Trong những năm qua, Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ 8 của Mỹ, là thị trường xuất khẩu lớn thứ tư của Mỹ tại khu vực ASEAN. Ngược lại, Mỹ là đối tác thương mại lớn thứ hai và là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.
Thương mại song phương có những bước tiến mạnh mẽ
Kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước ghi nhận mức tăng trưởng đáng kể, trung bình 16% mỗi năm. Đặc biệt, sau hơn một năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, thương mại giữa Việt Nam và Mỹ đạt những bước tiến mạnh mẽ.
11 tháng năm 2024, thị trường Mỹ chiếm gần 1/3 trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam.
Thị trường Mỹ ưa chuộng hầu hết các sản phẩm nhập khẩu từ thị trường Việt Nam. Trong đó riêng với nông lâm thuỷ sản, ỹ hiện chiếm thị phần 21,7% trong tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản lớn nhất của Việt Nam sau 11 tháng.
Thương vụ Việt Nam tại Mỹ cho biết, trong ba năm qua, giá trị xuất khẩu rau quả chế biến của Việt Nam sang thị trường này tăng 30 – 45% mỗi năm. Trong khi tốc độ tăng trưởng mặt hàng này tại Liên minh châu Âu (EU) bình quân 10 – 20% một năm. Vì vậy, Mỹ thực sự là thị trường tiềm năng cho hoa quả, trái cây của Việt Nam.
Ngoài ra, nền kinh tế lớn nhất thế giới còn nhập khẩu nhiều nhóm mặt hàng thế mạnh khác của Việt Nam như đồ gỗ, dệt may, da giày… Lợi thế của hàng hoá Việt Nam chính là chất lượng tốt, giá cả cạnh tranh, đáp ứng tốt nhu cầu của người tiêu dùng Mỹ.
Năm 2024, các hoạt động tiếp xúc và trao đổi đoàn cấp cao tiếp tục được thúc đẩy. Hai bên duy trì trao đổi thường xuyên để tăng cường hợp tác và thảo luận về triển vọng mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực mới mà mỗi bên có nhu cầu nhằm mang lại sự thịnh vượng cho người dân.
Thích ứng với ông Trump 2.0
Đến Việt Nam hồi tháng 10/2024, trợ lý Bộ trưởng Thương mại Mỹ Arun Venkataraman chia sẻ, thông điệp chính của chuyến đi là nhấn mạnh mối quan hệ kinh tế chung và sự gia tăng thương mại, đầu tư giữa 2 nước.
Ông Arun Venkataraman cũng nhấn mạnh: “Dù Mỹ có thay đổi lãnh đạo, mối quan hệ kinh tế song phương sẽ vẫn tiếp tục phát triển, khi cả 2 quốc gia cùng chia sẻ mục tiêu tăng cường chuỗi cung ứng và đối phó với các thách thức trong an ninh mạng”.
Các chuyên gia thế giới cũng dự báo, sẽ có cú hích vốn FDI vào Việt Nam trong thời “Donald Trump 2.0”. Các chuyên gia nhận định, dư địa tương lai còn rất lớn trong bối cảnh hai bên đang nỗ lực thúc đẩy đầu tư, thương mại, hợp tác trên các lĩnh vực mới như công nghệ, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI)…
Trong tương lai, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng, với bối cảnh kinh tế toàn cầu đầy khó khăn, thách thức như hiện nay, nhu cầu, thị hiếu tiêu dùng tại các thị trường xuất khẩu của Việt Nam nói chung và Mỹ nói riêng đã xuất hiện nhiều xu hướng mới, yêu cầu, đòi hỏi mới, nhất là giá cả, chất lượng và các yêu cầu liên quan tới bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, tiêu chuẩn “sản xuất xanh”, chuỗi cung ứng “sạch và bền vững”.
Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam phải nhanh chóng thích ứng được với những thay đổi đó.
Với nhiệm kỳ Tổng thống thứ hai của ông Trump, các chuyên gia đánh giá, thế giới sẽ phải đối mặt với những chính sách bảo hộ thương mại quyết liệt, trong đó Việt Nam cũng sẽ chịu tác động mạnh. Điều này đặt ra yêu cầu phải chuẩn bị kỹ lưỡng.
TS. Lê Quốc Phương, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm thông tin Công nghiệp và Thương mại khuyến nghị: “Việt Nam cần phải đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nếu không sẽ không đủ nhân lực để đáp ứng dòng vốn đầu tư công nghệ cao của Mỹ”.
Tại Chương trình cà phê doanh nhân lần thứ 80 với chủ đề “Dự báo những chính sách mới của tân Tổng thống Mỹ và tác động đến kinh tế Việt Nam” diễn ra mới đây, TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách Tài chính – Tiền tệ quốc gia đánh giá, các chính sách mới của tân Tổng thống Mỹ không phải tất cả đều khó khăn nhưng chúng ta phải nhận thức những rủi ro, thách thức để có biện pháp kiểm soát tốt.
Ông Lực kiến nghị, Chính phủ một số giải pháp, cụ thể Việt Nam cần cân bằng cán cân thương mại với Mỹ bằng cách tăng nhập khẩu từ Mỹ, nhất là những sản phẩm, công nghệ Mỹ có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu như lĩnh vực bán dẫn, năng lượng, máy bay, thiết bị hàng không, thiết bị y tế.
Đồng thời, tăng năng lực nội tại như minh bạch thông tin hàng xuất khẩu. Nghiên cứu xây dựng cơ chế và khuyến khích doanh nghiệp Việt Nam mạnh dạn đầu tư sang Mỹ.
Đối với doanh nghiệp, hiện nay đang nhận được nhiều chính sách hỗ trợ từ nhà nước như chính sách giảm thuế VAT 2%, kéo dài đến tháng 6-2025, chính sách hỗ trợ lãi suất… cần tận dụng tốt để cơ cấu lại hoạt động, kiểm soát rủi ro tài chính, dòng tiền.
Khánh Ly