Theo nghiên cứu của Tập đoàn Rhodium và Viện nghiên cứu về Trung Quốc Merics công bố ngày 6/3/2019, các vụ mua sắm của các tập đoàn Trung Quốc tại EU đã giảm 40% vào năm 2018, chỉ đạt mức 17,3 tỷ USD, như vậy đã giảm 40% so với năm trước và hơn 50% so với năm 2016 – năm được coi là cơn sốt mua lại của các tập đoàn Trung Quốc với tổng mức 37 tỷ USD. Xu hướng này đã được ghi nhận trên thế giới. Tại Mỹ, các khoản đầu tư của Trung Quốc thậm chí giảm đến 95% trong khoảng 2016 – 2018.
Chủ trương từ phía Bắc Kinh
Sự suy giảm rõ nét này trước hết là do mong muốn của Trung Quốc kể từ năm 2016 nhằm kiểm soát tốt hơn việc mua sắm ồ ạt được đánh giá là « phi lý ». Trung Quốc đã áp đặt các qui định hạn chế một cách quyết liệt đối với các công ty của họ nhằm kiềm chế các dòng vốn chảy ra. Nhưng theo nghiên cứu của Rhodium và Merics, việc suy giảm này cũng phản ánh việc EU đưa ra các quy định kiểm soát chặt chẽ gia tăng đối với các quốc gia mà các khoản đầu tư của Trung Quốc nhắm tới.
Hiện tượng này mang tính toàn cầu. Mỹ đang dần trở thành thị trường ngày càng khép kín đối với các tập đoàn Trung Quốc. Thậm chí tại châu Á, sự ngờ vực đang gia tăng với các khoản đầu tư được triển khai trong khuôn khổ chiến lược «Con đường tơ lụa mới» của Trung Quốc. Do vậy, châu Âu cũng nằm trong xu hướng toàn cầu này. Vào tháng 2/2019, Nghị viện châu Âu đã thông qua một qui định mới về tăng cường giám sát các khoản đầu tư nước ngoài, mặc dù không chỉ rõ đối tượng nhưng thực chất nhằm vào Trung Quốc.
Cơ chế mới của châu Âu cho phép kiểm soát rộng rãi
Với cơ chế thông tin theo qui định của EU thì từ nay về sau tất cả các nước thành viên sẽ phải thông báo tất cả các khoản đầu tư nước ngoài liên quan đến lĩnh vực công nghệ nhạy cảm hoặc cơ sở hạ tầng quan trọng. Theo nghiên cứu, có đến 82% các giao dịch đã thực hiện tại châu Âu trong năm 2018 có thể bị liên quan bởi qui định này. Năm 2018, các khoản đầu tư của Trung Quốc đã nhắm vào một loạt lĩnh vực khác nhau, từ xe hơi cho đến dịch vụ tài chính, cho đến y tế, công nghệ vi sinh. Theo chuyên gia Kratz, «tất cả các hoạt động đầu tư này thường có một điểm chung, đó là có những thành tố và nội dung về đổi mới và công nghệ ». Hơn nữa, việc đầu tư mua sắm này có sự tham gia của nhiều công ty nhà nước của Trung Quốc (41% vào năm 2018).
Nếu như công cụ hiện nay của châu Âu cho phép giám sát rộng hơn, nhưng không có gì đảm bảo việc các khoản đầu tư này trong tương lai sẽ bị từ chối hàng loạt, bởi theo chuyên gia M.Huotari của Merics «tất cả sẽ phụ thuộc vào các quốc gia thành viên». Thậm chí, Đức, vốn đóng vai trò đầu tàu trong việc thông qua qui định này của châu Âu thì cũng không nên đóng cửa đối với các tập đoàn Trung Quốc. Vấn đề là cần «cảnh giác hơn chứ không phải trở thành bảo hộ». Mặc khác, nền công nghiệp Đức sẽ «không có lợi ích về việc này vì nó luôn gắn chặt với thị trường Trung Quốc».
Sự ngờ vực ngày càng gia tăng
Dù sao đây là những dự báo này không chắc chắn liên quan tới một cơ chế kiểm soát vừa mới được thông qua và chỉ có hiệu lực hoàn toàn vào năm 2020. Mang tính mở hơn và dễ dãi hơn so với cơ chế tương đương của Mỹ, cơ chế của châu Âu cần phải cụ thể hóa các qui tắc về cách thức vận hành. Theo chuyên gia nghiên cứu F. Godement của Viện nghiên cứu Montaigne, «qui định này đã nói rõ tại sao, nhưng không thực sự nói như thế nào, đặc biệt là về cách thức trao đổi và phân tích thông tin». Nhưng một trong những tác động là có thể đẩy Trung Quốc thụt lùi khi việc phủ quyết manh nha xuất hiện.
Tuy nhiên theo phân tích của Rhodium và Merics, sự ngờ vực đang ngày càng len lỏi vào mối quan hệ giữa châu Âu và Trung Quốc. Hiện có nhiều lời kêu gọi có một chính sách cạnh tranh mới nhằm chống chọi lại tốt hơn trước những tập đoàn công nghiệp mới khổng lồ của Trung Quốc, hay như những hoài nghi về hồ sơ mạng 5G đối với tập đoàn Huawei và vấn đề an ninh của các thiết bị của tập đoàn này. Theo nghiên cứu này, những thay đổi về thái độ và sự giám sát gia tăng về pháp lý và chính sách có thể sẽ tác động mạnh đến vấn đề đầu tư của Trung Quốc tại châu Âu./.
(Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp)