Tác động của Hiệp định CPTPP đến doanh nghiệp Bắc Giang

0
70
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Linh và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thái trao đổi với các chuyên gia.

Ngày 19/7, UBND tỉnh Bắc Giang phối hợp với Viện Friedrich Naumann (FNF) tổ chức hội thảo tác động của “Hiệp định đối tác toàn diện xuyên Thái Bình Dương (gọi tắt là CPTPP) đến các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp tỉnh Bắc Giang”.

Dự hội thảo về phía Trung ương có các đồng chí: Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương); Phan Đức Hiếu – Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương; đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cùng đại diện một số tổ chức quốc tế tại Việt Nam.

Về phía tỉnh Bắc Giang có các đồng chí: Nguyễn Văn Linh – Chủ tịch UBND tỉnh; Dương Văn Thái – Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các cơ quan, ban, ngành, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Linh nhấn mạnh, việc Hiệp định CPTPP được ký kết ngày 09/3/2018 với cam kết mở cửa thị trường, những thỏa thuận mạnh mẽ về môi trường và lao động hứa hẹn sẽ đem lại nhiều lợi ích kinh tế cho các quốc gia thành viên, tạo thuận lợi cho việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo thêm nhiều việc làm, giảm đói nghèo và nâng cao chất lượng sống của người dân.

Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, quá trình tự do hóa thương mại và hội nhập kinh tế thông qua CPTPP giúp Việt Nam trở thành một trong những địa chỉ hấp dẫn về đầu tư, có thể thu hút được dòng vốn FDI với giá trị lớn hơn và công nghệ cao hơn. Đây cũng là cơ hội để chúng ta đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế đối với các ngành xuất khẩu có thế mạnh, từ đó mở rộng các ngành sản xuất nội địa, thực hiện các mục tiêu phát triển quốc gia đối với nhiều ngành nghề.

Tuy nhiên, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Linh cũng lưu ý cạnh tranh sẽ diễn ra quyết liệt, không chỉ ở thị trường các nước tham gia hiệp định mà ngay tại thị trường trong nước. Do đó, ngay từ bây giờ các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp tỉnh Bắc Giang cần nắm rõ những cam kết giữa Việt Nam với các nước thành viên trong hiệp định để chuẩn bị ngay các điều kiện cần thiết, sẵn sàng đón nhận và thực thi CPTPP một cách hiệu quả nhất.

Tại hội thảo, các chuyên gia đến từ Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ – ASEAN, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã trao đổi những tác động của hiệp định CPTPP tới các doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có tỉnh Bắc Giang với nhiều khía cạnh khác nhau; những cơ hội và thách thức của hiệp định đối với doanh nghiệp; đưa ra lời khuyên, kiến nghị đối với doanh nghiệp.

Theo đó, nhiều ý kiến cho rằng tham gia CPTTP sẽ đem đến cho doanh nghiệp cơ hội mở rộng thị trường; cắt giảm thuế quan xuất – nhập khẩu dẫn đến giảm giá thành sản phẩm; mở rộng hợp tác, tham gia chuỗi sản xuất – kinh doanh…

Khi được thực thi, hiệp định sẽ có những tác động trực tiếp và gián tiếp. Trực tiếp là thỏa thuận miễn giảm thuế nhập khẩu – xuất khẩu sẽ giúp các doanh nghiệp giảm được giá thành sản phẩm xuất khẩu sang nước khác, đồng thời giảm giá thành sản xuất do nguồn nguyên liệu phải nhập để sản xuất cũng rẻ hơn.

Tác động gián tiếp là khi thực hiện CPTPP sẽ tạo ra áp lực về cải cách thể chế, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, đối xử bình đẳng, minh bạch thông tin từ phía chính quyền. Khi đó, các chi phí hành chính sẽ giảm xuống, giảm gánh nặng về thủ tục hành chính đối với doanh nghiệp, góp phần giảm giá thành sản phẩm cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định rằng, tác động của CPTPP không tự nhiên có nếu các doanh nghiệp không chủ động vào cuộc, biết đón đầu cơ hội.

Thạc sỹ Phan Đức Hiếu – Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, để tận dụng được cơ hội từ CPTPP, các doanh nghiệp phải chủ động trang bị cho mình thông tin về các cam kết, thông tin thị trường, các đối tác, quy tắc xuất xứ… Từ đó xây dựng phương án kinh doanh phù hợp, nâng cao năng suất, trình độ khoa học – công nghệ đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt khi tham gia hiệp định. Doanh nghiệp phải nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Về phía cơ quan, chính quyền cần thực sự đồng hành cùng doanh nghiệp. Mạnh mẽ cải thiện việc thực thi pháp luật, giảm chi phí, rủi ro pháp lý cho doanh nghiệp. Đồng thời điều tra, xác định các nhu cầu, hạn chế của doanh nghiệp, hồ trợ kỹ thuật cho doanh nghiệp như: quy trình thực hành sản xuất tốt, xuất xứ hàng hóa, kỹ năng marketing, thông tin thị trường…

Nguồn: Cổng thông tin điện tử tỉnh Bắc Giang.

 

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here