Ngày 28/6/2021, theo phân tích của WSJ, một dòng tiền đang tràn ra khỏi nền kinh tế Mỹ và lan tràn khắp thế giới, thúc đẩy sự phục hồi toàn cầu ở mức độ chưa từng có trong nhiều thập kỷ và tạo niềm tin cho các doanh nghiệp đầu tư để đáp ứng nhu cầu khổng lồ của người Mỹ. Các nhà kinh tế cho rằng nền kinh tế Mỹ, được đẩy mạnh nhờ gói kích thích trị giá gần 6 nghìn tỷ đô la và hiện thiếu hàng hóa, đang đóng vai trò kích thích kinh tế thế giới như Trung Quốc sau hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Kinh tế Mỹ dự kiến phát triển 6,9% năm 2021; và các hộ gia đình Mỹ đã tiết kiệm được 2,6 nghìn tỷ USD trong đại dịch; Mỹ dự kiến sẽ nhập khẩu thêm 170 tỷ USD mỗi năm cho đến năm 2026, so với 140 tỷ USD của Trung Quốc.
Điều này khiến nhiều quốc gia được hưởng lợi do thương mại gia tăng. Nhiều công ty sẽ có được các đơn hàng mới từ Mỹ. Thị trường bất động sản của Mỹ phát triển cũng khiến cho Mỹ sẽ cần nhập nhiều sản phẩm nhà cửa hơn. Các công ty vận tải hàng hóa đang tính toán việc mở rộng các đội tàu. Đồng thời, các nước đang chờ đợi người du lịch Mỹ. Các hãng hàng không đang mua thêm máy bay. Dòng ngoại tệ từ Mỹ cũng đang chảy sang các nước khác khi người nhập cư tại Mỹ gửi tiền về gia đình các châu lục khác. Chính sách tiền tệ nới lỏng của Fed cũng đang giúp các nước khác thực hiện các khoản vay giá rẻ và chi tiêu rộng rãi.
Tuy nhiên, sự phục hồi của kinh tế Mỹ cũng gây căng thẳng và xáo trộn trên thế giới. Sự phục hồi này đang khiến giá hàng hóa ở các nước tăng cao. Nhu cầu cao về máy tính, điện thoại và tivi trong đại dịch đã tạo nên sự thiếu hụt thiếc và đẩy giá kim loại lên mức kỷ lục. Giá cả tăng cao đang gây khó khăn cho nhiều ngân hàng trung ương, gây sự xáo trộn của thị trường tài chính và nguy cơ lạm phát có thể xảy ra ở nhiều nước.
(Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ)