Việc nắm bắt thông tin về chính sách thuế tối thiểu toàn cầu nhằm chủ động và nâng cao năng lực quản trị và điều hành để tăng tính cạnh tranh của Bình Dương trong chiến lược phát triển quốc gia.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương, thời gian tới có 44 doanh nghiệp FDI hoạt động trên địa bàn tỉnh sẽ thuộc diện áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu.
Theo đó, trong tổng số hơn 4.200 doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại “thủ phủ công nghiệp” thì có 44 doanh nghiệp dự kiến sẽ góp phần tăng thêm khoảng 2.000 tỷ đồng/năm vào ngân sách nhà nước.
Tính đến hiện tại, Bình Dương đã thu hút sự đầu tư từ 65 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng vốn đầu tư đăng ký lên tới 40,3 tỷ USD; trong đó có nhiều doanh nghiệp rót vốn tỷ USD. Hiện khu vực châu Á chiếm hơn 75% tổng vốn đầu tư FDI vào tỉnh này, làm cho Bình Dương trở thành điểm sáng của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Trước đó, tại Hội nghị xúc tiến đầu tư – chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) Bình Dương bối cảnh Việt Nam thực thi thuế suất tối thiểu toàn cầu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Nguyễn Văn Dành cho rằng, việc nắm bắt thông tin về chính sách thuế tối thiểu toàn cầu nhằm chủ động và nâng cao năng lực quản trị và điều hành để tăng tính cạnh tranh của Bình Dương trong chiến lược phát triển quốc gia và đồng thời thích ứng với tác động của thuế suất tối thiểu toàn cầu; qua đó giúp cho tỉnh nâng cao vị trí cũng như tạo điều kiện để tiếp tục thu hút dòng vốn FDI có chất lượng tốt nhất.
Trong khi đó, theo Tiến sĩ Nguyễn Minh Thảo, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương thì đề xuất lãnh đạo tỉnh Bình Dương cần tiếp tục cải cách và cải thiện môi trường kinh doanh để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua những thách thức thời gian tới; đồng thời liên tục gỡ khó những vấn đề phát sinh trong môi trường đầu tư nội tại của tỉnh để luôn đảm bảo một môi trường đầu tư thông thoáng, an toàn và hiệu quả sẽ giúp Bình Dương tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương Phạm Trọng Nhân cho biết, ngày 29/11/2023, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu với 93,52% đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành, có hiệu lực chính thức từ ngày 01/01/2024. Theo đó, nghị quyết về thuế tối thiểu toàn cầu không ảnh hưởng quá mức đến thu hút FDI của Việt Nam và Bình Dương và Sở sẽ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, lắng nghe góp ý và đề xuất chính sách nhằm nâng cao vị thế của tỉnh trong khu vực và trên thế giới.
Được biết, sự ra đời chính sách áp thuế tối thiểu toàn cầu nhằm mục đích ngăn chặn các hành vi chuyển giá của doanh nghiệp. Chính sách này giúp đảm bảo rằng doanh nghiệp không sử dụng các chiến lược thuế để chuyển lợi nhuận từ quốc gia này sang quốc gia khác để giảm thiểu tổng chi phí thuế.
Ngoài ra, nhằm tăng cường công bằng trong thuế thu nhập doanh nghiệp. Điều này có thể bao gồm việc đảm bảo rằng mọi doanh nghiệp đều chịu trách nhiệm đóng góp vào ngân sách quốc gia một cách công bằng dựa trên lợi nhuận thực tế mà họ tạo ra. Nhiều quốc gia cố gắng thu hút doanh nghiệp bằng cách giảm mức thuế. Tuy nhiên, điều này có thể tạo ra một cuộc đua giảm thuế, ảnh hưởng đến khả năng của các quốc gia để cung cấp các dịch vụ cơ bản và duy trì cơ sở hạ tầng.
Thuế tối thiểu toàn cầu có thể ngăn chặn tình trạng này. Bằng cách giảm sự cạnh tranh giữa các quốc gia trong việc hấp dẫn doanh nghiệp bằng thuế thấp, thuế tối thiểu toàn cầu có thể giúp tăng cường tài chính quốc tế và hỗ trợ các quốc gia phát triển.
Mục đích cuối cùng là tạo ra một môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp quốc tế đầu tư và hoạt động trên phạm vi toàn cầu, đồng thời giảm rủi ro khi đầu tư giữa các quốc gia.
Hải An