Tại sao phần lớn người Mỹ vẫn muốn ông Trump điều hành kinh tế?

0
164

Bất chấp tình trạng suy thoái, dữ liệu từ các cuộc thăm dò cũng như phỏng vấn cử tri và các nhà phân tích chính trị vẫn cho thấy một tập hợp nhân tố đang nâng cao vị thế của Tổng thống Donald Trump trong vấn đề kinh tế.

Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Nguồn: Yonhap)

Trong bối cảnh đại dịch gây suy thoái kinh tế, tỷ lệ thất nghiệp chạm mức hai con số và sự phục hồi dường như đang chậm lại, người ta vẫn đặt câu hỏi: Vì sao trong các cuộc thăm dò về lĩnh vực kinh tế, Tổng thống Trump tiếp tục đạt số điểm cao hơn những người tiền nhiệm Barack Obama, George Bush (con) và George Bush (cha) khi tái tranh cử?

Nhân tố nâng cao vị thế của ông Trump trong vấn đề kinh tế

Thế mạnh tương đối của Tổng thống Trump trong vấn đề kinh tế và việc liệu Joe Biden có thể phá vỡ thế mạnh đó trong những tuần tới hay không là hai trong số những động lực quan trọng ở các bang chiến trường thuộc vùng Trung Tây và Vành đai Mặt trời vốn được cho là sẽ quyết định kết quả bầu cử. Mùa Hè này, nhiều bang trong số đó đã phải chật vật đối phó với sự gia tăng số ca mắc và tử vong vì COVID-19 cũng như tình trạng mất việc, hao hụt tiền lương và tiền tiết kiệm – tình cảnh khó khăn mà theo lịch sử sẽ là mối đe dọa đối với vị tổng thống đương nhiệm đang tìm cách tái đắc cử.

Tuy vậy, dữ liệu từ các cuộc thăm dò cũng như phỏng vấn cử tri và các nhà phân tích chính trị cho thấy một tập hợp nhân tố đang nâng cao vị thế của ông Trump trong vấn đề kinh tế, vốn tiếp tục là trọng tâm chiến dịch tái tranh cử của ông và là chủ đề chính trong Đại hội toàn quốc đảng Cộng hòa.

Trong bài phân tích của mình, tờ Nytimes đánh giá, Tổng thống Trump đã xây dựng được một thương hiệu bền vững, cụ thể là với các cử tri bảo thủ, những người tiếp tục cho rằng ông là một doanh nhân thành đạt và cũng là một nhà đàm phán cứng rắn. Nhiều cử tri trong số này ca ngợi tài quản lý kinh tế của ông trước khi đại dịch bùng phát, và không đổ lỗi cho ông về những thiệt hại mà đại dịch gây ra. Trong các cuộc phỏng vấn, một vài cử tri trong số này đề cập tới các khoản lợi nhuận kỷ lục trên thị trường chứng khoán – dù chỉ có khoảng một nửa người dân Mỹ sở hữu cổ phiếu – như bằng chứng về sự phục hồi dưới thời Trump.

Dale Georgeff, 58 tuổi, sống tại Cedarburg, Wisconsin, bán bảo hiểm, sở hữu phần nào một nhà máy bia và một cửa hàng sơn xe, là một trong những người ủng hộ Trump. Ông nói: “Ông ấy từng thất bại trong kinh doanh – và tôi cũng vậy. Nhưng tôi cho rằng vấn đề lớn nhất – và cũng là điều khiến một số người cảm thấy bất bình – là ông ấy đang coi nước Mỹ là một doanh nghiệp, và điều hành đất nước như điều hành một doanh nghiệp”.

David Winton, một chiến lược gia kiêm điều tra viên thuộc đảng Cộng hòa, cho rằng tỷ lệ ủng hộ Trump tăng lên là do Mỹ có thêm 9 triệu việc làm trong các tháng 5, 6 và 7/2020 sau khi mất hơn 20 triệu việc làm trong các tháng 3 và 4. Winton cho biết tỷ lệ ủng hộ Trump trong vấn đề kinh tế nhìn chung vẫn ở mức khả quan và cao hơn tỷ lệ ủng hộ ông nói chung. Ông nói: “Những tin tức tốt lành về tình hình việc làm trong 3 tháng gần đây, cho dù nhiều doanh nghiệp tiếp tục phải hạn chế hoạt động, chắc chắn đã góp phần dẫn tới kết quả này”.

Các cuộc thăm dò ý kiến cho thấy những người dân Mỹ tạo nên nền tảng cử tri ủng hộ Trump ít có khả năng bị mất việc hoặc giảm thu nhập so với các cử tri đảng Dân chủ hay cử tri độc lập. Sự khác biệt này một phần là do chủng tộc – cuộc khủng hoảng COVID-19 gây thiệt hại lớn hơn cho những người lao động da đen và lao động gốc Latinh vốn nghiêng hẳn sang đảng Dân chủ – nhưng có thể cũng phản ánh sự chênh lệch vùng miền. Theo phân tích dữ liệu điều tra dân số của tổ chức Nhóm đổi mới kinh tế ở Washington, chủ các doanh nghiệp nhỏ ở những bang nhỏ và hẻo lánh hơn từng ủng hộ Trump trong cuộc bầu cử năm 2016 ít bị thiệt hại kinh tế hơn trong cuộc khủng hoảng so với những doanh nghiệp ở các bang lớn hơn và có xu hướng ủng hộ đảng Dân chủ.

Có lẽ điều đáng chú ý nhất là ông Trump đang được hưởng lợi từ tình trạng phân cực quá mức trong cử tri Mỹ, một sự chia rẽ gay gắt đến mức lấn át cả những mối liên hệ đã có từ lâu giữa thành tựu kinh tế và tỷ lệ ủng hộ tổng thống. Đối với nhiều cử tri đảng Cộng hòa và theo đường lối bảo thủ, sự lạc quan về nền kinh tế gắn chặt với sự ủng hộ dành cho Tổng thống – và đối với các đảng viên Dân chủ, nỗi bất bình với Trump đã kéo theo sự bi quan sâu sắc về nền kinh tế, ngay cả trong thời kỳ kinh tế tăng trưởng và tỷ lệ thất nghiệp thấp trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng.

Các cuộc thăm dò được công ty nghiên cứu trực tuyến SurveyMonkey tiến hành vào tháng 6, 7 và 8/2020 cho tờ New York Times đã nêu bật việc ngay cả những đảng viên Cộng hòa phải chịu thiệt hại lớn do cuộc khủng hoảng gây ra vẫn tiếp tục đánh giá cao Trump và nền kinh tế dưới thời ông ra sao. Cứ 10 người được phỏng vấn là đảng viên Cộng hòa bị mất việc do suy thoái và hiện vẫn chưa thể trở lại làm việc, thì có tới 8 người ủng hộ cách Trump đối phó với đại dịch. Gần 3/10 đảng viên Cộng hòa bị mất việc nói rằng họ có điều kiện kinh tế khá giả hơn so với cách đây 1 năm – trong khi chỉ có 1/10 đảng viên Dân chủ vẫn giữ được việc làm trong suốt cuộc khủng hoảng có chung nhận định này.

Amy Walter, biên tập viên chuyên về các vấn đề trong nước cho tờ Báo cáo chính trị Cook ở Washington với nhiều bài viết về nền kinh tế và vận may của Trump trong bầu cử, nói: “Đối với nhiều cử tri trong số này, quan điểm về Trump cơ bản đã ăn sâu bám rễ. Và nếu là trong một giai đoạn khác với các ứng cử viên khác, thì việc tình hình kinh tế trên thực tế sẽ ra sao vào tháng 11 hẳn sẽ có ý nghĩa quan trọng hơn đối với họ”.

Tỷ lệ ủng hộ Trump nói chung chưa bao giờ đạt đa số trong suốt nhiệm kỳ tổng thống của ông. Cử tri đánh giá cao hơn cách ông điều hành nền kinh tế – mức cao nhất là 60% trong một cuộc thăm dò trước khi đại dịch bùng phát – ngay cả khi một số sáng kiến kinh tế đặc trưng của ông, chẳng hạn như sáng kiến cắt giảm thuế năm 2017 mà ông đã ký thành luật, nhìn chung vẫn chưa được lòng dân.

Tuy nhiên, hoạt động kinh tế lao dốc kể từ khi COVID-19 bắt đầu lây lan nhanh chóng ở Mỹ trong mùa Đông vừa qua đã ảnh hưởng đến tỷ lệ ủng hộ Trump trong các vấn đề kinh tế cũng như tỷ lệ ủng hộ ông nói chung. Hầu hết các cuộc thăm dò hiện nay đều cho thấy người dân Mỹ nửa chấp thuận, nửa phản đối cách xử lý vấn đề của ông.

