Tại sao Singapore cho phép đồng nội tệ yếu đi

0
105
Dự báo đồng đôla Mỹ sẽ tăng giá so với đồng đôla Singapore, trên mức 1 USD đổi được 1,40 SGD vào cuối năm nay,

Ngày 14/10, Ngân hàng trung ương Singapore (MAS) đã quyết định nới lỏng chính sách tiền tệ, theo đó cho phép đồng nội tệ yếu đi, một động thái được đông đảo các chuyên gia kinh tế dự báo thời gian qua. Đồng thời, MAS vẫn tiếp tục để ngỏ khả năng có động thái tương tự khác nếu tăng trưởng kinh tế toàn cầu tiếp tục chậm lại trong năm tới.

Dự báo đồng đôla Mỹ sẽ tăng giá so với đồng đôla Singapore, trên mức 1 USD đổi được 1,40 SGD vào cuối năm nay,

Theo đánh giá của các chuyên gia, đây là động thái rất “cẩn trọng” và phản ánh bầu không khí kinh tế bất ổn, xuất phát từ tâm lý lo ngại và nghi ngại vẫn đang phủ bóng lên những cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Cùng với đó là viễn cảnh không mấy sáng sủa của tiến trình Brexit, chỉ nước Anh rời Liên minh châu Âu (EU) và các yếu tố khác đang đè nặng lên tương lai kinh tế toàn cầu.

Đây là lần đầu tiên trong ba năm trở lại đây, MAS quyết định nới lỏng chính sách tiền tệ, trong bối cảnh kinh tế Singapore chỉ vừa tránh được suy thoái trong quý III/2019, trong khi tranh chấp thương mại Mỹ-Trung ảnh hưởng đến nền kinh tế dựa vào xuất khẩu của nước này. Tuy vậy, trên thực tế, việc MAS đã tránh không áp dụng một quyết định nới lỏng chính sách tiền tệ mạnh mẽ hơn vào thời điểm này cho thấy rằng những bất ngờ tích cực và lạc quan không nên bị loại bỏ hoàn toàn.

Về chính sách tiền tệ, thay vì sử dụng công cụ lãi suất, Singapore quản lý chính sách tiền tệ bằng cách đưa ra biên độ giao dịch, cho phép giá trị đồng nội tệ lên hoặc xuống so với một giỏ tiền tệ của các đối tác thương mại chính. MAS cho biết dự định áp dụng biện pháp cho phép đồng đô la Singapore yếu đi. Theo MAS, bước đi này không nhằm hạ giá đồng nội tệ mà ngăn sự chuyển dịch đi lên của giá trị đồng tiền này.

MAS đang kỳ vọng đà tăng trưởng của Singapore sẽ “cải thiện nhẹ trong năm 2020”, mặc dù mức độ tăng trưởng được dự báo vẫn dưới mức tiềm năng. Do vậy, Ngân hàng Trung ương Singapore đã quyết định áp dụng việc giảm nhẹ định giá đồng đôla Singapore (SGD) – thể hiện sự điều chỉnh đôi chút so với lộ trình “khiêm tốn và dần dần” được đưa ra trước đây.

Có thể nói, sự thay đổi trong chính sách tiền tệ này của Singapore trái ngược với 2 lần quyết định thắt chặt chính sách tiền tệ hồi năm ngoái. Theo chuyên gia kinh tế Selena Ling của OCBC Bank, trong bối cảnh Singapore không có sự suy giảm về mặt kỹ thuật hoặc suy giảm cả năm, thì đây là một “động thái có tính toán và có chủ đích”.

Những ước tính sơ bộ ban đầu được công bố cho thấy tăng trưởng kinh tế quý III/2019 của Singapore rơi vào khoảng 0,6% so với quý trước, và điều này làm chấm dứt nguy cơ suy giảm kỹ thuật tại nước này. Suy thoái kinh tế về mặt kỹ thuật diễn ra khi tăng trưởng kinh tế giảm trong hai quý liên tiếp.

Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên trong hơn 3 năm qua, MAS đã quyết định nới lỏng chính sách tiền tệ – bắt đầu bước vào một chu kỳ vòng quay nới lỏng chính sách tiền tệ giống như các ngân hàng trung ương toàn cầu và trong khu vực khác đã thực hiện.

Chuyên gia về thị trường chứng khoán Philip Wee của ngân hàng DBS cho rằng việc Singapore cho phép đồng đôla Singapore giảm giá sẽ khiến giá trị đồng tiền này chỉ tăng khoảng 0,5% trong năm nay (con số dự kiến trước đó là 1%), so với các đồng tiền chính khác. Ông Wee tin rằng mặc dù đồng đôla Mỹ đã suy yếu so với đồng đôla Singapore (với tỷ giá 1 USD đổi 1,37 SGD) ngay sau công bố của MAS, nhưng điều này chủ yếu là do những bước lùi tạm thời trong chiến tranh thương mại và lo ngại Brexit.

Sự kiểm chứng trên thực tế sẽ được đưa ra trong tuần này sau khi có những tín hiệu lạc quan vào cuối tuần trước. DBS dự báo đồng đôla Mỹ sẽ tăng giá so với đồng đôla Singapore, trên mức 1 USD đổi được 1,40 SGD vào cuối năm nay.

MAS sử dụng tỷ giá hối đoái ngoại tệ như là công cụ chính sách tiền tệ chính nhằm cân bằng giữa lạm phát nước ngoài với tăng trưởng kinh tế, với tỷ giá đang được kiểm soát và quản lý dựa trên rổ tiền tệ của các đối tác thương mại chủ chốt.

Một đồng tiền yếu hơn, tương ứng theo đó là nới lỏng chính sách tiền tệ, sẽ khiến các hoạt động nhập khẩu vào Singapore trở nên đắt đỏ hơn tính theo đồng đôla Singapore. Tuy nhiên, điều này đồng thời sẽ thúc đẩy nhu cầu của các nước khác trong việc nhập khẩu hoặc sử dụng các hàng hóa và dịch vụ của nước này.

Chuyên gia kinh tế Lee Ju Ye của Maybank Kim Eng cho rằng việc giảm tốc độ tăng giá trị đồng đô la Singapore có thể sẽ hỗ trợ xuất khẩu, nhưng “trong bối cảnh các con số xuất khẩu đã trở nên tương đối xấu trong vòng vài tháng qua, không rõ rằng liệu điều đó có thể giúp đối phó với tình hình suy giảm nhu cầu nói chung hay không?”

Việc hạ thấp giá trị đồng tiền có thể giúp cải thiện các con số về mặt du lịch và các lĩnh vực liên quan khác như các dịch vụ về nơi ở, cư trú, thực phẩm và đồ uống, hỗ trợ tích cực cho thị trường lao động.

MAS cũng cho hay cơ quan này sẽ tiếp tục theo dõi sát các diễn biến kinh tế và chuẩn bị để hiệu chỉnh và điều chỉnh lại chính sách tiền tệ, nếu các viễn cảnh về lạm phát và tốc độ tăng trưởng suy giảm đáng kể.

Các chuyên gia kinh tế Edward Lee, Divya Devesh và Jonathan Koh của ngân hàng Standard Chartered cho rằng MAS có thể sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ không theo chu kỳ đánh giá hai năm một lần của mình, nếu các điều kiện và môi trường kinh tế trở nên tiêu cực đáng kể.

Chuyên gia kinh tế ASEAN của HSBC Joseph Incalcaterra dự báo tăng trưởng toàn cầu tiếp tục suy yếu trong năm tới, chủ yếu do tốc độ tăng trưởng kinh tế Trung Quốc chậm lại, và điều này sẽ khiến MAS trong nửa đầu năm 2020 có thể áp dụng “lộ trình tương đối bằng phẳng” trong việc tăng giá đồng đôla Singapore. Ông này cũng dự báo rằng hầu hết các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế sẽ đến từ chính sách tài khóa.

Thế Vũ

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here