Theo số liệu do Cục Thống kê Bangladesh công bố hôm 3/4, tốc độ tăng trưởng GDP của Bangladesh dự kiến đạt 7,65% trong năm tài chính 2017-18. Nếu đạt được mức tăng trưởng này, đây sẽ là năm thứ hai liên tiếp, tốc độ tăng trưởng của Bangladesh đạt mức kỷ lục và là năm thứ ba liên tiếp, tốc độ tăng GDP của nước này đạt trên 7%. Trong năm tài chính 2016-2017, lần đầu tiên Bangladesh đạt mức tăng GDP kỷ lục là 7,28%. Đóng góp vào mức tăng trưởng dự kiến trong năm nay chủ yếu là những kết quả tích cực trong lĩnh vực công nghiệp và xây dựng. Đặc biệt, sự bùng nổ của các đại dự án về cơ sở hạ tầng như dự án xây cầu Padma hay tuyến đường sắt đô thị đã khiến đầu tư tăng vọt. Quy mô GDP của nền kinh tế Bangladesh dự kiến là 274,5 tỷ USD trong năm tài chính năm nay, tăng so với con số 249 tỷ USD năm ngoái. Thu nhập bình quân đầu người năm nay dự kiến đạt 1.752 USD, tăng so với mức 1.610 USD của năm ngoái. Bộ trưởng Kế hoạch của Bangladesh AHM Mustafa Kamal cho biết năm nay tăng trưởng ấn tượng của đầu tư, xuất khẩu, kiều hối, sản xuất công nghiệp, cùng với việc Chính phủ điều hành tốt kinh tế vĩ mô đã góp phần thúc đẩy tốc độ tăng trưởng GDP.
Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế đã đưa ra nhiều ý kiến phản biện, cho rằng những con số đưa ra chưa có sự thống nhất và mang tính thuyết phục. Chuyên gia Kinh tế Mirza Azizul Islam cho rằng nếu căn cứ vào Hệ số ICOR (chỉ số về hiệu quả sử dụng vốn đầu tư để tăng trưởng kinh tế), nếu Bangladesh muốn tăng trưởng 7,65% thì Hệ số ICOR phải đạt 34,85%; trong khi đó Hệ số ICOR hiện nay của Bangladesh mới đạt 31,47%. Ông Islam cũng đặt câu hỏi về con số thu nhập bình quân đầu người, bởi với mức tăng dân số hiện nay là 1,3%, thì để đạt được thu nhập bình quân đầu người là 1.752 USD, tăng trưởng GDP phải đạt 10,3%. Ông cũng đặt ra câu hỏi về tăng trưởng trong lĩnh vực nông nghiệp trong bối cảnh các vựa lúa ở phía Bắc và Đông Bắc đều bị giảm sản lượng do ảnh hưởng của các trận lũ lụt. Chuyên gia Kinh tế Ahsan H Mansur lại phản biện về mức tăng GDP năm nay; cho rằng nền kinh tế vĩ mô của Bangladesh hiện nay chưa bền vững. Cụ thể là, hiện cán cân xuất – nhập khẩu đang có sự chênh lệch rất lớn; nhu cầu tiêu dùng giảm mạnh; lĩnh vực xây dựng bị đình trệ một vài tháng nay do giá thép, xi măng, đá xây dựng đều tăng cao; các ngân hàng đang gặp khủng hoảng về mức độ thanh khoản; tỷ giá hối đoái bất ổn. Ông Mansur cho rằng Chính phủ Bangladesh cần chú trọng đảm bảo sự ổn định của kinh tế vĩ mô hơn là chỉ tập trung vào việc làm thế nào để tăng trưởng GDP năm nay cao hơn năm trước.
(ĐSQVN tại Bangladesh – Theo The Daily Star, The Financial Express)