Thành phố Buôn Ma Thuột học kinh nghiệm phát triển đô thị xanh và thông minh của Pháp

0
26
Đường sách cà phê Buôn Ma Thuột về đêm. (Nguồn: baophapluat.vn)

Buôn Ma Thuột đang hướng tới trở thành trung tâm của vùng Tây Nguyên, tăng cường hợp tác quốc tế và xây dựng thương hiệu “Thành phố Cà phê”.

Xây dựng TP. Cà phê của thế giới

Từ ngày 12-14/12, đoàn Ủy ban Nhân dân (UBND) thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, do ông Vũ Văn Hưng, Chủ tịch UBND thành phố, đã có chuyến thăm và làm việc tại Pháp, nhằm trao đổi với các đối tác Pháp và quốc tế về kinh nghiệm quy hoạch đô thị hướng tới mục tiêu xanh và bền vững.

Đoàn công tác nhằm mục tiêu phân tích rõ các thách thức đối với quy hoạch phát triển thành phố trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay, cũng như mục tiêu của Việt Nam hướng tới trung hòa carbon vào năm 2050. Đoàn đã có các buổi làm việc với đại diện Cơ quan Quy hoạch thành phố Paris (APUR), Cơ quan Phát triển Pháp (AFD), Trung tâm về Doanh nghiệp, vùng và thành phố của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp.

Trao đổi với các đối tác Pháp và OECD, Chủ tịch UBND thành phố Vũ Văn Hưng đã giới thiệu về tình hình phát triển kinh tế-xã hội của thành phố Buôn Ma Thuột cũng như kế hoạch điều chỉnh quy hoạch phát triển thành phố trong 5 năm tới, hướng tới mục tiêu xây dựng thành phố xanh, thông minh và bền vững. Tự hào về lịch sử 120 năm của thành phố, ông khẳng định Buôn Ma Thuột đang hướng tới trở thành trung tâm của vùng Tây Nguyên, tăng cường hợp tác quốc tế và xây dựng thương hiệu “Thành phố Cà phê”.

Trao đổi với đoàn công tác, ông Olivier Richard, Giám đốc phụ trách nghiên cứu và quan hệ quốc tế của APUR, cho biết APUR được thành lập từ năm 1967, độc lập với các cơ quan hành chính của Paris và có Ban điều hành gồm 29 cơ quan, công ty nhà nước, trong đó có Toà Thị chính Paris, Đại đô thị Paris, Công ty Đường sắt quốc gia Pháp (SNCF)…

APUR hoạt động độc lập, với 4 nhiệm vụ chính trên 2 cấp độ là thành phố Paris và Đại đô thị Paris: i) Tăng cường hiểu biết về lãnh thổ; ii) Góp phần vào định hướng phát triển của thành phố thông qua các văn bản và dự án quy hoạch đô thị của thành phố và Đại đô thị Paris, iii) Nghiên cứu và phân tích mang tính dự báo tiến trình phát triển về đô thị và xã hội để phục vụ cho chính sách phát triển và quy hoạch đô thị của thành phố; iv) Phối hợp và tạo tính thống nhất trong việc triển khai quy hoạch Đại đô thị Paris với các bên tham gia.
Với tính chất đặc thù đó, đại diện APUR đã chia sẻ những kinh nghiệm trong quy hoạch thành phố, những bài học qua các giai đoạn và các thách thức để giữ được tính hấp dẫn và đáng sống của thành phố trong bối cảnh biến đổi khí hậu và nóng lên toàn cầu.

Từ hơn 20 năm nay, Paris đã được tái quy hoạch để thích ứng với biến đổi khí hậu, tập trung vào giảm tiêu thụ năng lượng, chuyển đổi năng lượng hướng tới năng lượng xanh, biến đổi thành phố trên nền di sản cũ bằng cách cải tạo các toà nhà ở hai tầng trên cùng. Bên cạnh đó, Paris cũng có chính sách quy hoạch để tái cân bằng giữa phía Đông và phía Tây thành phố, giữa trung tâm và khu vực ngoại biên bằng các chính sách khuyến khích và thúc đẩy xây dựng các toà nhà văn phòng tích hợp với khu dân cư ở phía Đông.

