Trong khi cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung là yếu tố then chốt thúc đẩy xu hướng chuyển dịch sản xuất, chuỗi cung ứng toàn cầu, dòng vốn chạy khỏi Trung Quốc, đại dịch COVID-19 được coi là yếu tố thúc đẩy tiến trình này nhanh hơn. Theo nhiều chuyên gia, Việt Nam sẽ lại là quốc gia chiến thắng trong làn sóng này.
Tuy nhiên, dù đã có cơ hội vàng, nhưng nếu muốn tạo thế cân bằng với các đối thủ cạnh tranh trong cuộc đua đón đầu làn sóng dịch chuyển đầu tư sau dịch, Việt Nam cần hành động nhanh hơn nữa, đặc biệt là nâng cấp tay nghề lao động, cơ sở hạ tầng, đối sách chiến lược hợp lý.
Câu hỏi liệu Việt Nam có thể thay thế Trung Quốc trong chuỗi cung ứng toàn cầu hay không khó mà có thể trả lời trong một sớm một chiều. Tuy nhiên, với việc là điểm sáng trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI), Việt Nam nên tận dụng thật tốt mọi lợi thế hiện có để chuẩn bị cho cú hích lớn của nền kinh tế có mức độ tăng trưởng thần kỳ, mở cửa tiến sâu ra thị trường thế giới.
Hậu COVID-19, Việt Nam có thắng khi đón làn sóng chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc?
Theo nhiều chuyên gia kinh tế và đại diện các tập đoàn xuyên quốc gia, Việt Nam không chỉ là bên chiến thắng trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, kiểm soát vô cùng tốt đại dịch COVID-19, mà còn đang nổi lên như một trong những ứng cử viên hàng đầu trong lựa chọn cứ điểm sản xuất mới của các doanh nghiệp, nhà đầu tư khi làn sóng di dời chuỗi sản xuất khỏi Trung Quốc ngày càng được đẩy nhanh.
Trên thực tế, không chỉ nhiều tập đoàn quốc tế chuyển dòng vốn, tháo chạy khỏi Trung Quốc nhằm tránh hệ lụy của cuộc chiến thương mại chưa có hồi kết giữa Washington và Bắc Kinh, mà chính dịch bệnh COVID-19 hiện nay khiến ngày càng nhiều quốc gia nhận diện rõ hơn những nguy cơ tiềm ẩn khi các chuỗi cung ứng lớn quá phụ thuộc vào Trung Quốc.
Năm 2019, trong bối cảnh cạnh tranh thương mại Mỹ-Trung leo thang, các công ty đa quốc gia đã cho thấy những động thái chuyển dòng vốn, chuỗi cung ứng ra ngoài Trung Quốc để tránh lệ thuộc vào duy nhất một nguồn cung nguyên liệu. Đến năm nay 2020, dịch COVID-19 càng làm cho làn sóng này diễn ra nhanh hơn.
Với tư cách là một trong số ít quốc gia kiểm soát tốt COVID-19, Việt Nam đang có cơ hội vàng đón nhận dòng vốn này. Ví dụ, Apple gần đây liên tục tuyển dụng nhân sự với các vị trí từ kỹ sư, quản lý vận hành. Hãng này cũng tăng sản xuất Airpods tại Việt Nam từ tháng 3. Trong khi đó, Samsung cũng từng tính đến việc chuyển dây chuyền sản xuất một số điện thoại thông minh cao cấp tới Việt Nam. Đồng thời, Việt Nam đã thực sự nổi lên như một vành đai công nghiệp và công nghiệp phụ trợ hấp dẫn với các doanh nghiệp nước ngoài.
Tờ Nikkei Asian Review của Nhật Bản ngày 8/5 dẫn nguồn tin cho biết Apple sẽ sản xuất hàng triệu tai nghe không dây AirPods ở Việt Nam lần đầu tiên trong quý này. Nikkei Asian Review đánh giá đây là dấu hiệu cho thấy Apple đang đẩy mạnh đưa chuỗi sản xuất khỏi Trung Quốc giữa đại dịch COVID-19.
Nikkei Asian Review trích dẫn nguồn tin khẳng định: “Có khoảng 3 đến 4 triệu đơn vị, tương đương 30% trong tổng số AirPods thông thường được sản xuất trong quý này tại Việt Nam”.
