Sự cáo chung của Quốc gia-Dân tộc hay sự chuyển dịch chủ quyền trong kỷ nguyên công nghệ?

0
75

Liệu có phải thêm vào danh sách các biến cố sẽ diễn ra trong tương lai gần một dự báo về sự cáo chung của các Quốc gia – Dân tộc? Trong bối cảnh phi toàn cầu hóa đang manh nha, một xu hướng nổi lên là việc các quốc gia tái khẳng định chủ quyền, nhất là với việc xuất hiện trở lại các chính phủ tỏ rõ quyết tâm giành lại quyền quyết định vận mệnh. Tuy nhiên, mối đe dọa mà các quốc gia này cũng như tất cả các quốc gia khác phải đối mặt có thể sẽ không phải là chủ nghĩa tự do và toàn cầu hóa như rất nhiều trong số họ thường hùng biện mà chính là cuộc cách mạng kỹ thuật số và các siêu-nền-tảng (mega-platforms) đang ngày càng có khả năng đối đầu với các quốc gia truyền thống.

Một phần quan trọng của thế giới hiện đại chúng ta đang sống được kiến tạo từ năm 1648 với việc Hòa ước Westphalia ấn định rằng các Quốc gia – Dân tộc là những thực thể có chủ quyền duy nhất trong việc cai trị các lãnh thổ. Ngay vào thời điểm đó, công nghệ đã đóng vai trò rất quan trọng trong việc hạ bệ các lãnh chúa địa phương. Cách mạng công nghiệp vào thời điểm đó đã cho phép cải tiến một cách ngoạn mục hiệu năng của đại bác giúp dễ dàng san phẳng thành lũy của các lãnh chúa. Trong gần 400 năm qua có một vài yếu tố cho phép các Quốc gia – Dân tộc tiếp tục độc quyền nắm giữ chủ quyền và khẳng định chủ quyền ở trong các đường biên giới phân chia rõ ràng trong một không gian ngày càng được mở rộng (trên biển, trên không gian…) bao gồm việc đầu tư vào hệ thống vũ khí hiện đại dựa trên sức mạnh của thuốc nổ, tổ chức quản trị theo hệ thống tập trung hóa, phát hành tiền tệ… Cho đến ngày nay, phần lớn các cuộc xung động vũ trang đều khởi đầu do việc các đường biên giới này bị xét lại và qua đó cho thấy rằng khái niệm chủ quyền chủ yếu liên quan đến lãnh thổ.

Gần 1/2 thiên niên kỷ sau Wesphalia, vào thời kỳ của tiến bộ công nghệ ảo (virtualization), của thông tin và xử lý thông tin, hoàn toàn có lý do để đặt câu hỏi rằng liệu không gian địa lý vẫn còn mang tính quyết định. Ngày nay, một cuộc cách mạng công nghệ diễn ra ồ ạt và không thể đảo ngược đang ủng hộ các lập luận này. Những biểu tượng một thời của Nhà nước chủ quyền, dù rất nhỏ, đang được chuyển dịch dần sang lĩnh vực tư nhân. Thư tín chuyển từ bưu chính sang WhatsApp (thậm chí thế hệ trẻ còn bỏ qua cả email), các bản đồ địa hình được chuyển giao từ các thiết chế công và quân sự sang các tác nhân hoàn toàn tư nhân như Apple hay Google Maps. Dữ liệu giờ đây trở thành “nguyên liệu” có tính quyết định hơn tất cả và chỉ một nhóm nhỏ các tập đoàn có thể tạo ra một dạng quyền lực kinh tế và ảnh hưởng không thể so sánh. Họ chính là những siêu-nền-tảng mà chủ thể của nó có quy mô lớn đến mức nó có thể gia tăng không ngừng lượng thông tin mà nó quản trị và bởi vậy các thuật toán của chúng có thể gia tăng khả năng thâm nhập và phân tích các cá nhân ở một cấp độ hết sức riêng tư.

Quyền lực của các tập đoàn này ngày càng liên hệ mật thiết với khả năng của họ trong việc sử dụng nguồn “vàng đen” của Thế kỷ 21, tức là dữ liệu (data). Từ con số không, chỉ trong vài năm doanh số của họ có thể đạt đến 10 tỷ USD như trường hợp của Prime Video thuộc tập đoàn Amazon và kỳ tích đó có được nhờ vào thuật toán của nó cho phép xác định được một cá nhân bất kỳ sẽ thích xem một bộ phim nào đó. Với tổng giá trị vốn hóa hơn 4100 tỷ USD, 5 đại gia công nghệ Mỹ (Google, Amazon, Facebook, Apple et Microsoft) đã vượt qua tổng GDP của Đức (nền kinh tế quốc gia lớn thứ ba thế giới). Bởi vậy, những người đứng đầu của họ như Tim Cook hay Mark Zuckerberg, khi tới Paris có thể tự quyết định sẽ đồng ý tiếp xúc với ai trong giới chính trị Pháp. Ở nhiều góc độ khác nhau, họ có vị thế ngang bằng với các nguyên thủ quốc gia, có thể áp đặt lịch trình của họ cho các bộ trưởng, từ chối làm việc với Thượng viện (như Mark Zuckerberg) và thậm chí một lãnh đạo của giới trùm công nghệ thông tin của Mỹ còn vờ vịt rằng không có thời gian để gặp ông Bộ trưởng Kinh tế.

Các doanh nghiệp này có mặt khắp mọi nơi diễn ra các cuộc đàm phán quốc tế cho dù đó là về Quy định chung bảo vệ dữ liệu của châu Âu (RGPD), các thỏa thuận liên quan đến xử lý các dữ liệu được trao đổi giữa châu Âu và Mỹ hay về các sáng kiến thay đổi nguyên tắc đánh thuế trong khuôn khổ BEPS của OECD (liên quan đến mức thuế sàn và di chuyển lợi nhuận). Lợi ích của họ không chỉ là về kinh tế mà còn thúc đẩy một tầm nhìn về thế giới theo các giá trị như tinh thần nổi loạn và tự do. Tinh thần tự do, nổi loạn này bắt nguồn ở California, vốn muốn tách rời và đối lập với phần Đông của nước Mỹ, đã được tăng cường bởi cuộc cách mạng bảo thủ đã đưa Ronald Reagan ở Mỹ và Magaret Thatcher ở Anh lên nắm quyền vào những năm 1990. Kể từ đó, ý tưởng cho rằng các tác nhân tư nhân, dựa vào các tiến bộ công nghệ, có thể thay thế một cách hữu ích cho các chức năng vốn được đảm nhiệm bởi nhà nước và các dịch vụ công.

Những dấu hiệu về sự chuyển dịch các chức năng mang tính chủ quyền từ nhà nước sang tư nhân liên tục xuất hiện trong những năm qua. Một trong những ví dụ điển hình nhất là cuộc cãi vã ê chề giữa FBI và Apple về công cụ giải mã các tin nhắn trên iPhone của hai kẻ khủng bố tại San Bernardino. Một vài chuyển dịch chủ quyền thậm chí còn có được sự đồng lõa của chính các thiết chế công. Chẳng hạn, “quyền được lãng quên” do nhóm G29 (nhóm các cơ quan điều tiết quản lý dữ liệu cá nhân trong EU) và được Ủy ban quốc gia về tin học và quyền tự do Pháp ủng hộ, cho phép các nền tảng chấp nhận yêu cầu của các cá nhân xóa mọi dấu tích chỉ ra liên hệ giữa họ với các hành vi phạm tội có thể có. Mỗi ngày, hàng trăm ngàn các tin nhắn được khoảng 10.000 quản trị của Facebook gỡ bỏ và điều này cho thấy quyền quản trị đối với tự do biểu đạt đã bị chuyển giao cho tư nhân thay vì nhà nước. Hiện nay, nhiều quốc gia (trong đó có Mỹ) cho phép các tác nhân tư có thể tự mình giành lại công bằng khi họ bị tấn công mạng (hack-back) thông qua việc áp dụng các công nghệ tin tặc nhằm chính vào đối thủ bị nghi ngờ là bên tấn công. Điều đáng quan ngại nằm ở chỗ, nhà nước và các thiết chế công hiện đại được hình thành nhằm ngăn chặn việc mỗi cá nhân tự cho phép mình có quyền phán xử và tự thực thi công lý theo cách của riêng mình. Và vì vậy, sẽ hoàn toàn hợp lý khi đặt câu hỏi về vai trò của các thiết chế và rộng hơn là của các Quốc gia – Dân tộc trong kỷ nguyên công nghệ.

(Gilles Babinet, Institut Montaigne, ngày 21/11/2018)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here