Thể chế pháp lý trong nền kinh tế thị trường: kinh nghiệm quốc tế và bài học tham khảo cho Việt Nam (phần 2)

0
460
  1. Các chức năng kinh tế của một thế chế pháp lý như là một thành tố không thể thiếu trong nền kinh tế thị trường

Thể chế pháp lý là cần thiết để hỗ trợ và tạo lập điều kiện cho nền kinh tế thị trường phát triển bao gồm các quy định có tính pháp lý về tư nhân nhằm điều chỉnh các giao dịch tư nhân, và quy định có tính pháp lý về khu vực công nhằm điều chỉnh các ngoại lai. Để cho nền kinh tế thị trường vận hành hiệu quả, thể chế pháp lý phải thực hiện ba chức năng đều liên quan đến tài sản và các quyền tài sản. Một là, thể chế pháp lý phải xác định rõ về các quyền tài sản, đây là nhiệm vụ vốn có của luật có liên quan về tài sản; Hai là, thể chế pháp lý phải cho phép sự chuyển giao của tài sản, đây là vai trò của luật hợp đồng; Ba là, thể chế pháp lý phải bảo vệ các quyền tài sản, đây là chức năng của Bộ Luật Hình sự và Luật Trách nhiệm dân sự. Các luật công khác chủ yếu nhắm đến sự cung ứng các hàng hoá công ích và điều chỉnh các ngoại lai, hoặc hiệu ứng của bên thứ ba. Các ngoại lai đó xuất hiện khi các giao dịch tư nhân ảnh hưởng đến các bên khác. Ví dụ như các quy định pháp lý về các vấn đề độc quyền (được điều chỉnh chủ yếu thông qua Luật Chống độc quyền) và các ảnh hưởng đến môi trường.

Nhìn chung, thể chế pháp lý phải cung cấp được một cách rõ ràng các định nghĩa về các quyền tài sản. Điều đó có nghĩa là đối với mỗi một loại tài sản các bên tham gia có thể xác định một cách rõ ràng ai đang sở hữu tài sản đó và các quyền kèm theo về sở hữu tài sản đó. Một cách lý tưởng, trong một tranh chấp, quyền về tài sản sẽ được gắn với bên có lợi nhiều nhất. Bởi vì nếu sự chuyển giao của các quyền được thực hiện, hiệu quả của việc phân bổ quyền lợi ban đầu chỉ đóng vai trò thứ yếu và, theo định lý Coase, khi đó xác định quyền sở hữu chủ yếu dựa trên việc ai thu được lợi nhiều nhất từ tài sản đó. “Định lý Coase” cho rằng nếu các quyền có thể chuyển giao được và nếu các chi phí của các giao dịch là không quá lớn, thì định nghĩa chính xác của các quyền tài sản sẽ không còn quan trọng nữa vì các bên có thể trao đổi các quyền và họ sẽ chuyển sang sử dụng giá trị sử dụng cao nhất để xác định quyền tài sản (Ronaid Coase, 1960). Tuy nhiên, để hỗ trợ quá trình thương thảo giá cả, trong một vài tình huống mà thông tin không cân xứng đóng vai trò quan trọng, các quyền nên được phân chia nhằm khuyến khích các bên nhận thức được giá trị đích thực của tài sản mà mình đang nắm giữ (Jason Johnson, 1995; lan Ayres và Eric Talley, 1995; Patrick Schmitz, 2001),

Trong phần lớn các tình huống, việc xác định các chủ sở hữu thực sự của các tài sản sẽ là vấn dề trọng yếu của các giao dịch. Các chi phí giao dịch không bao giờ bằng 0, và nếu các quyền về tài sản được phân bổ sai thì mức chi phí thấp nhất sẽ bằng với chi phí để khắc phục sự phân bổ sai đó. Trong một vài tình huống, nếu các chi phí giao dịch lớn hơn sự tăng lên về giá trị trong việc xác định chủ sở hữu hiệu quả thì sẽ không có bất cứ cơ chế khắc phục việc phân bổ sai đó. Điều này xảy ra đối với mọi nền kinh tế, Ví dụ: tại Nga, các tòa án không có khả năng cung cấp các định nghĩa rõ ràng về các quyền tài sản, và những người đang điều hành các doanh nghiệp đó không nhất thiết là chủ sở hữu. Do đó, những người đang điều hành doanh nghiệp không có khả năng bán doanh nghiệp hay tiếp tục theo dõi nó. Điều này đã khuyến khích sự sử dụng tài sản không hiệu quả như bán các tài nguyên quý giá với giá thấp hơn giá thị trường. Trong các tình huống như thế định lý Coase không thể ứng dụng được, do đó việc định nghĩa đúng các quyền tài sản có vai trò rất quan trọng trong việc xác định vai trò của thể chế pháp lý tới sự phát triền của nền kinh tế thị trường (Rubin, 1994).