Hiện tại, các sản phẩm chủ chốt khác của Apple như iPhone và MacBook vẫn chưa bị áp thuế và vẫn chủ yếu được lắp ráp tại Trung Quốc. Tuy nhiên, giữa thời điểm dịch bệnh bùng phát, sản xuất kinh doanh bị đình trệ, rất có thể “sóng gió” với Trung Quốc vẫn chưa dừng lại.
Dịch chuyển khỏi Trung Quốc sẽ là xu hướng không thể đảo ngược. Các công ty công nghệ lớn của Mỹ cần tìm kiếm các cơ sở sản xuất bên ngoài Trung Quốc. Hầu hết các công ty Mỹ, bao gồm cả Apple, đang tìm kiếm các cơ sở sản xuất ở những quốc gia khác. Việt Nam, Thái Lan, Ấn Độ hay một số nước châu Mỹ và Đông Nam Á đang trở thành những điểm đến ưa chuộng.
Đặc biệt, cần phải nói thêm rằng, làn sóng tẩy chay Trung Quốc được đánh giá là cao nhất 30 năm qua sau thảm họa COVID-19. Nhiều khả năng, dòng vốn FDI trong các năm tới sẽ thay đổi mạnh mẽ. Các chuỗi cung ứng trên thế giới cũng có thể sẽ thay đổi nhanh chóng. Theo các chuyên gia, đây là cơ hội rất tốt cho các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển như Ấn Độ, Việt Nam, Mexico.
Không chỉ chiến thắng COVID-19, hưởng lợi từ chiến tranh thương mại, Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi, nhất là vị trí địa lý, môi trường ổn định và đặc biệt Chính phủ ưu tiên nhiều chính sách thu hút FDI. Tuy nhiên, việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng và nâng cao trình độ quản trị là điều cần thiết với Hà Nội lúc này.
Đón làn sóng dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc như thế nào?
Về xu hướng chuyển dịch làn sóng sản xuất, theo Giáo sư Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) chia sẻ trên VnExpress, cần có cái nhìn đa chiều, theo đó, Việt Nam cũng chỉ là một trong số các nước tham gia cuộc đua thu hút vốn này và ở châu Á ngày càng có nhiều đối thủ nặng ký hơn. Các quốc gia khác ở Đông Nam Á và Ấn Độ đã nhanh chóng ban hành nhiều chính sách thu hút vốn dòng vốn ngoại, đón đầu thời cơ mới.
Trong tháng 4, Chính phủ Ấn Độ đã đưa ra một loạt ưu đãi để lôi kéo hơn 1.000 công ty Mỹ rời khỏi Trung Quốc. Ưu tiên được dành cho các hãng cung cấp thiết bị y tế, chế biến thực phẩm, dệt may, da và phụ tùng xe hơi. Ấn Độ thuyết phục các doanh nghiệp rằng dù tổng chi phí có thể cao hơn Trung Quốc, họ vẫn còn rẻ hơn Mỹ hay Nhật Bản nếu xét về đất đai và lao động lành nghề. Nước này cũng cam kết sẽ cân nhắc các yêu cầu cụ thể về thay đổi luật lao động, hoãn áp thuế giao dịch trực tuyến của các hãng thương mại điện tử.
Trong khi đó, Thái Lan cũng tung ra loạt chính sách thu hút đầu tư mới gồm các biện pháp về thuế, sửa đổi Luật Kinh doanh nhằm nới lỏng quy định với đầu tư nước ngoài.
Về phần mình, ngay từ giữa năm 2019, Malaysia đã đưa ra chương trình hỗ trợ đầu tư quy mô 1 tỷ ringgit (khoảng 240 triệu USD) nhằm hỗ trợ thuế, tài chính cho các doanh nghiệp nước ngoài chọn nước này là điểm đến.
Trong một báo cáo mới đây khi phân tích về chính sách thu hút đầu tư trong “giai đoạn bình thường mới”, công ty Jones Lang Lasalle (JLL) cũng cho rằng Việt Nam không phải điểm đến hấp dẫn nhất.
Tổng giám đốc JLL Việt Nam Stephen Wyatt phân tích, mức lương công nhân sản xuất tại Trung Quốc hiện cao gấp 3 lần Việt Nam, nhưng trình độ tay nghề của công nhân nước này cũng cao hơn.
