Tham gia CPTPP: Việt Nam cần chủ động để nhận được nhiều lợi ích

0
112

Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương CPTPP (hay còn gọi là TPP-11) chính thức có hiệu lực từ ngày 30/12/2018 sau khi Australia trở thành nước thứ 6 phê chuẩn hiệp định, sau New Zealand, Canada, Nhật Bản, Mexico và Singapore. Hiệp định CPTPP mở ra không gian rộng lớn của 11 quốc gia ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, bao gồm nhiều nền kinh tế hàng đầu thế giới với quy mô thị trường trên 500 triệu dân, chiếm khoảng 13,5% GDP toàn cầu. CPTPP được kỳ vọng là một “hiệp định của thế kỷ 21”, có phạm vi điều chỉnh rộng và mức độ cam kết sâu, bao gồm cả hàng hóa, dịch vụ, vệ sinh an toàn thực phẩm, rào cản kỹ thuật, chính sách cạnh tranh, sở hữu trí tuệ, mua sắm chính phủ và minh bạch hóa, môi trường và lao động. Trong tương lai, CPTPP còn có thể mở rộng hơn nữa khi nhiều nước rất quan tâm đến hiệp định này. Các nước Anh, Hàn Quốc và Thái Lan đang bày tỏ nguyện vọng gia nhập CPTPP trong thời gian sớm nhất.
CPTPP có hiệu lực đối với Việt Nam từ ngày 14/01/2019. Theo đó, CPTPP là FTA chất lượng cao và toàn diện với mức độ cam kết sâu rộng nhất từ trước đến nay Việt Nam tham gia. Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước, Việt Nam vẫn sẽ là nước nhận được nhiều lợi ích khi CPTPP được thực thi. Song, để tận dụng được cơ hội, đòi hỏi Chính phủ và bản thân các doanh nghiệp Việt Nam cần phải nỗ lực rất lớn.
1. Về cơ hội:
Theo dự báo của Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế xã hội quốc gia (NCIF) thuộc Bộ Kế hoạch vàĐầu tư, CPTPP có thể giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 1,32%, tương đương với 1,7 tỷ USD và có thể tăng tới 2,01% nếu Việt Nam thực hiện đồng thời cắt giảm thuế quan và tự do hóa dịch vụ theo kịch bản mở cửa dịch vụ. Với một nền kinh tế có độ mở cao đến 200%, việc thực thi CPTPP hứa hẹn mang lại cho Việt Nam nhiều cơ hội. Cụ thể:
Thứ nhất, chúng ta sẽ có cơ hội tiếp cận thị trường của 11 đối tác với mức thuế ưu đãi, trong đó có nhiều đối tác kinh tế – thương mại, thị trường xuất khẩu hàng đầu của ta hiện nay. Khác với các FTA ta đã ký kết trước đây, các đối tác trong CPTPP có cơ cấu hàng hóa mang tính bổ trợ với ta. Đây là cơ hội để ta đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của ta, hỗ trợ cán cân thương mại và tăng dự trữ ngoại hối. Chẳng hạn như, Nhật Bản, thị trường xuất khẩu hàng đầu của ta cam kết sẽ thực hiện xóa bỏ ngay thuế nhập khẩu đối với 86% số dòng thuế hàng từ Việt Nam sang Nhật Bản (chiếm 93,6% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này). Theo đánh giá của các chuyên gia, CPTPP có thể giúp xuất khẩu của Việt Nam tăng tương ứng là 1,32% và 4,04% đến năm 2035.
