Theo Bộ Thương mại Thái Lan, trong năm 2018, mặc dù xuất khẩu giảm, nhưng Thái Lan vẫn hoàn thành mục tiêu xuất khẩu 11,13 triệu tấn gạo và đạt giá trị 5,62 tỷ USD. Tuy nhiên, ngành gạo Thái Lan gần đây “nóng” vấn đề Luật Lúa gạo. Mục tiêu của Luật là nhằm thúc đẩy các cơ chế nhà nước trong việc phát triển nông nghiệp Thái Lan, nhưng lại bị chính người nông dân phản đối.
Mới đây, truyền thông Thái Lan đưa tin một Ủy ban thuộc Hội đồng Lập pháp Thái Lan (NLA) đang xem xét dự luật về gạo của nước này đã bày tỏ lạc quan rằng, bản sửa đổi của dự luật này sẽ làm hài lòng tất cả các bên có lợi ích liên quan khi được đưa ra thảo luận lần thứ hai và thứ ba tại NLA trong ngày 26/2.
Trước đó một ngày, ông Marut Patchotasing – Chủ tịch Ủy ban nói trên của NLA – đã chủ trì một hội đồng khác thảo luận về dự luật lúa gạo sửa đổi. Ông Marut nhấn mạnh dự luật trên giúp thúc đẩy các cơ chế nhà nước trong việc phát triển nông nghiệp, tăng sản lượng lúa gạo và mở rộng thị trường. Đồng thời, dự luật trên sẽ góp phần đảm bảo cho người nông dân không bị lợi dụng.
Theo quy định tại Điều 6 của dự luật, 5 đại diện nông dân sẽ được tham gia vào Ủy ban Quản lý và Chính sách Lúa gạo gồm 14 thành viên. Một hội đồng theo quy định tại Điều 12 có trách nhiệm khởi động những biện pháp hỗ trợ giải quyết các vấn đề mà người nông dân đang phải đối mặt. Bên cạnh đó, Điều 21 của dư luật đưa ra cách thức để lập những khu vực trồng lúa phù hợp trong vòng 3 năm. Tuy nhiên, những người phản đối chủ yếu chú ý đến Điều 27 với quy định cấm buôn bán hạt giống mà không có sự cho phép của Cục Quản lý lúa gạo.
Hồi tháng 12, tờ Bangkok Post đăng tải thông tin Đạo luật này đã bị phản đối mạnh mẽ, vì cho rằng nó sẽ ảnh hưởng không tốt tới sự phát triển của ngành này tại Thái Lan.
Tại một cuộc hội thảo gần đây, ông Nipon Poapongsakorn, một nhân vật ưu tú, được coi như một phát ngôn kỳ cựu của ngành gạo Thái Lan tại Viện Nghiên cứu Phát triển Thái Lan (TDRI) nhận định, dự thảo này tuyên bố mục tiêu giảm rủi ro cho nông dân và hình thành một thế hệ mới cho ngành nông nghiệp, nhưng lại trao quyền lực cực lớn cho Chính phủ. “Lo ngại chính về dự thảo này là quyền lực được trao về Bộ ngành gạo, hiện chỉ có nhiệm vụ triển khai R&D về các giống và năng suất lúa”, ông Nipon nói.
Bộ này sẽ được giao nhiệm vụ thanh tra liệu các giống lúa nông dân bán ra thị trường hoặc các nhà máy có được đăng ký với Bộ này theo luật mới hay không. Ông Nipon cho rằng, dự thảo cũng đặt ra những cơ chế phạt không thỏa đáng cho các nhà xay xát và thương nhân ngành gạo- những người mua các giống lúa không được đăng ký với Bộ trên. Dự thảo cũng kêu gọi đưa hội đồng quản lý sản xuất và marketing gạo hiện thuộc quản lý của Bộ Thương mại về Bộ ngành gạo.
Giới phê bình cũng cho rằng, dự luật khi được ban hành, sẽ tước đi quyền của người nông dân trong việc buôn bán hoặc trao đổi lúa giống với nhau vì lúa giống sẽ phải được Cục Lúa Gạo chứng nhận. Họ cũng nghi ngờ rằng, dự luật được thiết kế để mang lại lợi ích cho ngành nông nghiệp theo cách buộc nông dân phải dựa vào lúa giống của Cục Lúa gạo để canh tác.
NLA đã mời đại diện của 70 tổ chức nông dân đến quốc hội để thông báo nội dung của dự luật và bác bỏ các cáo buộc chống lại nó. Các đại diện của nông dân cho rằng, thật không đúng khi nông dân sẽ phải đối mặt với án phạt nặng nếu họ bị phát hiện sử dụng lúa giống để canh tác. Thay vào đó, họ khẳng định họ có thể giữ lúa giống của mình và tự do trao đổi lúa giống với những người nông dân khác trừ khi chúng được giữ cho mục đích thương mại, trong trường hợp đó, lúa giống của họ phải được Cục Lúa gạo chứng nhận.
Sức mua trên thị trường lúa gạo gần đây chịu ảnh hưởng nhiều từ tình hình kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, ngành gạo Thái Lan đang chuẩn bị các chiến dịch tiếp thị hướng đến các thị trường lớn tại châu Á như Hongkong, Singapore, Trung Quốc, Philippines và Indonesia. Năm 2019, Chính phủ Thái Lan đặt mục tiêu xuất khẩu 10 triệu tấn gạo, đồng thời sẽ tìm giải pháp tăng giá trị xuất khẩu và khuyến khích nông dân trồng gạo chất lượng cao và những giống gạo mà thị trường thế giới có nhu cầu cao.
Chu Văn