Luật hợp đồng – luật điều chỉnh các trao đổi – có vai trò rất quan trọng đối với nền kinh tể thị trường. Ý tưởng về sự hiệu quả của Luật hợp đồng có ý nghĩa rất lớn đối với sự tăng trưởng của các hoạt động kinh tế được đề cập đến trong nhiều nghiên cứu về phát triển và các nền kinh tế chuyển đổi. Việc bắt buộc thực hiện các thỏa thuận trong trao đổi là vấn đề căn cốt nhất của đời sống kinh tế và là chủ đề trung tâm của lý thuyết kinh tế trong một vài thập kỷ gần đây. Các nhà kinh tế đã tập trung vào tìm hiểu và giải thích những vấn đề xảy ra trong “hộp đen” doanh nghiệp, đặc biệt trong sự hiện hữu của những bất định và thông tin không cân xứng, vai trò của những cam kết có tính hợp đồng trong các tổ chức kinh tế đã thực sự đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển nền kinh tế thị trường.

Một trong những đóng góp căn bản của lý thuyết chi phí giao dịch và kinh tế học thể chế mới là việc mở chiếc “hộp đen” của việc thực hiện có hiệu lực các thỏa thuận theo hợp đồng, hướng sự quan tâm tới việc xây dựng các thể chế cần thiết để đạt được sự thực hiện dó một cách hiệu quả và chi phí thấp nhất có thể. Tuy nhiên, hiểu biết của chúng ta về các cam kết có tính hợp đồng vẫn còn nhiều khiếm khuyết. Các cam kết có tính chất hợp đồng là một trong những yếu tố quyết định đến sự tăng trưởng kinh tế và thịnh vượng của quốc gia. Luật hợp đồng điều chỉnh từ những hoạt động thường nhật lên lịch cho các vụ việc trong tòa án và tra cứu các án lệ – cho đến những hoạt động cao cả – triết lý tư pháp và các nguồn lực pháp lý của các cơ quan lập pháp. Hiện còn thiếu những phân tích chi tiết cho toàn bộ phổ pháp lý liên quan đến Luật hợp đồng.

Bộ Luật Hình sự và Luật Trách nhiệm dân sự bảo vệ các quyền về tài sản từ những đe dọa có chủ đích hoặc vô ý của bên thứ ba. Mục tiêu căn bản của hai đạo luật này là nhằm làm giảm tội phạm hoặc những người phạm lỗi dân sự tiềm năng để nội sinh hoá các chi phí ngoại sinh phát sinh từ các hành động sai lầm của họ. Theo truyền thống, Luật Trách nhiệm dân sự được coi là nhánh luật không được quan tâm và không quan trọng trong hệ thống pháp lý vì chủ yếu được áp dụng trong các vụ việc tai nạn giao thông. Tuy nhiến, tại Mỹ, luật này đã tồn tại gần 5 thập kỷ vì tầm quan trọng của nó.

Bộ Luật Hình sự được thực thi bởi Nhà nước. Nhà nước thực hiện chức năng này vì nó liên quan đến hiệu quả trong thực thi pháp luật xét về mặt chi phí, Nhà nước cũng không có đủ nguồn lực để bắt giữ tất cả các tội phạm; thay vào đó, các thể chế chức năng chỉ tiến hành bắt giữ một tỉ lệ nhất định các tội phạm nhằm đảm bảo nguồn lực để vận hành chức năng này. Mặc dù vậy, những tội phạm bị bắt cũng không có đủ nguồn lực cần thiết để chi trả cho các hậu quả mà họ gây ra nên các hình phạt bắt giam và tương tự được áp dụng đối với họ. Các hoạt động như vậy mặc dù đem lại nhiều lợi ích cho xã hội nhưng đối với tư nhân thì nó không đem lại các lợi ích kinh tế nên không được khu vực tư nhân đón nhận để thực hiện. Hệ quả là nhà nước buộc phải thực thi nhiệm vụ này và trách nhiệm đã được giao cho lực lượng công an. Tuy nhiên, hiện nay có xu hướng mới đang diễn ra trên thể giới là khu vực tư nhân tham gia thực hiện cung ứng một phần nhiệm vụ này của lực lượng công an trong việc xây dựng và quản lý các nhà tù.