Thứ hai, tạo điều kiện cho ta đa dạng hóa đối tác, thị trường, và nguồn cung nguyên liệu, hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng hơn trên phạm vi toàn cầu. Sau hơn 30 năm đổi mới và hội nhập kinh tế quốc tế, mô hình tăng trưởng của ta bộc lộ nhiều yếu kém nội tại, và thiếu bền vững khi xuất nhập khẩu và đầu tư nước ngoài đến nay vẫn tập trung vào một số đối tác. Theo đó, xuất khẩu tập trung vào Mỹ, EU và Nhật Bản, chiếm gần 50% tổng xuất khẩu; nhập khẩu từ Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc và ASEAN chiếm 70% kim ngạch nhập khẩu, riêng Trung Quốc chiếm xấp xỉ 25%. Việc tập trung vào một số đối tác tiềm ẩn rủi ro bị phụ thuộc các đối tác này. Tham gia CPTPP mở ra cho ta cơ hội hợp tác kinh tế với các đối tác mới, đặc biệt là các đối tác chưa có FTA với ta như Canada, Peru, Mexico… Đây là cơ hội để ta đa dạng hóa đối tác, thị trường và nguồn cung nguyên vật liệu, tránh phụ thuộc vào một số thị trường nhất định, đặc biệt là Trung Quốc.
Thứ ba, quá trình tự do hóa thương mại và hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng thông qua CPTPP giúp Việt Nam trở thành một trong những địa chỉ hấp dẫn về đầu tư, có thể thu hút được dòng FDI với giá trị lớn hơn và công nghệ cao hơn. Tham gia CPTPP giúp Việt Nam đẩy mạnh thu hút đầu tư, chuyển giao công nghệ nguồn và trình độ quản lý hiện đại từ các đối tác kinh tế hàng đầu thế giới, đặc biệt là Nhật Bản, Canada, Newzealand, tạo hiệu ứng lan tỏa, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, doanh nghiệp và sản phẩm. Không những vậy, để đón bắt những cơ hội CPTPP mang lại, ngày càng nhiều đối tác trong khu vực như Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Đài Loan, Singapore… đang có xu hướng chuyển dịch đầu tư, dây chuyền sản xuất và các đơn hàng từ Trung Quốc sang Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực dệt may, giày dép, linh kiện điện tử… tạo thêm nguồn lực phát triển đất nước. Hơn nữa, doanh nghiệp của ta cũng có thể tận dụng các chương trình hỗ trợ kỹ thuật, phát triển nguồn nhân lực… dành cho các thành viên đang phát triển khi tham gia CPTPP để nâng cao năng lực sản xuất trong nước. Nhờ đó, sức cạnh tranh của ta được cải thiện trên cả ba cấp độ nền kinh tế, doanh nghiệp và sản phẩm.
Thứ tư, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp và nền kinh tế nước ta tham gia vào những nấc thang cao hơn trong chuỗi sản xuất và cung ứng khu vực và tòan cầu. Các đối tác CPTPP, nhất là Nhật Bản, Singapore là những “trục” hay “đầu tàu” của các chuỗi sản xuất và chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu. Việc ta ký kết FTA với các đối tác này, sẽ tạo thuận lợi cho cho các doanh nghiệp của ta kết nối với các tập đoàn lớn tầm toàn cầu của các nước đối tác, mở rộng cơ hội cho các doanh nghiệp của ta tham gia vào các chuỗi sản xuất và chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu. Đồng thời, việc CPTPP có những quy định chặt chẽ về quy tắc xuất xứ cũng khuyến khích hình thành những chuỗi giá trị và cung ứng giữa các bên tham gia ký kết CPTPP để tận dụng cơ hội CPTPP mang lại. Đây là cơ hội để ta tham gia sâu hơn và ở những bậc thang cao hơn trong chuỗi giá trị và cung ứng khu vực và toàn cầu.
