SUY GIẢM VÀ PHỤC HỒI CỦA NGÀNH CÔNG NGHIỆP CHÉ TẠO MỸ (phần cuối)

0
326
  1. Xu hướng phục hồi của ngành công nghiệp chế tạo Mỹ

Đứng trước những thách thức từ mất cân bằng cán cân thương mại cũng như suy giảm việc làm trong ngành CNCT, những năm sau khủng hoảng Chính quyền Mỹ đã giành nhiều nỗ lực giải quyết các vấn đề này. Một mặt, Chính quyền Mỹ lúc đó đã đưa ra các liệu pháp chính sách nhàm thúc đẩy đầu tư vào ngành CNCT và thúc đẩy ngành CNCT đổi mới bằng cách áp dụng các công nghệ mới nhằm nâng cao sức cạnh tranh của hàng hoá công nghiệp. Nằm trong kế hoạch gia tăng gấp đôi xuất khẩu của Mỹ trong 5 năm, trong nhiệm kỳ đầu Tổng thống Obama đã áp dụng nhiều biện pháp khuyển khích gia tăng đầu tư vào ngành CNCT và thúc đẩy quá trình quay trở lại Mỹ của các nhà sản xuất công nghiệp Mỹ. Mặt khác Chính quyền Obama cũng áp dụng các biện pháp thúc đẩy các doanh nghiệp đổi mới và gia tăng áp dụng công nghệ mới. Trong các kế hoạch thúc đẩy ngành CNCT, đáng kể nhất là Chính quyền Obama đã áp dụng một số giải pháp mới đó là gia tăng đánh thuế lên dòng vốn đầu tư ra nước ngoài, đồng thời áp dụng nhiều biện pháp khuyến khích (giảm thuế) đối với các dòng vốn đầu tư nước ngoài vào ngành CNCT, ví dụ, các công ty được giảm 95% thuế thu nhập từ nước ngoài nếu chuyển đầu tư về trong nước. Trên thực tế, những biện pháp kích thích của Chính quyền Mỹ có những tác động đáng kể tới sự phát triển của ngành CNCT Mỹ trong những năm gần đây. Như Hình 1 cho thấy, kể từ sau 2010, tỷ trọng giá trị gia tăng của ngành công nghiệp chế tạo Mỹ trong tổng GDP đã không còn suy giảm như trước đây, đồng thời số lượng việc làm trong ngành công nghiệp này đã bắt đầu tăng lên thay vì giảm xuống liên tục trong giai đoạn trước đó.

Xu hướng tái đầu tư vào và về Mỹ:

Xu hướng tái đầu tư về Mỹ, cũng như thu hút đầu tư nước ngoài vào ngành CNCT là một xu thế mới có ảnh hưởng lớn tới sự phát triển của ngành CNCT Mỹ trong những năm gần đây. Theo phân tích của trang Reshoring Innitiative, vào đầu những năm 2000, các doanh nghiệp thuộc ngành CNCT Mỹ đã có một sự dịch chuyển sản xuất rất lớn từ Mỹ sang các nước, nhưng xu hướng này trong những năm gần đây đã chững lại và nhiều công ty Mỹ đã thực hiện chiến lược rút vốn tái đầu tư vào trong nước. Đầu những năm 2000, ngành CNCT Mỹ đã chuyển ra nước ngoài khoảng 240.000 việc làm/năm, và số lượng việc làm tạo ra từ xu hướng đầu tư vào Mỹ chỉ khoảng 12.000, và vì vậy, tổng việc làm mất đi của ngành CNCT Mỹ là khoảng 220.000. Tuy nhiên xu hướng này đã đảo ngược. Vào năm 2016, ngành CNCT chuyển ra nước ngoài khoảng 50.000 việc làm, trong khi đó việc làm tạo ra từ đầu tư về Mỹ là 77.000. Theo phân tích của April Glacer, trong giai đoạn 2010-2016, số lượng việc làm tạo ra từ xu hướng rút về Mỹ của các công ty từ Trung Quốc là 79.500 việc làm, từ Đức là 54.300, từ Nhật Bản là 35.300, từ Mexico là 19.400, từ Canada là 15.500 và còn từ một số quốc gia khác.

