Hội nghị Cấp cao Khu vực Tam giác phát triển Campuchia – Lào – Việt Nam lần thứ 10 (CLV 10) do Thủ tướng ba nước Việt Nam, Campuchia, Lào đồng chủ trì diễn ra ngày 31/10 tại Hà Nội đã kết thúc tốt đẹp. Ba quốc gia đã cùng ngồi lại và đánh giá quá trình hợp tác, đồng thời xác định phương hướng phát triển trong giai đoạn tới nhằm cùng nhau đem đến xung lực mạnh mẽ tới khu vực Tam giác phát triển CLV, để hợp tác ngày càng hiệu quả, thực chất hơn, giúp hiện thực hóa tầm nhìn cộng đồng ASEAN 2025.
Chủ tịch Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), Tổng thư ký ASEAN và Giám đốc điều hành Ngân hàng thế giới (WB) tham dự Hội nghị theo lời mời của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Đây là lần đầu tiên Lãnh đạo cấp cao các tổ chức quốc tế ADB, WB và ASEAN tham dự HNCC CLV.
Tiến bộ trên nhiều lĩnh vực
Về tình hình hợp tác, Hội nghị ghi nhận những tiến bộ trong hợp tác giữa ba nước đã đạt được trên nhiều lĩnh vực từ hạ tầng cơ sở đến tạo thuận lợi cho thương mại; nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác CLV trong việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định ở khu vực, hỗ trợ quá trình phát triển kinh tế xã hội của mỗi nước, giúp 13 tỉnh khu vực biên giới thu hẹp khoảng cách phát triển. Cụ thể, triển khai kết quả HNCC CLV lần thứ 9, Tập đoàn Viettel của Việt Nam đã áp dụng thành công mức cước gọi giữa thuê bao của Viettel tại ba nước tương đương với mức cước trong nước, góp phần tạo thuận lợi cho giao lưu, kết nối giữa nhân dân và doanh nghiệp ba nước.
Về định hướng hợp tác trong thời gian tới, các Nhà Lãnh đạo khẳng định cam kết thúc đẩy hơn nữa hợp tác toàn diện giữa ba quốc gia, góp phần xây dựng các nền kinh tế CLV hội nhập, bền vững, thịnh vượng, và là một bộ phận không thể thiếu của Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025.
Hội nghị nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường kết nối giữa ba nền kinh tế nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh kinh tế, tham gia hiệu quả vào các chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu, và ứng phó với các thách thức chung. Hội nghị đã thảo luận về việc mở rộng hợp tác Khu vực Tam giác phát triển CLV và nhất trí giao cho các Bộ trưởng và các chuyên gia nghiên cứu về vấn đề này.
Để khởi động quá trình này, các Nhà Lãnh đạo đã thông qua Kế hoạch tổng thể về kết nối ba nền kinh tế CLV đến năm 2030. Kế hoạch hợp tác bao gồm những định hướng lớn thúc đẩy hợp tác kết nối về hạ tầng cơ sở, kết nối về thể chế và kinh tế, và giao lưu nhân dân.
Bên cạnh đó, các Nhà Lãnh đạo cũng chỉ đạo Uỷ ban điều phối chung tích cực triển khai một số nội dung nhằm nâng cao hiệu quả hợp tác như tăng cường hợp tác an ninh đối ngoại, đặc biệt trong phòng chống tệ nạn buôn gỗ, buôn người, buôn ma tuý, tội phạm xuyên biên giới, ứng phó với bệnh dịch truyền nhiễm và thiên tai, rà phá vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh. Thứ hai, xây dựng Quy hoạch phát triển ngành du lịch khu vực Tam giác phát triển để tạo bước chuyển quan trọng cho ngành du lịch ba nước. Thứ ba, giao các Bộ Nông nghiệp ba nước trao đổi và hoàn thiện Kế hoạch phát triển ngành công nghiệp cao su ba nước Campuchia, Lào và Việt Nam để trình xem xét tại Hội nghị Cấp cao TGPT CLV lần thứ 11. Thứ tư, thúc đẩy các chương trình hợp tác chung về bảo vệ môi trường và quản lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Thứ năm, Thường xuyên cập nhật thông tin về tiềm năng, các chính sách ưu đãi dành cho khu vực TGPT CLV trên Trang thông tin điện tử khu vực TGPT CLV.
