Trong Quý III/2020, kết quả kinh doanh của Airbus đã cải thiện nhờ các đơn hàng giao máy bay cho Trung Quốc. Airbus dự báo tăng sản xuất từ nay đến cuối 2021.
Liệu đây có phải là ánh sáng cuối đường hầm khi lần lượt Airbus rồi Safran tỏ ra lạc quan tương đối trong các tháng tới. Báo cáo kết quả kinh doanh được công bố ngày 29/10 của hãng sản xuất máy bay châu Âu cho thấy các tín hiệu phục hồi. Từ tháng 6 đến tháng 9/2020, hãng sản xuất máy bay hàng đầu thế giới đã ngừng “đốt” tiền mặt như đã làm từ đầu năm 2020. Sau khi chứng kiến 12,4 tỷ “bốc khói” từ tháng 1 đến tháng 6/2020, dòng tiền của hãng cuối cùng đã dương trở lại. Guillaume Faury, CEO của Airbus, vui mừng thông báo “Airbus đã ngừng thua lỗ”. Thực tế, Airbus đã thu 600 triệu euros trong 3 tháng nhờ cải thiện về giao hàng so với các quý trước và dự kiến xu hướng thuận lợi sẽ tiếp tục được duy trì trong 3 tháng cuối năm.
Hoạt động sản xuất phục hồi
Airbus không phải là hãng duy nhất có tin vui về kết quả kinh doanh. Ngày 30/10/2020, Safran cũng cho thấy các tín hiệu phục hồi. Sau khi công bố kết quả kinh doanh quý, Philippe Petitcolin, Tổng Giám đốc Safran, tuyên bố “tương đối lạc quan” trong tương lai gần và khẳng định mục tiêu của năm 2020 là duy trì mức giảm doanh thu ở ngưỡng 35% so với 2019.
Hai gã khổng lồ trong ngành công nghiệp hàng không có cơ sở để đưa ra dự báo trên. Bất chấp ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Airbus đã giao thành công 341 máy bay trong 9 tháng đầu năm, cao hơn nhiều so với Boeing (98 máy bay). Một kết quả tốt cho phép hãng sản xuất máy bay châu Âu cảm nhận được sự phục hồi trong hoạt động. Ngay lập tức, Airbus đã yêu cầu các công ty thầu phụ lớn của mình sẵn sàng khôi phục tốc độ sản xuất từ quý III/2021.
Guillaume Faury cho biết “chúng tôi muốn đảm bảo rằng các nhà cung cấp sẽ có khả năng theo kịp nếu chúng tôi quyết định tăng tốc vào cuối 2021”. Mục tiêu đặt ra ban đầu là tăng sản lượng sản xuất máy bay A330 Neo từ 40 chiếc lên 47 chiếc/tháng. Tuy nhiên, mục tiêu này chưa được chấp thuận. Trước khi đồng ý, ông Petitcolin cho biết “cần kiểm tra trước” liệu Safran có thể gia tăng sản xuất được không và thảo luận giữa hãng sản xuất động cơ với Airbus “đang trên đà tiến triển tốt”.
Rõ ràng châu Á, mà cụ thể là Trung Quốc, đang đem lại nụ cười cho các doanh nghiệp trong công nghiệp hàng không khi mà, theo ông Petitcolin, “hoạt động tại đây (về cơ bản) đã trở lại mức của 2019”. Lưu lượng vận tải tại Trung Quốc hiện chỉ còn thấp hơn 4% so với cùng kỳ 2019, vượt xa so với châu Âu và Bắc Mỹ, tương ứng 52% và 40% thấp hơn so với cùng kỳ năm trước. Khác với châu Âu nơi bầu trời gần như trống trơn, hàng ngày tại Trung Quốc vẫn có 13.000 chuyến bay nội địa.
Nỗi thất vọng của các hãng hàng không
Sự bùng nổ của hàng không châu Á chính là tín hiệu tốt đối với Airbus, giúp hãng củng cố vị thế dẫn đầu, đặc biệt với doanh số bán hàng của A320 vốn đã chiếm 55% thị phần của dòng máy bay tầm trung. Trái lại, Boeing vẫn đang bị kẹt trong khó khăn khi dòng máy bay 737 MAX tiếp tục bị cấm trên toàn thế giới sau hai thảm họa hàng không tháng 10/2018 và tháng 3/2019 khiến 349 người thiệt mạng.
Tuy nhiên, thời điểm khó khăn này có lẽ sẽ sớm kết thúc. 737 MAX có thể sẽ sớm được cấp phép bay trở lại bởi Cơ quan hàng không Mỹ và Canada trong các tuần sắp tới. Theo Petitcolin, American Airlines, khách hàng lớn nhất của Boeing có lẽ đã nhận được bảo đảm từ Boeing và “đã lên lịch cho một chuyến bay thương mại tại Mỹ bằng 737 MAX vào ngày 29/12/2020”.
Nếu như các hãng sản xuất máy bay tìm lại được hy vọng thì các hãng hàng không vẫn đang tiếp tục nhận trái đắng. Ngày 30/10, Air France – KLM công bố lỗ 1,6 tỷ euros trong Quý III, cùng ngày, IAG, chủ của British Airways và Iberia, cũng công bố khoản lỗ 1,76 tỷ euros. Với hai hãng hàng không này, việc công bố tái cách ly phong tỏa có thể sẽ là hồi chuông đánh dấu sự kết thúc của tham vọng phục hồi vào Giáng Sinh. Air France đã kỳ vọng vào sự trở lại của khách du lịch bay đi Antilles và Réunion trong dịp lễ cuối năm để củng cố, ít nhất là tạm thời, tình trạng tài chính của hãng. Trước đó, hãng đã có kế hoạch đưa năng lực khai thác lên ngưỡng 50% số chỗ, điều chắc chắn sẽ không thể đạt được trong bối cảnh hiện nay.
(Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp)