Trong khoảng 15 năm đầu thế kỉ XXI, kinh tế đối ngoại Việt Nam trở thành một đầu tàu kinh tế với sự phát triển của các ngành, các lĩnh vực có liên quan, trong đó xuất khẩu lao động là một bộ phận. Nguồn kiều hối từ xuất khẩu lao động là một trong những nguồn thu ngoại tệ lớn cho đất nước, góp phần làm tăng GDP, tạo nguồn vốn kinh tế, giải quyết vấn đề việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Mặc dù còn một số hạn chế nhưng với những kết quả đã đạt được, dù thành công hay chưa thành công đều để lại những bài học quý giá cho những bước đi tiếp theo của hoạt động xuất khẩu lao động và nguồn kiều hối của nó trong công cuộc đổi mới toàn diện đất nước. Bài viết tập trung tìm hiểu tình hình xuất khẩu lao động của Việt Nam trong giai đoạn 1998-2015 và những tác động của nguồn kiều hối do xuất khẩu lao động mang lại đối với tình hình kinh tế-xã hội của đất nước.
- Tình hình xuất khẩu lao động của Việt Nam giai đoạn 1998-2015
Trong thập niên 70 của thế kỉ XX, nhất là sau khi đất nước thống nhất (1975), đã có nhiều nước đặt vấn đề hợp tác sử dụng lao động đối với Việt Nam. Đảng và Nhà nước Việt Nam có những chủ trương, chính sách phù hợp nhằm đưa vấn đề người Việt Nam làm việc ở nước ngoài hoạt động có hiệu quả và được triển khai từ những năm 80 của thế kỉ XX.
Giai đoạn 1980-1990, Nhà nước bắt đầu đưa lao động ra nước ngoài làm việc với cơ chế tập trung, bao cấp. Nhà nước kí kết các hiệp định chính phủ với các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu, các nước ở Trung Đông và châu Phi về cung cấp lao động và chuyên gia, sau đó giao cho Bộ Lao dộng, Bộ Y tế, Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp thực hiện việc đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài. Tuy nhiên, giai đoạn này, mục tiêu và cơ chế xuất khẩu lao động còn đơn giản, phải đến năm 1998, với chỉ thị 41-CT/TW về xuất khẩu lao động và chuyên gia, Đảng và Nhà nước đã đưa xuất khẩu lao động trở thành một mục tiêu quan trọng: “cùng với giải quyết việc làm trong nước là chính thì xuất khẩu lao động và chuyên gia là một chiến lược quan trọng, lâu dài, góp phần xây dựng đội ngũ lao động cho công cuộc xây dựng đất nước trong thời kì công nghiệp hóa, hiện đại hóa, là một hộ phận của hợp tác quốc tế, góp phần củng cố quan hệ hữu nghị, hợp tác lâu dài với các nước”[i]. Sau đó, hàng loạt các nghị định của Chính phủ và Thông tư, quyết định của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã hướng dẫn, hoàn thiện quy định đối với các cá nhân và tổ chức xuất khẩu lao động, trong đó quan trọng là Nghị định 152/1999/NĐ-CP (ngày 20/9/1999) và Thông tư số 16/2000/TTLT-BTC-BLĐTBXH (ngày 28/02/2000).
Những chính sách trên giúp quản lý chặt chẽ hơn, đồng thời tạo ra sự thông thoáng, thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu lao động. Nhờ vậy, hoạt động xuất khẩu lao động có bước chuyển biến mới, trước hết là sự gia tăng số lượng người xuất khẩu lao động (xem biểu đồ 1).
Về tổng quan có thể thấy, so với giai đoạn trước đó, thì từ năm 2000 trở đi, xuất khẩu lao động của Việt Nam có nhiều bước tiến đáng kể. Số lượng người xuất khẩu lao động mỗi năm có sự biến đổi theo hướng tăng lên. Từ năm 1998 đến 2015 tăng hơn 100 nghìn người (nghĩa là gần 10 lần), trong đó năm 2014 và 2015 lượng người xuất khẩu lao động vượt qua mức 100 nghìn người. Một trong số những nguyên nhân khiến số lượng lao động xuất khẩu tăng là do chính sách khuyến khích lao động, nhờ đó, các doanh nghiệp xuất khẩu lao động hình thành ngày càng nhiều và hoạt động có hiệu quả hơn. Đến năm 2013, Việt Nam có 180 doanh nghiệp được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cấp phép hoạt động, trong đó có 126 doanh nghiệp nhà nước và 54 doanh nghiệp tư nhân. Mặc dù vậy, có những năm số lượng người lao động giảm, đó là năm 2004 giảm 7,6 nghìn người so với năm 2003, năm 2009 giảm hơn 13 nghìn người so với năm 2008 và năm 2012 giảm hơn 8 nghìn người so với năm 2011.
