Siêu thị Coop Thụy Điển thu hồi hạt điều, doanh nghiệp xuất khẩu cần lưu tâm gì?

0
19
Hạt điều là một trong những sản phẩm xuất khẩu được thị trường Thuỵ Điển ưa chuộng. (Nguồn: Vneconomy)

Mặc dù các sản phẩm bị Coop Thụy Điển thu hồi không phải đến từ Việt Nam, nhưng sự cố này là lời cảnh báo quan trọng cho các doanh nghiệp xuất khẩu trong việc tuân thủ các quy định chất lượng quốc tế.

Sáng 5/12, bà Nguyễn Thị Hoàng Thuý – Vụ trưởng, Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Thuỵ Điển, kiêm nhiệm thị trường Bắc Âu cho biết, mới đây, siêu thị Coop – một trong những nhà bán lẻ lớn nhất Thụy Điển đã thông báo thu hồi hai loại hạt điều thuộc thương hiệu X-tra do lo ngại có thể chứa mảnh thủy tinh nhỏ gây nguy hiểm cho sức khỏe người tiêu dùng.

Hai loạt hạt điều này gồm Hạt điều X-tra tự nhiên và Hạt điều X-tra rang muối. Coop đã ngừng bán các sản phẩm bị ảnh hưởng và yêu cầu khách hàng trả lại hàng hóa hoặc hóa đơn để được hoàn tiền.

Hạt điều là một trong những sản phẩm xuất khẩu được thị trường Thuỵ Điển ưa chuộng. Việt Nam là một trong những quốc gia sản xuất hạt điều hàng đầu thế giới. Nhiều năm trở lại đây, kim ngạch xuất khẩu nhân điều của Việt Nam luôn giữ vững vị trí số một thế giới, với giá trị khoảng 3 tỷ USD/năm. Tại Thuỵ Điển, Việt Nam là quốc gia cung cấp hạt điều lớn nhất cho thị trường này với kim ngạch khoảng 7 triệu USD mỗi năm, thị phần lên đến trên 46%.

Bà Nguyễn Thị Hoàng Thuý cho biết: “Mặc dù các sản phẩm bị Coop Thụy Điển thu hồi không phải đến từ Việt Nam, nhưng với việc hạt điều Việt Nam được thị trường Thuỵ Điển rất ưa chuộng, sự cố này là lời cảnh báo quan trọng cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam trong việc tuân thủ các quy định chất lượng quốc tế. Bởi thị trường Thụy Điển nói riêng và Liên minh châu Âu (EU) nói chung có yêu cầu rất cao về chất lượng và an toàn thực phẩm. Chỉ một lỗi nhỏ cũng có thể dẫn đến thu hồi sản phẩm và gây thiệt hại lớn”.

Nếu rủi ro để xảy ra việc thu hồi sản phẩm sẽ có tác động rất lớn đến hoạt động của doanh nghiệp khi làm giảm uy tín của doanh nghiệp trên thị trường quốc tế. Bên cạnh đó, ảnh hưởng đến hình ảnh chung của hàng hóa Việt Nam trong mắt người tiêu dùng nước ngoài, đặc biệt tại các thị trường khó tính như châu Âu.

Do đó, doanh nghiệp cần tăng cường kiểm soát chất lượng; rà soát kỹ quy trình sản xuất, chế biến và đóng gói. Áp dụng các biện pháp kiểm tra hiện đại để đảm bảo sản phẩm không chứa dị vật hay bất kỳ yếu tố nào có thể gây nguy hiểm.

Trong trường hợp xảy ra sự cố, cần phối hợp nhanh chóng với đối tác và cơ quan quản lý để xử lý, giảm thiểu tác động đến hình ảnh và uy tín.

“Sự cố của Coop là một lời nhắc nhở quan trọng rằng, chỉ cần một sản phẩm vi phạm, không chỉ doanh nghiệp mà cả hình ảnh hàng hóa Việt Nam cũng có thể bị ảnh hưởng. Các doanh nghiệp xuất khẩu cần đảm bảo chất lượng để giữ vững niềm tin từ thị trường quốc tế và góp phần nâng cao uy tín của thương hiệu Việt Nam trên toàn cầu” – bà Nguyễn Thị Hoàng Thuý nhấn mạnh.

Cũng theo bà Nguyễn Thị Hoàng Thuý, để xuất khẩu hạt điều sang các nước Bắc Âu, trước hết cần tuân thủ các yêu cầu nghiêm ngặt của EU. Để biết tổng quan đầy đủ về các tiêu chuẩn này, có thể tham khảo các yêu cầu cụ thể đối trên trang web Access2Markets của Ủy ban châu Âu. Mã HS của hạt điều là 0801.

Trước hết, hạt điều là một sản phẩm thực phẩm, do vậy, cần tuân thủ Luật Thực phẩm chung châu Âu (EC) 178/2022, và các qui định chung về vệ sinh thực phẩm (EU) 2017/625. An toàn vệ sinh thực phẩm là vấn đề then chốt tại thị trường châu Âu nói chung và Bắc Âu nói riêng.

Đối với quy định này, Thương vụ cho hay, mặc dù chứng nhận an toàn thực phẩm không bắt buộc theo luật châu Âu, nhưng nó đã trở thành điều bắt buộc đối với hầu hết các nhà nhập khẩu thực phẩm châu Âu. Hầu hết các nhà nhập khẩu lâu đời ở châu Âu sẽ không làm việc với bạn nếu bạn không thể cung cấp một số loại chứng nhận an toàn thực phẩm.

Hầu hết người mua châu Âu sẽ yêu cầu chứng nhận được công nhận bởi Sáng kiến An toàn Thực phẩm Toàn cầu (GFSI). Đối với hạt điều, các chương trình chứng nhận phổ biến nhất, tất cả đều được GFSI công nhận, là: Tiêu chuẩn nổi bật quốc tế (IFS); Tiêu chuẩn Toàn cầu của Hiệp hội Bán lẻ Anh (BRCGS); Chứng nhận Hệ thống an toàn thực phẩm (FSSC 22000); Chứng nhận Thực phẩm chất lượng an toàn (SQF).

Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển khuyến cáo các doanh nghiệp đảm bảo kiểm tra xem chứng chỉ nào hiện được công nhận theo phiên bản mới nhất của yêu cầu điểm chuẩn GFSI.

Ngoài ra, còn rất nhiều quy định cụ thể liên quan tới thực phẩm nói chung và hạt điều nói riêng khi nhập khẩu vào thị trường EU. Doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ và nếu cần có thể liên hệ cơ quan Thương vụ Việt Nam ở sở tại để được hướng dẫn.

Trong 10 tháng năm 2024, các doanh nghiệp Việt Nam đã xuất khẩu được 613,5 nghìn tấn nhân điều chế biến, với trị giá 3,6 tỷ USD, tăng 18,7% về khối lượng và tăng 22,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023. Với kết quả này, ngành Điều Việt Nam không những giữ vững ngôi vị đứng đầu thế giới về xuất khẩu điều nhân trong nhiều năm liên tiếp, mà còn khẳng định được uy tín của thương hiệu trên thị trường quốc tế.

Với vị thế của một cường quốc xuất khẩu điều, Việt Nam còn khẳng định được tiếng nói ngay cả trong các cuộc họp bàn đưa ra mức giá xuất khẩu cho thế giới. Hạt điều nhân của Việt Nam hiện đã có mặt trên các kệ hoàng của trên 90 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng đều qua các năm.

Thanh Hà

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here