Chức năng của các luật trên có thể được mô tả bằng một giao dịch chuẩn trên thị trường: mua một chiếc xe ôtô bằng tín dụng nợ. Trước khi giao dịch này xuất hiện, cả hai bên đều mong muốn có được thông tin về nhau. Vì vậy, người mua sẽ dựa trên những thông tin về dịch vụ mà bên bán cung cấp về chất lượng sản phẩm. Bên bán sẽ dựa vào thông tin về xếp hạng tín dụng của các tổ chức tài chính để khẳng định về việc giữ chữ tín của bên mua khi khoản còn thiếu và bên bán sẽ cung cấp những cam kết về bảo hành và các dịch vụ kèm theo cho vòng đời của xe. Luật hợp đồng sẽ điều chỉnh những vấn đề trong việc không thực hiện các cam kết của các bên. Chiếc xe ôtô có thể gây hại đến bên thứ ba hoặc bị gây hại bởi bên thứ ba nếu nó có liên quan đến tai nạn. Luật Trách nhiệm dân sự điều chỉnh các thiệt hại đó. Các tài sản như ôtô chỉ có giá trị khi và chỉ khi được bảo vệ khỏi ưộm cắp; đây là chức năng của Bộ Luật Hình sự. Các quy định về môi trường có thể điều chỉnh lượng ô nhiễm không khí từ khí thải của ôtô. Các luật chống độc quyền được thiết lập nhằm bào vệ sự cạnh tranh lành mạnh trên thị trường và có được mức giá cả hợp lý, mặc dù sự góp mặt nhiều nhà sản xuất ôtô trên thị trường làm cho tầm quan trọng của các luật này giảm đi. Các luật về hành vi sai phạm có thể bảo vệ sự minh bạch ưong các giao dịch có tính chất thông tin, ví dụ đảm bảo người bán xe phải thực sự sở hữu chiếc xe đó. Sự hiện hữu của chiếc xe ôtô có thể là kết quả của luật quyền sở hữu trí tuệ, ví dụ như các bằng phát minh sáng chế để bảo vệ cho các thiết kế và thương hiệu được sử dụng để khuyến khích việc xây dựng uy tín về chất lượng. Luật Lao động điều chỉnh các quan hệ giữa chủ doanh nghiệp và người lao động trực tiếp sản xuất ra xe ôtô. Các quyền tài sản về các lợi ích của người bán xe ôtô rất quan trọng vì nó hỗ trợ cho các khuyến khích đầu tư, thực hiện đúng cam kết trong hợp đồng, tránh các trách nhiệm dân sự và phát triển danh tiếng của doanh nghiệp (Rubin, 1994)

  1. Các quyền về tài sản trong nền kinh tế thị trường

Mục đích kinh tế của thể chế pháp lý về các quyền tài sản nhằm cung ứng những khuyến khích cho các chủ thể kinh tế thực hiện các hoạt động kinh tế hiệu quả. Nếu thành quả đầu tư của một cá nhân hay tổ chức này sẽ có xác suất cao bị chiếm đoạt bởi một hoặc một số cá nhân hay tổ chức khác thì sẽ có rất ít hoặc hầu như không diễn ra các hoạt động kinh tế hiệu quả. Sự chiếm đoạt thành quả các hoạt động đầu tư này có thể bắt nguồn từ: chính phủ (trong trường hợp chính phủ thực dân hoặc có xảy ra chiến tranh, loạn lạc hoặc chính phủ có tệ nạn tham nhũng) hoặc các cá nhân, tổ chức ngoài chính phủ.

Trong các xã hội tiền sử, con người đã xác định và bảo vệ các quyền tài sản trước những sự chiếm đoạt bởi những cá nhân khác. Loài người, ngay cả trong một xã hội trước khi có sự xuất hiện của chính phủ, đã định nghĩa quyền tài sản một cách có hiệu quả (Martin Bailey, 1992; Tylor, 2001). Ví dụ, trong khi các quyền săn bắn trên một vùng đất nhất định được mở rộng đối với mọi người, thì quyền thu hoạch các mùa màng trên vùng đất đó sẽ thuộc về những người đã trồng trọt ở đó. Các quyền tài sản về vùng đất đó có thể được thay đổi theo mùa vụ phụ thuộc chủ yếu vào người gieo trồng đầu tiên trong các mùa; Điều đó cũng không hàm ý rằng trộm cắp hoặc những kẻ chiếm đoạt là không tồn tại, nhưng hàm ý các xã hội tiền sử đã cố gắng đưa ra quan niệm có tính định nghĩa và bảo vệ quyền tài sản ở những cấp độ khác nhau từ những cá thể khác trong một xã hội.

