. Paul Mahoney (2001) cũng đưa ra ý kiến tương tự. Ông chỉ ra rằng các quan tòa trong Thông luật có được nhiều sự tự chủ hơn, và các nhân viên chính phủ tại các quốc gia theo hệ thống Luật Dân sự ít bị kiểm soát pháp lý hơn các quốc gia Thông luật. Thông luật không phân biệt giữa luật công và luật tư. Các nguyên tắc pháp lý áp dụng cho các hành động của nhân viên chính phủ và các cá nhân. Điều đó không đúng trong hệ thống Luật Dân sự, đặc biệt trong luật của người Pháp.
Để đo tính hiệu quả của luật pháp, các học giả đã ứng dụng mô hình tiến hóa (Posner, 1973/2003). Các mô hình tiến hóa đã cổ gắng giải thích các dạng thức của quy định có tính pháp lý mà không dựa trên các hàm ích lợi. Ban đầu, các mô hình đã hướng đến sự giải thích những quan sát của Posner về sự hiệu quả của hệ thống Thông luật Nhung cũng không sai khi nói rằng các mô hình đã thất bại trong việc bảo vệ Posner bởi vì bản thân luật không hiệu quả như Posner đã tranh luận. Hơn nữa, các mô hình này có một ảnh hưởng quan trọng tới sự hiểu biết của chúng ta về luật pháp bởi vì chúng hướng sự tập trung tới các lực tác động thay vì sự ưa thích có tính pháp lý trong giải thích luật pháp.
Trong phân tích tính hiệu quả của hai hệ thống Thông luật và Luật Dân sự, có ít bằng chứng cho thấy hệ thống Thông luật hiệu quả hơn hệ thống Luật Dân sự. Scully (1992) tìm thấy một mối liên hệ chặt chẽ giữa bảo vệ quyền tự do của cá nhân và hệ thống Thông luật, (p.162): “…xác suất của sự bảo vệ các quyền tự do của người dận trong, các quốc gia theo Thông luật cao hơn 2,5 lần so với các quốc gia theo hệ thống Luật Dân sự”. La Porta và cộng sự (1999) khảo sát mối quan hệ giữa hệ thống pháp lý và chính phủ “tốt” khi cho rằng chính phủ tốt được định nghĩa như “tốt cho sự phát triển kinh tế” và bao gồm các công cụ của sự can thiệp của chínhphủ, hiệu quả của khu vực công, cung cấp hàng hóa công cộng, kích cỡ của khu vực công và tự do chính trị. Các quốc gia với hệ thống pháp lý bắt nguồn từ nước Pháp ủng hộ sự can thiệp của nhà nước vào nền kinh tế thị trường nhiều hơn các hệ thống Thông luật Các quốc gia thuộc bán đảo Scandinavia cũng nghiêng về sự can thiệp của nhà nước vào nền kinh tế thị trường nhiều hơn các hệ thống Thông luật. Mahoney (2001)so sánh thu nhập và các hệ thống luật trên mẫu của 102 quốc gia từ năm 1960 đến 1992. Theo đó, các quốc gia theo Thông luật có tốc độ tăng trưởng thu nhập nhanh hơn 0,71% so với các quốc gia theo Luật Dân sự. Các kết quả này trở nên mạnh mẽ hơn khi chuyển sang những mô hình tương tự, từ đó ông kết luận hệ thống pháp lý theo Thông luật dẫn đến sự tăng trưởng kinh tế mạnh bởi chúng cung cấp các quyền tài sản ổn định hơn và bắt buộc thực hiện hợp đồng tốt hơn.