Cần bước đi mạnh mẽ của từng quốc gia
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh sự cần thiết phải có bước đi mạnh mẽ hơn trong chính sách của từng quốc gia, cũng như phối hợp chung giữa ba nước để xây dựng một Tam giác phát triển CLV năng động, thịnh vượng, phát triển bền vững và bao trùm, trở thành một cực tăng trưởng ở Đông Nam Á. Với tinh thần đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề xuất ba phương hướng lớn để tăng cường hợp tác giữa ba nước gồm, thứ nhất từng bước mở rộng quy mô hợp tác Khu vực Tam giác phát triển CLV thông qua tăng cường kết nối giữa ba nền kinh tế CLV; trên cơ sở Kế hoạch Hành động về kết nối ba nền kinh tế CLV đến năm 2030, khẩn trương xây dựng và triển khai các kế hoạch và dự án trong các lĩnh vực chuyên ngành.
Thứ hai, gắn kết tốt hơn các chiến lược, kế hoạch của Tam giác phát triển CLV với kế hoạch chung của ASEAN, Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025.
Thứ ba, ưu tiên tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hoá và dịch vụ giữa ba nước và giữa Tam giác phát triển CLV với bên ngoài, đặc biệt là tạo thuận lợi lưu thông hàng hoá qua các cặp cửa khẩu biên giới và cải thiện hệ thống logistics của các nước CLV.
Sau khi kết thúc Hội nghị, ba Thủ tướng đã ký Tuyên bố chung về hợp tác Khu vực Tam giác phát triển CLV, thống nhất tổ chức Hội nghị Cấp cao Khu vực Tam giác phát triển CLV lần thứ 11 tại CHDCND Lào vào năm 2020 và cùng chủ trì họp báo quốc tế về kết quả Hội nghị Cấp cao hợp tác Khu vực Tam giác phát triển Campuchia – Lào – Việt Nam lần thứ 10.
Những thành công của Hội nghị CLV 10
Phát biểu tại họp báo, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá Hội nghị đã diễn ra rất thành công, bởi đây là lần đầu tiên Hội nghị mời được các đối tác phát triển tham dự bao gồm: Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Thế giới (WB) và ASEAN. Bên cạnh đó, ba nước Việt Nam – Lào – Campuchia đã đạt được sự đồng thuận và thống nhất cao trong nhiều nội dung và vấn đề được đưa ra trong khuôn khổ Hội nghị.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc liệt kê thành công của Hội nghị được thể hiện qua ba khía cạnh. Thứ nhất, Hội nghị đã mở ra một chương hợp tác mới cho CLV, lần đầu tiên các đối tác phát triển đều tham dự hội nghị, chứng tỏ trách nhiệm của các đối tác với CLV. Điều này khẳng định vai trò của CLV trong khu vực và cộng đồng ASEAN.
Thứ hai, các nhà lãnh đạo đã nhìn lại kết quả nhận được sau 18 năm hợp tác của CLV. Mặc dù có nhiều khó khăn, các địa phương của ba nước đã phát triển không ngừng, trong nhiều lĩnh vực như hạ tầng, khối doanh nghiệp, đời sống của người dân nâng cao, đói nghèo đã giảm còn thấp.
Chính phủ cũng rất quan tâm tới các tỉnh khu vực, đặc biệt trong hợp tác kết nối hạ tầng ở khu vực này. Trong đó cũng có một số thách thức đã được xử lý như kết nối giao thông, viễn thông, lưu vùng, giáo dục, nghề nghiệp, phát triển thương mại điện tử. Không những vậy, giao lưu người dân của CLV ngày càng được mở rộng và ngày càng sâu sắc, đoàn kết. Các kết quả này thể hiện quyết tâm và nỗ lực của chính phủ ba nước trong việc hỗ trợ và hợp tác hiệu quả cho khu vực này.
Thứ ba, tiếp nối những thành tựu đạt được, Hội nghị lần này đã quyết định tăng cường giải pháp trên nhiều mặt hơn nữa, toàn diện hơn nữa nhằm mở ra không gian hợp tác mới mà ba Thủ tướng đã giao các cơ quan nghiên cứu thực hiện và trình lên.
“Đây là một thời kỳ tăng tưởng quan trọng của ba nước và cả khu vực ASEAN”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định. Do đó, Hội nghị đưa ra chủ trương và biện pháp cụ thể để hiện thực hoá hợp tác ba nước bao gồm: kế hoạch hành động kết nối 3 khu vực sẽ được soạn thảo rõ ràng hơn, có các danh mục, công trình và đưa vào hợp tác GMS một cách thực chất hơn; đưa công tác phát triển TGPT CLV thực sự thành một cấu phần không thể thiếu của cộng đồng ASEAN, gắn kết tốt hơn các chiến lược với kế hoạch chung của ASEAN; đạt ưu tiên cao tạo điều kiện thương mại, đầu tư cho CLV nhiều hơn nữa, trong đó khắc phục những vướng mắc về các chính sách ưu đãi, thoả thuận đặc biệt để đẩy manh lưu thông hàng hoá, cải thiện logistics của TGPT và của khu vực.
An Sinh