Tận dụng cơ hội từ khu vực FDI đối với thị trường lao động Việt Nam

0
112
(Internet)

Với nhiều ưu thế về môi trường kinh doanh, nguồn lao động rẻ, Việt Nam vẫn là một điểm đến tiềm năng mà doanh nghiệp có nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mong muốn khi đầu tư vào một quốc gia. Do vậy, trong thời gian tới, luồng vốn FDI đổ vào Việt Nam ngày càng tăng lên, đồng nghĩa với đó là sự mở rộng các khu công nghiệp đã đem lại nhiều cơ hội việc làm cho người lao động di cư và lao động địa phương.

Việc mở rộng các khu công nghiệp đã đem lại nhiều cơ hội việc làm cho người lao động di cư và lao động địa phương. (Nguồn: Aljazeera)

Bài nghiên cứu nhằm đưa ra những cơ hội đối với thị trường lao động Việt Nam, đồng thời, đề cập đến một số hạn chế, thách thức, từ đó, đưa ra một số giải pháp để tận dụng tối đa cơ hội từ dòng vốn FDI đối với thị trường lao động nước ta.

Cơ hội từ dòng vốn FDI đối với thị trường lao động

Theo Tổng cục Thống kê (2020), tổng vốn FDI vào Việt Nam tính đến ngày 20/12/2020 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 28,5 tỷ USD, giảm 25% so với năm 2019. Vốn FDI thực hiện năm 2020 ước tính đạt gần 20 tỷ USD, giảm 2% so với năm trước. Trong đó có 2.523 dự án được cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 14,6 tỷ USD, giảm 35% về số dự án và giảm 12,5% về số vốn đăng ký so với năm trước. Có 1.140 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 6,4 tỷ USD, tăng 10,6%. Có 6.141 lượt góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn 7,5 tỷ USD, giảm 51,7%. Trong tổng số lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài có 1.695 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị góp vốn là 3,2 tỷ USD và 4.446 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị 4,3 tỷ USD.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2018), khu vực FDI đóng góp gần 20% GDP và là nguồn vốn bổ sung quan trọng cho vốn đầu tư phát triển với tỷ trọng khoảng 23,7% trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội; 58% tổng vốn FDI tập trung vào lĩnh vực chế biến, chế tạo, tạo ra hơn 50% giá trị sản xuất công nghiệp của cả nước; kim ngạch xuất khẩu của khu vực FDI chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong xuất khẩu chung của cả nước, đạt 72,6% trong năm 2017 và 71,4% trong chín tháng đầu năm 2018. Số thu nộp ngân sách của khu vực FDI tăng đều qua các năm và đạt hơn 8 tỷ USD trong năm 2017, chiếm 17,1% tổng thu ngân sách nhà nước.

Đặc biệt, đối với thị trường lao động nước ta, khu vực FDI đã tạo việc làm cho gần 4 triệu lao động trực tiếp và khoảng 5 triệu lao động gián tiếp khác. Như vậy, dòng vốn FDI trong những năm gần đây đã có tác động mạnh mẽ tới sự phát triển thị trường và năng suất cũng như thu nhập của người lao động. Cụ thể như sau:

Thứ nhất, số lượng công ăn việc làm trực tiếp và gián tiếp đã được gia tăng đáng kể. Theo Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung (2020), số lượng lao động làm việc trong doanh nghiệp có vốn FDI đã tăng từ 330 nghìn năm 1995 lên khoảng 6,1 triệu lao động vào năm 2019. Tốc độ tăng lao động của khu vực này, bình quân 7,72%/năm giai đoạn 2005-2017, cao hơn nhiều so với tăng trưởng lao động toàn nền kinh tế và các thành phần kinh tế khác.

Thứ hai, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động từ các ngành thâm dụng lao động tay nghề thấp sang các ngành sử dụng nhiều lao động chất lượng cao hơn. Trong thời kỳ đầu thu hút vốn FDI, lao động thường tập trung vào một số ngành sản xuất thâm dụng lao động, như: dệt may, da giày, song hiện nay, tỷ trọng lao động trong một số ngành sản xuất áp dụng công nghệ cao đang gia tăng nhanh chóng. Tỷ trọng lao động trong ngành điện tử và sản phẩm điện tử đã tăng từ 8,03% năm 2012 lên 15,7% năm 2017 (Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, 2020).