Trong lịch sử thế giới hiện đại, phần lớn luật được lan tỏa từ một số quốc gia thực dân tại châu Âu như Anh, Pháp và Đức (trong đó Anh theo Thông luật; Pháp và Đức theo hệ thống Luật Dân sự). Hệ thống của Pháp được lan tỏa bởi Napoleon và chiếm lĩnh chủ yếu Mỹ Latinh, phần lớn châu Âu và châu Phi chiếm lĩnh số phần của châu Á. Hệ thống của Đức ảnh hưởng phần lớn tại châu Âu, Nhật và một số phần của châu Á. Hệ thống của Anh chiếm lĩnh Bắc Mỹ, Australia và một số phần của châu Á, bao gồm cả Ấn Độ. Theo Djankov và cộng sự (2003), phần lớn luật đã trở nên có tính độc tài hơn khi được lan tỏa tới các thuộc địa. Hệ thống pháp lý này sẽ trao quyền nhiều hơn cho chính quyền nếu ở đó sự bảo vệ các quyền tài sản đầy đủ và vững chẳc, nhưng có thể bị lật đổ ở những quốc gia không có những sự bảo vệ quyền tài sản đó. Trong quan điểm của họ, điều đó có khả năng xảy ra nhiều hơn đối với các quốc gia theo hệ thống của Pháp và có thể tạo ra các vấn đề nguy hiểm vì có quá nhiều quy định pháp lý. Một hàm ý của điều này là hệ thống pháp lý có thể không phải là vấn đề của các quốc gia châu Âu, nhưng nó lại rất quan trọng đối với các quốc gia nghèo hơn trong lựa chọn các thể chế pháp lý phù hợp với hoàn cảnh của mình. Một sự lựa chọn đúng đắn sẽ đem lại sự tăng trưởng và phát triển kinh tế, ngược lại lựa chọn không đúng đắn sẽ dẫn đến sự kìm hãm và một hệ thống pháp lý thiếu hiệu quả.
- Các hàm ý chính sách
Hiện nay, Việt Nam đang trong quá trình hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đây là một thể chế kinh tế thị trường đầy đủ, hoàn chỉnh và hiện đại. Trong quá trình hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường ở Việt Nam, thể chế pháp lý cần:
Thứ nhất, đảm bảo cho các quy luật của nền kinh tế thị trường được vận hành hiệu quả. Đây là mục tiêu chủ yếu của thể chế pháp lý bởi nó giúp giảm tối đa các chi phí giao dịch và chi phí khắc phục những sai lầm trong phân bổ nguồn lực. Việc phân bổ nguồn lực được thực hiện trên thị trường thông qua các quan hệ giao dịch và trong nội bộ doanh nghiệp cần được điều chỉnh bởi các quy định pháp lý có tính chất hợp đồng. Thể chế pháp lý cần cung cấp những định nghĩa chính xác trong xác định chủ sở hữu của các tài sản giao dịch trên thị trường để các giao dịch được thực hiện một cách hiệu quả và kịp thời. Mặt khác, trong tình huống xảy ra những tranh chấp, việc xác định rõ chủ sở hữu tài sản và cơ chế phân chia quyền sở hữu tài sản cũng giúp giảm các chi phí giao dịch trong quá trình xác định trách nhiệm các bên có liên quan.
Trên cơ sở những định nghĩa chính xác về chủ sở hữu tài sản, mối quan hệ kinh tế giữa bộ tứ nhà nước, thị trường, doanh nghiệp và người dân sẽ trở nên minh bạch hơn trong trách nhiệm giải trình. Chủ sở hữu hoặc người được hưởng lợi nhiều nhất từ việc sử dụng tài sản đó là những người chịu trách nhiệm chính đối với tài sản đang sử dụng. Ví dụ, các quảng trường công cộng do nhà nước xây dựng, nên xét theo lý nhà nước là chủ sở hữu, nhưng lợi ích sử dụng nhiều nhất có thể là người dân và do đó người dân trong tình huống này lại là chủ sở hữu của quảng trường đó. Khi đã xác định rõ chủ sở hữu thì kèm theo đó là những trách nhiệm và điều này cần được quy định rõ ràng trong thể chế pháp lý.