Xét về quy mô, lượng lao động công nghiệp di cư ở Trung Quốc còn cao hơn dân số Việt Nam. Bên cạnh đó, một khối lượng lớn ngành hàng sản xuất là để phục vụ thị trường nội địa Trung Quốc.
Thêm nữa, không phải ngành, lĩnh vực sản xuất nào của Việt Nam cũng sẵn sàng đón nhận thời cơ. Ví dụ ngành công nghiệp phụ trợ được dự báo đón nhận ít thông tin lạc quan từ thời cơ mới.
Bà Trương Thị Chí Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam cho biết Việt Nam hầu như không đáp ứng được các yêu cầu chuyển giao, trong khi nhiều quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Malaysia lại sở hữu lợi thế lớn hơn hẳn. Bà phân tích, quy mô doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam rất nhỏ, trung bình chỉ dưới 200 lao động, dây chuyền, máy móc thiết bị ít nên chỉ đáp ứng được các đơn hàng nhỏ và linh kiện rời. Chỉ có một vài công ty có thể sản xuất cả cụm linh kiện. Trong khi đó, khách hàng chuyển từ Trung Quốc luôn cần sản lượng rất lớn, sản phẩm phải là cụm linh kiện hoàn chỉnh.
Để có thể tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, chuỗi phải đầy đủ công đoạn, cần nhiều doanh nghiệp đảm nhận các khâu. Việc chia nhỏ này cũng góp phần cạnh tranh về giá. Trong khi đó, với nhiều hạng mục hoàn thiện, có trường hợp doanh nghiệp Việt Nam phải gửi sang Thái Lan, Trung Quốc gia công rồi gửi về, điều này càng làm chi phí cao thêm.
Đặc biệt, vấn đề khó khăn nhất là ngay cả khi đạt yêu cầu về chất lượng, chủng loại sản phẩm, doanh nghiệp Việt Nam vẫn rất khó cạnh tranh về giá so với Trung Quốc. Bà Bình nhận xét: “Nếu so với các hỗ trợ mà công nghiệp phụ trợ ngành chế tạo được chính phủ các nước áp dụng thì doanh nghiệp Việt Nam quá thiệt thòi”.
Thời gian qua, Việt Nam cũng có nhiều sự thay đổi về chính sách. Nghị quyết 50 về thu hút đầu tư nước ngoài giai đoạn mới đã được thông qua, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp đang được cấp có thẩm quyền xem xét, sửa đổi, bổ sung những chính sách mới để thu hút vốn FDI “sạch”, công nghệ cao trong bối cảnh mới.
Theo Giáo sư Mại, nếu muốn tạo thế cân bằng với các đối thủ cạnh tranh trong cuộc đua đón đầu làn sóng dịch chuyển đầu tư sau dịch, Việt Nam cần hành động nhanh hơn nữa.
Đồng tình với quan điểm này, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, Việt Nam phải chủ động tiến công vào chuỗi cung ứng mới, chứ không phải chỉ chờ họ tìm đến chúng ta để hình thành chuỗi giá trị.
Giáo sư Nguyễn Mại góp ý, chính phủ cần cải thiện hạ tầng đất đai, công nghệ, nhân lực. Bên cạnh đó, đơn giản hóa các thủ tục đầu tư, rút ngắn thời gian thẩm định, cấp phép. Cuối cùng là hỗ trợ nhà đầu tư triển khai nhanh dự án bằng cơ chế một cửa.
Ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, nền tảng quan trọng nhất để Việt Nam đón nhận cơ hội này chính là đẩy mạnh cải cách thể chế. Theo đó, cần kiên định hiện thực hóa mục tiêu đưa Việt Nam lọt vào nhóm 3, 4 về năng lực cạnh tranh và môi trường kinh doanh trong ASEAN, “coi đó là thước đo đánh giá hoàn thành nhiệm vụ chính trị của người đứng đầu ở các ngành, địa phương”.
Ngoài cải cách thể chế, đẩy nhanh chính sách thông thoáng thu hút FDI, Chính phủ cũng cần chăm chút cho thị trường nội địa. Việc này có thể làm thông qua các chính sách kích cầu tiêu dùng, giúp ngành công nghiệp nội địa phát triển, tránh sự phụ thuộc vào nguồn cung nguyên liệu nước ngoài và gặp trở ngại khi đứt gãy mắt xích nào đó trong chuỗi cung ứng.