Thứ năm, tạo “cú hích” mạnh mẽ đối với hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nâng cao năng lực thực thi của ta. CPTPP có mức độ cam kết cao về tự do thương mại, dịch vụ, đầu tư, và các vấn đề kinh tế – thương mại mới như sở hữu trí tuệ, lao động, môi trường, DNNN, mua sắm chính phủ… sẽ tạo động lực cải cách thể chế, hoàn thiện hệ thống pháp luật đầy đủ, đồng bộ, phù hợp với các chuẩn mức quốc tế, tạo môi trường kinh doanh ngày càng bình đẳng, minh bạch và dễ dự đoán hơn. Theo tính toán sơ bộ, để triển khai các cam kết trong CPTPP, Việt Nam cần sửa đổi 08 luật (luật lao động, luật phòng chống tham nhũng, luật sở hữu trí tuệ, bộ luật hình sự, bộ luật tố tụng hình sự, luật kinh doanh bảo hiểm, luật an toàn thực phẩm) và nhiều nghị định liên quan. Nhờ đó, môi trường kinh doanh không ngừng được cải thiện, năng lực cạnh tranh không ngừng được nâng cao.
Thứ sáu, góp phần nâng cao vị thế đất nước, tạo bước chuyển về chất trong hội nhập kinh tế quốc từ “tích cực tham gia” sang “tích cực đóng góp tham gia định hình luật chơi”. Việc ta hoàn tất CPTPP với 11 đối tác, giúp đưa quan hệ giữa ta với các đối tác đi vào chiều sâu, tạo thêm sự đan xen về lợi ích giữa ta với các đối tác, qua đó giảm thiểu những bất đồng có thể dẫn đến những vấn đề chính trị. Đồng thời, việc ta chủ động tham gia CPTPP, “FTA thế kỷ 21”, giúp ta có cơ hội tham gia xây dựng luật chơi mới, thúc đẩy các quan tâm và lợi ích của quốc gia, thay vì phải chấp nhận những luật chơi đã định sẵn, nhờ đó vị thế đất nước được nâng cao một bước, tạo thế cho ta trong đàm phán với các đối tác mới muốn gia nhập khi CPTPP mở rộng, đồng thời tạo động lực thúc đẩy đàm phán thành công các FTA ta đang tham gia.
2. Về thách thức:
Bên cạnh những cơ hội vô cùng to lớn của việc tham gia CPTPP mang lại, Việt Nam cũng sẽ phải đối diện với không ít những khó khăn, thách thức cần nỗ lực và quyết tâm cao để vượt qua, cụ thể:
Thứ nhất, quá trình chuẩn bị trong nước về thể chế, năng lực thực thi không theo kịp tiến trình đàm phán và thực thi CPTPP. So với các hiệp định kinh tế – thương mại mà Việt Nam đã ký kết, CPTPP là hiệp định FTA thế hệ mới với nội hàm sâu rộng hơn và mức độ cam kết rất cao. Ta sẽ phải mở cửa thị trường toàn diện, không chỉ về thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, đầu tư, mà còn mở sang các vấn đề kinh tế – thương mại hoàn toàn mới như mua sắm công, sở hữu trí tuệ, lao động, môi trường… trong khi khuôn khổ pháp lý, chính sách của chúng ta liên quan đến các vấn đề này chưa được hoàn thiện, năng lực thực thi các cam kết và hội nhập quốc tế của ta còn nhiều hạn chế. Do đó, nếu không đẩy nhanh tiến độ cùng với quyết tâm chính trị mạnh mẽ, ta khó có thể hoàn thiện hệ thống pháp luật, quy định, chính sách theo đúng lộ trình cam kết, sức ép về năng lực thực thi cũng vô cùng lớn.