Cùng với sự gia tăng số lượng người đi xuất khẩu lao động, thị trường xuất khẩu lao động cũng được mở rộng. Nếu như trước đây, người lao động Việt Nam chủ yếu làm việc tại các nước xã hội chủ nghĩa, Trung Đông và châu Phi thì từ sau năm 1991, đặc biệt từ năm 2000 thị trường được mở rộng hơn, gồm châu Âu, châu Phi, khu vực Mỹ Latinh và sôi động nhất là khu vực châu Á, trong đó Đài Loan là thị trường lớn nhất (xem Bảng 1).
Bảng 1 cho thấy số lượng người xuất khẩu lao động tăng giảm theo từng giai đoạn nhưng nhìn chung là theo chiều hướng tăng từ năm 1998 đến năm 2015. Trong đó, thị trường lớn nhất là Đài Loan, do thị trường này không đòi hỏi trình độ tay nghề, chuyên môn kĩ thuật cao nhưng mức lương tương đối cao nên đáp ứng được nhu cầu của người lao động. Thị trường Malaysia bắt đầu có sự chuyển biến kể từ năm 2002 với gần 20 nghìn người (tăng 19.892 người, gấp hơn 800 lần so với năm 2001), tuy nhiên từ năm 2008 đến năm 2015 có xu hướng giảm dần, do mức thu nhập thấp nên không hấp dẫn được người lao động Việt Nam. Trong khi đó, thị trường Hàn Quốc và Nhật Bản là những thị trường tương đối ổn định nhưng số lượng tăng không đáng kể.
- Thực trạng nguồn kiều hối từ xuất khẩu lao động của Việt Nam
Cùng với số người xuất khẩu lao động tăng và thị trường được mở rộng thì nguồn kiều hối từ xuất khẩu lao động cũng có chuyển biến theo hướng ngày càng tăng.
Biểu đồ 2 cho thấy sự gia tăng nhanh và ổn định của nguồn kiều hối đổ về Việt Nam trong giai đoạn 1998-2015. Trong giai đoạn này, lượng kiều hối tăng từ 0,95 tỷ USD lên 13,2 tỷ USD, nghĩa là tăng 12,25 tỷ USD (gấp 13 lần). Riêng năm 2015, kiều hối đạt 13,2 tỷ USD, đứng thứ 11 thế giới và thứ 3 tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Trong sự tăng trưởng của nguồn kiều hối nói chung, số tiền người xuất khẩu lao động gửi về nước qua các năm cũng tăng không ngừng, từ 0,3 tỷ USD (chiếm 31,5%) năm 1998, lên 1,8 tỷ USD (chiếm 15%) năm 2014, trong đó có những năm xuất khẩu lao động chiếm vị trí quan trọng trong lượng kiều hối như năm 2002 (40%) và năm 2004 (68,2%). Thực tế cho thấy xuất khẩu lao động đóng góp một phần quan trọng trong lượng kiều hối gửi về Việt Nam, mà kiều hối lại là một trong ba bộ phận quan trọng của kinh tế đối ngoại, góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng GDP, trong đó cao nhất là năm 2014, GDP là 186 tỷ USD thì kiều hối chiếm 12 tỷ USD (tương đương với 6% GDP) thì xuất khẩu lao động là 1,8 tỷ USD (chiếm 1% GDP).
Trong khi kiều hối (nói chung) ở các lĩnh vực khác tăng tương đối đều đặn thì kiều hối từ xuất khẩu lao động không ổn định, có sự tăng giảm thất thường. Nguyên nhân là do kiều hối từ xuất khẩu lao động phụ thuộc vào sự thay đổi lượng người xuất khẩu lao động, mà số lượng này lại chịu ảnh hưởng từ nền kinh tế bên ngoài, trong đó có sự chi phối mạnh bởi thị trường lao động và các cuộc khủng hoảng kinh tế… Tuy nhiên, sự tăng lên nhanh chóng lượng tiền xuất khẩu lao động gửi về nước và lượng kiều hối thực sự là nguồn thu đáng kể của quốc gia. Tính riêng năm 2014, Việt Nam có gần 20 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD (cao nhất là ngành chế tạo điện thoại và các loại linh kiện 23,6 tỷ USD, tiếp đó là dệt may trên 20 tỷ USD, hàng điện tử, máy tính và linh kiện hơn 11 tỷ USD…). Việt Nam cũng liên tục nhiều năm trở thành nước xuất khẩu nhất nhì thế giới về gạo, tiêu, điều, cà phê, cá tra, basa, thì kiều hối từ người xuất khẩu lao động với 1,8 tỷ USD đã gia nhập “câu lạc bộ xuất khẩu tỷ USD”, góp phần quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa-hiện đại hóa đất nước.
[i] Bộ Chính trị, Chỉ thị về xuất khẩu lao động và chuyên gia: https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Xuat- nhap-khau/Chi-thi-41-CT-TW-nam-1998- xuat-khau-1 ao-dong-chuyên-gia- 170756.aspx
(Còn tiếp)
NGUYỄN THÙY LINH
(Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á-Số 5/2018)