Ngoài ra, để tạo ra cân bằng xã hội, thành phố cũng khuyến khích việc xây dựng các khu nhà ở xã hội với chi phí thấp, có chất lượng tốt thông qua các công cụ về quy hoạch và cấp phép cho các dự án về nhà ở tại các khu vực trung tâm. Thành phố cũng tiến hành quy hoạch lại giao thông và không gian công cộng, mở rộng khu vực giao thông cho xe đạp và người đi bộ, thúc đẩy các dự án xanh hoá thành phố để tăng diện tích xanh tại khu vực trung tâm.

Trong khi đó, hiện TP. Buôn Ma Thuột có diện tích hơn 377 km2, dân số khoảng 485.000 người. Theo Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 của, mở rộng, phát triển TP. Buôn Ma Thuột trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên, phát triển theo hướng xanh, sinh thái, thông minh, mang bản sắc riêng.

Theo Quy hoạch, tỉnh Đắk Lắk sẽ trở thành điểm đến đặc sắc, hấp dẫn khách du lịch trong nước và quốc tế. Trong đó, TP. Buôn Ma Thuột là một cực phát triển của vùng Tây Nguyên, hội nhập và liên kết theo hướng mở với khu vực và quốc tế; tiếp tục duy trì tốc độ đầu tư tích lũy cao cho nền kinh tế; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tiến bộ, tăng tính bền vững trong phát triển.

Thành phố Buôn Ma Thuột phải đổi mới mạnh mẽ khoa học và công nghệ, nâng cao rõ rệt chất lượng giáo dục đào tạo, phát triển nguồn nhân lực và y tế, văn hóa, thể dục, thể thao. Đô thị kết hợp giữa phát triển kinh tế với bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, phát huy sức mạnh đoàn kết các dân tộc, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Theo Lãnh đạo TP. Buôn ma Thuột, để xây dựng thành phố cà phê của thế giới, trước tiên phải có sự đồng hành của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Đây là yếu tố rất quan trọng then chốt để tạo được sự thành công, nếu không có yếu tố này sẽ không thể thành công. Yếu tố thứ hai là hoàn thiện kết nối giao thông với các vùng lân cận và cả nước để giao thương hàng hoá và thuận tiện cho du khách đến với thành phố Buôn Ma Thuột. Thứ ba là các giá trị sản phẩm gia tăng của cây cà phê phải được nâng cao và thực hiện tại Buôn Ma Thuột thì từ đó mới nâng cao giá trị gia tăng của cà phê.

Trong Nghị quyết 103 của Chính phủ có Đề án Phát triển thương hiệu thành phố Buôn Ma Thuột trở thành “Thành phố cà phê của thế giới”, chúng tôi đang trình cho Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ của Đề án này. Khi Đề án được phê duyệt sẽ có phân công nhiệm vụ cụ thể của các Sở, ngành của Tỉnh, của Thành phố và đặc biệt có sự tham gia của người dân, doanh nghiệp làm gì và cụ thể trong nội dung này; trong đó sẽ liên quan đến việc kêu gọi các tổ chức, các doanh nghiệp vào xây dựng “Thành phố cà phê của thế giới”.

Ngoài xây dựng đề án, trong xây dựng quy hoạch chung của thành phố Buôn Ma Thuột có tính đến việc tạo ra những không gian cho cây cà phê, nơi trồng, chăm sóc, chế biến, tiêu thụ cà phê trên địa bàn Thành phố. Đây là điều kiện để tạo ra nét riêng của Buôn Ma Thuột khi xây dựng “Thành phố cà phê của thế giới”.

