Doanh nghiệp nhà nước… nóng từ trong ra ngoài
Sự có mặt của doanh nghiệp nhà nước trong các cuộc thảo luận góp ý Văn kiện Đại hội Đảng không mới, nhưng lo ngại nhiều hơn cho không gian, môi trường thể chế hoạt động không còn phù hợp, thậm chí đang cản trở khu vực đóng vai trò chủ đạo, đang nắm giữ nguồn lực lớn này là mới.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư bên lề Đại hội XIII, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương lý giải, sau một thời gian cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ khu vực kinh tế tư nhân phát triển, lúc này, điều kiện phát triển và những khó khăn của kinh tế tư nhân không nhiều bằng doanh nghiệp nhà nước, nên có nhiều ý kiến hơn cho việc phân tích và tìm kiếm giải pháp cho khu vực kinh tế nhà nước trong giai đoạn tới.
Đánh giá kết quả cơ cấu lại khu vực này, Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2016 – 2020 đã nhắc tới những ảnh hưởng đến hiệu quả của nền kinh tế và nguồn thu ngân sách, đồng thời tạo rủi ro đối với an ninh tài chính quốc gia do những doanh nghiệp, dự án kém hiệu quả, thua lỗ… Nguyên nhân về thể chế được mổ xẻ.
Cách nơi họp của Đại hội XIII khoảng 10 km, cùng thời điểm, đây cũng là chủ đề tranh luận của các chuyên gia kinh tế, chuyên gia lập pháp tại Hội thảo về mô hình tổ chức và hoạt động của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC). Ủy ban Quản lý vốn nhà nước vừa trình Chiến lược Phát triển của SCIC giai đoạn 2020 – 2030 và tầm nhìn đến năm 2035, trong đó, đặt định hướng chuyển đổi mô hình hoạt động trở thành quỹ đầu tư của Chính phủ. Để làm được việc này, SCIC cần cơ chế hoạt động cho một doanh nghiệp chuyên nghiệp, dẫn dắt trong đầu tư, kinh doanh vốn nhà nước…
Ông Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp (Ban Kinh tế Trung ương) đặt câu hỏi, tại sao SCIC muốn thay đổi, vì thách thức lớn, cơ hội lớn của giai đoạn phát triển tới, hay là các vấn đề nội tại đang kìm hãm sự phát triển? “Quan điểm của tôi là SCIC phải thay đổi để thực hiện một số mục tiêu phát triển tới đây của Chính phủ, của nền kinh tế”, ông Tú Anh chia sẻ.
Phân tích cho luận điểm này, ông Tú Anh đã nhắc đến các kế hoạch vươn ra bên ngoài, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị của thế giới, nhưng không chỉ là sản xuất, gia công… “Nhìn làn sóng doanh nghiệp Thái Lan mua doanh nghiệp Việt Nam những năm qua, sao chúng ta không nghĩ đến việc làm như họ, mua lại doanh nghiệp Thái Lan và các doanh nghiệp nước ngoài, để sở hữu thương hiệu, công nghệ. Lúc này, cần vai trò của quỹ đầu tư Chính phủ, thực hiện các mục tiêu lớn này. SCIC phải thay đổi vì đòi hỏi này”, ông Tú Anh nhấn mạnh.
Nhưng vấn đề là, nếu chỉ SCIC thay đổi có làm được không? Câu trả lời, theo ông Tú Anh, là không, vì rủi ro rất lớn.
Ông Phạm Đức Trung, Trưởng ban Đổi mới doanh nghiệp (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) là người nắm rõ sự rủi ro này của không chỉ SCIC, mà của các doanh nghiệp nhà nước.
