Sầu riêng Việt Nam khẳng định chỗ đứng tại thị trường Trung Quốc

0
12
Cùng với lợi thế về logistics, kỳ vọng xuất khẩu sầu riêng sẽ được tiếp tục mở rộng tại thị trường Trung Quốc. (Ảnh: Nam Khánh)

Trung Quốc đẩy mạnh mua sầu riêng Việt Nam giúp loại trái cây này lập kỷ lục lịch sử xuất khẩu trên 3 tỷ USD trong chỉ 10 tháng, tăng 45,7% so với cùng kỳ năm 2023.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu từ Cơ quan Hải quan Trung Quốc cho biết, trong 10 tháng năm 2024, Trung Quốc nhập khẩu sầu riêng đạt xấp xỉ 1,5 triệu tấn, trị giá gần 6,68 tỷ USD, tăng 10,1% về lượng và tăng 4,4% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.

Lượng tiêu thụ sầu riêng tại thị trường hơn tỷ dân này chiếm 91% lượng tiêu thụ trên toàn thế giới vào năm 2023, cho thấy tiềm năng to lớn của thị trường này.

Đáng chú ý, Thái Lan dù giữ vị trí nhà cung cấp sầu riêng lớn nhất tại thị trường Trung Quốc trong 10 tháng năm 2024, nhưng đang chịu sự cạnh tranh rất lớn đến từ các quốc gia Đông Nam Á khác, điển hình là Việt Nam.

Cụ thể, Trung Quốc đã chi gần 3,87 tỷ USD để nhập khẩu khoảng 785.000 tấn sầu riêng từ Thái Lan với giá bình quân 4.927 USD/tấn. Song, lượng sầu riêng nhập từ Thái Lan giảm 13,2% và giá trị giảm 12,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi đó, trong 10 tháng vừa qua, Trung Quốc nhập khẩu sầu riêng từ Việt Nam tăng mạnh 55% về lượng và giá trị tăng tới 42,5% so với cùng kỳ năm trước. Sầu riêng Việt Nam chiếm tới 46,9% lượng sầu riêng Trung Quốc nhập khẩu, đứng thứ 2 chỉ sau Thái Lan với 52,4%.

Thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam cho thấy, Trung Quốc đẩy mạnh mua sầu riêng Việt Nam giúp loại trái cây này lập kỷ lục lịch sử xuất khẩu trên 3 tỷ USD trong chỉ 10 tháng, tăng 45,7% so với cùng kỳ năm 2023. Đồng thời, đóng góp phần lớn vào tốc độ tăng trưởng chung toàn ngành rau, quả trong 10 tháng năm 2024, khi tỷ trọng chiếm 49,11% tổng kim ngạch.

Ông Đặng Phúc Nguyên – Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam – cho biết, năm nay, xuất khẩu sầu riêng dự kiến thu về trên 3,2 tỷ USD, tăng hơn 1 tỷ USD so với năm ngoái.

Đáng chú ý, dù ngành sầu riêng Việt Nam mới phát triển từ năm 2023 đến nay, trong khi sầu riêng Thái Lan hay Malaysia có thâm niên phát triển hàng chục năm, nhưng sầu riêng Việt cũng đã khiến các đối thủ cạnh tranh lớn phải dè chừng tại thị trường Trung Quốc.

Mặt khác, trong khi sầu riêng Thái Lan hay Malaysia mùa vụ chỉ kéo dài 3 – 4 tháng, sầu riêng Việt Nam có quanh năm. Cùng với lợi thế về logistics, kỳ vọng xuất khẩu sầu riêng sẽ được tiếp tục mở rộng tại thị trường Trung Quốc.

Không chủ quan trước các đối thủ, bà Phan Thị Mến – Tổng giám đốc Công ty TNHH Tư vấn Khoa học và Công nghệ SUTECH – thông tin, hiện, trên các kệ hàng bày bán sầu riêng tại các trung tâm thương mại ở Bắc Kinh, hầu hết đều không có sầu riêng của Việt Nam mà chủ yếu là sầu riêng của Thái Lan và Malaysia.

Trong trung tâm thương mại, đối với sầu riêng tươi, chủ yếu là sầu riêng Dona của Thái Lan, còn sầu riêng cấp đông chủ yếu là sầu Musangking cấp đông nguyên quả của Malaysia. Nếu như tại Việt Nam, sầu riêng loại C thường chuyển sang cấp đông thì sầu riêng Thái Lan vẫn bày bán loại C này. Về sầu riêng cấp đông, tại Trung Quốc, người dân cực kỳ ưa chuộng sầu riêng cấp đông nguyên quả của Malaysia.

Để chiếm “miếng bánh” thị phần tại thị trường tỷ dân này, bà Phan Thị Mến khuyến nghị, bà con nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp và nhà nước cần có biện pháp thay đổi, thúc đẩy để nâng cao chất lượng, hình thức sầu riêng nói riêng và sản phẩm nông nghiệp nói chung. Đồng thời, có những chiến lược kết nối để tăng độ tiếp cận đến với người dân Trung Quốc. Có như vậy, sầu riêng Việt Nam mới chiếm lĩnh được thị trường Trung Quốc.

Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết: “Sầu riêng Việt Nam được đánh giá là có lợi thế sản lượng dồi dào, thu hoạch rải vụ quanh năm, đặc biệt khi vào vụ không bị cạnh tranh với sầu riêng Thái Lan. Ngoài ra, một lợi thế của sầu riêng Việt Nam khi xuất khẩu sang Trung Quốc là thời gian vận chuyển nhanh và giá thành cạnh tranh”.

Tuy nhiên, để xuất khẩu bền vững đòi hỏi sản phẩm rau quả của Việt Nam phải nâng cao hơn nữa về chất lượng bởi hiện nay không chỉ Trung Quốc, nhiều quốc gia khác trên thế giới cũng đang siết chặt chất lượng nông sản nhập khẩu.

Trong chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm (tháng 8/2024), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ký kết 3 nghị định thư, mở đường cho nông sản Việt Nam, trong đó có nghị định thư về việc xuất khẩu sầu riêng đông lạnh.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Việt Nam Lê Minh hoan khẳng định, điều này sẽ góp phần thúc đẩy mạnh mẽ xuất khẩu nông sản, đặc biệt là các sản phẩm vừa được ký kết sang thị trường Trung Quốc, góp phần vào tăng trưởng của ngành nông nghiệp Việt Nam.

Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, sầu riêng đông lạnh là sản phẩm mới, có giá trị gia tăng cao hơn so với sầu riêng tươi. Việc mở cửa thị trường cho sản phẩm sầu riêng sẽ giúp đa dạng hóa chế biến, giảm áp lực về thời vụ thu hoạch, đồng thời tạo ra giá trị gia tăng lớn hơn cho ngành sầu riêng.

Hải An

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here