Theo Báo cáo Đào tạo thương mại điện tử 2023 được Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam ngày 5/12, cuộc khảo sát tại 238 cơ sở giáo dục đại học không thuộc khối Quốc phòng – An ninh, Nghệ thuật hoặc đặc thù cho thấy đã có 47% trường đào tạo học phần thương mại điện tử, trong đó có tới 40 trường đào tạo ngành thương mại điện tử với mã ngành 7340122.
Báo cáo được xây dựng từ số liệu khảo sát các cơ sở giáo dục đại học trong cả nước từ tháng 8 đến tháng 10 năm 2023.
Theo VECOM, nếu có sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa các trường đại học với các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục đào tạo và thương mại điện tử, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cùng các tổ chức và doanh nghiệp thì mục tiêu tới hết năm 2025 có 50% cơ sở giáo dục đại học triển khai đào tạo thương mại điện tử là khả thi.
Đặc biệt, trong lĩnh vực thương mại điện tử xuyên biên giới, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin và truyền thông cũng như các lĩnh vực liên quan như e-Logistics hay thanh toán trực tuyến đã thúc đẩy mạnh mẽ thương mại điện tử xuyên giới, trước hết là hình thức giao dịch giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B) và gần đây là giao dịch giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng (B2C).
Trong hai năm 2022 – 2023 xuất khẩu của Việt Nam gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên theo VECOM, hình thức xuất khẩu trực tuyến nói chung và trên nền tảng Amazon nói riêng tăng trưởng mạnh mẽ. Hàng nghìn doanh nghiệp Việt nắm bắt cơ hội kinh doanh toàn cầu với Amazon, số lượng đối tác bán hàng Việt Nam qua Amazon tăng rất nhanh. Amazon đánh giá cao sự hợp tác hiệu quả giữa Amazon và các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam, đồng thời khẳng định sự linh hoạt và bền bỉ của các doanh nghiệp trong nước trong môi trường kinh tế nhiều thách thức.
Do đó, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cho rằng các trường đại học, đặc biệt là các trường kinh tế, đào tạo ngành thương mại điện tử cần nắm bắt xu hướng phát triển của xuất khẩu trực tuyến, bổ sung các học phần phù hợp vào chương trình đào tạo.
Đồng thời, chương trình đào tạo cũng phải chú trọng hơn tới các học phần liên quan tới ngoại ngữ, thương mại quốc tế, thanh toán quốc tế, e-Logistics và dịch vụ hoàn tất đơn hàng (Fulfillment Services).
Theo Amazon, Việt Nam là một nền kinh tế năng động dựa vào xuất khẩu. Kết hợp lợi thế trong việc sáng tạo sản phẩm, năng lực sản xuất và chuyển đổi số mạnh mẽ, Việt Nam có khả năng thúc đẩy xuất khẩu bán lẻ qua thương mại điện tử một cách hiệu quả.
Trong vòng 12 tháng tính đến ngày 31/8/2023, các đối tác bán hàng Việt Nam trên Amazon đã đạt được những kết quả vững chắc: với 17 triệu sản phẩm của doanh nghiệp Việt đã được bán ra cho khách hàng Amazon trên khắp thế giới, tăng cường sự hiện diện của hàng hóa Việt Nam trên toàn cầu.
Giá trị xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam bán hàng trên Amazon tăng 50%, đóng góp vào kim ngạch xuất khẩu của đất nước. Đáng chú ý, có hàng nghìn doanh nghiệp Việt nắm bắt cơ hội kinh doanh toàn cầu với Amazon. Số lượng đối tác bán hàng Việt Nam qua Amazon tăng 40%…
Vĩ An