SỰ TĂNG TRƯỞNG CAO CỦA NHẬT BẢN VÀ MỘT SỐ CHUYỂN BIẾN CHỦ YẾU CỦA LÝ THUYẾT PHÁT TRIỂN KINH TẾ HIỆN ĐẠI

0
91

Lý thuyết phát triển kinh tế là một hệ thống kiến thức về các quy luật, nguyên tắc, phương pháp, có khả năng phản ánh và điều hành sự phát triển kinh tế và xã hội. Sự thành công kinh tế của Nhật Bản trong thời kỳ tăng trưởng cao 1955-1973 (tăng trưởng bình quân đạt mức 10%/năm) đã thúc đẩy các nhà kinh tế học xem xét lại các lý thuyết phát triển kinh tế trước đó không được phổ biến rộng rãi như lý thuyết mô hình Đàn nhạn bay của Akamatsu. Một số nhà kinh tế học khác thậm chí còn xây dựng mô hình phát triển kinh tế mới dựa trên sự quan sát kinh nghiệm phát triển kinh tế của Nhật Bản trong thời kỳ tăng trưởng cao, như mô hình Nhà nước phát triển của Chalmers lohnson.

  1. Nhà nước phát triển

Nhà nước phát triển không phải là một khái niệm mới, các nguyên lý của lý thuyết nhà nước phát triển đã được giới thiệu bởi nhiều học giả từ trước những năm 1980. Tuy nhiên, phải đến những năm 1980, một lý thuyết rõ ràng về “nhà nước phát triển” mới được đề xuất bởi Chalmers Johnson trong cuốn sách của ông mang tựa đề “MITI và sự thần kỳ Nhật Bản”. Và cũng lần đầu tiên, Chalmers Johnson sử dụng cụm từ “nhà nước phát triển” một cách chính thức. Trong cuốn sách đó Johnson đã bắt tay vào phát triển một khuôn khổ chung của nhà nước phát triển bằng việc nghiên cứu những yếu tố đằng sau mang đen sự “thần kỳ Nhật Bản”.

“Ý tưởng nhà nước phát triển có nguồn gốc từ các nước có quá trình công nghiệp hóa muộn và mục tiêu của nhà nước phát triển luôn được mang so sánh với các nền kinh tế khác”. Johnson cho rằng, điều kiện tiên quyết của mô hình là cần phải tồn tại một bộ máy hành chính có quy mô nhỏ, nhưng quản lý chuyên nghiệp và hiệu quả. Bộ máy hành chính này có ba nhiệm vụ chính, thứ nhất xác định và lựa chọn các ngành công nghiệp ưu tiên để nuôi dưỡng và phát triển. Thứ hai, nhà nước phát triển cần phải cung cấp đủ thẩm quyền cho bộ máy hành chính thực hiện các sáng kiến tự do. Trong nghiên cứu của ông, MITI là trung tâm mô hình phát triển của Nhật Bản, đặc biệt là liên quan đến cách quản lý quan liêu của MITI trong quá trình phát triển công nghiệp. Hơn nữa, Johnson chỉ ra rằng các điều kiện chính trị thuận lợi đã cung cấp đầy đủ và đảm bảo cho cơ quan thí điểm này duy trì một mức độ uy tín cao, hợp pháp và có thẩm quyền trong việc thúc đẩy công nghiệp hóa. Thứ ba, nhà nước phải đảm bảo rằng các công cụ chính sách sẽ cung cấp thêm thẩm quyền cho bộ máy hành chính thực hiện các biện pháp can thiệp của nhà nước vào nền kinh tế mà không ảnh hưởng tới nguyên tắc thị trường, tức là “hoàn thiện các phương pháp thị trường phù hợp với sự can thiệp của nhà nước”.

Trong mô hình nhà nước phát triển, để đạt được thành công nhà nước cần phải có được sự độc lập tương đối (hoặc cách ly) khỏi các lợi ích nhóm và thay thế các lợi ích này bằng lợi ích quốc gia. Đa số các nhà kinh tế thừa nhận rằng một trong những đặc điểm quan trọng nhất của nhà nước phát triển là quyền tự chủ tách biệt khỏi các nhóm lợi ích. Từ đó các các quan chức chính phủ có thể tập trung vào các mục tiêu phát triển như trong trường hợp các nước Đông Á. Ở Nhật Bản, các quan chức chính phủ không chỉ được hưởng một thỏa thuận về uy tín, họ còn nhận được sự đãi ngộ đặc biệt và được trao quyền lực để theo đuổi những mục tiêu phát triển kinh tế trong dài hạn. Và khi nhà nước phát triển đang ở đỉnh cao quyền hạn, các quan chức nhà nước có thể khai thác “quyền tự chủ không thể chối bỏ” mà Evans coi là quan trọng đối với khả năng thi hành đầy đủ quyền hạn.

Peter Evans xây dựng khái niệm “quyền tự chủ không thể chối bỏ” để minh họa cho lập luận của mình rằng kết quả phát triển của bất cứ nước nào cũng đều dựa trên việc điều hòa hình thái tổ chức nhà nước, các yếu tố quan liêu, cũng như bản chất của mối quan hệ giữa nhà nước với các lợi ích xã hội. Những đóng góp của Evans vào việc xây dựng khung lý thuyết của nhà nước phát triển bao gồm 5 điểm chính. Đầu tiên, ông nhấn mạnh về sự hiếm có của bộ máy hành chính kiểu mẫu, đặc trưng của nhà nước phát triển ở khu vực Đông Á. Thứ hai, ngay cả trong các trường hợp thành công nhất của quyền tự chủ không thể tách rời, nhà nước cũng không tách khỏi những lợi ích đặc thù. Thứ ba, Evans cho rằng nhà nước phát triển không ở trạng thái tĩnh mà luôn xu hướng thay đổi (để thích ứng). Cuối cùng, Evans cho rằng nhà nước phát triển được xây dựng trong hoàn cảnh khó khăn và không có nhiều điều kiện thuận lợi. Hạn chế trong nghiên cứu của Evans là ông có những phân tích ấn tượng về yếu tố quan liêu của nhà nước phát triển, nhưng lại ít đề cập đến các khía cạnh cần thiết để hình thành nhà nước phát triển, đặc biệt là về điều kiện chính trị và xã hội.

Như vậy liệu nhà nước phát triển, mô hình như đã trình bày ở trên, thể hiện một sự can thiệp rất sâu của Nhà nước vào nền kinh tế có phù hợp với xu thế toàn cầu hóa đang ngày càng được mở rộng? Theo quan điểm của Weiss, quyền lực nhà nước phát triển đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy toàn cầu hóa. Weiss cho rằng toàn cầu hóa không dẫn đến xói mòn quyền lực nhà nước do sự hội nhập toàn cầu mạnh mẽ của các hoạt động kinh tế. Thay vào đó, nó dẫn đến sự quốc tế hóa của các hoạt động kinh tế. Weiss có hai đóng góp lớn vào việc xây dựng mô hình “nhà nước phát triển”. Đầu tiên, Weiss ủng hộ quan điểm của Evans cho rằng nhà nước không ở trạng thái tĩnh mà luôn có xu hướng biến đổi phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của nền kinh tế. Thứ hai, và cũng quan trọng hơn, đóng góp Weiss giúp xoá bỏ những hoài nghi đối với lý thuyết nhà nước phát triển. Tuy nhiên, ranh giới giữa “sự sụp đổ” và “thích ứng” chưa được thể hiện rõ ràng trong nghiên cứu của Weiss. Ví dụ, mức độ nào của việc giảm kiểm soát của nhà nước vào nền kinh tế (của các quốc gia nhà nước phát triển) có thể được coi như là một sự thích nghi?

Theo Johnson, tính khả thi của mô hình này phụ thuộc vào sự thành công của các mục tiêu đã được thống nhất và công bố rộng rãi như tăng trưởng GNP, nếu không đạt được các mục tiêu này các xung đột lợi ích sẽ dễ dàng phát sinh trong xã hội. Ông lưu ý rằng “lợi ích kinh tế của nhà nước phát triển phụ thuộc vào các mục tiêu chính trị” và các mục tiêu này “thường được mang ra so sánh với các nền kinh tế khác”. Nói chung, sự tồn tại của các mối đe dọa đến từ nước ngoài thường được sử dụng để xây dựng các mục tiêu quốc gia. Trong trường hợp của Nhật Bản, sự khẩn cấp phải tái thiết nền kinh tế sau Chiến tranh Thế giới thứ hai mang lại các mục tiêu và tính hợp pháp cần thiết cho nhà nước phát triển.

