Tác động của Covid-19 tới kinh tế châu Âu

0
89
(Internet)
(Internet)

Hạ dự báo tăng trưởng: EU vừa hạ mức dự báo kinh tế cho cả năm 2020 và 2021, theo đó, Ủy ban Châu Âu tin rằng, GDP sẽ giảm ở mức 8,3%, và ở khu vực Eurozone là -8,7%, sâu hơn mức dự báo tháng 5 (lần lượt là -7,4% và – 7,7%). Năm 2021, mức tăng trưởng cũng được dự báo thấp hơn chút ít, ở mức 5,8%. Phó Chủ tịch EC Valdis Dombrovskis trong một thông cáo báo chí gửi cho CNBC cho biết, tác động về tài chính và những biện pháp hạn chế nghiêm trọng hơn ban đầu dự tính; quá trình phục hồi còn gặp nhiều bất ổn, rủi ro. 2 nước bị tác động mạnh nhất là Ý và Tây Ban Nha, GDP dự báo giảm 11,2% và 10,9%. Tiếp theo là Croatia và Pháp, ở mức -10,8% và 10,6%. Thụy Điển đứng thứ 3 trong số 3 nước ít bị ảnh hưởng nhất với sự suy giảm ở mức 5,3%. GDP của Ba Lan và Đan Mạch chỉ giảm ở mức -4,6% và 5,2%. Tuy nhiên, tăng trưởng của Thụy Điển trong năm 2021 chỉ ở mức thấp 3,1% (EU là 5,8%); Phần Lan có mức tăng trưởng thấp nhất trong EU, ở mức 2,8%.

Tác động tới việc làm nặng hơn khủng hoảng tài chính: Ngày 07/7/2020, OECD công bố báo cáo về thị trường lao động, theo đó, khủng hoảng Covid-19 tác động lớn gấp mười lần đối với việc làm và giờ làm so với cuộc khủng hoảng tài chính tác động lên thị trường lao động toàn cầu. Một lần nữa, những người lao động dễ bị tổn thương hơn phải chịu gánh nặng của cú sốc, nhất là đối với người có tay nghề thấp và những người có hình thức việc làm không điển hình; khả năng phụ nữ bị mất việc lớn hơn nam giới; người trẻ tuổi cũng bị ảnh hưởng nặng nề trên thị trường lao động. Báo cáo còn nhấn mạnh, những gì đạt được trong chục năm qua, giờ đã bị phá bỏ chỉ trong vài tháng. Vào đầu năm 2020, tỷ lệ có việc làm trong OECD ở mức kỷ lục 68,9%, cao hơn 2,6% so với mức đỉnh trước khủng hoảng tài chính. Covid-19 đã gây ra khủng hoảng kinh tế lớn chưa từng thấy kể từ thời kỳ suy thoái của những năm 1930.

OECD dự đoán tỷ lệ thất nghiệp trung bình sẽ tăng lên 9,4% vào cuối năm nay, so với 5,3% vào đầu năm 2020. Nếu làn sóng dịch thứ hai xảy ra, tỷ lệ thất nghiệp dự kiến ​​sẽ tăng lên 12,6%. OECD cho biết thêm, sự phục hồi kinh tế sẽ diễn ra rất từ ​​từ, thì tỉ lệ thất nghiệp vẫn cùng mức hoặc cao hơn mức đỉnh trong cuộc khủng hoảng tài chính, cụ thể tỷ lệ thất nghiệp trung bình sẽ giảm xuống còn 7,7 hoặc 8,9%, tùy thuộc vào việc có một làn sóng bệnh dịch thứ hai hay không.

OECD cho rằng các nước cần phải hành động nhanh chóng, giúp những người trẻ tuổi duy trì mối quan hệ với thị trường lao động; việc hỗ trợ cho các công ty cung cấp việc làm hoặc kinh nghiệm làm việc cho những người trẻ tuổi được cho là có hiệu quả để tạo việc làm. Hơn nữa, việc trợ cấp để thuê lao động, nhất là nhắm vào các dịch vụ được trả lương thấp cũng mang tính tích cực để tạo việc làm.

(Đại sứ quán Việt Nam tại Thuỵ Điển)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here