3 thách thức lớn của Buôn Ma Thuột

Tại buổi làm việc với đoàn thành phố Buôn Ma Thuột, đại diện của AFD đã trao đổi về các ưu tiên hỗ trợ vốn phát triển của AFD đối với Việt Nam nói chung trong giai đoạn tới. Theo đó, AFD hướng đến các dự án giúp tăng cường khả năng chống chịu và thích ứng với biến đổi khí hậu.

AFD nêu bật bối cảnh chung của Việt Nam vẫn trong giai đoạn phát triển đô thị, các thành phố chưa đạt đến độ bão hoà về phát triển đô thị, dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu, có mục tiêu phát triển đầy tham vọng về trung hoà carbon đến năm 2050, chia sẻ về kinh nghiệm triển khai các dự án về quy hoạch đô thị với các địa phương của Việt Nam, nhấn mạnh các địa phương cần có tầm nhìn chiến lược dài hạn, lồng ghép với mục tiêu chống biến đổi khí hậu, tăng khả năng thích ứng với các rủi ro trong tương lai phù hợp với bối cảnh phát triển kinh tế của thành phố.

Về phía OECD, đại diện của Trung tâm Doanh nghiệp, vùng và thành phố của tổ chức này bày tỏ hoan nghênh đoàn thành phố đến trao đổi với các chuyên gia của OECD và giới thiệu về Chương trình của OECD về các thành phố thông minh và phát triển bền vững, với 3 mục tiêu chính: Tái định nghĩa lại khái niệm “Thành phố thông minh”, Đo lường hiệu quả của thành phố thông minh, kết quả của việc áp dụng công nghệ, Xây dựng các khuyến nghị về chính sách cho chính phủ về phát triển thành phố thông minh và bền vững. Trong quá trình trao đổi, hai bên đã chia sẻ về tính cần thiết của sự tham gia và đồng thuận của người dân trong các dự án về chuyển đổi số của các thành phố, các thách thức lớn của quá trình chuyển đổi số trong bối cảnh hiện nay.

Đại diện OECD nhấn mạnh 3 thách thức lớn: i) Khoảng cách về khả năng tiếp cận Internet do khác nhau về tốc độ phát triển hạ tầng số; ii) Vấn đề về năng lực sử dụng phương tiện số hoá: làm thế nào để giúp nhóm người có năng lực thấp tiếp cận và sử dụng công nghệ số, tăng hiệu quả của công nghệ số với các nhóm người khác nhau, ở các thành phố vừa và nhỏ, iii) An toàn, an ninh mạng: vấn đề bảo mật các thông tin cá nhân và quan ngại về bảo mật cũng là vấn đề gây trở ngại đối với quá trình chuyển đổi số tại các thành phố. Các thành phố phải phát triển năng lực quản lý dữ liệu.

Bên cạnh đó, đại diện OECD cũng nêu bật thách thức kết hợp chuyển đổi số và chuyển đổi sinh thái. Theo đó, chuyển đổi số có thể góp phần thúc đẩy chuyển đổi sinh thái với các công nghệ mới giúp tiết kiệm năng lượng, giao thông số. Tuy nhiên, hạ tầng chuyển đổi số cũng tạo ra thách thức với chuyển đổi sinh thái vì tiêu dùng rất nhiều năng lượng. Điều này đặt ra vấn đề phát triển năng lượng tái tạo để cung cấp điện cho hoạt động của hạ tầng số.

Kết thúc chuyến thăm và làm việc tại Pháp, đoàn công tác UBND thành phố Buôn Ma Thuột đã có buổi trao đổi về kết quả công tác với Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, bày tỏ mong muốn Đại sứ quán tiếp tục hỗ trợ thành phố trong hợp tác quốc tế và xây dựng, quảng bá thương hiệu “Thành phố Cà phê” của thế giới.

Chu Văn

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here