Tham gia xây dựng cơ chế, chính sách liên quan đến khu vực này từ năm 1995 (với Luật Doanh nghiệp nhà nước đầu tiên) đến các nội dung về doanh nghiệp nhà nước trong Luật Doanh nghiệp hiện hành, ông nhìn thấy sự thay đổi tích cực của trong quản trị doanh nghiệp nhà nước, trong mối quan hệ giữa chủ sở hữu vốn nhà nước trong doanh nghiệp, nhưng vẫn chưa đủ để nói về quyền tự chủ của doanh nghiệp nhà nước.
Tạm chưa bàn tới các cơ chế còn rất bất cập về nhân sự, tiền lương vốn đóng vai trò rất lớn trong quyền tự chủ này, doanh nghiệp nhà nước đang phải xin phê duyệt hầu hết các quyết định liên quan đến đầu tư, kinh doanh, như phương án huy động vốn, dự án đầu tư, xây dựng, mua, bán tài sản cố định, dự án đầu tư quy mô lớn; dự án đầu tư ra nước ngoài; chủ trương góp vốn, tăng, giảm vốn góp, chuyển nhượng vốn đầu tư tại doanh nghiệp khác.
“Theo điều lệ, SCIC có các chức năng của một quỹ đầu tư, nhưng lại không thể thực hiện được đầy đủ bởi cơ chế về quyền định đoạt tài sản của doanh nghiệp nhà nước không rõ ràng”, ông Trung giải thích.
Hiện tại, SCIC được giao 3 chức năng quan trọng là, đầu tư theo chỉ định; đầu tư vào các doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ quyền chi phối; đầu tư vào các dự án có khả năng sinh lợi nhuận theo quy định của pháp luật. Nhưng vì vốn của SCIC đang được coi là vốn nhà nước, nên sẽ đồng thời phải tuân thủ Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật 69).
Nhưng đứng ở góc độ nhà đầu tư, các ngành, lĩnh vực công ích, an ninh, quốc phòng hoặc những khâu, công đoạn then chốt trong một số ngành, lĩnh vực mà các thành phần kinh tế khác không tham gia (Luật 69 quy định cho vốn nhà nước) không phải hấp dẫn.
Nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước đang trong tình thế lưỡng nan tương tự. Nếu theo Điều 25, Luật 69, EVN được quyền cho thuê, thế chấp, cầm cố tài sản cố định theo nguyên tắc có hiệu quả, bảo toàn và phát triển vốn, nhưng quy chế tài chính của tập đoàn này, ban hành kèm theo Nghị định 10/2017/NĐ-CP, thì hoạt động đầu tư này phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, quyết định…
“Chỉ vì hai chữ “quyết định” được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật mà quyền kinh doanh, quyền quyết định tài sản của doanh nghiệp nhà nước bị ảnh hưởng rất lớn. Hệ quả là, quá tải năng lực của cơ quan đại diện chủ sở hữu và vướng mắc trong quản trị doanh nghiệp nhà nước, làm giảm hiệu quả hoạt động của khu vực này”, ông Trung nói.
Thể chế cho doanh nghiệp nhà nước hay là vì cả nền kinh tế
Thảo luận tại Hội trường trong phiên góp ý cho Văn kiện Đại hội Đảng, ông Y Thanh Hà Niê Kđăm, Bí thư Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương đã nhắc lại quan điểm về vai trò chủ đạo của khu vực kinh tế nhà nước, nhưng xác định rõ là xuất phát từ lợi ích của đất nước, của nhân dân trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.
“Kinh tế nhà nước phát huy tốt vai trò chủ đạo, thì kinh tế – xã hội sẽ phát triển nhanh, quốc phòng – an ninh được giữ vững”, ông nói và kèm theo đó là khuyến nghị về tạo cơ chế, chính sách để thúc đẩy doanh nghiệp nhà nước phát triển bền vững. Bởi theo ông, chỉ khi đó mới nâng cao chất lượng, hiệu quả, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nhà nước để làm tốt vai trò nòng cốt, dẫn dắt trong các lĩnh vực kinh tế then chốt…
TS. Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Vietnam chia sẻ quan điểm này, dù xuất hiện ở một nơi khác, cũng không xa nơi các đại biểu đang thảo luận. Rất có thể, Hội thảo Quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp nhà nước theo nguyên tắc thị trường do CIEM tổ chức cuối tuần trước có tham vọng góp thêm một tiếng nói vào các văn kiện.