Chẳng hạn, kết quả thăm dò của Gallup cho thấy tỷ lệ ủng hộ Trump trong vấn đề kinh tế trong tháng 8/2020 là 48%, giảm so với mức 63% hồi tháng 1. Sự suy giảm này đặc biệt rõ rệt trong các nhóm cử tri ôn hòa, cử tri độc lập và cử tri từng ít nhiều học qua bậc đại học.

Trong một cuộc thăm dò gần đây do ABC News và Washington Post phối hợp thực hiện, 2/3 số người Mỹ được hỏi cho rằng nền kinh tế Mỹ đang trong tình trạng tồi tệ. Đây là tỷ lệ cao nhất được ghi nhận kể từ năm 2014, phản ánh mức tăng 20 điểm phần trăm những đánh giá tiêu cực về nền kinh tế kể từ khi Trump lên nắm quyền.

Ông Biden đang yếu thế hơn?

Sự mất cảm tình này đang tác động tiêu cực tới ông Trump trong chiến dịch cạnh tranh với Joe Biden, ứng cử viên của đảng Dân chủ. Cuộc thăm dò của ABC News/Washington Post cho thấy trong số những cử tri được đăng ký cho rằng nền kinh tế đang trong tình trạng xấu, 70% có kế hoạch ủng hộ Biden và đối tác tranh cử của ông, Thượng nghị sĩ bang California Kamala Harris, trong cuộc bầu cử tháng 11.

Tuy nhiên, cựu Phó tổng thống Biden lại không thể kiểm soát vấn đề này: Đối với câu hỏi nền kinh tế sẽ chuyển biến tốt lên, xấu đi hay giữ nguyên hiện trạng nếu Biden trở thành tổng thống, câu trả lời của các cử tri được chia thành ba phần với tỷ lệ gần bằng nhau. Và mặc dù một số cuộc thăm dò trong mùa Hè này cho thấy hai ứng cử viên được ủng hộ ngang nhau trong câu hỏi ai sẽ điều hành nền kinh tế tốt hơn, nhưng cuộc thăm dò do NBC News và Wall Street Journal phối hợp thực hiện và được công bố mới đây lại cho thấy Trump đã dẫn trước Biden trong vấn đề này. Cuộc thăm dò của Reuters cho kết quả hòa.

Trong bài phát biểu chấp nhận đề cử tại Đại hội toàn quốc đảng Dân chủ mới đây, Biden đã nhấn mạnh kế hoạch tạo việc làm và kiểm soát dịch bệnh, đồng thời chỉ trích cách Trump ứng phó với đại dịch. Biden nói: “Tôi hiểu điều mà Tổng thống đương nhiệm không hiểu. Chúng ta sẽ không bao giờ khôi phục được nền kinh tế, không bao giờ đưa con cái chúng ta an toàn trở lại trường, không bao giờ lấy lại được cuộc sống của mình, cho tới khi chúng ta giải quyết được vấn đề virus”.

Chiến dịch tranh cử của Biden đã tìm cách tạo ra mối liên hệ giữa Trump và tình trạng suy thoái thông qua các đoạn quảng cáo trên truyền hình, kể cả tuyên bố rằng thất bại của Trump trong việc ứng phó với đại dịch COVID-19 khiến người dân Mỹ mất việc làm. Các quan chức phụ trách chiến dịch tranh cử của Biden cho biết ông và những người đại diện sẽ gia tăng những sự công kích như vậy trong thời gian tới.

Andrew Bates, một người phát ngôn của Biden, mới đây nói rằng Trump vẫn chưa có kế hoạch kiểm soát dịch bệnh hay chấm dứt cuộc suy thoái mà ông đã làm trầm trọng thêm đến mức thảm họa một cách không cần thiết.

Tổng thống Trump tiếp tục bày tỏ sự tự tin rằng ông đang giành ưu thế về các vấn đề kinh tế trong cuộc đua, ngay cả khi ông phóng đại về thành tích tốt xấu lẫn lộn của mình trong các cuộc thăm dò. Trong một bài phát biểu gần đây ở Arlington, bang Virginia, Trump nói: “Chúng ta đang xây dựng nền kinh tế. Và trong các cuộc thăm dò – ngay cả trong các cuộc thăm dò giả, chúng ta đang bỏ xa đối thủ về vấn đề nền kinh tế, và đây là điều rất quan trọng”.