Lý thuyết này chỉ có thể hữu ích nếu quốc gia áp dụng nhận thức được những hạn chế của nó. Có ít nhất ba điểm còn thiếu chưa được tính đến trong các nghiên cứu về nhà nước phát triển. Trước hết, nếu chúng ta xác định nhà nước phát triển là “một quốc gia đặt sự phát triển kinh tế là ưu tiên hàng đầu trong các chính sách của chính phủ và chính phủ xây dựng các công cụ chính sách hiệu quả để thúc đẩy các mục tiêu đó”, thì chúng ta có thể tìm thấy nhiều ví dụ về các nhà nước phát triển trong lịch sử. Bagchi đã khảo sát vai trò của các nhà nước và chỉ ra các nhà nước phát triển đã từng tồn tại trong lịch sử ở một loạt nước phát triển ngày nay như Hà Lan, Đức, Anh… Tuy nhiên, trong nghiên cứu này, ông cũng liệt cả Liên Xô và Trung Quốc thời kỳ trước 1980 vào các nước có nhà nước phát triển. Thứ hai, sẽ có các quốc gia nhà nước phát triển miễn là chủ nghĩa dân tộc còn tồn tại dù nhà nước phát triển của thế kỷ 20 rất khác so với thời kỳ trước đó. Ví dụ Nhà nước phát triển Hàn Quốc được hình thành vào năm 1961 khi tướng Park Jung Hee lên nắm quyền. Vào thời kỳ đó, Hàn Quốc vẫn đang được chuyển đổi thành một quốc gia độc lập sau Chiến tranh Thế giới thứ hai và Chiến tranh Triều Tiên, tương tự như ở Đài Loan và các nước khác. Trong thời kỳ này sự hình thành của nhà nước phát triển diễn ra đồng thời với việc kiến lập quốc gia mới. Do đó ở các nước này chủ nghĩa dân tộc đóng một vai trò quan trọng trong việc xây dựng nhà nước phát triển. Thứ ba, nhà nước phát triển có thể được coi như là một hệ thống “tự diệt” vì sự “mật thiết” trong mối quan hệ giữa nhà nước và doanh nghiệp không thể kéo dài. Nói cách khác, chính phủ không thể kiểm soát quá trình kinh doanh và khu vực tư nhân trong một thời gian dài. Cuối cùng nhà nước phát triển sẽ phải “kết thúc” sau khi đạt được thành công. Thực tế ở Đông Á và Nhật Bản đã chứng minh điều này mặc dù Nhật Bản đã cố gắng trì hoãn việc giảm can thiệp của Nhà nước vào nền kinh tế. Hiện nay Chính phủ Nhật Bản đã chú trọng nhiều hơn vào việc nâng cao vai trò của khu vực tư nhân trong hợp lý hóa công nghiệp và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, Chính phủ Nhật Bản, dù không hoàn toàn từ bỏ can thiệp vào nền kinh tế nhưng mức độ hỗ trợ đã giảm đáng kể.

  1. Mô hình đàn nhạn bay

Mô hình “đàn nhạn bay” do nhà kinh tế học Nhật Bản Akamatsu Kaname khởi xướng đầu tiên từ những năm 1930. Mô hình này ban đầu mô tả quá trình công nghiệp hóa của một nước phát triển, nhưng sau đó nó được mở rộng phạm vi áp dụng cho công nghiệp hóa, phát triển mạng lưới sản xuất và hợp tác trong khu vực. Theo Akamatsu, mô hình “đàn nhạn bay” biểu thị sự phát triển sau khi nền kinh tế của nước kém phát triển thiết lập mối quan hệ kinh tế với những nước phát triển. Bản chất của mô hình này là sự kết hợp giữa lý thuyết về vòng đời của sản phẩm và lý thuyết lợi thế so sánh. Các nền kinh tế phát triển ở các mức độ khác nhau về công nghệ sẽ tạo ra các cơ hội đan xen và bổ sung cho nhau để phát triển thông qua việc chuyển giao công nghệ và xuất khẩu sản phẩm cho nhau dựa vào lợi thế so sánh của mỗi nền kinh tế. Trong mô hình này, Nhật Bản được xem như là con nhạn đầu đàn, tiếp theo là các nền kinh tế mới công nghiệp hóa NIEs, các nước Đông Nam Á và Trung Quốc.