Các biện pháp khuyến khích thuế có một vai trò quan trọng trong việc lôi kéo các công ty tái đầu tư về Mỹ. Tuy nhiên, sự gia tăng đầu tư vào Mỹ trong những năm gần đây của các doanh nghiệp thuộc ngành CNCT một phần là do môi trường đầu tư ở nước ngoài kém thuận lợi, và vì vậy, không chi các doanh nghiệp sử dụng công nghệ cao mà cả những doanh nghiệp sử dụng công nghệ trung bình cũng chuyển dịch về Mỹ, tức là xu hướng dịch chuyển về Mỹ bao gồm cả từ các nước phát triển cũng như từ các nước đang phát triển. Theo số liệu của Reshoring Innitiative, trong tổng các doanh nghiệp Mỹ tái đầu tư về Mỹ giai đoạn 2010-2016, tỷ trọng doanh nghiệp cỏ công nghệ cao chiếm 15%, công nghệ tương đối cao chiếm 28%, công nghệ trên trung bình chiếm 28%, và doanh nghiệp có công nghệ thấp chiếm 29%. Xét về số lượng việc làm do quá trình tái đầu tư về Mỹ tạo ra, 10 ngành đứng đầu bao gồm: chế tạo ô tô là việc làm; sản xuất các thiết bị điện là 35.000; sản phẩm nhựa là 18.700; máy tính và các sản phẩm điện tử là 18.400; dệt – may là 17.200; hoá chất là 16.200; máy móc thiết bị là 15.600; đồ gỗ và giấy là 10.700; và nội thất là 7.200. Như vậy, quá trình tái đầu tư về Mỹ diễn ra không chỉ tập trung vào một vài ngành mà ở khá nhiều ngành khác nhau, tuy nhiên, xu hướng tập trung vẫn là các ngành mà Mỹ có ưu thế về công nghệ. Các công ty tái đầu tư về Mỹ là các công ty đã hoạt động ở nhiều thị trường khác nhau bao gồm các nước phát triển và các nước đang phát triển. Trung Quốc là nước có số lượng doanh nghiệp rút lui về Mỹ nhiều nhất, bao gồm 745 công ty và khoảng 79.500 việc làm, tiếp theo là Đức bao gồm 117 công ty và 54.300 việc làm, Nhật Bản bao gồm 155 công ty và 35.300 việc làm.

Cải tiến công nghệ:

Mỹ là một cường quốc về khoa học và công nghệ và trong quá khứ Mỹ đã từng là một cường quốc về CNCT, tuy nhiên, xu hướng đổi mới công nghệ của Mỹ đã bị chững lại, làm ảnh hưởng mạnh tới khả năng cạnh tranh của ngành công nghiệp này. Xu hướng phục hồi của ngành CNCT Mỹ trong những năm gần đây có sự hỗ trợ của xu hướng gia tăng đổi mới công nghệ trong các doanh nghiệp. Theo phân tích của Global Manufacturing Competitiveness Index, năm 2010, chỉ số cạnh tranh của ngành CNCT Mỹ đứng ở vị trí thứ tư, sau Trung Quốc, Ẩn Độ, và Hàn Quốc. Trong một vài năm trở lại đây, chỉ số cạnh tranh của ngành CNCT Mỹ đã có sự cải thiện. Năm 2013, chỉ số cạnh tranh của ngành CNCT Mỹ đứng ở vị trí thứ ba; năm 2016, Mỹ đứng ở vị trí thứ hai (sau Trung Quốc); và theo dự báo của báo cáo này, ngành CNCT Mỹ sẽ trở lại vị trí dẫn đầu vào năm 2020.

Sự cải thiện chỉ số cạnh tranh của ngành CNCT Mỹ do nhiều nhân tố bao gồm tác động của chính sách, giá cả năng lượng, đầu vào, và một số nhân tố khác. Tuy nhiên, nhân tố đổi mới và áp dụng công nghệ mới trong ngành CNCT Mỹ những năm gần đây có những thay đổi rất đáng kể. Tự động hoá và việc áp dụng các robot trong sản xuất được phát triển khá nhanh ở Mỹ. Theo phân tích của Hiệp hội Robot quốc tế, giai đoạn 2010-2015, ngành CNCT Mỹ đã áp dụng khoảng 135.000 robot công nghiệp, và chỉ riêng năm 2015, con số này là 217.500. Hình 3 cho thấy, các ngành công nghiệp ô tô, điện tử, sản xuất xe máy lả những ngành tiên phong trong việc áp dụng robot công nghiệp. Những số liệu gần đây cho thấy, do giá thành của robot công nghiệp đang hạ xuống, nên việc áp dụng robot trong sản xuất công nghiệp ở Mỹ đang gia tăng mạnh, ví dụ, số lượng robot công nghiệp tính theo đơn đặt hàng ở khu vực Bắc Mỹ (chủ yếu là Mỹ) trong Qúy 1/2017 đã gia tăng đột biến, 32% về số lượng và 28% về giá trị so với Quý 1/2016. Như vậy, tiến trình tự động hoá sản xuất ở Mỹ hiện đang có sự gia tăng rất đáng kể và điều này đã đem lại sự cải thiện của ngành CNCT Mỹ.

