Sự hỗn loạn chất bán dẫn sẽ tồi tệ hơn. Nhiều nhà phân tích cảnh báo, người tiêu dùng sẽ phải trả giá cao hơn cho các sản phẩm điện tử và các hàng hóa khác. Nhưng cũng có một xu hướng thay thế, đó là sản phẩm ít “thông minh” hơn. Theo một số báo cáo mới đây, tình trạng thiếu chất bán dẫn và chip nhỏ, sử dụng trong các sản phẩm, từ điện thoại di động đến ô tô thông minh và tên lửa, dự kiến sẽ ngày càng trở nên nghiêm trọng. Ngành công nghiệp ô tô đã bị áp lực bởi sự thiếu hụt chip; một số nhà sản xuất ô tô hàng đầu đã buộc phải ngừng sản xuất tại các nhà máy của họ. Sự hỗn loạn giờ đây được cho sẽ lan sang nhiều ngành công nghiệp khác và có thể đẩy giá tiêu dùng tăng cao, từ máy tính đến thiết bị nhà bếp.
Vincent Tsui, nhà phân tích kinh tế vĩ mô và chiến lược đầu tư ở Châu Á tại công ty Gavekal ở Hồng Công cho biết: “Ngày càng rõ ràng rằng, việc thiếu chất bán dẫn trở nên phổ biến hơn và khó khăn hơn so với suy nghĩ trước đây. Sự gián đoạn trong dây chuyền sản xuất Châu Á, do thiếu chip, có thể làm hạn chế nguồn cung đối với một số sản phẩm và kết quả là lạm phát gia tăng. “Có lẽ điều đáng lo ngại nhất đối với các nhà đầu tư là ngành công nghiệp bán dẫn đang bắt đầu đe dọa toàn bộ lĩnh vực điện tử, thậm chí cả những chuỗi sản xuất điện thoại thông minh phức tạp nhất của Châu Á”. Vincent Tsui nhấn mạnh, các sàn giao dịch chứng khoán và tiền tệ tại một số quốc gia phụ thuộc vào xuất khẩu ở Châu Á có thể chịu áp lực.
Iris Pang, kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Ngân hàng Hồng Công cũng đưa ra một bức tranh tình hình đáng lo ngại trong một báo cáo mới, đánh giá rằng, với tình trạng thiếu chất bán dẫn dai dẳng trên toàn cầu, giá của nhiều loại sản phẩm như đồ gia dụng, ô tô và máy tính sẽ tăng lên. Đồng thời, bà đưa ra một kịch bản thay thế: rằng chúng ta chỉ đơn giản là quen với các sản phẩm “thông minh”, nhưng với ít chức năng và kém tiên tiến hơn. Một số nhà sản xuất ô tô đã bắt đầu loại bỏ các chức năng tùy chọn điện tử khác nhau trên những chiếc ô tô mới do thiếu chip.
Theo Hiệp hội The Semiconductor Industry Association, vào tháng Giêng, chất bán dẫn đã được bán ra với giá trị gần 39 tỉ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước. Việc bán các sản phẩm liên quan đến làm việc từ xa và cách ly tại gia đã thúc đẩy nhu cầu về chip. Đồng thời, các công ty ở Trung Quốc đã tích trữ chất bán dẫn do các hạn chế thương mại đối với việc mua chất bán dẫn của nước ngoài bởi cuộc chiến thương mại với Mỹ.
Ondrej Burkacky, nhà phân tích về lĩnh vực bán dẫn tại công ty tư vấn McKinsey cho biết: “Không sớm thì muộn, người tiêu dùng sẽ phải hứng chịu cuộc khủng hoảng chip. Mùa cao điểm của hàng điện tử tiêu dùng là trong quý 3 và quý 4, khi đó có thể sẽ thiếu hụt nhiều sản phẩm khác nhau”.
Gã khổng lồ di động và cung cấp tiện ích mạng Trung Quốc Xiaomi cảnh báo rằng, các chi phí liên quan đến sự thiếu hụt chất bán dẫn sẽ được chuyển cho người tiêu dùng. Còn hãng sản đồ gia dụng Electrolux cũng cảnh báo rằng, nguồn cung chất bán dẫn có thể xấu đi trước khi tình hình được cải thiện và tình trạng thiếu hụt sẽ kéo dài trong nửa cuối năm nay.
Trong một thông tin khác, theo một cuộc khảo sát thực hiện bởi Nikkei Asia, các công ty Trung Quốc sản xuất thiết bị cho việc sản xuất chất bán dẫn gặp khó khăn trong việc phát triển máy móc để chế tạo những con chip nhỏ nhất và tiên tiến nhất. Đa số bảy công ty Trung Quốc trong cuộc khảo sát cho biết thiết bị của họ được sử dụng để sản xuất chip có độ phân giải từ 14 đến 28 nanomet, chậm hơn hai hoặc ba thế hệ so với chip tiên tiến nhất hiện có. Lý do cho điều này là các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ. Những điều này đã gây khó khăn cho việc mua các linh kiện và vật liệu cần thiết từ nước ngoài để có thể chế tạo những con chip tiên tiến hơn. Trong số 7 công ty được khảo sát, AMEC đã thành công trong việc phát triển một con chip 5 nanomet. Trung Quốc đặt mục tiêu tự cung cấp 70% chất bán dẫn vào năm 2025. Nhưng nhiều dự án đã thất bại, đó là lý do tại sao chính phủ hiện hiếm khi đề cập đến mục tiêu đó.
(Đại sứ quán Việt Nam tại Thuỵ Điển)