Thứ ba, năng suất lao động có sự chuyển biến tích cực nhờ nguồn vốn của khu vực FDI. Tại Hội nghị Cải thiện năng suất lao động quốc gia 2019, Tổng cục Thống kê cho biết, năng suất lao động doanh nghiệp nhà nước đạt 678,1 triệu VND/lao động, Tuy nhiên, năng suất lao động của doanh nghiệp nhà nước đạt mức cao chủ yếu vẫn dựa vào ưu thế trong việc phân bổ nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực tài nguyên thiên nhiên; bên cạnh đó, doanh nghiệp ngoài nhà nước đạt 228,4 triệu đồng/lao động. Trong khi đó, doanh nghiệp có vốn FDI đạt 330,8 triệu đồng/lao động, gấp 3,5 lần mức năng suất lao động chung cả nước.

Thứ tư, thông qua hệ thống đào tạo nội bộ ở trong nước và nước ngoài và liên kết với cơ sở đào tạo bên ngoài, khu vực FDI cũng đã đóng góp quan trọng vào nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam. Trong thập kỷ qua, trong khi tỷ lệ lao động có trình độ kỹ năng thấp đã giảm từ 39% năm 2009 lên 36% năm 2018 (ILO, 2019), tỷ trọng lao động có trình độ tay nghề trung bình hoặc cao tăng lên.

Những hạn chế điển hình của đội ngũ lao động hiện nay

Mặc dù các doanh nghiệp có vốn FDI đánh giá lao động Việt Nam có ưu điểm như: chất lượng và hiệu quả của giáo dục nghề nghiệp có bước chuyển biến tích cực. Kỹ năng nghề nghiệp của người tốt nghiệp các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã được nâng lên, ở nhiều nghề, kỹ năng nghề của lao động Việt Nam đã đạt chuẩn quốc tế; lao động qua đào tạo nghề nghiệp tham gia vào hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế quốc dân và đã đảm nhận được các vị trí, công việc phức tạp mà trước đây phải do chuyên gia nước ngoài thực hiện; trên 80% người học tìm được việc làm hoặc tự tạo việc làm ngay sau khi tốt nghiệp (Hà Lê, 2021).

(i) Chất lượng lao động còn hạn chế. Thống kê cho thấy, trong nhiều năm qua, quy mô lao động qua đào tạo của nước ta còn nhỏ bé so với yêu cầu của nền kinh tế và quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Điều đó thể hiện ở tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ còn rất thấp, chỉ chiếm 22,22% lực lượng lao động vào cuối năm 2018 và có sự chênh lệch lớn giữa nông thôn và thành thị (14,29% và 39,71%).

Chất lượng, năng lực cạnh tranh của nguồn nhân lực Việt Nam ở mức thấp so với các nước trong khu vực và quốc tế. Mặc dù nhiều năm qua, công tác phân luồng học sinh sau THCS luôn được quan tâm, nhưng mục tiêu tăng tỷ lệ học sinh sau THCS đi học nghề đến nay vẫn rất hạn chế. Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2011-2020 đề ra mục tiêu là học sinh sau THCS vào giáo dục nghề nghiệp chiếm tỷ lệ 30% vào năm 2020, có nghĩa là quy mô học sinh tốt nghiệp THCS vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp khoảng 320 đến 330 nghìn học sinh. Tuy nhiên, nhiều năm qua, chỉ có khoảng 8 – 10% số học sinh sau THCS đi học nghề (Ngô Thị Hải Anh, 2021).

(ii) Năng suất lao động (NSLĐ) của lao động Việt Nam đã có xu hướng tăng, nhưng vẫn thấp và người lao động vẫn còn thụ động, chưa chịu học hỏi. Thực tế năng suất lao động của Việt Nam hiện đang rất thấp so với các nước trong khu vực. Xét về giá trị tuyệt đối, theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, NSLĐ theo sức mua tương đương (tính theo PPP 2011) năm 2019 của Việt Nam chỉ bằng 7,64% mức năng suất của Singapore; 19,53% của Malaysia; 37,92% của Thái Lan; 45,56% của Indonesia; 56,88% của Philippines; 88,05% của Lào.

NSLĐ của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á chỉ cao hơn NSLĐ của Campuchia (gấp 1,6 lần). Đáng chú ý là chênh lệch về mức NSLĐ giữa Việt Nam với các nước vẫn tiếp tục gia tăng. Cụ thể: Chênh lệch mức NSLĐ (tính theo PPP 2011) của Singapore và Việt Nam tăng từ 132.559 USD năm 2011 lên 142.095 USD năm 2019; của Malaysia từ 42.389 USD lên 48.431 USD; Thái Lan từ 14.977 USD lên 19.251 USD; Philippines từ 6.164 USD lên 8.914 USD. Điều này cho thấy khoảng cách và thách thức nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt để có thể bắt kịp mức NSLĐ của các nước (Tường Vi, 2021).

(iii) Hệ thống đào tạo còn tồn tại những hạn chế, bất cập. Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, hệ thống các cơ sở giáo dục đại học đóng góp chính cho việc đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao trong phát triển kinh tế – xã hội. Tuy nhiên, hiện nay, cách đào tạo của hệ thống giáo dục đại học ở nước ta chưa bám sát, chưa theo kịp sự thay đổi mạnh mẽ về nhu cầu, cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo của thị trường lao động. Việc đầu tư các điều kiện bảo đảm chất lượng chưa tương xứng với sự gia tăng về số lượng cũng như quy mô đào tạo. Cách tiếp cận trong xây dựng và quản lý hệ thống các cơ sở giáo dục đại học còn dựa nhiều vào chỉ tiêu số lượng mà chưa tập trung nhiều vào bảo đảm chất lượng, nhất là thiếu dự báo nhu cầu nhân lực.

Bên cạnh đó, mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp ở các vùng miền, ngành nghề, trình độ đào tạo còn nhiều bất cập. Cơ cấu trình độ đào tạo trong giáo dục nghề nghiệp chưa hợp lý, chủ yếu vẫn là đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo thường xuyên, ngắn hạn (chiếm 75%), trình độ trung cấp, cao đẳng chỉ chiếm khoảng 25% trên tổng số tuyển sinh (Ngô Thị Hải Anh, 2021). Công tác tuyển sinh trong giáo dục nghề nghiệp gặp nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt đối với những ngành, nghề học nặng nhọc, độc hại, ngành nghề đòi hỏi trình độ năng khiếu.

Những thách thức đặt ra

Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung hiện đang đứng trước 3 xu thế vĩ mô hứa hẹn sẽ mang đến những chuyển biến khó lường trong dòng vốn FDI, cơ cấu kinh tế – xã hội và thị trường lao động trong nước, đó là: Thứ nhất là sự chuyển dịch sâu rộng cơ cấu kinh tế do tác động của Cách mạng công nghiệp 4.0. Thứ hai là việc tái định vị dòng chảy hàng hoá, dịch vụ quốc tế do tác động của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung. Thứ ba là sự tăng tốc trong chiến lược đa phương hoá đối tác và tái cấu trúc chuỗi cung ứng của các tập đoàn doanh nghiệp đa quốc gia dưới ảnh hưởng trực tiếp của đại dịch Covid-19 (Đào Ngọc Dung, 2020).

Những xu thế vĩ mô này đã và đang làm nổi bật một số xu hướng rõ rệt đối với dòng chảy và chính sách thu hút vốn FDI trên toàn thế giới và thay đổi căn bản thị trường lao động thế giới, trong đó có Việt Nam. Theo đó, cấu trúc lao động của nước ta sẽ tiếp tục dịch chuyển từ khu vực nông nghiệp sang các ngành công nghiệp và dịch vụ. Bên cạnh đó, cơ cấu việc làm sẽ có xu hướng dịch chuyển từ các lĩnh vực thâm dụng lao động sang các ngành ứng dụng công nghệ. Ngoài ra, việc làm sử dụng lao động phổ thông, ít kỹ năng sẽ giảm dần, thay vào đó là việc làm yêu cầu lao động có trình độ cao hơn và nhiều kỹ năng hơn. Với xu hướng này, những lao động đã có tuổi, chưa qua đào tạo, ít kỹ năng, tay nghề yếu, chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc thích ứng với các ngành nghề mới.

Một số đề xuất nhằm tận dụng tối đa các cơ hội

Để người lao động Việt Nam tận dụng tối đa các cơ hội mang lại từ nguồn vốn FDI, theo tác giả, cần thực hiện có hiệu quả một số vấn đề như sau:

Một là, các nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp, cán bộ ở địa phương và người sử dụng lao động cần coi đầu tư cho con người là đầu tư phát triển quan trọng. Với nguồn vốn FDI vào Việt Nam ngày càng tăng và đặc biệt là cần nguồn lao động có trình độ cao, thì Việt Nam cần chú trọng gắn chiến lược phát triển nhân lực với chiến lược phát triển kinh tế – xã hội, đây là nền tảng tiến tới thành công về kinh tế, khoa học kỹ thuật.