Trước những năm 90, lý thuyết này hầu như không được biết đến ở bên ngoài Nhật Bản và hình ảnh của lý thuyết kinh tế nói chung là tiêu cực. Điều này là do học thuyết này được dùng như là sự biện hộ về mặt tư tưởng cho chủ nghĩa đế quốc của Nhật Bản ở Châu Á. Cho đến đầu thập niên 1990 tình hình mới bắt đầu thay đổi và hầu hết các nhà kinh tế học đều cho rằng có cơ sở để sử dụng mô hình đàn nhạn bay trong việc giải thích sự lan tỏa của công nghiệp ở khu vực Đông Á.

Theo Akamatsu (1962) quá trình công nghiệp hóa của một nước bao gồm bốn giai đoạn. Trong giai đoạn đầu tiên là khi những hàng hóa được sản xuất, hầu hết là những hàng tiêu dùng được nhập khẩu từ nước ngoài. Trong giai đoạn thứ hai, bắt đầu quá trình thay thế nhập khẩu đối với hàng tiêu dùng sau khi tiến hành nhập khẩu những nguồn tài nguyên thiên nhiên, máy móc và các thiết bị cho quá trình sản xuất, lúc này các biện pháp bảo hộ và chủ nghĩa quốc gia về kinh tế bắt đầu xuất hiện (Akamatsu cho rằng nhập khẩu đóng vai trò quan trọng đối với những nước hạn chế về tài nguyên thiên nhiên như Nhật Bản). Thứ ba là giai đoạn công nghiệp hóa hướng đến xuất khẩu khi hệ thống sản xuất bản địa được hình thành. Lúc này ngành công nghiệp hàng tiêu dùng của quốc gia công nghiệp hóa đã được đồng nhất với các nước tiên tiến, đạt được tiêu chuẩn giống như của các nước tiên tiến, do đó các quốc gia này không còn là những nước kém phát triển hơn và đã đủ khả năng gia nhập hàng ngũ các nước xuất khẩu. Trong giai đoạn cuối, ngành hàng tiêu dùng sẽ có xu hướng giảm do xuất khẩu hàng hóa giảm, lúc này xuất khẩu vốn đầu tư sẽ thay thế xuất khẩu hàng tiêu dùng. Điều này là do sự tiến bộ trong các ngành công nghiệp ở các nước kém phát triển hơn.

Trong mô hình ban đầu của Akamatsu, khi một nền kinh tế và cơ cấu công nghiệp phát triển thì nền kinh tế đó sẽ chuyển giao các ngành công nghiệp già cỗi sang các nền kinh tế kém phát ừiển hơn trong khu vực. Theo thời gian, các nền kinh tế chuyển đổi cơ cấu công nghiệp của mình từ các ngành sử dụng nhiều lao động sang các ngành đòi hỏi nhiều vốn và kỹ năng theo nguyên lý lợi thế so sánh. Sự phát triển kinh tế của nước khác như một đàn nhạn cùng bay. Trong mô hình này có một vấn đề rất quan trọng là con nhạn đầu đàn phải bay nhanh (phải phát triển) để kéo theo sự phát triển của các con nhạn còn lại và sự phát triển tương hỗ là rất quan trọng vì nếu không sẽ có nhiều con nhạn lạc đàn và tụt lại phía sau. Theo Akamatsu, những con nhạn lạc hậu đều sẽ được công nghiệp hóa, mặc dù tốc độ không giống nhau, tuy nhiên mỗi quốc gia sẽ thể hiện một mô hình công nghiệp hóa không đồng nhất. Lý do của việc này, theo Akamatsu là do công nghệ. Những con nhạn đầu dàn vẫn đang tiến lên phía trước, không ngừng đổi mới để duy trì một khoảng cách so với những con nhạn phía sau. Như vậy, công nghệ có hai mặt đối lập, nó tạo cơ hội cho sự đồng nhất của các quốc gia, nhưng những cơ hội này có thể bị phá hủy bởi hành động của những con nhạn. Và trong suốt quá trình này thứ bậc của những con nhạn cũng có thể thay đổi, có nghĩa là tốc độ của nhạn không giống nhau ở tất cả các giai đoạn. “Một số nước kém phát triển hơn vẫn luôn ở trạng thái trì trệ đang ngày càng tụt lại so với trật tự bay, trong khi những nước khác, như Nhật Bản đã gia nhập hàng ngũ các nước tiên tiến bằng cách tăng cường mức độ đồng nhất hóa cao”.

Như vậy, lý thuyết ban đầu của Akamatsu, không có một tham chiếu rõ ràng về vai trò của đầu tư trực tiếp nước ngoài trong quá trình công nghiệp hóa của một quốc gia. Trên thực tế điều này là tự nhiên vì trong khoảng thời gian Akamatsu lên ý tưởng cho mô hình đầu tư trực tiếp nước ngoài không có vai trò quan trọng. Hơn nữa lý thuyết của Akamatsu dựa trên kinh nghiệm phát triển kinh tế của Nhật Bản, nơi đầu tư trực tiếp nước ngoài chưa bao giờ là một nguồn vốn quan trọng cho phát triển kinh tế. Sau này một số nhà kinh tế học đã nỗ lực vận dụng mô hình đàn nhạn bay chủ yếu theo đầu tư trực tiếp nước ngoài. Ví dụ như Dowling and Cheang với nghiên cứu “Shifting Comparative Advantage in Asia: New Tests of the “Flying Geese”, đây là một bổ sung quan trọng cho lý thuyết đàn nhạn bay khi nhấn mạnh vai trò của thương mại và FDI đối với tăng trưởng kinh tế.

Lý thuyết bị chỉ trích bởi một số nhà kinh tế học, họ cho rằng rằng lý thuyết này hàm ý sự đồng nhất của tất cả các nền kinh tế một cách tuyến tính. Tuy nhiên, như đã trình bày ở trên Akamatsu đề cập đến hành động của các con nhạn chống lại sự đồng nhất. Hơn nữa, có thể có đồng nhất ở các nhóm quốc gia bởi nhiều lý do khác nhau. Tuy nhiên, vấn đề này chủ yếu chỉ nảy sinh khi các nhà kinh tế cố gắng giải thích sự phát triển của Đông Á bằng khuôn khổ của lý thuyết và nhấn mạnh vai trò của đầu tư trực tiếp nước ngoài. Nhưng dù Nhật Bản (và Mỹ) có vai trò quan trọng trong quá trình công nghiệp hóa các nước Đông Á (cung cấp tri thức, liên doanh và đầu tư trực tiếp nước ngoài cho khu vực), đầu tư trực tiếp nước ngoài chưa bao giờ trở thành nguồn vốn đầu tư quan trọng của các nước trong khu vực ngoại trừ Malaysia và Singapore (xem bảng 1). Như vậy, có thể nói sự tăng trưởng của Đông Á là sự tăng trưởng nhờ vào nguồn vốn trong nước. Do đó, lý thuyết “đàn nhạn bay” với sự nhấn mạnh vào đầu tư trực tiếp nước ngoài không thể giải thích đầy đủ cho sự phát triển của Đông Á.

Bảng 1: Tỷ lệ FDI trong tổng vốn đầu tư của một số nền kinh tế Đông Á

giai đoạn 1971-1993 (đơn vị %)

Quốc gia 1971-1980 1981-1990 1991-1993
Nhật Bản 0,1 0,1 0,1
Hong Kong 5,1 9,9 5,7
Hàn Quốc 1,2 0,9 0,5
Singapore 15,8 26,2 37,4
Đài Loan 1,3 2,6 2,6
Indonesia 3,5 1,5 4,5
Philippines 1,0 3,8 4,6
Thái Lan 2,3 4,8 5,0
Trung Quốc 0 1,5 10,4

Nguồn: Akyuz, Y., Chang, H-J and Kozul-Wright, R. (1998), “New Perspectives on East Asian Development ”, Journal of Development Studies, Vol. 34

