Tây Ninh tăng cường hợp tác thực chất với các đối tác Campuchia

0
173
Tây Ninh đang trên đà phát triển.

Tây Ninh đang trở thành giao điểm của trục hành lang kinh tế quốc tế; kết nối vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với các nước ASEAN và trục hành lang kinh tế quốc gia kết nối Tây Nguyên với Tây Nam bộ… mở ra những triển vọng lớn, tác động mạnh mẽ đến kinh tế – xã hội của tỉnh và khu vực.

Đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại chương trình họp mặt kỷ niệm 55 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Campuchia, ngày 6/9/2022.

Trong thời gian qua, trên tinh thần chủ động và tích cực hội nhập, hoạt động đối ngoại của Tây Ninh với các tỉnh giáp biên đã được triển khai đồng bộ, hiệu quả, có nhiều khởi sắc, phát triển toàn diện cả về bề rộng và chiều sâu, đều khắp trên cả ba trụ cột: đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân, qua đó, giúp duy trì tốt mối quan hệ truyền thống với các địa phương thuộc Vương quốc Campuchia, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế – xã hội và củng cố quốc phòng, an ninh.

Tiềm năng, sức hút lớn

Tỉnh Tây Ninh nằm trong vùng Đông Nam Bộ và vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam; phía Tây và Bắc giáp Campuchia với đường biên giới dài 240 km có ba cửa khẩu quốc tế: Mộc Bài, Xa Mát và Tân Nam; ba cửa khẩu chính: Kà Tum, Chàng Riệc và Phước Tân; 10 cửa khẩu phụ. Cửa khẩu Quốc tế Mộc Bài cách TP. Hồ Chí Minh 70 km và Thủ đô Phnom Penh – Campuchia 170 km.

Trong thời gian qua, cơ cấu kinh tế trên địa bàn tỉnh Tây Ninh dịch chuyển theo hướng công nghiệp hoá khá rõ nét, tỷ trọng đóng góp của ngành công nghiệp trong GRDP của tỉnh qua các năm tăng dần. Trên địa bàn tỉnh hiện đã hình thành sáu khu công nghiệp nằm trong quy hoạch khu công nghiệp Việt Nam, với tổng diện tích đất theo quy hoạch là 3.959 ha. Tỉnh Tây Ninh hiện đứng thứ 13 trong thu hút đầu tư FDI so với các địa phương trong cả nước. Các dự án đầu tư có xu hướng tập trung nhiều hơn vào các lĩnh vực khai thác lợi thế của tỉnh gồm: dệt may, chế biến nông sản, sản xuất các sản phẩm cao su và plastic, da giày, các sản phẩm kim loại…

Tây Ninh đặt mục tiêu phát huy mọi tiềm năng, lợi thế, tận dụng tốt nguồn lực và yếu tố con người để đưa ngành công nghiệp phát triển nhanh, toàn diện và bền vững; trong đó, công nghiệp và dịch vụ du lịch là động lực chủ yếu cho tăng trưởng gắn với phát triển không gian mới; đưa Tây Ninh trở thành một trong những trung tâm phát triển công nghiệp và dịch vụ du lịch của vùng và cả nước.

Theo kế hoạch Phát triển du lịch tỉnh Tây Ninh đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, tỉnh định hướng phát triển ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Tây Ninh vào năm 2030, đóng góp trên 10% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) cho tỉnh. Dự kiến đến năm 2025, Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen sẽ trở thành một trong những khu du lịch đẳng cấp của khu vực và quốc gia; là tâm điểm dẫn dắt, kết nối lan tỏa du lịch địa phương và khu vực Đông Nam bộ.

Tỉnh cũng đang hướng đến phát triển các loại hình du lịch sinh thái; dịch vụ du lịch dọc tuyến sông Sài Gòn và sông Vàm Cỏ Đông kết hợp du lịch sinh thái, miệt vườn hình thành các điểm dừng chân có bãi đỗ xe, bến tàu, nghỉ dưỡng, ăn uống ven sông, các hoạt động thể thao dưới nước… Song song, tỉnh sẽ phát triển du lịch nghỉ dưỡng, tìm hiểu đa dạng sinh học, phát huy tối đa lợi thế Vườn Di sản ASEAN – Vườn quốc gia Lò Gò – Xa Mát, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, các loại hình dịch vụ du lịch đường thủy, cắm trại, đi bộ xuyên rừng, xe ô tô địa hình, các hoạt động thể thao dưới nước… kèm theo phát triển sản phẩm nông nghiệp, đặc sản OCOP của địa phương, nhằm phục vụ nhu cầu mua sắm, quà tặng của khách du lịch.

Dự kiến, tốc độ tăng trưởng doanh thu du lịch của Tây Ninh sẽ tăng bình quân hằng năm từ 25%/năm trở lên; khách tham quan du lịch giai đoạn 2021-2030 đạt 55 triệu lượt khách, với doanh thu từ du lịch đạt trên 44.000 tỷ đồng; giải quyết được khoảng trên 28.000 lao động làm việc có liên quan đến ngành du lịch; trong đó, lao động trực tiếp khoảng gần 10.000 người, lao động gián tiếp của xã hội khoảng trên 18.000 người.

Tây Ninh đang trên đà phát triển.

Tăng cường hợp tác thực chất

Phát huy đường biên giới chung dài 239,889 km, Tây Ninh đã ký kết thỏa thuận hợp tác trên nhiều lĩnh vực với ba tỉnh giáp biên là Svay Riêng, Prey Veng và Tboung Khmum thuộc Vương quốc Campuchia và một tỉnh kết nghĩa là Kampong Cham, tăng cường kết nối kinh tế, hợp tác đầu tư phát triển; quốc phòng, an ninh; trao đổi văn hóa, cũng như phối hợp các hoạt động có liên quan tình hình biên giới. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, lực lượng vũ trang tỉnh, các sở, ngành, đoàn thể tỉnh, các địa phương giáp biên đã chủ động triển khai nhiều hoạt động đối ngoại, giao lưu văn hóa, ký kết ghi nhớ hợp tác, hỗ trợ giúp đỡ bằng các hình thức phong phú, tạo được sự gắn kết tình cảm hữu nghị chân thành giữa hai bên.

Cả trong suốt giai đoạn dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Lãnh đạo các bên thường xuyên gửi thư thăm hỏi. Chia sẻ về tình hình dịch bệnh, ủng hộ lẫn nhau trang thiết bị, vật tư y tế để phòng, chống dịch. Hàng năm, lãnh đạo Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Tây Ninh và lãnh đạo các tỉnh thuộc Campuchia đều có nhiều cuộc gặp gỡ, cùng gỡ những điểm nghẽn, tạo sự gắn kết hữu nghị, truyền thống lâu dài.

Gần đây nhất, năm 2021, Tây Ninh đã phối hợp với tỉnh Prey Veng tham mưu cho Chính phủ hai nước thực hiện nâng cấp cặp cửa khẩu phụ Tân Nam – Mean Chey lên cửa khẩu quốc tế, góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế vùng biên, nâng cao đời sống của cư dân khu vực biên giới.

Về hợp tác đầu tư, Tây Ninh hiện có ba dự án đầu tư vào lĩnh vực trồng và xây dựng nhà máy chế biến mủ cao su tại Campuchia với tổng số vốn là 3.690,69 tỷ đồng, các dự án không chỉ giải quyết công ăn việc làm cho lao động hai nước, mà còn góp phần tích cực, hiệu quả vào công cuộc thúc đẩy phát triển kinh tế, an sinh xã hội, xây dựng và phát triển nông thôn của Campuchia.Về hợp tác giáo dục, trong giai đoạn 2017-2022, Tây Ninh đã hỗ trợ đào tạo 10 học viên thuộc ngành điều dưỡng và hộ sinh cho tỉnh Tboung Khmum theo đề nghị của tỉnh bạn. Hiện 10 học viên đã tốt nghiệp vào tháng 10/2021 và trở về công tác tại địa phương.

Thông qua nhiều chương trình hợp tác, các đơn vị lực lượng vũ trang của hai bên thường xuyên gặp gỡ, thăm hỏi, hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn, nghiệp vụ; tăng cường các hoạt động tổ chức giao lưu, kết nghĩa, tuần tra chung; kịp thời ngăn chặn và đấu tranh có hiệu quả các hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, các loại tội phạm.

Về công tác phân giới, cắm mốc, hai bên đã phối hợp thực hiện đạt 94,51% kế hoạch, thành quả này góp phần vào việc hoàn thành 84% khối lượng công tác phân giới cắm mốc trên toàn tuyến biên giới Việt Nam – Campuchia.

Minh Anh

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here