Bà Trương Thị Chí Bình cho rằng, để ngành công nghiệp hỗ trợ đón bắt được thời cơ dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc, Chính phủ cần có biện pháp tiếp cận để đàm phán cụ thể với các công ty đa quốc gia này khi đang có ý định dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc sang thị trường thứ ba. Ngoài ra, cần có kế hoạch chi tiết hình thành các tổ hợp, liên danh công nghiệp hỗ trợ gồm các doanh nghiệp nhỏ, các cụm liên kết sản xuất (industrial cluster), hoặc có biện pháp cụ thể ưu đãi cho các công ty công nghiệp hỗ trợ cỡ vừa hiện nay đầu tư mở rộng sản xuất đáp ứng yêu cầu mới. Bà nhấn mạnh “Cần xây dựng các chương trình hiệu quả khuyến khích hỗ trợ khởi sự doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ các ngành chế tạo”.
khả năng thay thế Trung Quốc, trở thành chuỗi cung ứng toàn cầu?
Theo nhiều chuyên gia, cần thẳng thắn nhìn nhận, cơ hội là có cho Việt Nam, nhưng không thể tự tin rằng Việt Nam có khả năng thay thế Trung Quốc, trở thành chuỗi cung ứng toàn cầu.
PGS., TS. Vũ Minh Khương, giảng viên Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (ĐH Quốc gia Singapore) khẳng định “Việt Nam không thể và không nên định vị là quốc gia thay thế Trung Quốc trong chuỗi cung ứng toàn cầu”. Ông đưa ra 3 lý do:
Thứ nhất, Trung Quốc với thị trường 1,4 tỷ dân và tiềm lực mạnh cả về sức mua và công nghiệp phụ trợ sẽ luôn có được quyền lực rất lớn trong định hình lại chuỗi cung ứng này.
Thứ hai, định vị Việt Nam như một điểm đến bổ trợ có độ tin cậy cao trong công thức Trung Quốc +1 thay vì cạnh tranh đối đầu với Trung Quốc giúp Việt Nam thành công hơn trong thu hút các đầu tư chiến lược.
Thứ ba, Việt Nam nên tập trung vào một số lĩnh vực trọng yếu để nhanh chóng nâng cấp nền tảng căn bản của nền công nghiệp và năng suất lao động.
Chuyên gia Vũ Minh Khương nhấn mạnh: “Dàn trải sức để đón nhận mọi dự án mà không có chiến lược rõ ràng có thể làm Việt Nam dễ tổn thương hơn ở giai đoạn tới”.
Tuy nhiên, tình hình không phải quá bi quan. Trên thực tế, xu hướng tăng đầu tư của Mỹ vào Việt Nam rất rõ rệt bất chấp dịch COVID-19. Theo Tổng cục Thống kê, đã có gần 50 doanh nghiệp cấp cao của Mỹ thăm Việt Nam để tìm kiếm cơ hội đầu tư.
Trong đó, đáng chú ý, đoàn doanh nghiệp cấp cao gồm lãnh đạo 28 công ty thông tin truyền thông, công nghệ, dịch vụ tài chính, năng lượng, khoa học đời sống, y tế, với những tên tuổi nổi tiếng toàn cầu như General Motors, Cocacola, ExonMobil, Facebook, Google, Netflix, Discovery, Bank of America, Visa, FedEx cũng đã không còn xa lạ gì với Việt Nam.
Như phát biểu của ông Alex Feldman, Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Mỹ-ASEAN (USABC) khẳng định, Việt Nam là một điểm sáng về đầu tư cho các doanh nghiệp nước ngoài vài năm trở lại đây, trong đó có các doanh nghiệp đến từ Mỹ.
Ông Feldman nhấn mạnh: “Không ở đâu trong khu vực đang diễn ra nhiều cuộc gặp gỡ, quy tụ nhiều doanh nghiệp hàng đầu của Mỹ như tại Việt Nam giai đoạn hiện nay. Trong số 45 doanh nghiệp đến Việt Nam lần này, có hơn 30 doanh nghiệp lớn và gần 20 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực khoa học, đời sống và y tế. Điều đó tiếp tục khẳng định Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn của các doanh nghiệp Mỹ”.
Thọ Anh