Tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam-Mali

0
107
Đoàn công tác của Đại sứ quán Việt Nam làm việc với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Mali

Nhằm thúc đẩy hợp tác song phương trong lĩnh vực kinh tế-thương mại, đoàn công tác của Đại sứ quán Việt Nam tại Algeria (kiêm nhiệm Mali) gồm Đại sứ Phạm Quốc Trụ và Tham tán Thương mại Hoàng Đức Nhuận đã có chuyến công tác Mali từ ngày 22-29/3/2018.

Trong thời gian ở Mali, đoàn đã có các buổi làm việc với ông Nango DEMBÉLÉ, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp, ông Abdel Karim KONATÉ, Bộ trưởng Bộ Thương mại và Cạnh tranh, ông Mohamed Aly AG IBRAHIM, Bộ trưởng Bộ Phát triển Công nghiệp, ông Mallé Fily, Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Mali và gặp gỡ cộng đồng doanh nghiệp địa phương.

Tại các cuộc gặp, hai bên đã điểm lại tình hình hợp tác kinh tế-thương mại giữa hai nước và bàn các biện pháp thúc đẩy trong thời gian tới.

Liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, trong những năm 60, Việt Nam đã cử một số chuyên gia nông nghiệp sang làm việc ở Mali. Từ 2005-2009, ta có 12 chuyên gia và kỹ thuật viên nông nghiệp sang Mali làm việc theo hiệp định bốn bên Việt Nam – Pháp – FAO – Mali về chương trình phát triển bền vững vùng Yélimane (Mali), được Tổng thống bạn đánh giá cao. Hai nước dự kiến xem xét khả năng triển khai giai đoạn hai của dự án này nhưng do tình hình chính trị bất ổn tại Mali từ tháng 3/2012 nên tạm dừng.

Trong lĩnh vực thương mại, theo Hải quan Việt Nam, năm 2016, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 4,7 triệu USD trong đó sản phẩm dệt may chiếm 2,8 triệu USD, hải sản 0,8 triệu USD, hóa chất 0,4 triệu USD, hạt tiêu, chất dẻo… Kim ngạch nhập khẩu đạt 44,4 triệu USD, trong đó bông các loại chiếm đến 44,2 triệu USD, máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng, chất dẻo nguyên liệu…

Trong 9 tháng đầu năm 2017, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mali tăng mạnh, đạt 30,2 triệu USD, trong đó dầu thô chiếm 26,6 triệu USD, hạt tiêu 1,35 triệu USD, máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng 0,84 triệu USD, hải sản 0,54 triệu USD, hóa chất 0,4 triệu USD, chất dẻo 0,18 triệu USD… Kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Mali đạt 42,4 triệu USD,trong đó bông chiếm 42,3 triệu USD. Các mặt hàng khác gồm máy vi tính, thiết bị, dụng cụ phụ tùng…

Nhằm tăng cường hợp tác song phương trong lĩnh vực kinh tế-thương mại, hai bên nhất trí một số giải pháp như hoàn thiện khung pháp lý trong đó sớm đàm phán và ký kết MOU về thương mại và công nghiệp, Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư, Hiệp định tránh đánh thuế hai lần, Hiệp định miễn thị thực cho người mang hộ chiếu ngoại giao, công vụ và Thỏa thuận hợp tác giữa hai Phòng Thương mại và Công nghiệp; Sớm tổ chức kỳ họp đầu tiên Ủy ban liên chính phủ Việt Nam-Mali (thành lập từ năm 1994); Xem xét khả năng đặt lãnh sự danh dự tại Mali để tạo điều kiện làm thủ tục xuất nhập cảnh và xác minh, hỗ trợ doanh nghiệp; Khuyến khích trao đổi đoàn các cấp, nhất là các đoàn doanh nghiệp tham dự các sự kiện thương mại tổ chức tại mỗi nước như Vietnam Expo của Việt Nam (tháng tư tại Hà Nội), Hội chợ quốc tế Công nghiệp của Mali (tháng 4 tại Bamako); Khôi phục lại hợp tác 4 bên trong lĩnh vực nông nghiệp; Tăng cường cung cấp thông tin thị trường, danh sách các doanh nghiệp xuất khẩu uy tín, cơ hội kinh doanh của mỗi nước; Tạo điều kiện cho doanh nghiệp hai bên hợp tác trong các lĩnh vực tiềm năng như xuất khẩu quần áo, thủy hải sản, hóa chất, gạo, hạt tiêu, chất dẻo, đồ khô… sang Mali và nhập khẩu bông, vàng, gia súc… từ thị trường này.