Đối với sự vận hành của các thị trường, các chủ thể thị trường cũng cần được biết trong các giao dịch của mình ai là chủ sở hữu hàng hóa và dịch vụ. Do đó, thể chế pháp lý cần cung cấp những định nghĩa nhằm hỗ trợ các chủ thể thị trường xác định được chủ sở hữu trong các giao dịch tiềm năng của mình là ai. Việc thiếu vắng các định nghĩa chính xác về chủ sở hữu sẽ dẫn đến các chủ thể tham gia thị trường mất nhiều thời gian để tìm được người chủ sở hữu tài sản đích thực và đối với nền kinh tế thì khoảng thời gian đi tìm đó là quãng thời gian không năng suất. Kết quả là các thị trường vận hành không hiệu quả.
Thứ hai, đảm bảo các quyền của các chủ thể trong nền kinh tế, gồm Chính phủ, doanh nghiệp và quan trọng nhất là người dân; các quyền về tài sản và sự bảo đảm về các quyền tài sản là quan trọng nhất.
Về quyền tài sản, thể chế pháp lý về các quyền tài sản và sự bảo vệ các quyền đó làm tăng phúc lợi kinh tế. Do đó, sau khi đã có các định nghĩa chính xác về chủ sở hữu, là sự đảm bảo các quyền tài sản đó. Nên kinh tế thị trường chỉ vận hành có hiệu quả khi của cải làm ra của người dân được luật pháp đảm bảo không bị chiếm đoạt bởi cá nhân, tổ chức khác trong nền kinh tế. Các thể chế pháp lý có tính hợp đồng là những ràng buộc chặt chẽ đối với các bên tham gia trong việc tôn trọng kết quả làm việc của các bên. Sự vi phạm các thỏa thuận đã được cam kết giữa các bên đều dẫn đến những chi phí giao dịch tăng thêm và nền kinh tế mất đi những khoảng thời gian năng suất do phải sử dụng vào quá trình đàm phán giải quyết hậu quả của những hành vi vi phạm. Bộ ba Bộ Luật hình sự, Bộ Luật Dân sự và Luật Hợp đồng là những thể chế cần thiết hỗ trợ cho sự đảm bảo các quyền về tài sản bên cạnh những đạo luật khác. Các bên tham gia họp đồng đều nhận định rõ ràng các thỏa thuận có tính hợp đồng dựa trên những định nghĩa chính xác về quyền sở hữu tài sản và những hình phạt mà họ sẽ bị áp dụng nếu vi phạm các thỏa thuận đã được cam kết. Sự kết hợp của các đạo luật đó đảm bảo các quyền về tài sản được thực thi một cách minh bạch và rõ ràng.
Theo xu hướng phát triển của nền kinh tế thị trường, việc khu vực tư nhân tham gia vào vận hành và sử dụng các tài sản của nhà nước là khách quan, do đó để sự tham gia này có hiệu quả và tránh các chi phí giao dịch để khắc phục lỗi phân bổ, cần có những định nghĩa pháp lý chuẩn mực và rõ ràng về các quyền tài sản của nhà nước và sự bảo vệ của các quyền đó. Quan hệ đối tác công tư (PPP) đã đặt ra những thách thức mới trong quan hệ giữa nhà nước với tư nhân trong sử dụng tài sản của nhà nước trong cung ứng dịch vụ công với mục tiêu tư nhân. Quan hệ này đã đặt ra những thách thức mới trong các định nghĩa về tài sản, quyền tài sản và sự bảo vệ các quyền tài sản: Doanh nghiệp tư nhân sử dụng tài sản của nhà nước trong kinh doanh sẽ được điều chỉnh như thế nào để làm giảm chi phí giao dịch giữa hai bên? Trách nhiệm và nghĩa vụ trong việc tiêu dùng dịch vụ từ tài sản này của người dân sẽ do nhà nước hay doanh nghiệp tư nhân vận hành xác định? Khi đó sự xung đột giữa luật công và luật tư nhân sẽ do thể chế pháp lý nào thụ lý và giải quyết?
