Tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2022 chạm ngưỡng 8,02% với tốc độ nhanh nhất kể từ năm 1997

0
116
Một góc phố Tạ Hiện tại thủ đô Hà Nội, Việt Nam. (Nguồn Bloomberg)

Nền kinh tế Việt Nam trong năm 2022 tăng trưởng 8,02% cùng tốc độ phát triển nhanh nhất kể từ năm 1997, với doanh số bán lẻ trong nước và xuất khẩu mạnh mẽ, song hiện đang phải đối mặt với những trở ngại do suy thoái toàn cầu.

Một góc phố Tạ Hiện tại thủ đô Hà Nội, Việt Nam. (Nguồn Bloomberg)

Con số Việt Nam đạt được trong năm 2022 cao hơn so với mục tiêu tăng trưởng chính thức là 6,0%-6,5%, cũng như mức tăng trưởng 2,58% của năm ngoái, do ảnh hưởng của các đợt phong tỏa khi dịch Covid-19 bùng phát đối với nền kinh tế và hoạt động của các nhà máy.

Mức tăng trưởng hàng năm vẫn tiếp tục tăng cao dù vẫn có những lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu và tác động của nó đối với nhu cầu xuất khẩu từ Việt Nam – nơi sản xuất chính của các mặt hàng như dệt may, giày dép và điện tử cho các thương hiệu quốc tế lớn.

Tổng cục Thống kê (GSO) đã công bố trong một báo cáo: “Kết quả kinh tế năm qua của Việt Nam rất ấn tượng, trong bối cảnh kinh tế cũng như chính trị toàn cầu bất ổn và gặp phải nhiều trở ngại”.

Trong năm 2022, tăng trưởng trong ngành xây dựng và công nghiệp đạt 7,78%, trong khi ngành dịch vụ lên đến 9,99% và nông nghiệp là 3,36%.

Theo Tổng cục Thống kê, xuất khẩu năm qua tăng 10,6% lên 371,85 tỷ USD, doanh số bán lẻ tăng 19,8%, trong khi giá tiêu dùng tháng 12 tăng 4,55% so với một năm trước đó.

Tuy 2022 là năm tăng trưởng với tốc độ nhanh nhất trong nhiều thập kỷ, các nhà kinh tế đã cảnh báo nền kinh tế Việt Nam sẽ phải đối mặt với những “cơn gió ngược” phía trước, do nhu cầu toàn cầu suy yếu sẽ ảnh hưởng đến lô hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Ông Cấn Văn Lực, cố vấn của chính phủ và chuyên gia kinh tế tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam đã phân tích: “Tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại khiến Việt Nam gặp khó khăn hơn trong việc thúc đẩy xuất khẩu và thu hút thêm đầu tư nước ngoài vào năm tới”.

Ông Cấn Văn Lực cũng cho biết, có xu hướng gia tăng áp lực lạm phát sau khi cung tiền tăng vào cuối năm 2022. Đồng thời, ông khẳng định: “Việt Nam phải nhập khẩu nhiều hàng hóa với giá vẫn còn cao, do đó cũng đẩy áp lực lạm phát cao hơn”.

Xuất khẩu trong tháng 12 vừa rồi giảm 14% xuống 29,66 tỷ USD so với thời điểm này năm ngoái. Trong khi đó, nhập khẩu giảm 8,1% xuống 29,16 tỷ USD, cho thấy có khả năng sản xuất công nghiệp sẽ giảm trong thời gian tới do các công ty cắt giảm mua nguyên vật liệu và thiết bị cho sản xuất.

Theo dữ liệu được công bố từ Tổng cục Thống kê, tăng trưởng GDP trong quý IV là 5,92%, chậm lại so với mức tăng 13,71% trong quý III. Hơn nữa, tăng trưởng quý III đã được điều chỉnh tăng từ 13,67%.

Ngoài ra, chính phủ Việt Nam cũng cho biết, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam – một trong những động lực kinh tế quan trọng của đất nước, đã tăng 13,5% trong năm nay lên đến 22,4 tỷ USD. Tuy nhiên, theo các cam kết FDI cho thấy dòng vốn trong tương lai, đã giảm 11% trong 2022 xuống còn 27,72 tỷ USD.

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, nền kinh tế Việt Nam trong thời điểm hiện tại đang đứng trước nhiều thách thức như sức ép lạm phát lớn, giá xăng, dầu hay nguyên vật liệu đầu vào biến động mạnh, và các thị trường xuất, nhập khẩu đang bị thu hẹp… Vì vậy, bước sang năm 2023, Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5%, với GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4400 USD và lạm phát 4,5%.

Hạnh Lê

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here