Hình 3: số lượng robot áp dụng trong các ngành CNCT Mỹ giai đoạn 2013-2015 (chiếc)

Việc tự động hoá sản xuất trong ngành CNCT của Mỹ đã cải thiện khả năng cạnh tranh của ngành công nghiệp trong thời gian gần đây. Mặc dù, có những tác động tích cực, một số phân tích lại đưa ra cảnh báo về hiện tượng robot hoá sẽ làm giảm việc làm và vì vậy gia tăng thất nghiệp. Những bằng chứng về việc áp dụng robot dẫn đến tình trạng giảm bớt công ăn việc làm hiện nay ở các nước là không rõ ràng; ở một số nước, tự động hoá làm tăng tỷ lệ thất nghiệp, nhưng ngược lại ở một số nước, xu hướng này lại diễn ra theo hướng ngược lại. Tại Mỹ, xu hướng giảm công ăn việc làm do tự động hoá cũng còn nhiều quan điểm khác nhau, về tổng thể, tự động hoá đang diễn ra khá nhanh tại Mỹ, tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp cũng đang giảm khá nhanh, và đến cuối Quý 2/2017, tỷ lệ thất nghiệp đã xuống mức khoảng 4,5%. Theo phân tích của International Pederation of Robotics, xu hướng tự động hóa, áp dụng robot trong ngành công nghiệp ô tô của Mỹ gia tăng rất mạnh, khoảng 60.000 robot trong giai đoạn 2010-2015, nhưng ngành công nghiệp này của Mỹ vẫn tạo ra khoảng 230.000 việc làm mới. Như vậy, có thể nói quá trình đổi mới sáng tạo, và tự động hoá sản xuất trong ngành CNCT của Mỹ trong những năm gần đây đang có những tác động tích cực tới sự phục hồi của ngành công nghiệp này.

  1. Một số chính sách hỗ trợ CNCT của Mỹ trong giai đoạn gần đây

Xu hướng phục hồi của ngành CNCT Mỹ trong giai đoạn gần đây có thể nói là do những đổi mới trong bản thân ngành công nghiệp này, nhưng một phần quan trọng là do nền kinh tế Mỹ đã bắt đầu bước vào giai đoạn phục hồi và nhu cầu hàng hoá tiêu dùng trong nước gia tăng cùng với sự ổn định về kinh tế và sự giảm xuống mức khá thấp của tỷ lệ thất nghiệp. Ngoài xu thế khách quan đó, không thể phủ nhận vai trò của Chính quyền Mỹ (bao gồm cả dưới thời Obama và Donald Trump hiện nay) trong việc ngăn chặn đà suy giảm và thúc đẩy sự phát triển của ngành CNCT Mỹ.

Chính quyền Obama đã rất nỗ lực trong việc phục hồi ngành CNCT của Mỹ, đáng kể nhất là việc thúc đẩy và lôi kéo các công ty quay trở lại Mỹ bằng việc áp dụng các biện pháp khuyến khích về thuế như đã trình bày ở trên. Các chính sách công nghệ dưới thời Obama cũng có thể coi là một nỗ lực lớn của Chính quyền Mỹ, bao gồm việc hỗ trợ các doanh nghiệp áp dụng công nghệ mới, cải cách hệ thống giáo dục nhằm cải thiện chất lượng nguồn nhân lực cho nền kinh tế.

Trong giai đoạn hiện nay, Tổng thống Donald Trump cũng đã dành nhiều nỗ lực để thúc đẩy sự phát triển cùa ngành CNCT. Thực tế cho thấy, Donald Trump không chỉ khuyến khích, mà còn đưa ra những lời đe doạ các công ty đầu tư ra nước ngoài. Nếu dưới thời Obama, các công ty rút về nước được khuyến khích về thuế, thì Donald Trump muốn tiến xa hơn bằng cách đánh thuế nặng đối với các công ty đầu tư ra nước ngoài. Trong thời gian gần đây, trên các báo thường xuyên đưa tin rằng Trump đe doạ trực tiếp đến các công ty có ý định đầu tư ra nước ngoài và xuất khẩu hàng hoá về Mỹ.

