Tính đến hết tháng 9/2024, tổng vốn đầu tư công trung hạn phải bố trí trong kỳ đầu tư công còn hơn 14.600 tỷ đồng, chủ yếu phụ thuộc vào nguồn thu tiền sử dụng đất; còn 101 dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư nhưng chưa có quyết định giao vốn; 83 dự án dự kiến chuyển toàn bộ kế hoạch vốn sang giai đoạn 2026 – 2030 với tổng số vốn hơn 11.200 tỷ đồng…
Để nâng cao hiệu quả việc thực hiện kế hoạch sử dụng vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025, Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Nguyên đề nghị UBND tỉnh tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện quy định của pháp luật về đầu tư công, phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong quản lý, điều hành thực hiện tốt kế hoạch đầu tư công.
Đồng thời, huy động tối đa các nguồn lực đầu tư, trọng tâm là bảo đảm nguồn lực ngân sách để bố trí kế hoạch vốn, siết chặt kỷ luật, kỳ cương, thực hện tiết kiệm, chống thất thoát, lãng phí trong đầu tư công.
Tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị theo dõi, kiểm tra, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công, nhất là vốn các chương trình mục tiêu quốc gia, vốn vay ODA, bố trí đủ vốn để thực hiện các công trình, dự án đã được phê duyệt, đề xuất các công trình, dự án đưa vào kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2026 – 2030 phù hợp với mục tiêu, định hướng phát triển của quy hoạch tỉnh, có tính lan tỏa cao, tác động tích cực đến phát triển kinh tế – xã hội, thu hút đầu tư, bảo đảm an sinh xã hội.
Theo kết quả giám sát mới đây của Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Nguyên, tính đến hết tháng 9/2024, tổng vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 cấp tỉnh và cấp huyện trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên là hơn 47.500 tỷ đồng để thực hiện trên 2.200 dự án và các chương trình, tăng hơn 75% so với kế hoạch vốn giai đoạn 2016 – 2020.
Từ nguồn vốn này, đã có hơn 2.100 dự án được bố trí vốn triển khai thực hiện; trong đó 1.448 dự án đã hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng, đạt tỷ lệ gần 70% và trên 75% số dự án hoàn thành đã được phê duyệt quyết toán, hơn 650 dự án đang trong quá trình triển khai thực hiện. Việc quản lý, triển khai thực hiện các dự án đầu tư công được UBND các cấp, các cơ quan, đơn vị tích cực thực hiện, cơ bản đảm bảo trình tự, phù hợp với chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư và kế hoạch vốn đã được cấp có thẩm quyền quyết định.
Các công trình, dự án đầu tư công sau khi hoàn thành, đưa vào sử dụng đã phát huy hiệu quả và mục tiêu đầu tư, việc bố trí vốn thanh, quyết toán các dự án đầu tư công được quan tâm. Công tác thanh, kiểm tra về quản lý đầu tư công được chú trọng, góp phần hạn chế các vi phạm trong lĩnh vực đầu tư công…
Kết quả giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh cũng chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế trong triển khai thực hiện kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 như: chất lượng thẩm định, xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn, nhất là chất lượng thẩm định nguồn vốn đầu tư công từ nguồn thu sử dụng đất còn hạn chế chưa sát với tình hình thực tiến, phải điều chỉnh giảm nhiều lần, ảnh hưởng đến việc thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được phê duyệt.
Việc thực hiện pháp luật về đấu thầu, lựa chọn nhà thầu của một số nhà đầu tư vẫn còn sai sót. Tỷ lệ giải ngân vốn các chương trình mục tiêu quốc gia, vốn ODA và một sô dự án của cấp huyện còn thấp, bố trí vốn chưa đảm bảo thứ tự ưu tiên, còn 43 dự án đã được Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định thời gian bố trí vốn, kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân nhưng chưa hoàn thành đúng quy định…
Nguyên nhân của tình trạng này do việc dự báo tình hình thu ngân sách, nhất là thu tiền sử dụng đất chưa sát với thực tế làm ảnh hưởng đến việc cân đối và phân bổ nguồn lực để thực hiện, hoàn thành kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025. Một số địa phương chưa thích cực trong thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư của dự án, các chủ đầu tư sử dụng vốn ODA đề xuất nhu cầu kế hoạch vốn nước ngoài hàng năm còn chưa chính xác…
Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, năm 2024, kế hoạch vốn đầu tư công do Thủ tướng Chính phủ giao cho tỉnh Thái Nguyên là trên 5.612 tỷ đồng; kế hoạch vốn do HĐND, UBND tỉnh và HĐND cấp huyện giao là trên 9.621 tỷ đồng. Đến ngày 9/12/2024, kết quả thanh toán vốn đạt trên 4.047 tỷ đồng, bằng 72,1% kế hoạch vốn do Thủ tướng Chính phủ giao, đạt 44,6% kế hoạch vốn địa phương giao.
Dự kiến đến hết ngày 31/12/2024, kết quả giải ngân đạt trên 5.861 tỷ đồng (bao gồm cả kéo dài), đạt 95% kế hoạch vốn do Thủ tướng Chính phủ giao, đạt 60% kế hoạch vốn địa phương giao.
Dự tính đến ngày 31/1/2025, kết quả giải ngân đạt trên 7.399 tỷ đồng (trong đó, kế hoạch vốn năm 2024 là trên 6.870 tỷ đồng, kế hoạch vốn kéo dài là trên 529 tỷ đồng), hoàn thành vượt mức kế hoạch vốn do Thủ tướng Chính phủ giao và đạt khoảng 77% kế hoạch vốn địa phương giao năm 2024…
Năm 2024, nhóm các dự án, công trình trọng điểm của tỉnh, bao gồm các công trình hạ tầng giao thông như đường Vành đai 5 kết nối với tỉnh Bắc Giang, đường liên kết Thái Nguyên-Bắc Giang-Vĩnh Phúc, sân vận động tỉnh, trụ sở khối các cơ quan tỉnh… được bố trí nguồn vốn lớn, nhưng tỷ lệ giải ngân 6 tháng đầu năm đạt thấp, chỉ từ hơn 10% đến 20% số vốn được giao trong năm.
Chu Văn