Sự trỗi dậy của Trung Quốc thúc đẩy Mỹ thử nghiệm chính sách công nghiệp mới

0
110
(www.dw.com)
(www.dw.com)

Ngày 10/3/2021, tờ Wall Street Journal đăng bài viết nhận định Chính quyền Biden đang tìm cách ngăn chặn việc di chuyển sản xuất chip ra nước ngoài trong bối cảnh có nhiều quan ngại đối với nguồn cung ứng chip bán dẫn từ Trung Quốc và Đài Loan.

Một số động thái của Chính quyền và Quốc hội gần đây cho thấy Mỹ đang bắt tay vào thử nghiệm các chính sách công nghiệp mới, nhất là trong lĩnh vực chất bán dẫn. Trong tháng Giêng, Quốc hội đã thông qua luật tạo điều kiện cho các bang địa phương khuyến khích việc nghiên cứu, phát triển và đào tạo mới đối với các nhà máy chế tạo chất bán dẫn. Tổng thống Biden bật tín hiệu hỗ trợ cho lĩnh vực công nghiệp này khi ra sắc lệnh hành pháp yêu cầu đánh giá 100 ngày về các lỗ hổng trong chuỗi cung ứng trong bốn ngành: chất bán dẫn, pin, dược phẩm và vật liệu chiến lược. Phụ trách cấp cao về Kinh tế và Cạnh tranh quốc tế tại HĐANQG, ông Peter Harrell trong trả lời báo chí từng cho biết Chính quyền sẽ sử dụng nhiều biện pháp để khuyến khích sản xuất trong nước, khẳng định chuỗi cung ứng của Mỹ không thể để cho các quốc gia cạnh tranh dễ dàng thao túng.

WSJ dẫn số liệu của công ty tư vấn Boston và Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn (SIA) cho biết, mặc dù các công ty Mỹ vẫn đi tiên phong trong lĩnh vực bán dẫn và vẫn thống trị lĩnh vực thiết kế chip, nhiều công ty trên thực tế đã chuyển dây chuyền sản xuất, chế tạo chip chủ yếu đến châu Á. Thị phần sản xuất chip toàn cầu của Mỹ theo đó đã giảm từ 37% vào năm 1990 xuống còn 12% hiện nay và xu hướng hiện tại sẽ giảm xuống 10% vào năm 2030.

Nguyên nhân dẫn đến xu hướng thay đổi như trên xuất phát từ Trung Quốc. Theo đó, việc theo đuổi sự thống trị về công nghệ và ngoại giao kinh tế có sự chỉ đạo của nhà nước của Trung Quốc, ví dụ ngăn chặn hàng nhập khẩu của Úc nhằm trả đũa Úc kêu gọi điều tra quốc tế về nguồn gốc virus, cho thấy các giao dịch kinh tế có tác động an ninh quốc gia. Bên cạnh việc đổ tiền vào lĩnh vực chip của riêng mình, Trung Quốc còn đe dọa tái hợp với Đài Loan  bằng vũ lực nếu cần, khu vực dân chủ tự trị mà TQ tuyên bố là lãnh thổ của mình. Đài Loan hiện là nơi cung cấp 22% chip và 50% chip tiên tiến nhất của thế giới. Các thực tế trên cho thấy việc cấp thiết đưa ngành sản xuất bán dẫn quay trở lại Mỹ, bên cạnh thực trạng thiếu chip đã làm tê liệt một số nhà sản xuất ô tô trong năm nay và chất bán dẫn ngày nay giống như dầu trong những năm 1970.

WSJ cho biết, các quốc gia nhận thầu sản xuất chất bán dẫn đều đang trợ cấp cho ngành này, trong đó các ưu đãi của Trung Quốc là lớn nhất, trong khi của Mỹ là hạn hẹp nhất. Các ưu đãi và trợ cấp cũng đã biến tập đoàn sản xuất chip của Đài Loan, TSMC trở thành nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới. Dù những ưu đãi như vậy có thể vi phạm các quy tắc của WTO, nhưng thực tế các vụ kiện trợ cấp rất khó xử lý và thị phần có thể thay đổi trong thời gian WTO tiến hành thụ lý một vụ kiện như vậy. Chủ tịch SIA, ông John Neuffer cho rằng ngành công nghiệp bán dẫn đang diễn ra sự cạnh tranh khốc liệt và được định hướng bởi một thị trường khốc liệt. Lĩnh vực sản xuất chất bán dẫn của Mỹ đang phải đối mặt với một sân chơi không bình đẳng và điều này cần phải được sửa chữa. Với chương trình khuyến khích sản xuất trị giá 50 tỷ USD, SIA dự đoán tỷ suất của ngành tại Mỹ sẽ tăng lên 14% trong một thập kỷ, các nhà sản xuất hiện cũng đang quyết định các địa điểm sẽ nâng công suất lên 56% trong thập kỷ tới.

Dù hiện nay rất khó để cho một quốc gia bất kỳ tự chủ hoàn toàn việc sản xuất chất bán dẫn do mức độ toàn cầu hóa và quy mô kinh tế của ngành công nghiệp này, việc Chính quyền Mỹ điều chỉnh các chính sách công nghiệp theo hướng như trên cũng sẽ giúp Mỹ kiểm soát chuỗi cung ứng, và không bị lệ thuộc vào Trung Quốc.

(Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here