Về mặt chính sách cụ thể, Tổng thống Donald Trump đã đề xuất cắt giảm mạnh thuế thu nhập doanh nghiệp từ mức 35% xuống còn 15%. Mặc dù mức cắt giảm này cần phải được Quốc hội thông qua trước khi áp dụng trên thực tế, tuy nhiên, đây là một mức cắt giảm rất lớn, và nếu được áp dụng sẽ hỗ trợ doanh nghiệp rất nhiều, trong đó có các doanh nghiệp thuộc ngành CNCT. Cùng với cải cách thuế, Donald Trump đang cụ thể hoá các chính sách thương mại mà ông ta đưa ra trong giai đoạn tranh cử, một mặt khắc phục thâm hụt thương mại, nhưng mặt khác là nhằm hỗ trợ ngành CNCT Mỹ. Báo cáo Văn phòng Tổng thống tháng 3/2017 mang tên “2017 Trade Policy Agenda” đã nêu rõ các mục tiêu chính sách thương mại của Mỹ, trong đó có các mục tiêu như “bảo đảm công nhân Mỹ và doanh nghiệp Mỹ có các cơ hội cạnh tranh bình đẳng”; “loại bỏ các rào cản thương mại không công bằng”; “ngăn cản các nước lợi dụng WTO làm suy yếu quyền, và lợi ích của Mỹ”; “bảo đảm chính sách thương mại đóng góp tích cực vào nền kinh tế, cũng như ngành CNCT nhằm duy trì an ninh quốc gia”. Với mục tiêu đã xác định như vậy, Chính quyền Donald Trump đã thúc đẩy ý tưởng đàm phán lại các hiệp định thương mại, mà trong đó có NAFTA và hiện nay các bên đang chuẩn bị đàm phán vòng ba tại Canada.

Như vậy, có thể nói dưới Chính quyền Donald Trump, nhiều biện pháp hỗ trợ ngành CNCT sẽ được Mỹ theo đuổi, trong đó biện pháp thương mại là một trong những chính sách chủ yếu. Gia tăng các biện pháp kiểm soát thương mại, sẵn sàng thực hiện các biện pháp điều tra chống bán phá giá, áp dụng các kiểm soát chặt chẽ thương mại sẽ được Chính quyền Donald Trump thúc đẩy nhằm ngăn chặn dòng hàng hoá từ các nước vào Mỹ. Nếu Mỹ thực hiện đàm phán lại thương mại với hai đối tác rất quan trọng trong NAFTA như hiện nay trong khi thâm hụt thương mại với hai đối tác này không phải là quá lớn, rất có thể Mỹ sẽ áp dụng các biện pháp thương mại cứng rắn với các nước có thặng dư thương mại lớn với Mỹ trong đó có Việt Nam (hiện nay đứng thứ sáu trong số các đối tác mà Mỹ có thâm hụt thương mại lớn, 32 tỷ USD năm 2016).

Kết luận

Ngành CNCT Mỹ trong những năm 1990 và 2000 đã gặp phải sự cạnh tranh quyết liệt của một số nền kinh tế như Trung Quốc, Hàn Quốc, Đức, và vì vậy, ngành công nghiệp này của Mỹ đã có sự suy giảm nhất định xét theo tỷ trọng trên tổng GDP, số lượng lao động làm việc trong ngành cũng như quy mô so với một số quốc gia khác. Chính phủ Mỹ đã áp dụng các giải pháp quan trọng hỗ trợ ngành CNCT, như khuyến khích đầu tư vào trong nước và đánh thuế đầu tư ra nước ngoài đối với hoạt động của ngành CNCT, hỗ trợ tiến trình đổi mới sáng tạo trong ngành công nghiệp này. Với những chính sách tích cực và sự năng động của các doanh nghiệp, ngành CNCT Mỹ đã có sự phục hồi đáng kể. Một số dự báo cho rằng, dưới tác động của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 hiện nay, và những chính sách phù hợp, Mỹ sẽ quay trở lại trở thành vị trí cường quốc số một về CNCT trong tương lai gần./.

Cù Chí Lợi

(Châu Mỹ ngày nay, số 9/2017)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here