Vấn đề thứ hai của lý thuyết này, theo Tung là không tồn tại việc nhập khẩu ngược lại vào Nhật Bản. Theo dự đoán của lý thuyết, sau giai đoạn thứ ba những “con nhạn” theo sau bắt đầu xuất khẩu hàng hóa sang “con nhạn” đầu đàn. Tuy nhiên Nhật Bản chưa bao giờ trở thành một thị trường xuất khẩu quan trọng của các nước Đông Á, mà chủ yếu chỉ cung cấp vốn cần thiết cho đầu tư nội khu trong khi Mỹ lại trở thành thị trường xuất khẩu chính của các nước Đông Á.

Lỗ hổng cuối cùng của lý thuyết trong việc giải thích sự tăng trưởng của Đông Á có thể tìm thấy trong việc sắp xếp nhập khẩu, sản xuất và xuất khẩu hàng hóa. Akamatsu cho rằng nhu cầu về hàng hóa sản xuất trong nước phát triển do phải phụ thuộc vào hàng hóa nhập khẩu. Tuy nhiên, như nhiều nhà kinh tế chỉ ra, các liên kết kinh tế dù theo hướng này hay hướng khác đều có thể tạo ra nhu cầu về hàng hóa mới dù chưa từng nhập khẩu hàng hóa đó trước đây. Do đó một sự bứt phá đầu tư ở nhiều khu vực có thể dễ dàng tạo ra nhu cầu đối với hàng hóa mới. Hơn nữa, xuất khẩu hàng hóa trong nhiều trường hợp có thể đi trước cả sản xuất phục vụ thị trường trong nước. Như vậy, đôi khi thị trường xuất khẩu lại đóng vai trò lớn hơm trong việc kích thích sản xuất hàng hóa. Nhiều nước Đông Á bắt đầu xuất khẩu mà không qua bất kỳ giai đoạn thay thế nhập khẩu nào mặc dù các nước này trước đó đã sử dụng hàng nhập khẩu thay thế trong nhiều lĩnh vực.

Dù có những hạn chế nhất định, lý thuyết Đàn nhạn bay vẫn là một công cụ quan trọng để đánh giá ảnh hưởng của Nhật Bản đối với Đông Á. Thứ nhất, Nhật Bản cho thấy các nước này làm thế nào để công nghiệp hóa (Nhật Bản là con nhạn lãnh đạo). Thứ hai, hiệu quả kinh tế cao của Nhật Bản cũng làm tăng nhu cầu hàng hóa của các nước Đông Á. Vì vậy, có thể nói, đúng như Akamatsu đã dự đoán, thành công của Nhật Bản đã thúc đẩy các nước Đông Á công nghiệp hóa.

*

* *

Sự tăng trưởng ngoạn mục của kinh tế Nhật Bản đã góp phần vào việc hoàn thiện các lý thuyết phát triển kinh tế hiện đại. Sự thành công của Nhật Bản đã làm gia tăng số lượng nghiên cứu về vai trò của nhà nước đổi với công nghiệp hóa. Chammer Johnson xây dựng lý thuyết nhà nước phát triển dựa trên sự quan sát kinh nghiệm phát triển kinh tế của Nhật Bản. Khung lý thuyết của nhà nước phát triển sau đó đã được mở rộng và có ảnh hưởng ngày càng tăng nhờ sự thành công kinh tế của một số nước Đông Á. Sự thành công của Nhật Bản cũng làm gia tăng số lượng nghiên cứu nhằm làm sáng tỏ vai trò của Nhật Bản trong khu vực bằng mô hình Đàn nhạn bay. Nhờ sự thành công kinh tế của Nhật Bản, mô hình Đàn nhạn bay, dù được xây dựng từ những năm 1930 nhưng chỉ ảnh hưởng đến các nghiên cứu về kinh tế học phát triển từ những năm 1980. Như vậy, sự tăng trưởng cao của Nhật Bản giai đoạn 1955-1973 đã có những ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến kinh tế học phát triển, cụ thể là phục hồi các lý thuyết cũ và hình thành lý thuyết mới./.

Bùi Đông Hưng

(Nghiên cứu Đông Bắc Á, số 10/2017)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here