Khi các quyền tài sản không được bảo vệ một cách hiệu quả, sẽ có những hiệu ứng tiêu cực lớn tới thu nhập và sự giàu có của người dân. Thứ nhất, người dân sẽ đầu tư tạo tài sản ít hơn bởi vì lợi ích thu được là không xác định và rủi ro bị chiếm đoạt thành quả đầu tư là rất cao; Thứ hai, một nhóm người dân sẽ dành thời gian của họ cho những hoạt động không hiệu quả hoặc cố gắng đi chiếm đoạt thành quả đầu tư của nhóm người khác, ví dụ trở thành kẻ trộm hoặc kẻ cướp. Theo đó năng suất lao động tiềm năng của họ trong sản xuất hàng hóa và dịch vụ đã mất đi; Thứ ba, những người lao động hiệu quả sẽ dành một phần thời gian lao động và nỗ lực của họ để bảo vệ thành quả đầu tư của mình khỏi những kẻ chiếm đoạt, chẳng hạn như trông chừng nguồn lực hoặc giấu nguồn lực của mình để khỏi bị trộm/cướp đi. Phần thời gian họ dành cho việc trông coi thành quả đầu tư của mình dẫn đến không hiệu quả đối với nền kinh tế; Cuối cùng, người dân sẽ đầu tư vào các hoạt động có năng suất thấp nhưng dễ dàng trong bảo vệ thành quả, do đó nền kinh tế trở nên kém hiệu quả hơn. Ví dụ, nếu người dân tập trung đầu tư vào vàng vì nó dễ mang theo người và cũng dễ cất giấu dẫn đến năng suất lao động khả thi của các hộ gia đình và doanh nghiệp cũng bị mất đi.

Một tranh luận rất đáng chú ý trong kinh tế học hiện đại về nhân tố tăng trưởng khi có nhiều nhà kinh tế cho rằng sự khác biệt trong thu nhập giữa các quốc gia nằm ở sự khác biệt trong tỉ trọng vốn/một người lao động, của giáo dục và của công nghệ, thì có một nhóm nhỏ các nhà kinh tế học không cho là như vậy. Họ cho rằng vốn đầu tư, giáo dục hay công nghệ đều không phải là những nhân tố căn bản. Vốn đầu tư di chuyển toàn cầu và nó sẽ di chuyển đến nơi nào trên thế giới mà đem đến lại lợi ích lớn nhất cho chủ sở hữu vốn. Tương tự, giáo dục sẽ đem lại tỉ suất hoàn vốn lớn tại những quốc gia có nguồn vốn con người còn thấp, và những người có nguồn vốn con người thấp thì sẽ thu được nhiều lợi ích bằng việc đầu tư cho giáo dục. Những người dân có trình độ giáo dục cao cũng có thể di cư đến những địa điểm mà trình độ giáo dục của họ sẽ đem lại lợi ích lớn nhất. Công nghệ cũng có thể di chuyển toàn cầu thông qua việc chuyển giao công nghệ hoặc đầu tư trực tiếp. Nhưng nếu các thể chế khác nhau trên toàn thế giới, và nếu các quyền tài sản không được bảo vệ tại một vài quốc gia, thì các kết quả trên cũng không thể đứng vững. Ví dụ, vốn sẽ không thể chảy vào các quốc gia mà các quyền tài sản không được bảo vệ, thậm chí quốc gia đó có hứa hẹn thu được nguồn lợi lớn. Thay vào đó, nguồn vốn sẽ đổ vào những quốc gia có tỉ suất hoàn vốn thấp hơn nhưng quyền tài sản được bảo vệ tốt hơn. Do đó, các học giả nghiên cứu sự khác biệt giữa các quốc gia về thu nhập hiện đang tập trung vào phân tích các thể chế, đặc biệt là nguyên tắc về luật pháp và sự tồn tại các quyền về tài sản…

(còn nữa)

Bùi Văn Huyền & Đỗ Tất Cường

(Nghiên cứu Châu Âu, số 07/2017)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here