Theo các doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất khẩu hàng may mặc, rút ngắn thời gian giao hàng (lead time) có ý nghĩa quan trọng đối với việc tăng trưởng xuất khẩu của Bangladesh trong lĩnh vực này. Nguyên nhân chính của việc rút ngắn thời gian giao hàng do các hãng thời trang phương Tây ngày càng chú trọng, thậm chí phụ thuộc vào thương mại điện tử, bán hàng trực tuyến hơn là bán hàng theo cách truyền thống nên thời gian càng đóng vai trò quan trọng hơn.
Ông Jordi Juani, Giám đốc khu vực Châu Á, Công ty Jeanologia của Tây Ban Nha cho rằng nếu các doanh nghiệp của Bangladesh không thể đảm bảo đúng thời gian giao hàng, Công ty này sẽ lựa chọn các thị trường thay thế như Việt Nam. Do vậy, ông Juani nhấn mạnh, điều then chốt là Bangladesh cần duy trì là thời gian giao hàng ngắn lẫn giá cả cạnh tranh. Ngoài ra, để nâng cao chất lượng xuất khẩu các mặt hàng may mặc, đặc biệt là hàng sản xuất bằng chất liệu bò (denim) thì các doanh nghiệp Bangladesh cần áp dụng các công nghệ mới, nâng cao năng suất lao động và cải tiến mẫu mã, thiết kế.
Chia sẻ quan điểm trên, ông Carmen Chan, Giám đốc cao cấp Công ty Cone Denim có trụ sở tại Mỹ cũng cho rằng rút ngắn thời gian giao hàng có ý nghĩa quan trọng đối với hàng dệt may Bangladesh để chiếm lĩnh nhiều hơn thị trường Mỹ. Người tiêu dùng Mỹ ngày càng quan tâm tới giá cả hơn là nơi sản xuất mặt hàng đó; do vậy nếu giá cả càng cạnh tranh thì người Mỹ sẽ càng mua nhiều hơn. Đối với hệ thống chuỗi bán lẻ truyền thống, thời gian giao hàng có thể lên tới 90 ngày hoặc hơn, nhưng gần đây với sự phát triển của thương mại điện tử, thời gian này đã giảm xuống còn 40 – 45 ngày. Các nhà bán lẻ phương Tây đang đứng trước sức ép rất lớn do xu hướng thời trang nhanh. Hàng năm, gần 15% các cửa hàng thời trang truyền thống tại Châu Âu bị đóng cửa do khách hàng lựa chọn mua sắm trực tuyến.
Các ý kiến và đề xuất trên được đưa ra trong khuôn khổ Hội chợ xuất khẩu denim Bangladesh. Trong Chính sách xuất khẩu giai đoạn 2018-21 vừa được Chính phủ Bangladesh thông qua, sản xuất đồ denim được bổ sung vào danh sách 15 lĩnh vực được ưu tiên cao nhất. Điều này xuất phát từ thực tế rằng nhiều đối thủ cạnh tranh về xuất khẩu dệt may trong khu vực như Việt Nam, trong một vài năm gần đây đã phát triển nhanh chóng ngành công nghiệp denim. Nhiều nhà đầu tư đã đầu tư vào sản xuất denim tại Việt Nam. Việt Nam cũng được kỳ vọng là trong 3-4 năm tới sẽ trở thành 1 trong ba nước xuất khẩu denim hàng đầu thế giới./.
(Tin từ ĐSQVN tại Bangladesh)