Home Sự kiện Tin tức & Sự kiện Standard Chartered: Việt Nam tiếp tục khẳng định là trung tâm sản...

Standard Chartered: Việt Nam tiếp tục khẳng định là trung tâm sản xuất của thế giới

0
60

Trong công bố báo cáo kinh tế vĩ mô về Việt Nam, Ngân hàng Standard Chartered (S&C) tiếp tục đưa ra những nhận định khả quan. Theo đó, đà phục hồi của Việt Nam sẽ mạnh hơn trong quý 2/2022. Việt Nam tiếp tục khẳng định là một trung tâm sản xuất và một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu bất chấp những thách thức liên quan đến căng thẳng địa chính trị giữa Nga-Ukraine và tình hình dịch bệnh COVID-19.

Tuy nhiên, đề cập về rủi ro về lạm phát, S&C nhận định sự thay đổi toàn cầu sắp diễn ra theo hướng thắt chặt tiền tệ có thể làm giảm tính linh hoạt trong chính sách. S&C đánh giá Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục giữ nguyên lãi suất, qua đó giúp hỗ trợ tăng trưởng tín dụng và quản lý rủi ro lạm phát. Bà Wee cho biết: “Chúng tôi kỳ vọng sự phục hồi của Việt Nam sẽ tăng tốc rõ rệt vào năm 2022, bắt đầu từ cuối quý 1. Dự báo tăng trưởng là 6,7% cho năm 2022 và 7% cho năm 2023”.

Trong Báo cáo mang tựa đề “Việt Nam – đà phục hồi sẽ mạnh hơn trong quý 2”, Ngân hàng S&C duy trì dự báo tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam ở mức 6,7% trong năm 2022 dựa trên các cơ sở chắc chắn rằng chỉ số kinh tế đã có sự phục hồi trên diện rộng.

Dự báo của S&C về tăng trưởng GDP của Việt Nam ở mức 6,7% trong năm 2022 khá gần với đánh giá của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).

Báo cáo của S&C cũng nhận định quá trình phục hồi kinh tế có thể sẽ diễn ra mạnh mẽ hơn vào cuối quý 2, khi nhu cầu nội địa và lĩnh vực du lịch phục hồi mạnh. Các chuyên gia của S&C nêu rõ: “Chính phủ đã dỡ bỏ quy định về cách ly cho khách quốc tế đến Việt Nam kể từ giữa tháng 3. Chúng tôi cho rằng việc mở cửa lĩnh vực du lịch, vốn đóng góp 10% vào GDP, sẽ là yếu tố cần được quan sát và đánh giá sát sao trong quý 2/2022 sau 2 năm phải đóng cửa vì dịch bệnh”.

Đặc biệt, theo S&C, Việt Nam tiếp tục là một trung tâm sản xuất và một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Vốn đầu tư nước ngoài tăng nhanh tiếp tục là động lực quan trọng cho nền kinh tế hơn 97 triệu dân. Báo cáo khẳng định:“Các nhà đầu tư nước ngoài sẽ tiếp tục là động lực chính giúp Việt Nam đóng góp vào chuỗi cung ứng toàn cầu”.

Dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chảy vào Việt Nam đã bắt đầu tăng lên trong năm nay sau khi suy giảm trong năm 2021. S&C kỳ vọng xu hướng này sẽ còn tiếp diễn, đặc biệt là trong các lĩnh vực như sản xuất và cung ứng điện, xăng dầu và thiết bị điều hòa không khí.

Ông Tim Leelahaphan, chuyên gia kinh tế của S&C phụ trách Thái Lan và Việt Nam nhấn mạnh: “Nhiều doanh nghiệp công nghệ lớn trên thế giới đã chuyển hoặc có kế hoạch chuyển hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam trong những năm gần đây nhằm đa dạng chuỗi cung ứng”.

Cũng theo báo cáo vĩ mô lần này, các ngành mũi nhọn của kinh tế Việt Nam như da giày, dệt may hay sản xuất linh kiện điện tử tiếp tục phát huy thế mạnh. Ông Tim Leelahaphan cho biết: “Việt Nam tiếp tục là một trung tâm sản xuất của khu vực ở các lĩnh vực như điện tử, dệt may và da giày”.

Trong báo cáo kinh tế vĩ mô về Việt Nam, S&C giữ nguyên dự báo về lạm phát của Việt Nam ở mức 4,2% năm 2022 và 5,5% năm 2023.

Các yếu tố về nguồn cung sẽ mang đến rủi ro làm gia tăng lạm phát, đặc biệt là tình hình căng thẳng địa chính trị hiện tại. Ở thời điểm hiện tại, lạm phát tại nhiều nước châu Âu hay châu Á đang tăng lên mức cao nhất trong nhiều năm qua, do giá năng lượng tăng vọt, nguyên nhân là do ảnh hưởng từ tình hình căng thẳng Nga – Ukraine và làm gia tăng thêm áp lực với chính phủ các nước.

Đồng tiền của Việt Nam cũng được các chuyên gia của S&C đánh giá tích cực. Ông Leelahaphan cho biết: “Việt Nam có thể sẽ tiếp tục đạt thặng dư tài khoản vãng lai trong năm nay khi lĩnh vực du lịch phục hồi, mặc dù giá cả hàng hoá tăng cao”.

Nhóm các chuyên gia S&C cũng lưu ý thêm về một khía cạnh khác của nền kinh tế. Theo đó, Việt Nam có thể phải đối mặt với những rủi ro ngắn hạn, đặc biệt là liên quan đến sự phục hồi của lĩnh vực du lịch và các rủi ro đến từ tình hình dịch bệnh.

Yếu tố khách quan như nền kinh tế toàn cầu phục hồi chậm lại và giá dầu thế giới tăng mạnh do cuộc chiến giữa Nga-Ukraine cũng ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu và lạm phát của Việt Nam. Vừa qua, bà Michele Wee, Tổng Giám đốc S&C Việt Nam cho biết, trong bối cảnh hiện nay, có những thách thức không chỉ với Việt Nam mà nhiều quốc gia khác là cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và ổn định giá cả.
Thọ Anh

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here