Hai là, phát triển toàn diện giáo dục và đào tạo ở các cấp đại học, cao đẳng, giáo dục phổ thông và đào tạo nghề. Theo đó, ngành giáo dục cần triển khai trên diện rộng việc đánh giá chất lượng các cơ sở đào tạo làm cơ sở để phân hạng, xây dựng và triển khai quy hoạch lại nhằm bảo đảm chất lượng toàn bộ hệ thống giáo dục và đào tạo trong giai đoạn 2021-2030. Bên cạnh đó, ngành giáo dục cần hoàn thiện hệ thống đào tạo làm căn cứ xây dựng chính sách phù hợp nhu cầu đào tạo nhân lực trình độ cao ở từng giai đoạn phát triển kinh tế – xã hội cụ thể. Đáng lưu ý, các trường cần đổi mới chương trình đào tạo đạt chuẩn khu vực trên cơ sở nắm vững và vận dụng các thỏa thuận công nhận lẫn nhau (Mutual Recognition Arrangement) giữa các nước ASEAN.

Ba là, cần tăng cường cải tiến hệ thống thông tin, phân tích dự báo thị trường lao động, giúp cho thị trường lao động minh bạch hơn; tăng cường và nâng cao chất lượng của các cơ sở giáo dục và đào tạo để đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp FDI nói riêng và thị trường lao động phát triển nói chung.

Trong đó, cần tăng cường kết nối thông tin đồng bộ giữa doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp FDI nói riêng và các cơ sở giáo dục, đào tạo. Theo đó, những ngành mà các doanh nghiệp cần thì sẽ tập trung vào đào tạo để tránh sự phân bố lao động chưa thực sự hợp lý như hiện nay, đó là dư thừa nhiều lao động có tay nghề thấp và lao động trong nông nghiệp, mà thiếu đi lao động có tay nghề cao mà các doanh nghiệp FDI cần.

Bốn là, hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trong các trường đại học, nhất là các trường đại học định hướng nghiên cứu cần được đẩy mạnh. Theo đó, nhà trường cần chủ động tiếp cận thị trường và tạo ra nhu cầu cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, nhà trường và các cơ sở đào tạo cần tăng cường kết nối đào tạo giữa các trường, các cơ sở đào tạo trong và ngoài nước, tăng cường nghiên cứu khoa học và hỗ trợ cho các chương trình khởi nghiệp, khuyến khích sinh viên khởi nghiệp. Ngoài ra, các trường liên kết với các công ty hoặc các cở sở đào tạo ở các nước phát triển có luồng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam để tạo cơ hội cho sinh viên, học viên có cơ hội được trải nghiệm thực tế, học tập và chuyển giao công nghệ mới.

ThS. Trần Thị Lan, Học viện Ngân hàng

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2018). Tài liệu Hội nghị 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam “Tầm nhìn và cơ hội mới trong kỷ nguyên mới”, ngày 4/10/2018, Hà Nội

  1. Tổng cục Thống kê (2020). Tình hình kinh tế – xã hội quý IV và năm 2020
  2. Tổng cục Thống kê (2019). Báo cáo tại Hội nghị cải thiện năng suất lao động quốc gia, ngày 7/8, Hà Nội
  3. Đào Ngọc Dung (2020). Tham luận của Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tại Hội thảo khoa học “Nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư FDI và vai trò của Kiểm toán Nhà nước” do Kiểm toán nhà nước tổ chức, ngày 9/6/2020

5. Ngô Thị Hải Anh (2021). Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu hội nhập.

6. Hà Lê (2021). Đón làn sóng FDI, thị trường lao động sẽ thay đổi theo hướng nào?, truy cập từ https://vneconomy.vn/don-lan-song-fdi-thi-truong-lao-dong-se-thay-doi-theo-huong-nao-20210113231301887.htm

  1. Tường Vi (2021). Nâng cao năng suất lao động-Thực tiễn Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế – Bài 1: Thực trạng năng suất lao động tại Việt Nam
  2. ILO (2019). Decent work and the sustainable development goals in Viet Nam

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here