Với 3 Hiệp định thương mại tự do (FTA) đang có hiệu lực, trong đó Việt Nam và Australia đều là thành viên, xuất khẩu hàng hóa sang Australia không chỉ có cơ hội tăng tốc, mà còn tận dụng được ưu đãi thuế quan tốt hơn.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Australia 11 tháng năm 2023 đạt hơn 4,8 tỷ USD, giảm 4,8% so với năm trước đó.
Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế, thương mại toàn cầu thấp, cầu tiêu dùng còn yếu, mức giảm xuất khẩu sang Australia ở mức thấp, nếu so với nhiều thị trường khác.
Nhóm mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện dẫn đầu kim ngạch xuất khẩu, đạt 572 triệu USD, giảm 21,4% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 11,8% tỷ trọng xuất khẩu; tiếp đến là mặt hàng dầu thô chiếm 11% tỷ trọng xuất khẩu, đạt 533,9 triệu USD, tăng 53,3%.
Một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng so với cùng kỳ năm trước: Hàng dệt may tăng 5,78%; bánh kẹo và các sản phẩm từ ngũ cốc tăng 92,2%; giấy và các sản phẩm từ giấy tăng 24,5%; máy ảnh, máy quay phim và linh kiện tăng 25,9%; clanhke và xi măng tăng 152,8%; chất dẻo nguyên liệu tăng 57,7%.
Tại thị trường này, các rào cản kỹ thuật, yêu cầu về nhãn mác, vệ sinh an toàn thực phẩm rất khắt khe, một số tiêu chuẩn còn cao hơn cả Hoa Kỳ và EU. Bên cạnh đó, nông sản còn chịu sự cạnh tranh lớn của các nước khác tại thị trường Australia.
Việt Nam và Australia hiện là thành viên chung của ít nhất 3 Hiệp định thương mại tự do (FTA), bao gồm Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và Hiệp định Thương mại tự do ASEAN Australia – New Zealand (AANZFTA).
Nếu Hiệp định CPTPP và AANZFTA giúp giảm thuế quan, thì Hiệp định RCEP giúp doanh nghiệp tận dụng được các yêu cầu về quy tắc xuất xứ. Điều này giúp tăng trưởng xuất khẩu giữa Việt Nam và Australia luôn ở mức cao.
Australia hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại khu vực châu Đại Dương, chiếm tỷ trọng 88% xuất khẩu của Việt Nam đến Châu Đại Dương.
Năm ngoái, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Australia đạt 15,7 tỷ USD, tăng 26,9% so với năm 2021. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam đến Australia đạt 5,6 tỷ USD, tăng 26,2%, nhập khẩu từ Australia đạt 10,1 tỷ USD, tăng 27,3%, nhập siêu của Việt Nam từ Australia là 4,6 tỷ USD, tăng 28,7% so với năm 2021.
Việt Nam đã cấp gần 78.000 bộ Giấy Chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) mẫu AANZ tăng 13,52% so với năm 2021, trị giá hơn 2,5 tỷ USD trên tổng kim ngạch xuất khẩu hơn 6 tỷ USD, với tỷ lệ tận dụng C/O là 39,28%. Các mặt hàng có tỷ lệ sử dụng ưu đãi AANZFTA trên 80% bao gồm gỗ và sản phẩm gỗ (96,9%); giày dép (gần 100%); cao su và các sản phẩm từ cao su (83,26%); sản phẩm dệt may (85,36%).
Bộ Công Thương lưu ý, để tận dụng được cơ hội từ các FTA đặc biệt là FTA thế hệ mới như CPTPP, các doanh nghiệp cần quan tâm đến các tiêu chuẩn, bao bì sản phẩm, cải thiện về quy trình sản xuất, đáp ứng các cái tiêu chuẩn về lao động và môi trường, các tiêu chuẩn về dư lượng thuốc kháng sinh, thuốc trừ sâu…
Đồng thời xây dựng và triển khai chiến lược phát triển bền vững, đa dạng hóa nguồn cung, hợp tác để giảm chi phí, đáp ứng quy tắc xuất xứ.
Vân Chi