Thứ hai, đối mặt với cạnh tranh gay gắt ở thị trường trong và ngoài nước. Tuy có sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, công nghiệp của ta chủ yếu vẫn là gia công, lắp ráp, nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún, trong khi khả năng tự chủ và tính bền vững trong sản xuất và xuất khẩu thấp do công nghiệp phụ trợ, sản xuất nguyên liệu trong nước kém phát triển. Ngay cả nông sản, chăn nuôi, vốn là một thế mạnh của Việt Nam, song nhiều mặt hàng được dự báo khó cạnh tranh ngay tại thị trường nội địa, như thịt lợn, thịt bò… vốn là thế mạnh của Australia, New Zealand. Đồng thời, CPTPP đặt ra yêu cầu cạnh tranh bình đẳng, đặc biệt trong các lĩnh vực ta kém lợi thế như doanh nghiệp nhà nước, mua sắm chính phủ, ngân hàng, bán lẻ, viễn thông. Do đó, các doanh nghiệp trong nước phải đối mặt với sức ép cạnh tranh ngày càng lớn ngay trên “sân nhà”, đặc biệt khi các tập đoàn xuyên quốc gia của nước ngoài mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam, dẫn đến nguy cơ phải thu hẹp sản xuất, gia công làm thuê cho nước ngoài, thậm chí bị thâu tóm, phá sản. Trong khi đó tại thị trường các đối tác FTA, ta tham gia chủ yếu ở khâu gia công, lắp ráp (khâu thấp nhất trong chuỗi giá trị) nên hiệu quả kinh tế mang lại không cao, đồng thời chịu sự cạnh tranh gay gắt của các đối tác CPTPP khác, như cạnh tranh với hàng hóa Malaysia trên thị trường Canada.
Thứ ba, xu hướng gia tăng các hình thức bảo hộ mới, tinh vi hơn là một thách thức không nhỏ đối với các doanh nghiệp của ta. Trong bối cảnh thương mại quốc tế còn rất nhiều khó khăn, các nước tăng cường áp dụng các biện pháp hạn chế thương mại. Nhằm bảo hộ sản xuất trong nước, các đối tác CPTPP của ta có thể sẽ đưa ra có tiêu chuẩn kỹ thuật tinh vi, quy định về các biện pháp vệ sinh dịch tễ và an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn nhãn mác, tiêu chuẩn lao động, môi trường, quy tắc xuất xứ… Đây lại những lĩnh vực kinh tế – thương mại mới, trong khi nước ta lại là nước đang phát triển ở trình độ thấp hơn so với các đối tác khác, dẫn đến nguy cơ đối diện với các vụ kiện tranh chấp thương mại là rất lớn.
Ngoài ra, hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng và toàn diện có thể dẫn đến phát sinh một số hệ quả tiêu cực, cả về xã hội và môi trường, chênh lệch mức độ phát triển giữa các vùng, miền ngày càng gia tăng, nhiều bộ phận dân cư không được hưởng lợi, thậm chí bị tác động tiêu cực từ hội nhập kinh tế quốc tế, tài nguyên thiên nhiên bị khai thác cạn kiệt, vấn đề vệ sinh, an toàn thực phẩm, môi trường ở nhiều nơi trở nên trầm trọng.
3. Một số khuyến nghị chính sách:
Việc tham gia CPTPP mang lại cho Việt Nam rất nhiều cơ hội cũng như đặt ra cho chúng ta không ít khó khăn, thách thức. Trong thời gian tới, ta cần thực hiện nhiều giải pháp nhằm khắc phục tối đa những hạn chế đồng thời khai thác hiệu quả những lợi ích mà CPTPP mang lại, cụ thể:
Thứ nhất, cần tạo đột phá căn bản về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, đây là yếu tố then chốt để đảm bảo hội nhập kinh tế quốc tế thành công, trong đó có hoàn tất và thực thi CPTPP. Ta cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật phù hợp với chuẩn mực quốc tế theo lộ trình đã đề ra, đặc biệt là các vấn đề kinh tế – thương mại mới, nhạy cảm liên quan các vấn đề chính trị, xã hội như lao động, sở hữu trí tuệ, môi trường, doanh nghiệp nhà nước, mua sắm chính phủ, cơ chế giải quyết tranh chấp quốc tế… Đồng thời, tích cực cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản hóa nhằm tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, thông thoáng, minh bạch, thu hút tối đa các nguồn lực bên ngoài phục vụ phát triển đất nước, thực hiện chiến lược kinh tế xã hội 2010-2020.