Thứ ba, đảm bảo tương thích với các bộ phận cấu thành khác. Thể chế pháp lý chỉ là một bộ phận cấu thành của hệ thống các thể chế khác trong thể chế tổng quát là kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nhưng có vai trò tối quan trọng vì nó xác lập luật chơi cho các thể chế khác. Chính điều đó lại đặt ra một thách thức mà thể chế pháp lý phải vượt qua đó là sự tương thích giữa nó với các quan niệm và quan điểm của các thể chế cấu thành khác. Những truyền thống văn hóa, những tập tục từ xưa để lại liên quan đến các quyền tài sản và sự đảm bảo các quyền về tài sản sẽ được thể chế hóa như thế nào để tránh xung đột. Đến lượt nó, các xung đột này lại làm tăng thêm chi phí giao dịch và lãng phí nguồn lực của xã hội.
Là một bộ phận cấu thành, một thành tố không thể thiếu của thể chế kinh tế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, do đó thể chế pháp lý tự bản thân nó đã và đang nằm trong một chỉnh thể thống nhất các hệ thống thể chế khác nhau. Chính vì vậy, Luật về các hiệp hội và các tổ chức xã hội khác là thể chế pháp lý chủ yếu để điều chỉnh mối quan hệ giữa thể chế pháp lý với các thể chế khác trong nền kinh tế thị trường.
Thứ tư, đảm bảo minh bạch, phù hợp với các thông lệ quốc tế và dễ phán đoán. Trong điều kiện nền kinh tế Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, đồng thời với sự xuất hiện của các hiệp định thương mại thế hệ mới, thể chế pháp lý cần đảm bảo sự minh bạch, dễ phán đoán và phù hợp với các thông lệ quốc tế. Trong thực tế, việc đưa ra những định nghĩa chính xác về tài sản, các quyền tài sản và sự đảm bảo các quyền tài sản đã là một tín hiệu của sự phù hợp với thông lệ quốc tế và các bên tham gia cũng dễ dàng phán đoán được sự phát triển của thể chế pháp lý.
Trong điều kiện hiện nay, thể chế pháp lý cần tập trung làm rõ mốỉ quan hệ giữa nhà nước và thị trường. Nhà nước cần đóng vai trò là người hỗ trợ, người kiến tạo chứ không phải là người ra quyết định thay cho các doanh nghiệp. Nhà nước Việt Nam đang chuyển dần từ Nhà nước điều hành sang Nhà nước kiến tạo nên thể chế pháp lý cũng cần được chuyển đổi từ mục tiêu điều hành sang mục tiêu kiến tạo. Tuy nhiên, sự chuyển đổi này cũng cần gắn với các thông lệ quốc tế và hướng tới sự minh bạch và dễ phán đoán. Các thể chế pháp lý chuyên ngành cũng cần được sửa dổi cho phù họp với luật chơi quốc tế khi có các doanh nghiệp và nhà đầu tư quốc tế cùng tham gia vào nền kinh tế thị trường của đất nước.
Trước tiên, các thể chế pháp lý có tính chất hợp đồng cần được tập trung sửa đổi theo hướng hiện đại và điều chỉnh những quan hệ mới phát sinh. Bên cạnh đó, thể chế pháp lý liên quan đến các quyền về tài sản cũng cần được sửa đổi theo hướng minh bạch và có tính toán đến sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài. Thể chế pháp lý điều chỉnh hành vi xâm phạm đến tài sản và thân thể của người khác cũng cần được thay đổi phù hợp với điều kiện mới để đủ sức răn đe đối với các cá nhân và tổ chức tội phạm quốc tế./.
Bùi Văn Huyền & Đỗ Tất Cường
(Nghiên cứu Châu Âu, số 07/2017)