“Khu vực doanh nghiệp nhà nước đang nắm giữ 1,6 triệu tỷ đồng – con số có nguồn lực vô cùng lớn, sẽ đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế nếu họ sử dụng tốt nữa hơn nguồn lực này. Nhưng tại sao doanh nghiệp nhà nước chỉ mong được như doanh nghiệp tư nhân, khi mà doanh nghiệp tư nhân lại chỉ mong được tiếp cận nguồn lực về đất đai, tín dụng và cả nguồn nhân lực? Thay vì chỉ trích doanh nghiệp nhà nước, phải trả lời được câu hỏi này”, ông Bình nói.
Ví dụ mà ông Bình nhắc đến vô cùng đơn giản, nhưng có thể gợi ý nhiều thay đổi về cơ chế, chính sách. Trong một công ty tư nhân, một cổ đông chỉ biểu quyết chiến lược phát triển, còn doanh nghiệp nhà nước phải biểu quyết cả những vấn đề bình thường, sự vụ. “Như vậy là phá vỡ toàn bộ các nguyên tắc, thông lệ quản trị công ty tốt. Không hiệu quả là từ đó”, ông Bình nói.
Trở lại tham vọng của SCIC, với tiềm lực và chức năng của mình, các chuyên gia cho rằng, đáng ra, SCIC không chỉ chủ động trong sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, mà còn thực hiện chức năng của nhà đầu tư, để không chỉ bảo toàn vốn, mà còn phát huy hiệu quả, vai trò vốn nhà nước trong những lĩnh vực mang tính dẫn dắt, những mục tiêu phát triển mà Chính phủ yêu cầu trong từng giai đoạn.
Trong hình dung của ông Hoàng Văn Hải, Viện trưởng Viện Quản trị kinh doanh (Đại học Quốc gia Hà Nội), SCIC sẽ như Temasek (Singapore) đầu tư vào các doanh nghiệp công nghệ của thế giới, hay đầu tư vào những khu vực tạo tính lan tỏa cho cả cộng đồng kinh doanh. Ông tiếc vì VSIP, chứ không phải SCIC đầu tư vào các khu công nghiệp, để không chỉ tạo nên bộ mặt chuyên nghiệp cho các khu công nghiệp ở Việt Nam, mà còn kéo theo các doanh nghiệp có cùng tầm nhìn.
“Việc thúc đẩy cơ cấu lại các ngành công nghiệp, cải thiện năng lực cạnh tranh của một ngành nào đó cần một tầm nhìn, chính sách thuận lợi, nhưng cần doanh nghiệp đủ mạnh, có thể chấp nhận rủi ro cao đi trước. SCIC có thể làm điều này, nếu có cơ chế phù hợp”, ông Hải nói.
Khi đó, mục tiêu củng cố, phát triển một số tập đoàn kinh tế nhà nước có quy mô lớn, hoạt động hiệu quả, có khả năng cạnh tranh khu vực và quốc tế trong một số ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế trong nhiệm vụ về tái cơ cấu lại nền kinh tế của các văn kiện Đại hội Đảng không phải chỉ là việc của các cơ quan nhà nước.
Ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng CIEM kỳ vọng vào những thay đổi thực sự về cơ chế, chính sách và nhất là tư duy về doanh nghiệp nhà nước. “Hãy nhìn doanh nghiệp nhà nước là một động lực quan trọng của nền kinh tế để những thay đổi kích hoạt nguồn lực này theo đúng nguyên tắc thị trường”, ông Cung nói.
(Bảo Duy/baodautu.vn)