Chính trị đảng phái – cũng như những trải nghiệm khác nhau với COVID-19 – tác động mạnh tới tình trạng chia rẽ còn tồn tại. Cuộc thăm dò của SurveyMonkey cho thấy các cử tri đảng Cộng hòa ít có khả năng mất việc trong một cuộc khủng hoảng hơn so với các cử tri đảng Dân chủ hoặc cử tri độc lập, mặc dù khoảng cách này được thu hẹp nếu chỉ so sánh giữa các cử tri da trắng với nhau. Trong tiến trình phục hồi sau những thiệt hại nặng nề do suy thoái, tỷ lệ thất nghiệp của lao động da đen và lao động gốc Mỹ Latinh vẫn cao hơn so với lao động da trắng.

Nhà nghiên cứu Laura Wronski thuộc SurveyMonkey nói: “Các đảng viên Cộng hòa đang chú trọng nhiều hơn đến các vấn đề kinh tế trong bối cảnh đại dịch, còn các đảng viên Dân chủ lại chú trọng nhiều hơn đến các vấn đề y tế”.

Cuộc thăm dò của SurveyMonkey cho thấy chưa đầy 1/5 số đảng viên Cộng hòa theo đường lối bảo thủ lo ngại về khả năng mất việc trong cuộc khủng hoảng, thấp hơn nhiều so với các nhóm cử tri thuộc những hệ tư tưởng khác. (Một dấu hiệu đáng lo ngại đối với Trump có lẽ là việc nhóm cử tri lo lắng nhất về khả năng mất việc là các cử tri độc lập). Gần 2/5 đảng viên Cộng hòa theo đường lối bảo thủ cho rằng đến cuối tháng 10/2020, COVID-19 sẽ được kiểm soát, và nền kinh tế sẽ trở nên vững mạnh hoặc từng bước được cải thiện. Tỷ lệ này lớn hơn gấp đôi so với tỷ lệ người Mỹ nói chung có cùng quan điểm. Chỉ có 3% số đảng viên Dân chủ được hỏi nhất trí với nhận định đó.

Rick Slowicki, Chủ tịch Nonstop Couriers, một công ty chuyển phát ở Philadelphia với 11 nhân viên, 14 xe chở hàng và doanh thu dự kiến đạt 1,3 triệu USD trong năm 2020, nói: “Tôi nhận thấy sự tăng trưởng đều đặn kể từ khi ông ấy nhậm chức. Tôi vừa mua thêm 3 xe mới và tự tin rằng chúng tôi sẽ phát triển, ngay cả trong bối cảnh COVID-19. Tôi đang đẩy mạnh đầu tư”.

Những người khác khen ngợi các chính sách thương mại mang tính dân túy của Trump, trong đó có chính sách đánh thuế hàng nhập khẩu từ Trung Quốc mà Trump tuyên bố là đã mang công ăn việc làm trong ngành chế tạo trở lại Mỹ. Dale Palmer, 63 tuổi, một đảng viên Cộng hòa ủng hộ Trump và sở hữu một doanh nghiệp dịch vụ bảo trì hệ thống sưởi ở Byron Center, Michigan, nói: “Ông ấy là người duy nhất thực sự mang công ăn việc làm trở lại Mỹ và đặt lợi ích của Mỹ lên trên hết”.

Các đảng viên Dân chủ dự đoán rằng nếu tốc độ phục hồi chậm lại vào mùa Thu và thiệt hại kinh tế tiếp tục chồng chất, thì tỷ lệ ủng hộ Trump trong vấn đề kinh tế sẽ sụt giảm.

Jared Bernstein, nhà kinh tế học thuộc Trung tâm ưu tiên ngân sách và chính sách và là một cố vấn bên ngoài của Biden, nói: “Trump là bậc thầy trong việc thuyết phục người dân tin vào bức tranh thực tế mà ông ấy vẽ nên. Tuy nhiên, ông ấy sẽ không thể làm như vậy khi người dân bị đuổi khỏi nơi cư trú, bị sa thải, bị giảm lương và gặp khó khăn lớn trong việc đáp ứng những nhu cầu cơ bản của họ. Một lúc nào đó, truyền hình thực tế sẽ xung đột với chính thực tế”.

Trần Quyên

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here