Cũng trong thời gian ở Mali, đoàn công tác còn đến làm việc với Tổng công ty phát triển dệt may Mali và một số doanh nghiệp trong lĩnh vực nhập khẩu linh kiện ôtô, điện thoại di động… Cung cấp sách cẩm nang kinh doanh với thị trường Việt Nam (bằng tiếng Pháp), danh sách các doanh nghiệp xuất khẩu uy tín cũng như những địa chỉ hữu ích tại Việt Nam cho các thành viên Phòng Thương mại và Công nghiệp Mali./.

Box:

Mali nằm ở khu vực Tây Phi, giáp với Algeria, Mauritania, Guinea, Burkina Faso, Ghana, Senegal và Bờ Biển Ngà (Côte d’Ivoire). Mali có diện tích 1.240.000 km2,

dân số 18 triệu người trong đó Hồi giáo chiếm 90%. Mali có thủ đô là Bamako, ngôn ngữ sử dụng chính là tiếng Pháp, đồng tiền bản địa là franc CFA (đồng tiền chung của 8 quốc gia Tây Phi nói tiếng Pháp) neo với đồng euro (1 euro tương đường 650 Franc CFA).

Mali là một trong 25 nước nghèo nhất thế giới, 65% đất đai là sa mạc hoặc bán sa mạc, không có biển và nguồn thu ngân sách phần lớn đến từ xuất khẩu vàng và nông sản (bông). Mọi hoạt động kinh tế chủ yếu dựa vào vùng đất ven sông Niger. Nền kinh tế dựa vào nông nghiệp và chăn nuôi, 80% dân số sống bằng nghề nông. Nông sản chính là lúa, ngô, kê, lạc, bông (bông và lạc là đặc sản của Mali, sản lượng đứng thứ hai ở châu Phi). Về chăn nuôi, Mali là một trong những nước đứng đầu ở Tây Phi về số lượng và sản phẩm chăn nuôi xuất khẩu. Mặc dù trồng được lúa nước song do sản lượng không đủ nên hàng năm Mali vẫn phải nhập khẩu từ 300-400.000 tấn gạo.

Ngành công nghiệp chủ yếu là chế biến nông sản. Mali hiện đang tập trung phát triển công nghiệp luyện kim từ quặng sắt để đa dạng hóa nguồn thu ngoại tệ, tránh phụ thuộc vào xuất khẩu vàng, tuy nhiên sản phẩm xuất khẩu vẫn phụ thuộc lớn vào sự dao động của giá thế giới.

Năm 1995, Mali thực hiện cải cách kinh tế theo hướng duy trì ổn định và tự do hoá nền kinh tế có vai trò của tư nhân, phát triển kinh tế theo định hướng thị trường. Các biện pháp cải cách nông nghiệp nhằm vào việc đa dạng hoá và thúc đẩy sản xuất đồng thời giảm giá đầu vào. Từ năm 2013, kinh tế Mali khởi sắc dù vẫn chịu tác động của bất ổn an ninh, dân số phát triển nhanh, cơ sở hạ tầng kém phát triển, nhất là thiếu điện. Tỷ lệ tăng trưởng bình quân của nước này trong 3 năm trở lại đây vào khoảng 5,5%. Kim ngạch xuất khẩu của Mali năm 2017 ước đạt 2,79 tỷ USD (chủ yếu là bông, vàng, sản phẩm chăn nuôi). Các đối tác xuất khẩu chính là Thụy Sỹ , Trung Quốc, Ấn Độ, Băng-la-đét. Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 2,9 tỷ USD (chủ yếu là dầu mỏ, máy móc, thiết bị, thực phẩm, dệt may). Đối tác nhập khẩu gồm Bờ Biển Ngà, Pháp, Xê-nê-gan và Trung Quốc.

Mali là thành viên của Liên minh châu Phi (AU), khối Pháp ngữ (Francophonie), Cộng đồng kinh tế Tây Phi (ECOWAS), Liên minh Kinh tế-tiền tệ Tây Phi (UEMOA) và nhiều tổ chức quốc tế khác nữa.

(ĐSQVN tại Algeria)

 

 

 

 

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here