Trong bài bình luận có tiêu đề “Cột mốc Hy Lạp trong chiến lược Vành đai và Con đường của Trung Quốc”, báo điện tử Naftemporiki.gr nhận định: chính sách tăng trưởng và mở rộng kinh tế của Trung Quốc trong thế kỷ 21 hứa hẹn hàng tỷ euro đầu tư trực tiếp từ Trung Quốc vào Hy Lạp và sự phát triển của quan hệ thương mại song phương.
Năm 2016, kim ngạch xuất khẩu của Hy Lạp sang Trung Quốc đạt 328 triệu euro, trong khi đó kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc sang Hy Lạp cao gấp 9 lần, đạt 2,887 tỷ euro. Theo các chuyên gia Hy Lạp, triển vọng tăng trưởng xuất khẩu của Hy Lạp sang Trung Quốc phụ thuộc vào việc giảm bớt những rào cản thương mại đối với các sản phẩm nông sản và hạn chế về phương tiện vận chuyển đường biên.
Một trọng tâm khác của Hy Lạp trong quan hệ kinh tế với Trung Quốc, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch – ngành kinh tế mũi nhọn của Hy Lạp, đó là tiếp tục thu hút thêm nhiều khách du lịch Trung Quốc tới Hy Lạp. Hiện số lượng khách du lịch Trung Quốc hàng năm trên khắp thế giới đạt 140 triệu người, trong đó có 18 triệu khách đến châu Âu, con số này đang tiếp tục tăng lên. Tổng chi tiêu của khách Trung Quốc đạt tới 216 tỷ USD, so với khách du lịch Mỹ chỉ đạt 122 tỷ USD và khách du lịch Đức đạt 81 tỷ USD. Trong năm 2018, khách du lịch Trung Quốc tới Hy Lạp dự kiến là 200.000 người, con số này gấp đôi sổ lượng visa cấp cho khách Trung Quốc đi trực tiếp từ Trung Quốc sang Hy Lạp, có nghĩa là số còn lại đến Hy Lạp từ một nước khác trong khối Schengen.
Tuy nhiên, nhắc đến quan hệ kinh tế Hy Lạp – Trung Quốc, phải nhắc đến câu chuyện thành công gần đây của tập đoàn Cosco đến từ Thượng Hải trong việc mua lại từ chính phủ Hy Lạp quyền quản lý cảng Piraeus – cảng lớn nhất và đông đúc nhất của Hy Lạp. Công ty nhà nước Hy Lạp quản lý cảng Piraeus cho rằng việc mua quyền quản lý Piraeus hầu như không ảnh hưởng gì đến thị trường trong nước Hy Lạp và chỉ có ý nghĩa về mặt vị trí. Tuy nhiên với khoản đầu tư từ 1,5 – 2 tỷ euro, Cosco đã có trong tay năng lực vận chuyển Container khoảng 4 triệu đơn vị hàng năm, và theo đánh giá của một chuyên gia nghiên cứu của Viện Quan hệ kinh tế quốc tế tại Athens thì thương vụ này là quá hời đối với Trung Quốc. Chuyên gia này cũng cho rằng đối với những khoản đầu tư tương tự trong tương lai, chính phủ Hy Lạp cần đàm phán những thương vụ có lợi hơn và có tầm nhìn và triển vọng chiến lược.
Tin từ ĐSQVN tại Hy Lạp (Tổng hợp từ DailyGreece.net)