Tận dụng FTA, xuất khẩu xoài Việt Nam sang Hàn Quốc tăng gần 20%

0
1272
Dư địa cho trái cây Việt Nam, trong đó có quả xoài, sang thị trường Hàn Quốc còn rất lớn. (Nguồn: Vnbusiness)

Với các FTA song phương và đa phương đang thực thi, các loại nông sản của Việt Nam, trong đó có quả xoài, đang rộng đường sang Hàn Quốc.

Dư địa cho trái cây Việt Nam, trong đó có quả xoài, sang thị trường Hàn Quốc còn rất lớn. (Nguồn: Vnbusiness)

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, Việt Nam là thị trường cung cấp xoài lớn thứ 3 cho Hàn Quốc trong 11 tháng năm 2022, đạt 1,7 nghìn tấn, trị giá 7,4 triệu USD, tăng 19,1% về lượng và tăng 24,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Giá xoài nhập khẩu bình quân từ Việt Nam đạt 4.232,3 USD/tấn, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm 2021.

Dẫn số liệu thống kê từ Hiệp hội Thương mại quốc tế Hàn Quốc (KITA), việc nhập khẩu xoài (HS 08045020) của Hàn Quốc trong 11 tháng năm 2022 đạt 22 nghìn tấn, trị giá 95,3 triệu USD, tăng 4,1% về lượng và tăng 8,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Giá xoài nhập khẩu bình quân vào Hàn Quốc trong 11 tháng năm 2022 đạt 4.326,2 USD/tấn, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2021.

Thái Lan và Peru là 2 thị trường cung cấp quả xoài lớn nhất cho Hàn Quốc trong 11 tháng năm 2022, lượng nhập khẩu từ 2 thị trường này chiếm 81,2% tổng lượng xoài nhập khẩu. Tuy nhiên, Hàn Quốc giảm nhập khẩu xoài từ thị trường Thái Lan và tăng mạnh nhập khẩu từ thị trường Peru.

Theo Cục Xuất nhập khẩu, Hàn Quốc là thị trường có dung lượng nhập khẩu trái cây tươi lớn, giá trị hơn 1,6 tỷ USD/năm và đang tiếp tục tăng trưởng mạnh. Trong khi đó, trái cây tươi của Việt Nam mới chiếm thị phần rất khiêm tốn tại thị trường này.

Hàn Quốc là thị trường rất giàu sức mua với thu nhập bình quân đầu người trên 30 nghìn USD/năm, kim ngạch nhập khẩu khoảng 700 tỷ USD/năm. Do đó, dư địa cho các sản phẩm xuất khẩu, nhất là trái cây, trong đó có xoài của Việt Nam, sang thị trường Hàn Quốc còn rất lớn.

Hơn nữa, đây là một trong số ít quốc gia đã tham gia ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương với Việt Nam. Với các FTA đang thực thi, các loại nông sản cao cấp của Việt Nam như gạo thơm, gạo lứt, trái cây tươi, hàng thủy sản cũng rộng đường sang Hàn Quốc.

Hai nước đã cùng tham gia các FTA như FTA giữa ASEAN-Hàn Quốc (AKFTA); FTA giữa Việt Nam-Hàn Quốc (VKFTA); Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

Ngoài ra, VKFTA có hiệu lực từ ngày 20/12/2015 đã mang lại những cơ hội đáng kể cho xuất khẩu của Việt Nam.

Thống kê cho thấy, sau hơn 6 năm thực thi VKFTA, thương mại hai chiều Việt Nam-Hàn Quốc liên tục tăng trưởng mạnh. Quy mô thương mại song phương năm 2021 đạt 78,2 tỷ USD, tăng hơn 2 lần so với năm 2015 (đạt 36,5 tỷ USD). Trong đó, xuất khẩu Việt Nam sang Hàn Quốc năm 2021 đạt 21,9 tỷ USD, tăng 2,4 lần so với mức 8,9 tỷ USD vào năm 2015.

Riêng 11 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hàn Quốc đạt 22,5 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2021. Nếu duy trì tốc độ này, nhiều khả năng hai nước có thể hoàn thành mục tiêu kim ngạch thương mại 100 tỷ USD vào cuối năm 2023.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO thuộc Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) cho biết, RCEP là FTA mới nhất được đưa vào thực thi từ đầu năm 2022, tạo thêm cho doanh nghiệp lựa chọn để có ưu đãi tốt nhất khi xuất khẩu.

“Thủ tục hải quan được tạo thuận lợi đáng kể khi thực thi RCEP giúp doanh nghiệp giảm được chi phí, thời gian, nhân lực”, bà Trang nói.

Quan trọng hơn, chất lượng thực thi các FTA với Hàn Quốc thể hiện ở tỷ lệ hưởng ưu đãi thuế quan cũng nổi trội hơn nhiều thị trường có FTA khác.

Các chuyên gia nhận định, cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu của hai nước có tính bổ sung, ít có sự cạnh tranh trực tiếp. Kim ngạch xuất khẩu sang Hàn Quốc còn nhiều dư địa tăng trưởng, nhưng áp lực rút ngắn thâm hụt thương mại với thị trường này cũng ngày càng lớn hơn, khi các doanh nghiệp FDI Hàn Quốc tiếp tục nhập khẩu một lượng lớn nguyên vật liệu, máy móc thiết bị phục vụ việc đầu tư mở rộng và sản xuất hàng xuất khẩu.

Để thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường này, các chuyên gia thương mại khuyến cáo, doanh nghiệp cần nâng cao năng lực cạnh tranh và chất lượng sản phẩm. Đây là yếu tố cốt lõi để đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường Hàn Quốc.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần xây dựng kế hoạch sản xuất và kinh doanh phù hợp, chủ động vận hành theo cơ chế thị trường; liên kết và có giải pháp tham gia vào chuỗi sản xuất, mạng phân phối của doanh nghiệp Hàn Quốc. Việc này nhằm giúp doanh nghiệp tận dụng thế mạnh về thị trường, thương hiệu cũng như kinh nghiệm phát triển trong cạnh tranh.

Các chuyên gia nhận định, thị trường Hàn Quốc rất tiềm năng, khá phù hợp với đầu ra cho nông sản Việt Nam nhưng yêu cầu tiêu chuẩn đối với sản phẩm rất cao, ngang với tiêu chuẩn chất lượng thị trường Nhật Bản. Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam cần đảm bảo chất lượng sản phẩm đồng đều, giá cả ổn định.

Ngoài ra, cần chú ý cải tiến mẫu mã bao bì sản phẩm vì hàng của Việt Nam chưa đa dạng và bắt mắt, chưa bằng của Thái Lan, Philippines.

Bên cạnh đó, cần có các yếu tố bổ trợ như ổn định trong sản xuất, an toàn chế biến lưu thông và chữ tín để giữ đơn hàng lâu dài.

Trần Liễu

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here