Thứ hai, tiếp tục đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững, hoàn thành ba đột phá chiến lược, chú trọng chất lượng tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, doanh nghiệp và sản phẩm. Một mặt, ta chú trọng nâng cao hiệu quả đầu tư, giá trị gia tăng của những ngành hàng và sản phẩm mà ta có lợi thế so sánh, cũng như phát triển ngành công nghiệp mũi nhọn dựa vào công nghệ, tạo lợi thế so sánh động, đưa đất nước tham gia sâu hơn vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu ở tầng nấc cao hơn. Mặt khác, chú trọng xây dựng chính sách hỗ trợ các ngành, lĩnh vực và đối tượng bị tác động nhiều nhất. Chẳng hạn, đối với ngành dệt may, cần chú trọng phát triển công nghiệp phụ trợ để giảm nhập khẩu nguyên liệu từ các nước ngoài CPTPP, đa dạng hóa nguồn cung với các đối tác thuộc CPTPP để vượt qua thử thách về nguyên tắc xuất xứ; với ngành nuôi trồng thủy sản cần tăng cường năng lực để nâng cao chất lượng, đáp ứng các tiêu chuẩn ngày càng cao của thị trường các nước CPTPP…
Thứ ba, tăng cường hiệu quả phối hợp giữa các bộ, ban, ngành, địa phương và doanh nghiệp nhằm tạo đồng thuận và sự đồng bộ trong hoàn tất và thực thi CPTPP. Trước hết, các cơ quan nhà nước, bộ, ban, ngành tiếp tục đẩy mạnh phổ biến, tuyên truyền, chú trọng nâng cao nhận thức cho các địa phương, doanh nghiệp về cơ hội và thách thức của việc tham gia CPTPP trong từng ngành, lĩnh vực cụ thể để các địa phương, doanh nghiệp có sự chuẩn bị tốt đón CPTPP ngay từ khi hiệp định đang đàm phán. Các địa phương, doanh nghiệp của ta cần chủ động nắm bắt thông tin, tìm kiếm cơ hội kinh doanh, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh, tích cực chuẩn bị và có chiến lược kinh doanh dài hạn để thích nghi với môi trường và áp lực cạnh tranh mới.
Thứ tư, coi trọng và chủ động xử lý bài bản các vấn đề tranh chấp thương mại. Trong bối cảnh thương mại quốc tế còn rất nhiều khó khăn, xu hướng bảo hộ tăng, xử lý bài bản các vấn đề tranh chấp thương mại là một thách thức rất lớn đối với xuất nhập khẩu và sản xuất trong nước. Một mặt, cần triển khai đồng bộ, bài bản hơn các biện pháp kỹ thuật để bảo vệ sản xuất trong nước, đảm bảo đúng quy trình của WTO đồng thời chủ động có lập luận giải thích, tránh tạo cớ cho các đối tác, doanh nghiệp nước ngoài lợi dụng có biện pháp trả đũa. Đồng thời, nỗ lực thúc đẩy đạt được thỏa thuận về thừa nhận lẫn nhau (MRA) để tạo thuận lợi cho thương mại. Mặt khác, tranh thủ cơ hội vận động các đối tác CPTPP công nhận quy chế kinh tế thị trường của ta, hạn chế bất lợi cho ta trong các vụ kiện bán giá phá. Hơn nữa, ta cần có chủ trương tổng thể và phối hợp liên ngành chặt chẽ để xử lý gian lận thương mại như “tạm nhập tái xuất”, dán nhãn mác và sản xuất “nhái” sản phẩm của ta, nhập lậu, chuyển giá… bảo đảm môi trường cạnh tranh bình đẳng cho các ngành sản xuất trong nước phát triển./.

Hoàng Hương

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here